(Tiếp theo kỳ trước)
QĐND - Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, cùng với sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất kiến nghị với Bộ Thống soái tối cao và cùng với cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, Bộ tư lệnh tiền phương chỉ huy toàn quân thực hiện thắng lợi quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Anh đã có những ý kiến chỉ đạo đúng đắn sáng suốt như: Chọn đúng hướng đột phá chiến dịch vào Buôn Ma Thuột - Tây Nguyên, phán đoán đúng địch sẽ rút khỏi Kon Tum để kịp thời có phương án chặn đánh và tiêu diệt. Khi xuất hiện địch hoang mang rút chạy hỗn loạn khỏi Tây Nguyên, Anh đã kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang kế hoạch sớm giải phóng miền Nam trong năm 1975, kịp thời mở các chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo giải phóng quần đảo Trường Sa, phê chuẩn đề nghị thành lập cánh quân phía Đông và ra mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa… (ngày 7-4-1975)” cho toàn quân xốc tới; ra lệnh cho cánh quân phía Đông tiếp tục phát triển tiến công, không chờ đợi để nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn, cùng với 4 cánh quân khác mãnh liệt đánh vào sào huyệt địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sự chỉ đạo ấy đã góp phần quan trọng vào thắng lợi vẻ vang của cuộc tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm hỏi bà con các dân tộc tỉnh Cao Bằng, năm 1994. Ảnh: Trần Hồng
|
Anh Văn là một nhà lãnh đạo rất coi trọng việc nghiên cứu lý luận, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhất là về lĩnh vực quân sự. Anh đã biên soạn xuất bản hơn 40 tác phẩm. Trước Cách mạng Tháng Tám, Anh đã tham gia viết “Vấn đề dân cày”, “Con đường giải phóng”. Trong cuộc kháng chiến 30 năm, Anh đã biên soạn xuất bản nhiều tác phẩm về lý luận, tiêu biểu như: “Quân đội nhân dân và chiến tranh nhân dân”, “Chiến tranh du kích”, “Điện Biên Phủ”, “Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước”. “Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng”, “Nhiệm vụ phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam”… và viết nhiều bài luận văn quân sự mà Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã in thành “Tổng tập luận văn”… Anh còn biên soạn xuất bản nhiều tập hồi ký như: “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Đường tới Điện Biên”, “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng”. Trong những năm đổi mới, Anh chủ biên cuốn: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” và xuất bản cuốn “Những bài nói và viết chọn lọc thời kỳ đổi mới”…
Những tác phẩm của Anh Văn góp phần quan trọng phổ biến quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục lịch sử, truyền thống và kinh nghiệm cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta, đồng thời, qua đó chúng ta cũng nhận biết những phát triển mới, những nội dung cơ bản của tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp.
Nhìn lại lịch sử quân sự Việt Nam hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ, của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao lớn nhất trong sự nghiệp xây dựng cho đất nước ta một Quân đội nhân dân. Từ đội quân chủ lực đầu tiên với 34 chiến sĩ, trang bị thô sơ, hoạt động du kích, quân đội ta đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành một đội quân hùng mạnh, thiện chiến, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Anh là vị Tổng Tư lệnh đã trực tiếp chỉ huy quân đội ấy cùng với toàn dân đánh bại những kẻ thù xâm lược hung bạo trong cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng, từ năm 1976, Anh Văn được Bộ Chính trị và Thường vụ Chính phủ phân công vừa phụ trách quốc phòng đến năm 1978, vừa chỉ đạo công tác khoa học kỹ thuật, về sau cả khoa học xã hội và sau đó cả công tác giáo dục đào tạo, cho đến năm 1991. Đây là hai lĩnh vực mới và khó. Với kiến thức uyên bác, luôn có tầm nhìn chiến lược, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú trong quân đội, Anh đã có cách làm việc, vừa nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm của thế giới vừa tập hợp được trí tuệ của các nhà khoa học trong nước để làm giàu cho trí tuệ của mình. Vì vậy, Anh đã sớm nắm bắt được vấn đề và có những ý kiến chỉ đạo đúng đắn, sát thực tiễn.
Những cống hiến của Anh về lãnh đạo khoa học và giáo dục đã góp phần đề ra những quan điểm cơ bản tạo nên những tiến bộ nhất định đối với sự phát triển đi lên của nền khoa học và nền giáo dục nước nhà phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Là người cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt gần 30 năm và quá trình tham gia lãnh đạo cách mạng, Anh Văn sớm thấy được giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thắng lợi cách mạng Việt Nam. Khi tình hình đất nước diễn ra khủng hoảng kinh tế, Anh thấy có hiện tượng xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh, nên đã sớm đề xuất cần có đề tài nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và Anh trực tiếp triển khai nghiên cứu. Năm 1990, tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Ấn Độ, thay mặt Đảng và Nhà nước ta, Anh Văn đã tham dự và trình bày một bài tham luận “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi”, được mọi người hoan nghênh.
Năm 1991, Anh đã đề nghị với Bộ Chính trị và Ban trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng cần xác định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta và đã được Đại hội nhất trí tán thành. Sau Đại hội, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đã có bước phát triển mới, trở thành một chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Anh được mời làm cố vấn chương trình và trực tiếp làm chủ nhiệm đề tài “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam”. Suốt 5 năm nghiên cứu, Anh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về tư tưởng Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, Anh nêu một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu, tức là đi từ tìm hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, nhờ đó đã làm rõ hơn, sâu sắc hơn bản chất, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh, làm rõ sự vận dụng và bước phát triển mới của Hồ Chí Minh đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Kết quả nghiên cứu của chương trình, đề tài đã góp phần quan trọng quán triệt tư tưởng của Người vào đường lối của Đảng và mở ra một thời kỳ mới học tập, nghiên cứu quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân ta.
Từ khi Anh rời cương vị lãnh đạo, quản lý cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI, tuổi tác ngày càng cao, nhưng trí tuệ Anh vẫn minh mẫn, vẫn theo dõi cập nhật tình hình thời sự trong nước, thế giới và luôn quan tâm, kịp thời đóng góp ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề mà Anh cho là quan trọng.
Nhiều năm, tại ngôi nhà riêng ở số 30 đường Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội), nơi Anh sống và làm việc trong hơn nửa thế kỷ, vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước và quân đội, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, ngày sinh nhật Anh luôn có nhiều đoàn trong nước và quốc tế đến thăm. Tính từ năm Anh 80 tuổi (1991) đến 2008, hằng năm có từ 150 đến 200 đoàn với từ 2000 đến 2.500 người đến thăm, trong đó có từ 20 đến 30 đoàn quốc tế và nhiều nguyên thủ quốc gia. Một đồng chí lãnh đạo đã về nghỉ, mà đồng bào, đồng chí lại đến thăm hỏi chúc mừng đông hơn khi còn làm việc và thể hiện tình cảm sâu sắc như vậy! Phòng tiếp khách của Anh Văn khá rộng, nhưng vẫn không đủ chỗ để trưng bày hàng trăm bức trướng, câu đối, bài thơ, những tranh tượng và nhiều tặng vật quý của các đoàn đến thăm, chúc mừng, trao tặng Anh.
Trên thế giới, danh tướng Võ Nguyên Giáp đã được ghi trong từ điển bách khoa của nhiều nước, có nhiều tác phẩm viết về Đại tướng. Có người cho rằng: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua”. Nhà sử học Mỹ Cecil Curey từng viết: “Ông không chỉ trở thành một vị tướng huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại”.
Đảng ta, nhân dân ta, Quân đội ta tự hào và mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Công lao, sự nghiệp, tư tưởng quân sự, tài thao lược và đạo đức nhân văn của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp mãi mãi trường tồn với lịch sử, với văn hóa của dân tộc Việt Nam, lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hình ảnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Anh Văn - một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, của dân tộc - Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam sống mãi với non sông đất nước ta, trong lòng nhân dân ta, quân đội ta và bạn bè quốc tế.
Đại tá NGUYỄN HUYÊN và Đại tá TRỊNH NGUYÊN HUÂN (*)
(*) Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tin, bài liên quan:
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng nhân dân ta, quân đội ta và bạn bè quốc tế (phần 1)
Nhà sử học người Mỹ: “Tướng Giáp là một nhân vật kiệt xuất”
Đại tướng gặp nhân dân, nhân dân gặp Đại tướng
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông báo lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Những hình ảnh xúc động về vị “Đại tướng của nhân dân”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - một đời người
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng của nền độc lập dân tộc Việt Nam
Nguyên Giáp – Nhà báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương
Vị tướng của hòa bình
Chúng tôi chăm sóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng trách nhiệm và tình cảm kính trọng thiêng liêng nhất
Nhà chính trị đi trước nhà quân sự
Anh Văn vẫn sống mãi trong lòng chúng ta"
Đồng bào Điện Biên nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chuyện của một bác sĩ bốn lần được gặp Đại tướng
Những giọt nước mắt tiếc thương Đại tướng (xem clip)
Tầm vóc của con người làm nên lịch sử
Dòng người dài về Thủ đô tri ân Đại tướng (xem clip)
Nghẹn ngào khi nghe tin Đại tướng từ trần
Cựu Đại sứ Pháp hồi tưởng về kỷ niệm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tình yêu nước đã tạo nên một Đại tướng huyền thoại
TRONG KHOẢNG LẶNG CỦA MUÔN DÂN
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - thiên tài quân sự
Anh Bộ đội Cụ Hồ đẹp nhất trong thời đại Hồ Chí Minh
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà sử học làm nên lịch sử
Kỳ II: Vị Tổng Tư lệnh giản dị nhưng vô cùng uyên bác
Một huyền thoại lịch sử