Năm 1994, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V họp tại Hà Nội. Sau phiên khai mạc, các nhà văn ra tiền sảnh hội trường trò chuyện. Tôi đang bô bô giọng Quảng Bình thì một bàn tay đặt lên vai tôi vỗ vỗ. Tôi quay lại và người tự nhiên run lên. Đại tướng hỏi: “Nhà văn ni có phải người Quảng Bình không?”. Tôi rối rít: “Dạ, cháu là người Lệ Thủy đây ạ!”. Đại tướng bắt tay tôi và bảo: “Anh đi gọi mấy nhà văn Quảng Bình đến đây chụp ảnh kỷ niệm”. Tôi vù chạy đi khắp hội trường Ba Đình, từ gác dưới lên gác trên chỉ tìm được mấy nhà văn Hoàng Vũ Thuật, Hải Kỳ, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Khắc Phê, Trần Công Tấn… Còn các anh chị Xuân Hoàng, Thái Vũ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Nguyễn Quang Lập… không biết biến đi đâu mất. Khoảng 10 phút sau mọi người mới đến, Đại tướng vẫn đứng chờ. Mọi người vây quanh Đại tướng chụp ảnh. Đại tướng kéo tôi đến đứng bên cạnh. Bức ảnh do nhà thơ Trần Phương Trà, người Huế chụp rất đẹp. Sau đó mỗi người đều được một tấm phóng to…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh kỷ niệm với đoàn nhà văn Quảng Bình tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V. Ảnh: Kiến Giang

Về bức ảnh này cũng có kỷ niệm sâu sắc lắm. Năm 1999, tôi làm đại diện báo Thương mại ở miền Trung, có bài điều tra vụ chìm chiếc tàu của Nhà nước trị giá bốn tỉ đồng, do một công ty thương binh thuê đi buôn lậu hàng Trung Quốc, bị bão ở vùng biển Hải Nam. Giám đốc công ty ấy đã cùng một băng vệ sĩ tìm đến nhà tôi, cắm phập con dao găm sáng lóa lên bàn, bảo: “Ai thuê mày viết bài? Mày phải cải chính xin lỗi, nếu không sẽ…”. Tôi bình tĩnh nói: tôi là người lính chiến trận bốn năm ròng, vào tận Sài Gòn, chỉ khác anh là tôi không bị thương thôi. Anh là thương binh, nên đánh nhau tay đôi anh sẽ thua tôi. Nhưng Đại tướng Tổng tư lệnh dạy tôi: “Quyết chiến trước kẻ thù, còn với đồng đội thì hết lòng bảo vệ. Đấy anh thấy không, tôi được chụp ảnh với Đại tướng đấy!”. Tay thương binh buôn lậu nhìn theo tay tôi chỉ, thấy tấm ảnh Đại tướng tươi cười đứng cùng tôi với mọi người. Có lẽ nhờ cái uy linh của Đại tướng mà ông ta bắt đầu hạ giọng, kể về cái chết oan uổng của người anh trai mình trên con tàu ấy, rồi khóc hu hu…

Lần thứ hai tôi được tới thăm nhà Đại tướng ở Hà Nội cả giờ đồng hồ hẳn hoi. Đó là vào dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII tháng 4-2005. Lúc này Đại tướng đã 94 tuổi, sức khỏe không còn như trước nữa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân và trưởng nữ Võ Hồng Anh từ phòng trong ra đón chúng tôi. Nét mặt Đại tướng vẫn hồng hào, mắt sáng nhanh nhẹn, giọng nói vẫn vang ấm. Nhà văn Hữu Phương, Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Bình đứng lên: “Kính thưa bác Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân, đoàn nhà văn quê Quảng Bình chúng cháu…”. Đại tướng giơ tay ngắt lời: “Cứ nói là Đại tướng và cô Hà là được rồi, phải nói là chúng tôi, chứ đừng xưng chúng cháu”. Hữu Phương lấy lại bình tĩnh, đọc tiếp bài “diễn văn” chuẩn bị sẵn và thay mặt anh em tặng Đại tướng một bó hoa tươi thắm, rồi giới thiệu từng nhà văn với Đại tướng và phu nhân. Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh tặng Đại tướng tập thơ viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại tướng ghi lời tựa…

Đại tướng nhìn mọi người một lượt rồi tươi cười hỏi: “Sao không thấy o nữ nhà văn Quảng Bình mô cả?”. Rồi Đại tướng hỏi chuyện Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, tình hình văn nghệ tỉnh nhà… Cô Hà bưng ra một hộp kẹo sô-cô-la. Đại tướng mời mọi người ăn kẹo. Thấy không ai ăn, Đại tướng tự tay cầm lên một viên kẹo bỏ vào miệng, tác phong y hệt một người lính. Thế là mọi người đều vui vẻ ăn kẹo. Đại tướng chợt bảo: “Ở đây ai có thơ gì hay đọc một bài cho mọi người nghe thơ Quảng Bình ta như thế nào. Nhưng nhớ đọc bài ngăn ngắn thôi nhé!”. Hữu Phương mau miệng giới thiệu: “Thưa Đại tướng, nhà thơ Ngô Minh, người Lệ Thủy…”. Lúc đó tôi đang ngồi gần Đại tướng, nhưng ở hàng ghế dọc. Tôi đứng lên: “Thưa Đại tướng và cô Hà, tôi quê ở Ngư Thủy, nơi có Đại đội pháo binh nữ anh hùng, tôi xin đọc bài thơ “Đứa con của cát” viết về vùng cát anh hùng ấy: Giọt mồ hôi thấm mặn những đêm sâu/ Mạ cùng xóm làng trồng rừng chống cát/ Mạ cùng xóm làng đào hầm chống giặc/ Bếp lửa mạ nhen thành ngọn hải đăng/ Mạ không dặn một lời sao con lớn lên/ Đi mô cũng nhớ về làng cát/ Năm ở chiến trường nửa đêm nóng ruột/ Biết gió mùa về cát buốt ngọn khoai…”. Trong đời làm thơ của tôi, bữa đọc thơ tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là xúc động nhất, ấn tượng nhất. Tôi không ngờ một người lính quèn như tôi, lại có lúc được ngồi trước Đại tướng Tổng tư lệnh, đọc thơ cho Người nghe!

NGÔ MINH