QĐND - Cuối năm 1978, Chính phủ Liên Xô và Chính phủ ta quyết định tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam trên tàu vũ trụ của bạn, với sự tham gia của phi công Việt Nam. Khi đó, Chính phủ ta thành lập Ban chỉ đạo tổ chức chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó thủ tướng Chính phủ, làm Trưởng ban. Bên cạnh đại diện các cơ quan nhà nước còn có Thiếu tướng Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được Đại tướng chỉ định là Phó trưởng ban phụ trách tuyển chọn và đào tạo phi công vũ trụ.

Tháng 7-1980, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Trung tâm huấn luyện Gargarin, Liên Xô. Ảnh chụp lại.

 

Khi đó, tôi có vinh dự được Đại tướng chỉ định làm Phó trưởng ban phụ trách chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay. Đại tướng gọi tôi đến làm việc tại phòng làm việc của Đại tướng ở số nhà 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) và giao nhiệm vụ cho tôi lựa chọn đề tài nghiên cứu cần được tiến hành trên tàu vũ trụ và soạn thảo chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay. Đại tướng căn dặn tôi: Đây là thời cơ tốt nhất để Việt Nam bắt đầu tiến hành một chương trình quốc gia nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô. Đại tướng động viên tôi: Hãy cố lên, cần Chính phủ tạo cho các nhà khoa học những điều kiện gì, cứ viết thư gửi thẳng đến Đại tướng, Đại tướng sẽ trực tiếp giải quyết. Tôi hết sức vui mừng, về Viện xin ý kiến chỉ đạo của bác Trần Đại Nghĩa rồi triệu tập viện trưởng một số viện có liên quan và đề nghị các viện đề xuất. Ngoài ra tôi cũng đến làm việc với một số cơ quan khoa học ngoài Viện Khoa học Việt Nam mời tham gia.

Sau một thời gian thảo luận, giới khoa học đã soạn thảo xong chương trình khoa học của Việt Nam trong chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam với các nội dung như: Tiến hành hai thí nghiệm về nuôi đơn tinh thể bán dẫn trong điều kiện không trọng lượng; thí nghiệm nuôi bèo hoa dâu và trồng khoai lang trên vũ trụ, với định hướng tạo nguồn thức ăn cho phi công vũ trụ trong các chuyến bay vũ trụ dài ngày trong tương lai; nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của cây đinh lăng đối với việc tăng cường thể lực của phi công vũ trụ; phi công vũ trụ Việt Nam sẽ chụp ảnh đa phổ bằng máy ảnh quang học đa phổ MKF6 của Cộng hòa dân chủ Đức mỗi khi tàu vũ trụ bay qua lãnh thổ Việt Nam. Đây là nội dung khó nhất khi các chuyên gia sẽ sang làm việc ở Việt Nam và dùng máy ảnh quang học đa phổ MKF6 đặt trên máy bay quân sự của Việt Nam để đồng thời chụp ảnh các vùng lãnh thổ mà phi công vũ trụ Việt Nam chụp từ vũ trụ để so sánh. Cũng đúng vào lúc chụp ảnh từ vũ trụ và từ máy bay, Viện Khoa học Việt Nam tổ chức các đoàn khoa học về trái đất và thực vật học đi khảo sát thực địa tại các vùng được chụp ảnh để đối chiếu thông tin trên hai loại ảnh và thực tế tại hiện trường, trên cơ sở đó xây dựng quy trình giải đoán ảnh. Quy trình được thiết lập và sau này được giới khoa học Việt Nam sử dụng thường xuyên để giải đoán ảnh viễn thám do Liên Xô thường xuyên cung cấp. Nội dung này đòi hỏi sự tham gia của không quân cũng như của Cục Đo đạc và Bản đồ quân sự.

Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xét duyệt nội dung chương trình và giao nhiệm vụ cho các cơ quan trong Chính phủ giải quyết tất cả các yêu cầu của chúng tôi. Phi công vũ trụ Phạm Tuân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến hành các thí nghiệm của Việt Nam trên tàu vũ trụ. Chương trình khoa học của chuyến bay vũ trụ Liên Xô - Việt Nam năm 1980 đã thành công tốt đẹp và là sự khởi đầu tuyệt vời của sự nghiệp nghiên cứu sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình ở nước ta. Đại tướng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát triển khoa học vũ trụ của Việt Nam.

ĐỨC LÊ - NGUYỄN LAN (Ghi theo lời kể của GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam)