Ngày Hiệp định Pa-ri được ký kết cũng là thời điểm đánh dấu bước thắng lợi quan trọng của Bộ đội Trường Sơn. Sau bao ngày đêm chiến đấu anh dũng dưới mưa bom bão đạn quân thù, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua tất cả để chiến đấu và chiến thắng. Ngày 7-3-1973, một lễ mừng chiến thắng hoành tráng đã diễn ra tại hội trường lớn của Sở chỉ huy Đoàn 559 đặt tại xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình với sự có mặt đông đủ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội. Đêm hôm đó, cả một dải núi rừng Trường Sơn bừng sáng bởi những chùm pháo hoa lấp lánh sắc màu chiến thắng. Đây là lần đầu tiên, bộ đội Trường Sơn được bắn pháo hoa.

Những cánh đồng lúa xanh tốt, những ngôi nhà ngói mới bên những con đường mới ở Hiền Ninh như xóa đi dấu vết bom đạn ác liệt một thời. Nhưng, quá khứ hào hùng vẫn còn như in đậm trong lòng nhiều người dân vùng quê anh dũng này. Ông Bùi Quang Lâu, nguyên Bí thư Đoàn xã Hiền Ninh những năm 1972-1973 bồi hồi nhớ lại: “Năm 1971, Sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn được chuyển về đây. Những ngôi nhà lớn khung gỗ, mái lợp lá dựng lên ở bãi đất giữa làng, là nơi làm việc của Bộ Tư lệnh, hội trường, trạm xá… Đây cũng là nơi đón tiếp các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội và các vị khách quý như Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hoàng thân Si-ha-núc và bà hoàng Mô-ních…”.

Hiền Ninh là vùng quê cách mạng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Tự hào với truyền thống quê hương, từ nhiều năm qua người dân nơi đây đã tự giác tìm kiếm, tập hợp được hàng trăm hiện vật, tài liệu về các hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ rồi lập nên một “bảo tàng cách mạng” của riêng địa phương. Tất cả những hiện vật quý giá ấy được người dân và chính quyền xã lưu giữ và trưng bày tại khu nhà trước đây là Sở chỉ huy của Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn. Nhưng những hiện vật độc bản quý giá ấy đang có nguy cơ bị xuống cấp và hư hỏng, do thời gian và do không được bảo quản đúng cách.

Trong những gian nhà cấp 4 dột nát, những hiện vật quý được trưng bày trong những tủ kính đơn sơ, không có hệ thống hút ẩm hay thoáng khí. Trên những bức tường ẩm ướt, những bức ảnh quý, bằng công nhận di tích lịch sử và cờ, bằng chứng nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND đang bị ẩm mốc, mối mọt. Buồn hơn cả là sự xuống cấp nghiêm trọng của gian nhà chính, nơi đã từng là hội trường lớn của Sở Chỉ huy Đoàn 559 và là nơi diễn ra lễ mừng công, mừng chiến thắng của bộ đội Trường Sơn sau Hiệp định Pa-ri 1973. Dột nát, ẩm thấp, bong tróc và rêu phong là những gì đang hiện hữu trên các bức tường, mái nhà của hội trường lịch sử này. Các vết nứt xuất hiện khắp nơi. Khuôn viên hội trường đầy cỏ rác khiến di tích lịch sử một thời hào hùng nay hoang phế, tiêu điều.

Anh Nguyễn Văn Du, cán bộ Văn hóa xã cho biết: “Xã không thể bố trí nguồn kinh phí riêng để bảo quản các hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng, cũng như ngăn chặn sự xuống cấp của các ngôi nhà trước đây là Sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn. Các ban ngành chức năng cũng đã biết việc này và cũng đã có nhiều đoàn đại biểu về đây xem xét. Nhưng mọi dự định tôn tạo di tích vẫn chưa thấy triển khai…”.

Ngày kỷ niệm 50 năm mở Đường Trường Sơn huyền thoại đang đến gần, trong khi các di tích ngày một xuống cấp. Các hiện vật quý minh chứng cho một thời gian khó nhưng hào hùng của người dân Hiền Ninh đang mai một cùng thời gian. Nâng cấp di tích, bảo quản các hiện vật… là mong ước cháy bỏng của những người dân Hiền Ninh nói riêng và của tất cả những ai mong mỏi về sự trường tồn của những dấu tích về Trường Sơn oai hùng.

TÙNG LÂM