Quang cảnh đại lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ tại Phú Quốc

Ngày 19-10, tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) diễn ra đại lễ cầu siêu cho các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước. Tới dự có các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư TƯ Đảng, Trương Quốc Tuấn, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang.

Những ngày cuối tháng Mười, tấp nập những chuyến tàu ra đảo Phú Quốc. Cầu cảng, đường phố, dọc bìa rừng, bãi tắm rực rỡ khẩu hiệu, cờ hoa tưởng nhớ những người con ưu tú đã ngã xuống vì Tổ quốc...

Đầu buổi chiều ngày 19-10, hàng ngàn người tập trung chật kín trước cổng Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Phú Quốc. Màu áo vàng của các tăng ni, phật tử, màu xanh quân phục cựu chiến binh, màu áo trắng học trò… Trong dòng người ấy, có gần 100 cựu tù binh Phú Quốc vượt ngục, lần đầu tiên họ tề tựu đông đủ như thế ở “đảo tù” năm xưa-"đảo ngọc" hôm nay, viếng đồng đội và ôn lại một thời “bát cơm chan đầy máu và nước mắt”.

Hai giờ chiều. Khói hương trầm thơm ngát nhè nhẹ thoảng bay trong gió mùa thu như đang kết nối quá khứ và hiện tại. Màu đỏ của lá cờ Tổ quốc bọc 129 hài cốt liệt sĩ mới được tìm thấy như rực cháy lên giữa màu trời cuối thu “xanh như rút ruột mà xanh”. Khi Ban tổ chức thông báo: Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư tới dự, mọi người dự đại lễ cầu siêu đều bất ngờ, xúc động. Đồng chí Nguyễn Hữu Minh, Trưởng ban liên lạc tù binh Phú Quốc vượt ngục ở thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi: “Anh Tư Sang trước cũng là cựu tù binh ở Phú Quốc, sự có mặt của anh trong đại lễ hôm nay thật ý nghĩa”.

Phát biểu đại lễ cầu siêu, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban tổ chức nói: “Nhà tù Phú Quốc, nơi được xem là địa ngục trần gian đã trở thành một điểm son lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập về sự kiên trung, bất khuất với Đảng, với nước, với dân của các chiến sĩ cách mạng, như một chiến sĩ từng viết: Phú Quốc thân tù lòng thêm vững/ Vì dân, vì nước ngẩng cao đầu. Hôm nay, trong mùa báo hiếu của Phật giáo, với tinh thần tri ân và báo ân của đạo Phật, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, đại lễ cầu siêu sẽ giúp vong linh các anh hùng liệt sĩ an nghỉ trong pháp giới vô biên, nơi đất đảo thân yêu mãi hòa quyện với non sông, sống mãi trong lòng dân tộc”.

Chúng tôi như hiểu sâu hơn về sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ cũng như ý nghĩa của đại lễ cầu siêu khi gặp Đại tá Ngô Minh Chánh, đội trưởng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ K92, người chủ trì, chỉ đạo trực tiếp công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ nhà tù Phú Quốc trong buổi lễ cầu siêu. Anh cho biết: Đảo Phú Quốc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từng có trại giam tù binh cộng sản giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng, trong đó, có tới hơn 4.000 chiến sĩ hy sinh bởi những thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù. Sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm tới công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Song tính đến nay, qua 5 đợt tổ chức tìm kiếm, mới có 905 liệt sĩ được tìm thấy hài cốt. Buổi lễ cầu siêu hôm nay dành cho các liệt sĩ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là hơn 3.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, thi thể các anh đang nằm đâu đó dưới biển, trong rừng Phú Quốc. Vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 9, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp tổ chức một đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Phú Quốc lần thứ 6, quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Tính đến chiều 18-10, đội đã tìm thấy hài cốt 129 liệt sĩ. Khi tìm thấy hài cốt các đồng chí bị giết hại, chứng tích nhiều tù binh bị đóng đinh vào đầu vẫn còn nguyên vẹn khiến những người chứng kiến không sao cầm được nước mắt.

Nhân lễ cầu siêu, các nhà tài trợ đã trao tặng 670 phần quà cho các gia đình chính sách trên đảo Phú Quốc. Sau đại lễ cầu siêu, sáng 20-10, lễ truy điệu 129 liệt sĩ mới tìm thấy sẽ được tổ chức.

Tại lễ cầu siêu, có nhiều giọt nước mắt mừng vui, hạnh ngộ song vẫn còn nhiều nỗi trăn trở, băn khoăn. Tôi gặp mẹ Nguyễn Thị Nhi, 83 tuổi, mẹ liệt sĩ Tín-nhân vật chính trong bài viết Một mình thoát bầy sói trên Báo Quân đội nhân dân. Mắt mờ, tóc bạc, lưng còng, mẹ vẫn nằng nặc bắt con gái đưa ra Phú Quốc dự lễ cầu siêu để tìm hài cốt con trai. Nước mắt người mẹ trong chiều Phú Quốc khiến tôi day dứt. Càng day dứt hơn khi nhớ tới con số còn hơn 3.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Còn bao nhiêu bà mẹ như mẹ Nhi? Càng day dứt hơn khi trong đoàn dự lễ cầu siêu, có khá nhiều người mang theo hồ sơ xin làm thủ tục công nhận thương binh, liệt sĩ cho bản thân và thân nhân? Như trường hợp anh Hồ Văn Lý, em liệt sĩ Hồ Văn Thông ở Xuân Lộc, Đồng Nai, anh cùng đồng đội của anh trai mình thắp hương cho anh Thông ở nghĩa trang Phú Quốc. Bao đồng đội làm chứng, bao giấy tờ thủ tục đã làm, vậy mà mấy năm rồi, anh Thông vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Và còn đó những trăn trở ước vọng: Tôn tạo di tích nhà lao cho đúng với sự thật lịch sử, rồi ước vọng “về nguồn”, thăm Thủ đô, thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp của các cựu tù vượt ngục…

Chiều dần buông, ánh nắng khuất dần sau 99 ngọn đồi cũng là lúc những ngọn nến được thắp lên. Ngoài kia, gió biển cuối ngày thổi vào mát rượi xen lẫn tiếng sóng rì rào. Biển Phú Quốc như dậy sóng. Tiếng sóng, ước vọng của “những người hùng ở nhà lao Cây Dừa” hôm nay đã thành hiện thực. Tổ quốc mãi ghi công các anh…

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN MINH