1. Nghe tiếng Hoàng Thân – “đại ca” của bãi khai thác vàng sa khoáng ở Lũng Cua (cốt 400 Ba Vì) - bỗng dưng giải tán đội đào vàng cả nghìn người, đi trồng rừng. Thấy lạ! Tôi háo hức muốn đến tận nơi, xem anh chàng “đại ca” này ra sao và nguyên cớ gì khiến hắn chuyển đổi “cơ chế”.
Tôi hăm hở lên đường cùng hai ông bạn già, trên ba con “xế” cà tàng, mua từ thế kỷ trước, đi Ba Vì, hỏi chuyện “đại ca”.
Chúng tôi vào đến sân nhà, Hoàng Thân vẫn yên vị ở chiếc tràng kỷ, chỉ có Phạm Thị Nghĩa - vợ anh, trẻ trung, xinh đẹp và phúc hậu ra đón. Thấy lạ ở cách ứng xử của “đại ca”, nhưng ngồi chưa ấm chỗ, mới được một tuần trà, sự thắc mắc của tôi được “hoá giải”. Nguyên do: Hoàng Thân bị vỡ đầu gối, đang bó, việc đứng lên và di chuyển là một cực hình đối với Thân.
- Sao đầu gối của Thân bị vỡ?
Thân cười hiền, đưa tay búi gọn tóc ở gáy, trả lời:
- Em phóng xe chặn đường mấy thằng đầu gấu vào quậy phá Vườn Quốc gia. Tưởng chúng sợ phải dừng, ai dè gặp bọn có “số má”, nó tông thẳng vào xe em, vỡ gối sau cú va chạm đó. Ba thằng côn đồ sau khi bị tóm, biết tên em, cứ run rẩy xin tha mạng.
 |
Hoàng Thân (trái) cùng Nguyễn Viết Nghiêu, cán bộ kiểm lâm bên cạnh cây đa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trồng tặng năm 1990. |
Xe hỏng. Chữa mất gần triệu bạc. Gối vỡ, đi Hà Nội nằm cả tháng.
- “Đại ca” giải tán đội quân cả nghìn người đãi vàng để trồng rừng từ bao giờ?
- “Đại ca” gì anh? Đấy là chuyện xưa. Còn bây giờ em là “Chúa sơn lâm”. Em nhận rừng cách đây hơn chục năm.
- Từ khi nhận rừng đến giờ, đời sống thế nào?
- Tự cung, tự cấp - Thân nhẹ nhàng tiếp - Lúc đầu cũng gay lắm nhưng khắc phục dần. Có điều, sống thanh thản, bình yên với vợ con. Em thấy khỏe ra.
- Để tóc dài, búi tó, có phải là điểm nhấn như các văn nghệ sĩ không?
- Nhấn nhá gì đâu. Chẳng qua là ở rừng không ai cắt cho. Nhiều khi cũng thấy khó chịu, nhưng kệ. Rồi cũng quen.
2. Căn nhà xây bằng đá, tường dày đến hai gang tay. Diện tích chừng ngoài 80m2 nhưng cũng đủ để cho gia đình Hoàng Thân và những người giúp việc tá túc. Từ sân nhà, chúng tôi bao quát được gần hết diện tích hơn 45ha rừng của anh. “Mơ Khe, chè đồi”, được trồng đúng vụ, gặp chất đất thích hợp, mơ và chè của rừng Hoàng Thân đua nhau lớn. Gần 5ha mơ đã khép tán. Hoa nở trắng cả một vạt rừng. Những búp chè xanh, non, hàng vạn cây keo lá tràm, bạch đàn, thông, bồ đề. “Lấy ngắn nuôi dài”, Thân còn trồng gần 10ha cây ăn quả các loại, phủ kín cả bãi vàng trước đây nham nhở vì đào bới tàn tạ.
Thân đã trả lại màu xanh, trả lại “vàng” cho vùng đất Ba Vì.
Để có phân bón cho cây, anh đã mua 10 con bò lai - có người trông coi, chăn dắt, lại gặp cỏ non xanh của cả vạt rừng, đàn bò sinh lãi lớn. Tuy nhiên, việc đào hố trồng rừng lai tạp ở đây là khó. Nhưng như Thân bảo, chẳng có khó nào bằng thời Thân làm chiến sĩ đặc nhiệm ở Quân khu 5.
- Thế thức ăn hằng ngày gia đình mua ở đâu? – Tôi gợi hỏi.
Thân vời vợ:
- Em gọi gà về cho các bác xem!
Vợ Thân vung nắm thóc, vỗ tay, miệng chíc chíc, bập bập. Từ bốn phía: gà to, gà nhỏ, trống, mái, ào ào, con chạy, con bay vàng cả một khoảng sân.
- Chuồng gà của cậu ở đâu? Tôi nhìn quanh sân, hỏi.
Thân khoát tay:
- Cả cánh rừng này là chuồng gà của em. Nghĩa là lúc cho ăn thì gọi về, xong lại biến, ở đâu thì ở.
- Không sợ cáo ăn thịt gà?
Cũng có sa sảy, mất mát, nhưng chẳng đáng là bao, với lại “lợn thả, gà nhốt” làm sao bằng được gà nhà em. Bản năng sinh tồn tự chúng sẽ tìm chỗ và tìm cách để tồn tại. Hơn nữa, em có số vệ sĩ “gâu gâu” hữu dụng lắm.
Tôi nhìn mấy con chó nằm quanh sân, đang ngước mắt nhìn Thân và nhìn đàn gà. Thân bảo:
- Trông vậy thôi, nhưng bác cứ thử đụng vào em xem, chúng không biết nể đâu, còn muốn bắt con gà nào thì bác xem đây.
Thân búng một hòn sỏi vào một con gà mái vàng ươm, con chó nằm cạnh Thân lao như tên bắn, rẽ đàn gà và ngoặm đúng con gà theo ý của chủ, về đặt dưới chân Thân, vẫn chưa thôi gầm gừ.
Để cho kinh tế thêm phong phú, Hoàng Thân còn nuôi ong, không biết là bao nhiêu đõ ong, nhưng mật thì nhiều.
Hằng ngày, vợ Thân chở 3 con “hạ sơn” để học cái chữ. Như Thân nói: “Đời mình đã khổ vì thiếu chữ rồi, đời chúng nó, ăn mày em cũng phải cho nó học lấy cái chữ”. Trong lúc chờ đợi con học, vợ Thân lại mang các thứ sản phẩm hàng hoá đi bán, đổi lấy gạo và các vật dụng khác.
- Một mình giữa rừng, cậu có thấy buồn không?
- Buồn chứ, nhưng quen rồi. Chín năm bộ đội - chuyên nằm rừng đánh biệt kích, thám báo, phỉ, Fulro làm em quen rừng, nhớ rừng; xa rừng hình như không chịu nổi.
3. Nhìn cách sinh hoạt gia đình Hoàng Thân, tôi biết vợ chồng anh rất hài lòng với cuộc sống hiện tại. Để có được tổ ấm gia đình này, Thân đã phải trả giá, đã phải chiến đấu gian khổ, nhất là lúc giải tán 43 bưởng vàng, gồm toàn những dân “cộm cán”, tứ xứ. Cả ngàn người xôn xao: Đại ca bán rẻ anh em! Muốn độc chiếm bãi vàng.
“Gay nhất là bưởng vàng của dân Na Rì, Trại Cau, Thái Nguyên, gần trăm người cứ nhất quyết “ăn thua”, nói chuyện phải trái với em. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương hơn nữa cái tâm mình trong sáng, họ cũng dần hiểu mình và tự vận động nhau về quê. Em có đồng nào giúp được ai, em giúp. Người nào muốn ở lại với em thì có lương”.
Tôi chỉ vào vợ anh hỏi:
- Cậu trả lương bao nhiêu.
Cả hai vợ chồng cười lớn: “Không lương”.
Vợ chồng là cái duyên, cái số! Chứ cứ như em, còn lâu mới lấy được Nghĩa. Thân hạ giọng thì thầm:
- Nhà em là “Hoàng thân” thứ thiệt đấy - dân Đường Lâm - đất hai vua. Chả biết nguyên cớ gì cũng vào đây làm quân của em. Khi giải tán bãi vàng, nhất quyết không chịu về, cứ đòi ở lại, giải thích thế nào cũng không nghe, chỉ bảo thương em. Mà em nào có ra gì, dân anh chị, tay trắng, sống bất cần đời, lại già hơn nàng cả chục tuổi. Vậy anh bảo, có phải là duyên số không?
 |
Hoàng Thân đang chỉ địa điểm khu vườn của mình tại bản đồ tổng thể rừng cấm Ba Vì. |
Thân sinh ra ở đội 6, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ - Hà Nội. Mẹ mất sớm, bố - “gồng mình”, gà trống nuôi 8 con ăn học. Thân là thứ ba - nhìn gánh nặng cuộc đời đè lên vai người bố, suốt ngày cày sâu cuốc bẫm, sẻ giọt mồ hôi, sức lực xuống cây lúa, anh em Thân bảo nhau học hết trường làng, ở nhà đỡ đần bố, để bố khỏi còng lưng, sấp mặt. Bốn anh em Thân lần lượt đi bộ đội vào Nam chiến đấu, riêng Thân năm 1973 mới 17 tuổi, nặng 36 cân, cao 1m45, học lớp 7, không hiểu sao Thân vẫn được nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 773, Quân khu 5 - Tây Nguyên - đơn vị đặc nhiệm. Cũng nhiều lần chuyển đơn vị, cuối cùng về trường Quân giới Quân khu 5 và đến năm 1982, Thân ra quân, với 800 nghìn đồng trợ cấp, về quê.
- Thế sao cậu lại đi đào vàng?
- Anh bảo, với 800 nghìn đồng, lấy gì mà sống? Thế là em “quăng quật” khắp nơi, làm đủ nghề, suốt ngày hai tay vầy lỗ miệng. Vẫn đói. Có người rỉ tai: “Vàng! Ba Vì! Ba Vì có vàng. Lên khắc biết. Ngữ mày lên ấy làm ăn được đấy!”- Em quyết định thử vận may, mong đổi đời. Em lại ba lô, tăng võng lên vai, xin phép bố lên rừng. Bố em biết tính con, không ngăn, chỉ nhắc hãy cẩn thận.
4. “Lúc vào đến bãi vàng, mọi việc đã yên vị. 43, có lúc 46 bưởng, ai có việc người nấy. Lính mới, tò te như em không ai thèm ngó. Nhưng đi đến đâu cũng gặp những cặp mắt dò xét, đe dọa và cảnh giác”. Thế mà Thân đã làm “đại ca” cai quản cả bãi vàng? “Cũng gian nan lắm anh ạ! Nhưng em vốn là lính đặc nhiệm, em có cách của em. Cũng là do được giáo dục, dạy dỗ từ quân đội, nên biết cách thu phục anh em, biết chia sẻ và thăm nom. Ốm đau thì thuốc thang chạy chữa”.
- Thế là cậu lấy nhu thắng cương? Tôi chêm vào. “Không hẳn như vậy”. Thân thanh minh. “Em vừa cương, vừa nhu nhưng cương như thế nào và nhu đến đâu phải tuỳ vào tình huống”. Tức là vừa “pháp trị” lại cả “đức trị”? Tôi hỏi Thân.
- Suy từ mình mà ra khi còn bé, lúc mình sai sót, bố mẹ quật roi mây quắn đít, em không khóc. Nhưng khi các cụ kéo em vào lòng, xoa những lằn roi và rơi nước mắt vì thương con đau, lại là lúc em khóc, vì mình đã làm các cụ buồn.
Thân nói đúng nhưng chưa đủ. Sở dĩ anh làm được 43ha rừng, trả lại “vàng” cho đất và màu xanh cho thiên nhiên, trước hết phải nhờ chủ trương giao đất, giao rừng đúng đắn của Đảng và Nhà nước và được chính quyền địa phương hết lòng giúp đỡ. Nhưng trên hết là “nhân nghĩa thắng hung tàn” và “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”.
Bây giờ số người chăm sóc rừng cho Thân khi nhiều, khi ít, tùy thời vụ, nhưng có ít cũng phải hơn 10 lao động, đều là những cựu chiến binh và những người có hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ. Ví như Đinh Văn Giỏi 51 tuổi, Nông Văn Noi 46 tuổi, cùng quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ đều là sĩ quan quân đội. người thì về “một cục”. Người thì mất hết giấy tờ không làm được chế độ, con đông, vợ làm nông nghiệp, đời sống rất chật vật đã được Thân nhận vào làm, “cơm nuôi” ngoài ra còn trả mỗi người 1.500.000 đồng/tháng.
Giỏi và Noi bảo rằng: “Không có anh Thân cưu mang thì chúng em không biết sống bằng cách nào”.
Nguyễn Viết Nghiêu, cán bộ kiểm lâm 24 năm, quen biết Thân đã lâu nói với tôi:
- Ở Tây Nguyên người ta gọi anh Thân là “Cọp xám đường Tám, Tây Nguyên”. Chính vì cái uy ấy mà mọi việc ở bãi vàng ngày trước và ở cánh rừng này bây giờ mới xuôi chèo mát mái đấy bác ạ. Ngay hàng cây ven đường lâm trường phải trồng đi trồng lại vì bị trẻ chăn trâu phá phách, kẻ xấu chặt trộm lại phải nhờ đến tay Hoàng Thân mới xanh tươi lại được như hôm nay.
Và bây giờ, đến mỗi mùa xuân, khi du khách đi thăm đỉnh Ba Vì, chiêm bái Đền thờ Thánh Tản và Đền thờ Bác Hồ, đều trầm trồ khen ngợi vẻ đẹp của Vườn Quốc gia Ba Vì. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được những mùa hoa mơ trắng và những màu xanh của chè và các loại cây ở vườn rừng này, đã và đang có một người hiền lành, lầm lũi góp nhặt hoa trái và màu xanh cho rừng. Đó chính là Hoàng Thân – nguyên là lính đặc nhiệm Bộ đội Cụ Hồ.
Bài và ảnh: NGUYỄN NGỌC BẢO