Thu-đông năm 1950, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch lớn, tiến công tiêu diệt quân Pháp trên dọc tuyến biên giới từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai...
Thu-đông năm 1950, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định mở chiến dịch lớn, tiến công tiêu diệt quân Pháp trên dọc tuyến biên giới từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Một binh đoàn lớn của ta mới thành lập hồi tháng 8-1950 là lực lượng nòng cốt mở chiến dịch này. Trung đoàn 209 cùng Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng được giao nhiệm vụ đánh trận mở đầu chiến dịch.
Trung đoàn 209 tổ chức đi trinh sát đồn Đông Khê, nhận thấy căn cứ này được các đồn, cứ điểm xung quanh yểm trợ, bảo vệ. Địa hình Đông Khê cũng khá phức tạp, quân ta không thể cùng một lúc vượt qua căn cứ Gò Đỉnh và phố Đông Khê để tiến công đồn Đông Khê. Như vậy, muốn đánh đồn Đông Khê thì phải diệt bọn bảo vệ ở vòng ngoài. Sau quá trình điều nghiên, trung đoàn trưởng và các tiểu đoàn trưởng, cán bộ tham mưu đi cùng đã quyết định xây dựng kế hoạch tiến đánh đồn Đông Khê bằng cách đánh “bóc vỏ”, nghĩa là đánh tiêu diệt bọn địch ở vòng ngoài trước, bởi nếu diệt bọn địch ở Gò Đỉnh và phố Đông Khê thì đồn Đông Khê sẽ bị cô lập hoàn toàn, Tiểu đoàn 156 và Tiểu đoàn 166 được giao nhiệm vụ tiêu diệt bọn địch ở phố Đông Khê và Gò Đỉnh, sau đó sẵn sàng diệt viện binh. Tiểu đoàn 130 doTiểu đoàn trưởng Hoàng Cầm chỉ huy tiến công đồn Đông Khê. 17 giờ ngày 10-9-1950, Trung đoàn 209 nổ súng tiến công địch ở Đông Khê. Các vị trí địch ở vòng ngoài nhanh chóng bị quân ta “bóc gỡ”, Tiểu đoàn 130 nhanh chóng vượt qua, dùng bộc phá liên tục mở cửa đánh đồn Đông Khê. Đồn này do một tiểu đoàn lê dương phòng ngự với nhiều lớp hàng rào và lưới hỏa lực dày đặc. Trận đánh giằng co sang ngày hôm sau. Trong quá trình chỉ huy mũi nhọn xung phong, Đại đội trưởng Trần Cừ bị thương vào ngực, nhưng đã bất ngờ hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm”... rồi lao người lên, bịt kín lỗ châu mai, quân ta tranh thủ thời cơ, lao lên diệt đồn.
Ta làm chủ trận đánh, địch mất Đông Khê, một mắt xích quan trọng trên đường số 4 nên phải điều động binh đoàn Lơ-pa-giơ lên ứng cứu binh đoàn Sác-tông. Ở đây chúng đã bị Tiểu đoàn 166 chặn đánh bởi khi làm chủ Đông Khê, ta đã lên kế hoạch đánh quân tiếp viện, địch rơi vào thế trận giăng sẵn, nên thiệt hại đáng kể. Kết thúc chiến dịch, Đại tướng-Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đến thăm và khen ngợi chiến công của trung đoàn, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Cao-Bắc-Lạng.
HẢI LINH