(Nhân đọc “Không phải huyền thoại” của nhà văn Hữu Mai, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2007)
Nhắc đến nhà văn Hữu Mai là nhắc đến một nhà văn dành phần lớn thời gian của mình để viết về con người và một giai đoạn lịch sử đã đi vào huyền thoại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ. Những tháng ngày làm việc với vị Tổng chỉ huy quân đội và quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nghiêm túc đã giúp ông có một cái nhìn khoa học, lý giải về một điều tưởng như huyền thoại: Việt Nam đã chiến thắng hai tên đế quốc lớn. Cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam là một kho đề tài vô tận nuôi dưỡng một tài năng, một tên tuổi nhà văn Hữu Mai.
Người đọc vẫn nhớ đến ông với các tác phẩm nổi tiếng: Ông Cố vấn, Vùng trời, Đất nước, Cao điểm cuối cùng, Người lữ hành lặng lẽ… Văn ông trau chuốt, xử lý ngòi bút rất tài tình. Những sự kiện, những con người của lịch sử đã được ông thể hiện rất thành công bằng các tác phẩm văn học, để lại ấn tượng khó quên cho độc giả nhiều thế hệ.
Không phải huyền thoại là tác phẩm cuối cùng của nhà văn Hữu Mai, sự nhiệt huyết của người lính già muốn chạy đua với thời gian để đem đến cho thế hệ sau cái nhìn khách quan, đúng đắn về cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng. Với nguồn tư liệu dồi dào từ hai phía ta và đối phương, tác giả sử dụng ngôn ngữ tiểu thuyết lịch sử để diễn tả sự sống động, hào sảng của một thời kỳ cả dân tộc cầm súng đánh giặc. Những con người Việt Nam bình dị với những vũ khí thô sơ đã làm nên một chiến thắng khiến cả thế giới phải nể phục. Tác giả đã sử dụng nhiều tư liệu quý như các hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, của các Sư đoàn trưởng, Trung đoàn trưởng, Tiểu đoàn trưởng và của cả các chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trên các chiến hào. Về phía đối phương, những tư liệu đã được “giải mật” của Béc-na Phôn, Mắc-đô-nan, Phi-líp Đơ-vi-le… cung cấp cho người đọc hiểu thêm về tình hình của bên kia chiến tuyến.
Tác giả có một quãng thời gian dài được làm việc bên cạnh vị Tổng chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã trở thành vị tướng được cả thế giới ngưỡng mộ. Nhà văn Hữu Mai miệt mài, hối hả ghi chép, thể hiện để đem đến cho người đọc những cuốn sách quý về Đại tướng và cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Đã có rất nhiều cuốn sách viết về Điện Biên Phủ, về những con người làm nên chiến thắng nhưng đến với Không phải huyền thoại, người đọc vẫn có cảm giác mới mẻ, hứng khởi trước cách thể hiện mới. Về Điện Biên Phủ-Võ Nguyên Giáp làm cho sự kiện và con người trở nên gần gũi, sống động và rất thu hút bạn đọc.
Những cuốn sách, tư liệu từ phía Pháp và những vị tướng Pháp có mặt tại chiến trường đã cung cấp thêm những tư liệu giúp người đọc hiểu thêm quy mô của cuộc chiến. Những dòng suy nghĩ, hồi ký, kết luận của những người lính Pháp trở về từ cuộc chiến đã phần nào khẳng định thêm sự phi nghĩa của chiến tranh. Đặc biệt là phía quân đội ta, có những quyết định mặc dù có thể có mất mát, hy sinh nhưng vì thắng lợi chung vẫn phải thi hành. Tác giả đã dẫn người đọc đi một chặng đường dài của dân tộc từ ngày Bác Hồ tìm con đường giải phóng dân tộc đang bị kìm kẹp nô lệ đến chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Người đọc theo chân vị Tổng chỉ huy đi khắp các chiến dịch, có thành công và có cả không thành công nhưng mỗi một thành công hay không thành công ấy đều là những kinh nghiệm quý báu cho những chiến thắng sau này. Không phải huyền thoại - mượt mà trong câu chữ, sắc sảo trong lập luận, và cô đọng trong tư liệu là một cuốn sách quý cho người đọc ngày hôm nay.
Ta bắt gặp ở đây hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại dù trăm công nghìn việc vẫn dõi theo từng bước đi của quân đội non trẻ; hình ảnh vị Tổng chỉ huy luôn đau đáu với nhiệm vụ chỉ được phép thắng vì nếu "bại là hết vốn"; hình ảnh những tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng, tiểu đội trưởng dũng cảm, mưu trí, không quản vất vả hy sinh, luôn nhận khó khăn về mình; hình ảnh của những người chiến sĩ, liên lạc, anh nuôi ở mọi vị trí đều là những người anh hùng. Tất cả làm nên một bản hùng ca bất tử, một trang sử vàng của dân tộc.
Tất cả tràn đầy trên mỗi trang sách Không phải huyền thoại. Tác phẩm cuối cùng của một nhà văn, đại tá quân đội với những cống hiến đến sức lực cuối cùng của người cầm bút để đem lại cho đời những đứa con tinh thần được đánh giá cao. Nhà văn đã đưa những huyền thoại như Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ lại gần với cuộc đời, những huyền thoại đó được tạo nên bởi đóng góp của những người giản dị, vô danh. Cuốn tiểu thuyết được viết trong những tháng ngày sức khỏe của nhà văn đã yếu nhưng tinh thần thì rất minh mẫn. Những dòng chữ như sẵn trong ông và ra chiếm lĩnh trang giấy. Ông vẫn cẩn thận trau chuốt câu từ, tư liệu mong đem đến cho người đọc cái nhìn chính xác và hiệu quả nhất.
NGỌC MINH