Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Tổng chỉ huy Quân đội và dân quân tự vệ Việt Nam Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong quân hàm Đại tướng (20-1-1948) và mừng Đại tướng thượng thọ 97 tuổi, Nhà xuất bản Lao động cho ra đời cuốn: “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp-Đại tướng của nhân dân, của hòa bình”, do nhóm tác giả Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Văn Khoan sưu tầm, biên soạn, giới thiệu cùng với một số ảnh quý do hai nhà nhiếp ảnh quân đội Nguyễn Văn Khuông và Trần Hồng cung cấp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nội dung cuốn sách gồm một số bài viết, bài nghiên cứu với các thể loại nghiên cứu, bút ký, hồi ký, phóng sự, phỏng vấn… của nhiều tác giả trong nước và ở nước ngoài, phần lớn đã được đăng trên các báo, tạp chí.

Cuốn sách gồm: Lời nói đầu và bốn phần

Phần 1: Giới thiệu tuổi trẻ và những năm tháng cuộc đời của Đại tướng, gồm những tư liệu gốc, tư liệu chuẩn xác, giúp hiểu một cách đúng đắn về cuộc đời Đại tướng. Đặc biệt có bản Sắc lệnh ngày 20-1-1948 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa: “Ông Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ nay là cấp đại tướng kể từ ngày ký”.

Trong phần này có Thư gửi các lực lượng vũ trang Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác nhận sự tôn vinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “anh cả của quân đội” của các cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân và dân quân tự vệ.

Phần 2: Gồm những bài của các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo, các nhà nghiên cứu, cán bộ, chiến sĩ quân đội và nhân dân viết về chiến công, đức độ và lòng yêu nước, kính trọng đối với vị Đại tướng văn võ song toàn, vô vàn kính yêu. Có những bài ca ngợi chiến công của Đại tướng thời kỳ chống Pháp như “Nắm ngải cứu trên đầu Tổng tư lệnh” của Hoàng Minh Phương, “Đại tướng-Anh cả của quân đội” của Trần Chiến Thắng, “Mỗi đại đội còn bao nhiêu tay súng” của Thái Mạnh Đường, “Đại tướng toàn năng” của Trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh. Đặc biệt bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nêu rõ vai trò của Võ Nguyên Giáp trong đề xuất những quyết định đúng đắn có ý nghĩa quyết định đối với kháng chiến chống Mỹ và với cuộc tấn công chiến lược xuân 1975, vai trò của Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ở Tổng hành dinh tới chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn những bài “Thầy Võ, Anh Văn” của giáo sư Trần Văn Hà, cựu học sinh Trường Thăng Long thời kỳ 1945, “Người vừa viết lịch sử, vừa làm ra lịch sử” của Ban biên tập tạp chí Xưa và nay. Những bài ca ngợi tình cảm thầy trò, đồng đội, đồng chí của Thủy Trường và Văn Trung, ca ngợi tình cảm của Đại tướng với quê hương và quê hương với Đại tướng của các phóng viên Báo Quảng Bình

Phần 3: Trình bày những bài viết của các nhà nghiên cứu, các bạn bè thế giới đối với Đại tướng. Ngoài những bài viết về tài năng, bản lĩnh của Đại tướng như bài: “Con nhím Điện Biên Phủ”, “Sự đánh giá”, “Người chuyển dịch dòng chảy lịch sử” của các nhà nghiên cứu lịch sử quân đội Mắc Đô-nan, Gioóc Bu-đa-ren, các trích đoạn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các Bách khoa toàn thư Anh, Pháp, các cuộc góp ý và phỏng vấn Đại tướng như “Cuộc gặp đầy ấn tượng” với Mắc Na-ma-ra, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, do nhà sử học Dương Trung Quốc ghi lại, bài “Vị tướng của Hòa bình” của nữ phóng viên báo L’Humanités. Đặc biệt cuốn sách giới thiệu lời tựa sách “Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân của Võ Nguyên Giáp” do E.Chê Ghê-va-ra viết năm 1960 cho xuất bản ở Cu-ba và châu Mỹ La-tinh đã ca ngợi, khẳng định sự đúng đắn của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp và ảnh hưởng tác động to lớn đối với cách mạng Cu-ba và châu Mỹ La-tinh. Kết thúc phần này là bài tường thuật của phóng viên Báo Quân đội nhân dân về cuộc đến thăm Đại tướng của Tổng thống Cộng hòa Thụy Sĩ nhân dịp Tổng thống thăm chính thức nước CHXHCN Việt Nam, một cuộc gặp thân tình, thân mật chủ khách với những câu trả lời trí tuệ, hóm hỉnh của Đại tướng và những lời ca ngợi tốt đẹp, không khách sáo của khách.

Phần 4: Đây là phần phụ lục, giới thiệu một số trong hơn 200 câu đối, bài thơ mừng Đại tướng thượng thọ của các cơ quan, đoàn thể, các địa phương, các cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ, một số cá nhân… Qua đây giúp chúng ta cảm nhận tình cảm, lòng kính trọng, biết ơn đối với Đại tướng.

Ngoài ra, tập sách còn giới thiệu một số ảnh của Đại tướng do hai nhà nhiếp ảnh quân đội Nguyễn Huy Khuông và Trần Hồng cung cấp và là những ảnh lần đầu tiên giới thiệu rộng rãi.

NGUYỄN VĂN TRUNG