QĐND - Thế là anh Văn - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - nhà lãnh đạo cách mạng thời Bác Hồ duy nhất còn lại đến ngày nay đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế!

Chúng tôi, những cán bộ vinh dự được trực tiếp giúp Đại tướng làm việc đến nay đã hơn 37 năm, trong giờ phút này, biết bao kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng cứ hiện ra trong tâm trí, lòng càng xúc động và thương tiếc Anh vô hạn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại Mường Phăng (tỉnh Điện Biên) tháng 4-2004. Ảnh: Đoàn Hoài Trung

Lần đầu tiên gặp Anh và được gọi Đại tướng là Anh Văn đã để lại ấn tượng về một tình cảm rất gần gũi, thân thiết. Những năm tháng làm việc bên cạnh Đại tướng, chúng tôi luôn coi anh như một người Anh, người Cha, người Thầy rất mực hiền từ và uyên bác. Anh là một tấm gương mẫu mực, một nhân cách lớn bởi tầm cao trí tuệ, đạo đức nhân văn, tấm lòng yêu nước thương dân, luôn “dĩ công vi thượng”, hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, sống nhân hậu, dân chủ, bình đẳng, yêu thương cán bộ, chiến sỹ, gần gũi tôn trọng nhân dân.

Anh Văn là một trong những nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, một nhà quân sự lỗi lạc, một vị Tổng Tư lệnh “văn võ song toàn”, “đức tài trọn vẹn”, một nhà chiến lược mưu trí sáng tạo, một nhà lý luận quân sự hàng đầu, một nhà tổ chức kiệt xuất, một vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới. Anh còn là nhà báo, nhà giáo, nhà ngoại giao, nhà sử học, nhà văn hoá lớn của dân tộc. Anh thuộc lớp người đã cùng Bác Hồ sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Anh Văn là một vị tướng “nhân, trí, dũng, liêm, trung”, người học trò xuất sắc, trung thành, gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh là người con anh hùng của dân tộc, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Anh có hạnh phúc lớn là được sự ủng hộ, tin yêu và kính trọng của toàn quân, toàn dân và sự mến phục của đông đảo bạn bè quốc tế. Đó là phần thưởng cao qúy nhất đối với Anh, là nguồn động viên to lớn nhất giúp Anh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân giao phó.

*

* *

Hơn 35 năm giúp việc Đại tướng, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều tư liệu, làm việc với nhiều ngành, nhiều địa phương, đơn vị, dự nhiều cuộc hội thảo, tổng kết và có lúc được nghe Đại tướng trả lời phỏng vấn, được gặp nhiều nhân chứng lịch sử, đặc biệt là khi chuẩn bị bài viết này, chúng tôi đã trao đổi ý kiến với những đồng chí trước đây từng trực tiếp giúp anh Văn làm việc. Nhờ vậy, chúng tôi càng có thêm hiểu biết về con người và sự nghiệp cách mạng của Anh.

Năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước thì Anh ra đời. Sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho yêu nước, Anh sớm giác ngộ cách mạng. Từ năm 14-15 tuổi, Anh đã tham gia phong trào học sinh yêu nước ở Trường Quốc học Huế. Năm 1927 vào Đảng Tân Việt và đến năm 1929, Anh cùng một số đồng chí cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương cộng sản liên đoàn - một trong 3 tổ chức đảng được Bác Hồ hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1930, Anh bị địch bắt trong vụ tham gia phong trào cứu tế đỏ Nghệ An, bị kết án 2 năm tù giam. Khi ra tù, mất liên lạc với tổ chức, Anh ra Hà Nội dạy học ở Trường Trung học tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học luật và kinh tế.

Năm 1936, Anh tham gia Mặt trận dân chủ, ở trong ban lãnh đạo nửa hợp pháp của Đảng, tham gia sáng lập và viết cho nhiều tờ báo của Đảng; tham gia phong trào Đông dương Đại hội và được bầu làm Chủ tịch Ủy ban báo chí Bắc Kỳ; tham gia thành lập và là thành viên Ban trị sự Hội truyền bá quốc ngữ.

Năm 1940, Anh được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc, cùng đi có đồng chí Phạm Văn Đồng. Để thực hiện đúng quy định của Đảng đối với đảng viên bị mất liên lạc, tháng 6 năm ấy, Anh và đồng chí Phạm Văn Đồng làm thủ tục kết nạp lại vào Đảng.

Năm 1941, Bác Hồ về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (tháng 5-1941) đã đề ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh. Anh được giao phụ trách Ủy ban quân sự của Tổng bộ Việt Minh, tham gia chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, xây dựng căn cứ địa Cao Bắc Lạng. Năm 1942, Anh được cử phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ đồng bào các dân tộc để tổ chức thành con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

Tháng 12-1944, Anh Văn được Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam do Đảng ta lãnh đạo. Anh đã trực tiếp chỉ huy hai trận đánh mở màn là Phay Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “đánh thắng trận đầu”, “đánh tiêu diệt gọn” của quân đội ta. Tháng 4-1945, Anh tham gia hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ và được cử giữ chức Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng thống nhất với tên gọi Việt Nam Giải phóng quân.

Tháng 8- 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, Anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, sau đó được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội quốc dân Tân Trào, Anh được bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Anh được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ và được Đảng phân công đặc trách về quân sự. Tháng 3-1946, Anh giữ chức Chủ tịch quân sự ủy viên Hội trong Chính phủ liên hiệp. Tháng 11-1946, Quốc hội đầu tiên thành lập Chính phủ mới, Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, ngày 30-11- 1946, Anh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam, sau là Tổng tư lệnh kiêm Tổng chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy.

Ngày 28- 5-1948, Anh được Bác Hồ nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà trao quân hàm Đại tướng.

Suốt cuộc kháng chiến 30 năm giải phóng dân tộc, Anh liên tục phụ trách công tác quân sự, là Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu hết các chiến dịch lớn Anh đều ra mặt trận, là Tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy các chiến dịch: Biên Giới, Trung Du, Đường số 18, Hà Nam Ninh, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, cho đến chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vĩ đại, đưa đến việc ký kết Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, giải phóng Thủ đô, giải phóng nửa nước, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp. Trong thời kỳ này, Anh đã kiến nghị với Đảng, Bác Hồ và Tổng Bí thư Trường Chinh những quyết sách đúng đắn và sáng tạo như: Tổ chức lại bộ đội theo hình thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung; thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên; đánh Đông Khê mà không đánh Cao Bẳng trong chiến dịch Biên Giới; mở chiến dịch đánh quân chủ lực cơ động của địch hành quân ra Hoà Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực ta luồn vào đánh sau lưng địch để phát triển chiến tranh du kích kiềm chế, tiêu hao tiêu diệt địch; mở chiến dịch Tây Bắc, nơi địch sơ hở và địa hình có lợi để tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt là quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau này là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, từ rất sớm đã được Bác Hồ giao nhiệm vụ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết 15. Trong quá trình đánh Mỹ, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Anh đã cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương chỉ đạo xây dựng những kế hoạch chiến lược và phương án tác chiến để kiến nghị với Trung ương và Bộ Chính trị, tổ chức chỉ đạo, chỉ huy thực hiện các kế hoạch ấy, đánh bại các cuộc tấn công của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Anh Văn là người sớm có kiến nghị và có nhiều công lao trong việc khẩn trương xây dựng Quân đội nhân dân tiến lên chính quy hiện đại, xây dựng các Quân chủng Phòng không-Không quân, Hải quân, Binh chủng Đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam; kịp thời xây dựng các quân đoàn chủ lực để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh quân chủng, thực hiện những trận đánh tiêu diệt lớn.

Đại tá NGUYỄN HUYÊN và Đại tá TRỊNH NGUYÊN HUÂN

Trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Còn nữa)

 

 

Nhà sử học người Mỹ: “Tướng Giáp là một nhân vật kiệt xuất” 
Đại tướng gặp nhân dân, nhân dân gặp Đại tướng
Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông báo lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Thông cáo đặc biệt về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
Những hình ảnh xúc động về vị “Đại tướng của nhân dân”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Một thế kỷ - một đời người
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh hùng của nền độc lập dân tộc Việt Nam
Nguyên Giáp – Nhà báo trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương 
Vị tướng của hòa bình
Chúng tôi chăm sóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng trách nhiệm và tình cảm kính trọng thiêng liêng nhất
Nhà chính trị đi trước nhà quân sự
"Anh Văn vẫn sống mãi trong lòng chúng ta"