QĐND - Quán triệt tinh thần Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 15 về đường lối cách mạng miền Nam, tháng 2 năm 1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy triệu tập cuộc họp bàn kế hoạch thực hiện chủ trương chi viện cho chiến trường miền Nam. Tổng Quân ủy quyết định lập Phòng Nghiên cứu hoạt động. Ngày 5 tháng 5 năm 1959, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Thượng tá Võ Bẩm phổ biến nhiệm vụ và danh xưng Phòng Nghiên cứu là “Đoàn 559”. Võ Bẩm có trách nhiệm trực tiếp tuyển cán bộ, chiến sĩ ở các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết, thành lập đội quân mở đường chi viện chiến trường, đặt phiên hiệu là 301.

Ngày 10 tháng 5 năm 1959, Bí thư Tổng Quân ủy triệu tập Ban cán sự Đoàn 559 để nghe báo cáo phương án hoạt động. Thường trực Tổng Quân ủy tán thành dự kiến tạo lập bàn đạp ở tây Trị Thiên với cách tổ chức các trạm gùi liên tiếp, bí mật thâm nhập chiến trường.

Song song với mở đường xuyên Trường Sơn, Tổng Quân ủy đặt vấn đề: “Biển Đông sẽ phải có đường xuyên trùng dương hỗ trợ đắc lực cho tuyến vận tải bộ”. Nhận ý kiến chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Đường xuyên Biển Đông phối hợp đường xuyên Trường Sơn sẽ phá vỡ vòng vây phong tỏa của địch", Đoàn trưởng Võ Bẩm tổ chức Đội vận tải biển để chi viện các tỉnh ven biển ở sâu trong lòng địch.

Đồng chí Bông Văn Dĩa (ngoài cùng, bên trái), nguyên Đội trưởng Đội thuyền Cà Mau cùng các đồng đội Tàu không số. Ảnh tư liệu.

Đoàn trưởng Võ Bẩm lại đến các đoàn quân tập kết chọn được những cán bộ, chiến sĩ đã từng làm nhiệm vụ vận tải vũ khí, lương thực theo đường sông, biển ra Bắc vào Nam trong thời kháng chiến chống Pháp. Tháng 7-1959, Tiểu đoàn vận tải biển ra đời, đặt phiên hiệu là 603. Tiểu đoàn sắm thuyền, lưới làm nghề, trú đậu tại cảng cá Thanh Khê (nam cửa sông Gianh chừng 3km). Sau một thời gian luyện tập, điều tra, nghiên cứu tình hình và chuẩn bị hàng chi viện cho miền Nam, Ban cán sự chủ trương tranh thủ bất ngờ xuất quân vào dịp Tết Canh Tý. Đêm 27 tháng 1 năm 1960 (đúng đêm Giao thừa 30 tháng Chạp), Tiểu đoàn 603 cho một thuyền chở 5 tấn vũ khí rời cảng cá tiến vào Khu V. Thuyền đến vùng biển Quảng Ngãi không may gặp bão lớn, sóng dữ bẻ gãy bánh lái, thuyền trôi dạt vào Cù Lao Xanh. Kẻ địch phát hiện bủa vây, các thủy thủ cố sức chèo thuyền lẩn tránh, đồng thời bí mật thả hết hàng xuống biển. Khi thuyền sa vào tay giặc, chúng không tìm thấy tang vật nào ngoài đồ nghề đánh cá. Mặc dù kẻ địch tra tấn đủ kiểu, song không khai thác được gì và kế hoạch vận chuyển đường biển của ta vẫn được giữ bí mật.

Sau chuyến đi đầu tiên không thành công ấy, Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trên thực tế vào thời điểm này, Đoàn 559 tổ chức chỉ huy cả hai tuyến vận tải Trường Sơn và vận tải xuyên biển là vượt khả năng thực hiện. Tháng 4-1960, Tổng Quân ủy quyết định giải thể Tiểu đoàn 603, nhưng vẫn lưu giữ số cán bộ, chiến sĩ nòng cốt chờ thời cơ mới, tái thực hiện chủ trương xuyên Biển Đông.

Cuối năm 1960, tuyến Tây Trường Sơn hoạt động khá tốt, song vẫn là đường vận tải thô sơ mới đưa hàng vào khu V, chưa đến được khu VI và Nam Bộ. Trước tình hình sôi động của phong trào cách mạng miền Nam, Tổng Quân ủy kiến nghị Bộ Chính trị kiên trì quyết tâm vận tải xuyên biển. Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn với Trung tướng Trần Văn Trà trực tiếp chỉ đạo rút kinh nghiệm chuyến đi thử không thành công của Tiểu đoàn 603 và thấy rõ nguyên nhân chính là do chưa nắm vững quy luật hoạt động của địch, chưa biết rõ tình hình ngư dân làm ăn ở các vùng biển phía Nam... Tháng 2-1961, Bộ Chính trị và Quân ủy chỉ đạo Xứ ủy Nam Bộ cho điều nghiên chắc chắn, đưa thuyền ra Bắc nhận vũ khí, đồng thời làm nhiệm vụ thăm dò tình hình đường biển đi lại cách nào thật an toàn. Phó tổng Tham mưu trưởng Trần Văn Trà chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi các đội thuyền phía Nam ra Bắc. Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng hoạch định chương trình thành lập đoàn tàu vận tải biển. Phải giữ bí mật tuyệt đối quá trình đóng tàu, xây dựng bến bãi tổ chức vận chuyển.

Tháng 6-1961, đội thuyền Bến Tre ra tới miền Bắc, chiếc đầu tiên do đội trưởng Nguyễn Văn Thảo và Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Tiến điều khiển cập bến ngày 11-6. Tiếp theo các đội thuyền Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa lần lượt tới đích. Thường trực Tổng Quân ủy kịp thời nắm tình hình các đội thuyền, báo cáo Bác Hồ và Bộ Chính trị. Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quân đội đến thăm hỏi những người con kiên cường của “Thành đồng Tổ quốc”. Nghe các thủy thủ báo cáo rành mạch đường xuyên biển và cách đi khôn khéo bám dân, tránh địch của từng đội thuyền, Bộ Chính trị rất yên tâm khai thông đường vận chuyển vượt Biển Đông chi viện chiến trường xa.

Ngày 23 tháng 10 năm 1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đoàn tàu vận tải xuyên biển trực thuộc Tổng Quân ủy chỉ đạo, mang phiên hiệu 759 (ghi dấu ấn chủ trương đầu tiên vận tải biển tháng 7 năm 1959). Phương châm hoạt động “Tuyệt đối bí mật, khẩn trương với tinh thần độc lập cao”.

Đầu tháng 4 năm 1962, Trung tướng Trần Văn Trà triệu tập đồng chí Bông Văn Dĩa - Đội trưởng thuyền Cà Mau lên văn phòng nghe chủ trương của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đối với Nam Bộ về nhiệm vụ “Chuẩn bị lực lượng, bến bãi và việc bảo đảm an toàn đón tàu hàng chi viện đường biển từ miền Bắc vào”. Để bảo đảm tuyệt mật, Đội trưởng Bông Văn Dĩa phải thuộc lòng nội dung chỉ đạo, không được ghi chép. Cả những điều Xứ ủy Nam Bộ báo cáo công việc đã làm và kiến nghị với Trung ương cũng ghi nhớ trong đầu. Thuyền vào không mang vũ khí, chỉ mang đồ nghề đánh cá…

Bông Văn Dĩa khẩn trương chuẩn bị một thuyền làm nhiệm vụ. Đêm 8 tháng 4 năm 1962, từ cửa Nhật Lệ thuyền xuất phát, đến vùng biển Nha Trang thì chạm tàu tuần tiễu của địch. Các thủy thủ khôn khéo xử trí thích hợp, kẻ địch không nghi ngờ, bỏ đi. Con thuyền tiếp tục lúc đi, lúc dừng làm nghề dựa vào dân che mắt địch. Sau sáu ngày đêm thuyền vào bến Vàm Luông, Bông Văn Dĩa đến báo cáo đồng chí Ba Bường, Bí thư khu ủy Khu 9.

Mọi việc được xúc tiến khẩn trương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hạ tuần tháng 5 năm 1962, chiếc thuyền của Bông Văn Dĩa trở ra Bắc mang theo kết quả chuẩn bị lực lượng và bến nhập hàng chi viện. Chỉ có điều khác với dự kiến, sử dụng các hòn đảo để nhận hàng cho nhanh, nay tình hình có nhiều biến đổi, không còn đảo nào đủ điều kiện đặt bến bãi. Phải cải tạo một số cửa sông rạch kín đáo bên trong đất liền lập bến bãi thuận lợi hơn.

Trung tướng Trần Văn Trà lập phương án hoạt động trình bày với Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy. Kế hoạch được thông qua, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Làm thật khôn khéo, giữ được yếu tố bí mật, đường biển có thể dùng trong thời gian dài, phát huy hiệu quả lớn lắm”.

Giữa tháng 9 năm 1962, mọi mặt chuẩn bị cho đường xuyên biển bước vào hoạt động đã xong. Cùng thời gian này, ở Liên Xô cũng phóng tàu vũ trụ Phương Đông lên quỹ đạo quanh trái đất. Ngày 14 tháng 9, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên của Đoàn 759 được mệnh danh “Phương Đông 1” chở 30 tấn vũ khí xuất phát từ cảng K20 Đồ Sơn. Đi liền 5 ngày đêm tới cửa Bồ Đề cập bến Vàm Luông. Được mật báo kết quả mỹ mãn, Đoàn 759 tổ chức đi liên tiếp ba chuyến chi viện được hơn 110 tấn vũ khí, kịp tiếp sức cho quân dân Mỹ Tho đánh trận Ấp Bắc (1-1963) thắng lợi vang dội. Mở đầu thời kỳ đánh quỵ kế hoạch Stalây-Taylơ của đế quốc Mỹ.

Qua cọ xát thực tế, phát hiện tàu vỏ gỗ không thể chịu được sóng to gió lớn khi phải vượt ra khơi, Tổng Quân ủy phê chuẩn sản xuất ngay tàu vỏ sắt cho Đoàn 759. Ngày 8 tháng 2 năm 1963, xong tàu vỏ sắt đầu tiên.

Ngày 17 tháng 3 năm 1963, đồng chí Đinh Đạo, nguyên phân đội trưởng tàu quét lôi hải quân chỉ huy con tàu mới chở 44 tấn vũ khí rời quân cảng Bãi Cháy - Quảng Ninh tiến vào Bến Tre. Sáu ngày đêm chạy một mạch gần tới đích được mật báo có tàu tuần tiễu địch hoạt động. Tàu kịp thời vòng tránh xuống bến Rạch Ráng, tỉnh Trà Vinh, nhập hàng xong nhanh chóng quay về miền Bắc an toàn. Tổng bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống Đoàn 759 thăm sức khỏe thủy thủ, nghe báo cáo cụ thể tình hình hoạt động… Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi, đánh giá: "Tinh thần rất dũng cảm, thông minh, sáng tạo, được đổi mới phương tiện các đồng chí đã vượt trùng vây phong tỏa của giặc trên Biển Đông; thực hiện thắng lợi chủ trương của Bộ Chính trị chi viện lớn chiến trường xa...".

NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG