Nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan khối ngụy quân, thúc đẩy chiến tranh du kích phát triển, giành giật kho người, kho của ở đồng bằng Bắc Bộ, tháng 4-1951, Bộ Chính trị Đảng ta quyết định mở chiến dịch Quang Trung đánh địch trên địa bàn 3 tỉnh Hà Nam-Nam Định-Ninh Bình.

Hội nghị bàn bạc đánh địch ở chiến dịch lần này đã được Bác Hồ đến dự. Bác dặn dò bộ đội phải bảo vệ bằng được tính mạng, tài sản của nhân dân đồng bằng, phải làm sao giúp cho phong trào đấu tranh chính trị của địa phương phát triển mạnh. Bác tóm tắt bằng 4 câu thơ:

"Diệt sinh lực địch

Phá tan ngụy quân

Đẩy mạnh du kích

Tranh thủ nhân dân"

Đảng ủy mặt trận chiến dịch Quang Trung gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Hoàng Văn Thái và Hoàng Sâm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là chỉ huy chiến dịch kiêm Bí thư Đảng ủy. Toàn mặt trận đã quán triệt phương châm của Trung ương Đảng: "Chiến dịch Quang Trung là chiến dịch đầu tiên ở đồng bằng, xa căn cứ địa chính, địa thế có nhiều khó khăn cho ta, thuận lợi cho địch... Không những phải thắng về quân sự mà phải thắng cả về chính trị. Cần hết sức tranh thủ dân, chú trọng việc vận động ngụy binh, vận động đồng bào công giáo, thi hành chính sách của Đảng ở các vùng có thể giải phóng...".

Địa bàn chiến dịch Quang Trung nằm ở bốn Khu: Phủ Lý, Nam Định, Phát Diệm, Thái Bình do tên đại tá Găm-bi-ê chỉ huy. Chiếm đóng Hà Nam Ninh có 4 tiểu đoàn và 27 đại đội ngụy binh. Một tiểu đoàn bộ binh thuộc địa đóng vai trò quân cơ động địa phương. Một tiểu đoàn lính Ma-rốc sẵng sàng ứng cứu ở Phủ Lý. Giải đất hẹp, liên khu Nam địch đóng trên 100 vị trí, có trên 20 vị trí có từ một đại đội trở lên, còn lại có từ 1 đến 2 trung đội. Tại phân khu Phát Diệm, địch bố phòng 50 vị trí, có 9 vị trí từ 1 đại đội trở lên.

Về phía ta, mặt trận sử dụng 3 đại đoàn bộ binh chủ lực: 320, 308 và 304, hai trung đoàn 42 và 46, năm đại đội pháo binh, một số đơn vị công binh, trinh sát, bộ đội địa phương liên khu 3 phối hợp đánh phá giao thông trên đường 5, 1, 6, 22, 10, 21, đê sông Hồng... Đại đoàn 320 do đồng chí Văn Tiến Dũng làm đại đoàn trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy. Đại đoàn 308 do đồng chí Vương Thừa Vũ làm đại đoàn trưởng, đồng chí Song Hào làm Chính ủy...

Ngày 25-5-1951, Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến giao nhiệm vụ. Đêm 28-5-1951 toàn mặt trận nổ súng. Trên hướng chủ yếu, tại thị xã Ninh Bình, tiểu đoàn 79 của đại đoàn 308 trong 30 phút đã chiến đấu, tiêu diệt gọn 1 đại đội thủy quân lục chiến Pháp ở nhà thờ Đại Phong. Đêm 29-5, tiểu đoàn 53, trung đoàn 102 đánh Non Nước và Gối Hạc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; xuất hiện tổ ba người Giáp Văn Khương, Nguyễn Văn Lục và Nguyễn Văn Giá dũng cảm, mưu trí thọc sâu chia cắt địch, diệt hỏa điểm, chiếm lô cốt... tiêu biểu cho cách đánh tổ ba người trong công kiên.

Con trai của tướng Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi là Béc-na Đờ Lát chỉ huy đồn bị chết trận ở Gối Hạc. Đây cũng là cách đánh "nở hoa trong lòng địch", đánh vào chỗ yếu nhất của đối phương do tướng Vương Thừa Vũ chỉ đạo, còn được áp dụng mãi về sau này. Đại đoàn 304 dùng trung đoàn 9, 66, 57 hạ được 6 vị trí, diệt 300 địch. Riêng trận Chùa Cao và Lan Khê bộ đội ta đánh không thành. Trên hướng Hà Nam, đại đoàn 320 nổ súng đồng loạt, khiến cho địch ở Đoan Vĩ hoảng sợ phải tháo chạy. Hai trung đoàn 48, 64 đánh địch ở Thanh Liêm. Một mũi thọc sâu luồn vào Bình Lục, bất ngờ tiến đánh bốt Quắn, diệt 120 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích tỉnh Hà Nam cùng đánh địch mạnh ở Hương Cát, Thần Lữ, Ngọc Thị... phá giao thông, diệt tề, hạ bốt.

Chỉ trong một thời gian ngắn, từ đêm 28-5 đến 31-5 bộ đội ta đã tận dụng yếu tố bất ngờ, tấn công bức rút 96 vị trí lớn nhỏ, phá tan một mảng lớn ngụy quyền, mở rộng khu du kích ở Ninh Bình và Hà Nam, làm rạn nứt phòng tuyến sông Đáy, giành thắng lợi giòn giã về quân sự và chính trị...

Nhưng ưu thế của ta không giữ được lâu. Mặc dầu bị đánh vào nơi xung yếu, nhưng quân Pháp có điều kiện cơ động thuận lợi đã nhanh chóng điều quân ứng cứu GM1, GM4 từ Hà Nội xuống Ninh Bình, Phủ Lý, cùng phi pháo... chiếm lại những vị trí đã mất. Quân ta mất dần yếu tố bất ngờ, tiếp tế khó khăn, sức chiến đấu giảm sút. Đảng ủy và Bộ chỉ huy mặt trận quyết định mở tiếp đợt hai tiến công vào quân địch. Nhưng ngày 4-6 trung đoàn 88 tiến công Chùa Cao không hoàn thành được nhiệm vụ do một số cán bộ chủ quan, dao động trong chiến đấu. Ngày 6-6 các trung đoàn 9 và 57 của đại đoàn 304 đánh Cầu Bút Ngọc Cầm và Núi Sậu cũng không dứt điểm.
Ở Hà Nam, khi đại đoàn 320 chuẩn bị tiến công Núi Gà thì ngày 3-6, một tiểu đoàn địch bao vây đánh vào 1 đại đội của trung đoàn 64 ở Đông Lương. Các chiến sĩ ta đánh trả, phá vòng vây, diệt 200 tên địch, quân ta thương vong một tiểu đội. Từ thực tế chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đại đoàn 320 ở mặt trận này đã giúp nhà văn Phù Thăng viết cuốn tiểu thuyết "Phá vây" sau này. Hình thức đánh địch ở mặt trận thời gian này cũng chuyển sang một hướng mới: đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ mùa màng, củng cố và khuếch trương thắng lợi chính trị, phát triển ngụy vận, tranh thủ tiêu diệt sinh lực địch, chống càn quét... Một lực lượng lớn quân ta được rút ra. Chỉ để lại trung đoàn 36 của đại đoàn 308, trung đoàn 9 của đại đoàn 304 và trung đoàn 64 của đại đoàn 320 ở lại chiến đấu cho đến ngày 20-6-1951 thì kết thúc chiến dịch.
Do tác chiến ở vùng đồng bằng, mặc dầu đã chọn nơi địch sơ hở, yếu nhất để đánh, nhưng đại đoàn 308 và 304 vẫn chưa quen chiến đấu tập trung ở vùng địa hình đông dân (chỉ có đại đoàn 320 có kinh nghiệm thọc sâu vào vùng địch hậu để phá khối ngụy, tề...) nên kết quả chiến thắng của chiến dịch Quang Trung bị hạn chế. Nhưng đó cũng chính là những bài học cho bộ đội ta trưởng thành qua từng chặng đường để đi đến thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ và vinh quang.
NGUYỄN HỒNG HÀ