QĐNĐ Online - Một trong số những vị tướng của quân đội ta mà tên tuổi luôn gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đó là đại tướng Hoàng Văn Thái. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Hoàng Văn Thái được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao trọng trách làm Tham mưu trưởng chiến dịch.

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin giới thiệu thêm một số thông tin về Đại tướng Hoàng Văn Thái qua lời kể của nhân chứng đã từng công tác với đại tướng Hoàng Văn Thái trong suốt chiến dịch.

Ông Phan Phác, hiện đang trú tại số nhà 41 Hàng Bạc, nguyên là cán bộ Phòng Tác chiến Chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng công tác với Đại tướng Hoàng Văn Thái trong nhiều năm. Mặc dù đã 94 tuổi, nhưng những câu chuyện về vị tướng tài ba cùng năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn được ông kể lại rất mạch lạc.

Mô hình “tam tam chế”

Cuối tháng 9-1945, khi đất nước vừa giành được độc lập, thù trong và giặc ngoài tìm đủ mọi cách để lật đổ chính quyền non trẻ của chúng ta. Quân đội ta mới được thành lập vừa có nhiệm vụ giữ vững thành quả cách mạng vừa phải củng cố, phát triển lực lượng. Trong niềm hân hoan của một dân tộc vừa thoát khỏi ách nô lệ, rất nhiều thanh niên xung phong gia nhập quân đội cách mạng. Quân số tăng lên rất nhanh vì vậy một vấn đề lớn đặt ra là phải tổ chức biên chế quân đội ta như thế nào.

Trước bối cảnh như vậy, tháng 12-1945, Bác Hồ và Quân uỷ Trung Ương quyết định thành lập Hội đồng Quốc phòng Tối cao, để giúp Đảng, Chính phủ xây dựng quân đội nói riêng và quốc phòng nói chung. Cái khó lúc bấy giờ là không biết xây dựng quân đội ta, một đội quân cách mạng, theo mô hình nào. Qua nhiều lần họp bàn, các ý kiến xoay quanh cách tổ chức biên chế của quân đội Nhật, Pháp và Trung Quốc.

Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh internet

Trước thực tế cơ sở vật chất của quân đội ta còn rất hạn chế, chỉ có một số ít vũ khí, trang bị lấy được của Pháp và Nhật, Hội đồng đã thống nhất thành lập bộ binh trước, còn các binh chủng khác làm sau. Nhưng việc tổ chức biên chế lực lượng thành các đơn vị bộ binh sao cho khoa học, hợp lý lại là bài toán khó. Là một Uỷ viên của Hội đồng, đồng chí Hoàng Văn Thái suy nghĩ rất nhiều về cách thức tổ chức lực lượng. Dựa trên kinh nghiệm của quân đội nước ngoài, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng một số Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao đề xuất tổ chức biên chế các đơn vị bộ binh theo mô hình "tam tam chế". Theo đó, các đơn vị bộ binh được tổ chức thành ba cấp: về đội có tiểu đội, trung đội, đại đội; về đoàn có tiểu đoàn, trung đoàn, đại đoàn. Cùng với việc biên chế đơn vị bộ binh, đồng chí Hoàng Văn Thái cùng các tướng lĩnh khác cũng đặt ra các chức danh và trần quân hàm cho các vị trí của từng đơn vị. Trên cơ sở biên chế tổ chức binh chủng bộ binh như vậy, quân đội ta đã có thể tiếp tục xây dựng, phát triển lực lượng như ngày nay. Do được tổ chức chặt chẽ, khoa học theo mô hình “tam tam chế”, quân đội ta đã chiến đấu và giành thắng lợi trong cuộc Kháng chiến chống Pháp cũng như những thắng lợi khác trong cuộc chiến tranh vệ quốc sau này.

Hiệp đồng binh chủng

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ngày càng cam go, ta phải đối phó với một đội quân viễn chính gồm đủ các loại vũ khí tối tân, trong khi quân đội ta chỉ được trang bị vài khẩu đại bác. Được trang bị pháo bộ đội rất mừng, nhưng việc vận chuyển và triển khai pháo vào trận địa lại gặp rất nhiều khó khăn. Có những trận đánh cần vì đơn vị pháo không đủ nhân lực vận chuyển pháo tới trận địa kịp thời nên đành phải để đại bác ở lại.

Đồng chí Hoàng Văn Thái đã rất trăn trở vì điều đó. Rõ ràng, nếu pháo được triển khai thì sẽ phát huy được hoả lực mạnh, đánh địch hiệu quả hơn và giảm thương vong cho bộ đội. Đồng chí đã họp cán bộ các cấp bàn các phương án vận chuyển pháo. Có đồng chí đề xuất phương án huy động dân công, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thái gạt đi ngay vì như vậy sẽ rất vất vả cho nhân dân và ảnh hưởng đến sản xuất. Sau nhiều lần họp bàn và suy nghĩ, đồng chí Hoàng Văn Thái đã đề xuất phương án hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh và pháo binh. Theo phướng án đó, khi triển khai pháo binh đánh trận thì luôn có bộ binh đi cùng, giúp vận chuyển pháo và đạn dược.

Sau khi việc kết hợp giữa bộ binh và pháo binh thu được kết quả tốt trong các chiến dịch, đồng chí Hoàng Văn Thái tiếp tục chỉ thị biên chế thêm trinh sát và thông tin liên lạc cho các đơn vị pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Có thể nói, ý tưởng kết hợp các binh chủng nhằm phát huy hiệu quả trong tác chiến chính là tiền đề để quân đội ta phát triển các chiến thuật hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng sau này.

Phạm Văn Thắng – Thu Hùng