Quá khứ, hiện tại và tương lai, thực tiễn sinh động và ý nghĩa khoa học sâu sắc hòa quyện nhau trong từng tham luận-đó là không khí rất hiếm thấy trong khuôn khổ một cuộc hội thảo. Nhưng nó lại thể hiện một cách thấm đậm trong cuộc Hội thảo khoa học: Đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Hội thảo do Bộ Quốc phòng chủ trì, giao Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam và Binh đoàn 12 phối hợp tổ chức vào ngày hôm qua 12-5, tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. Thành phần các đại biểu tham dự cũng thể hiện sự độc đáo đó, với sự có mặt của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các bộ, ban, ngành trung ương, các nhà khoa học, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân… Thượng tướng Phan Trung Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo; Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các đồng chí khác tham gia điều khiển hội thảo.
Các đại biểu đã nghe đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi hội thảo. Do thời gian có hạn, chỉ có 14 tham luận được trình bày nhưng cũng đã làm sống động hội thảo và sáng tỏ với tầm nhìn mới về tầm vóc chiến lược của đường Hồ Chí Minh-Trường Sơn huyền thoại.
Khẳng định và làm sáng tỏ thêm biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Phát biểu khai mạc, Thượng tướng Phan Trung Kiên nêu rõ: Cùng với thời gian, tác dụng và ý nghĩa lớn lao của đường mòn Hồ Chí Minh-Trường Sơn ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến quyết thắng, khí phách kiên cường, lòng quả cảm và sức mạnh sáng tạo của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc hội thảo khoa học hôm nay giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về chiến trường Trường Sơn gian khổ và oanh liệt năm xưa. Đường mòn Hồ Chí Minh là con đường thể hiện khát vọng cháy bỏng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, con đường quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn thể dân tộc Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh: Cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, chúng ta cùng nhau thảo luận sâu sắc hơn nữa về Đường mòn Hồ Chí Minh-Trường Sơn, nhằm đúc kết những bài học quí báu cho sự nghiệp xây dựng quân đội, tăng cường quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
 |
Đông đảo các đại biểu về dự Hội thảo. Ảnh: MINH TRƯỜNG |
Trong báo cáo đề dẫn cuộc Hội thảo, Thiếu tướng Trần Thanh Hải, Chính ủy Binh đoàn 12 nêu ý kiến: Năm nay, sau 50 năm là dịp để nhìn lại, nghĩ suy, có biết bao vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để làm rõ hơn, để nhận thức đúng hơn, đầy đủ hơn và hiểu sâu hơn, toàn diện hơn những nội dung liên quan tới tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh – chiến trường Trường Sơn – bộ đội, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các lực lượng khác tham gia trên tuyến vận tải chiến lược.
Cũng cần nói thêm rằng trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được hơn 80 bản tham luận, tác giả từ khắp các nơi, giữ các vị trí khác nhau. Có các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội ta, từng giữ vị trí trọng yếu trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước; các bộ, ngành trung ương, các địa phương; cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài quân đội; các tổng cục, quân khu, quân binh chủng, của các đồng chí nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Bộ tư lệnh Trường Sơn và các đơn vị trực thuộc đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu nay có điều kiện suy ngẫm, nhìn nhận và làm rõ thêm, để hiểu rõ thực chất về chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ trong thành lập tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh được hầu hết các đại biểu đề cập từ các góc độ khác nhau. Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định: Chúng ta càng khẳng định tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sự chỉ đạo sắc sảo, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần chiến đấu anh dũng và sự hy sinh không bờ bến của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn bằng những cứ liệu lịch sử, thực tiễn phong phú đã chứng minh sự hình thành và trưởng thành nhanh chóng của chiến trường chống ngăn chặn tổng hợp, diễn ra liên tục trên bộ, trên không, trên sông và biển khắp các chiến trường ba nước Đông Dương. Đồng chí cũng khẳng định: Quyết định mở đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, tổ chức tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường và thực hiện thắng lợi quyết định đó là thành công kiệt xuất trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đường Hồ Chí Minh trên bộ ra đời ngày 19-5-1959 và tiếp đó, đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời, là sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân, thực hiện ý nguyện: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Có ý kiến đề nghị đánh giá đúng thực chất chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thượng tướng Phan Trung Kiên bày tỏ: Các thế hệ người Việt luôn coi trọng chiến công trên chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Lịch sử cho thấy đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa ngày nay đã khởi đầu từ không có đường mòn (vì đi không dấu, nấu không khói) rồi có con đường mòn, từ đó có đường cơ giới… Lịch sử đó cần được các thế hệ trẻ thấu hiểu, tự hào về truyền thống cha ông.
Đại tá Trần Trọng Trung kể về việc tiếp xúc với lớp trẻ mới đây, họ hỏi nhiều về tuyến đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh; đồng chí chuyển lời đề nghị của họ được tiếp cận, hiểu rõ hơn lịch sử huyền thoại đó; cần làm bia ghi nhớ sự kiện ở một số điểm quan trọng; tổ chức các điểm du lịch truyền thống; khôi phục lại một số điểm di tích…
Cả hội trường có những thời điểm lặng hẳn đi, chìm trong xúc động khi đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói về phụ nữ Việt Nam với tuyến đường mang tên Bác. Cũng là những câu chuyện được nhắc lại, những hình ảnh lực lượng phụ nữ tham gia chiến trường, từ những cô gái thanh niên xung phong mở đường, bảo đảm giao thông đến văn công, phục vụ y tế… Họ đã gác tình riêng, sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ vì thắng lợi chung của cách mạng. Nhiều tấm gương đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong số hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin… có nhiều phụ nữ. Đó là những nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên tuyến đường.
Nhưng cũng bằng sự đóng góp vô giá đó, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bộ đội Trường Sơn qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng, dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310 ngàn thương binh, bệnh binh. Đó là một kỳ tích.
Những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Có thể nói, khó có thời gian để nói hết những nét dù là chung nhất về nghệ thuật quân sự Việt Nam thể hiện qua chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh.
Nhiều đại biểu cho rằng, trước hết phải kể đến thành công trong vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện trong mở đường chi viện chiến lược trên bộ, trên biển, đưa nhân tài, vật lực của hậu phương miền Bắc và sự chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa cho chiến trường; nghệ thuật tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng chiến đấu, mở đường phù hợp từng giai đoạn; nghệ thuật xây dựng cầu đường trên những địa hình đèo dốc, sông suối chia cắt; nghệ thuật tổ chức tác chiến phòng không bảo vệ lực lượng vận chuyển; nghệ thuật tác chiến bộ binh đánh địch đổ bộ, chốt chặn chia cắt đường vận chuyển; nghệ thuật tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành vận tải ô tô, chiến thuật vận tải cơ giới; nghệ thuật lãnh đạo chính trị tư tưởng của một hướng chiến trường có tổ chức binh chủng hợp thành…
Trung tướng, PGS, TS Trần Thái Bình, Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc phòng đề cập đến việc giải quyết mối quan hệ giữa thế trận tác chiến đánh địch và vận tải, với nhiệm vụ vận tải là trung tâm; đánh giặc cũng để hoàn thành nhiệm vụ vận tải, mục tiêu là vận tải thông suốt. Trong 16 năm kể từ năm 1959, các lực lượng trên tuyến vận tải này đã chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh khác.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật nêu ý kiến: Để thắng được cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ, bộ đội Trường Sơn đã phải vận dụng nhiều phương thức vận tải kết hợp. Trong đó vận tải thủy được coi là phương thức bổ trợ chi viện chiến lược rất đắc lực. Ngay từ khi bắt đầu mở tuyến, các dòng sông Băng Phai, Pha Băng Mưa, Xê San, Xê La Nông, Xê Săng Soi, Sê-pôn, Sê Băng Hiên, Sê Kông, A Vương, Nậm Mí, Sê-rê-pốk… uốn lượn qua thác ghềnh, qua những dải núi cao Trường Sơn, đã được các binh trạm nghiên cứu quy luật dòng chảy, tận dụng từng đoạn để sử dụng các phương tiện ca nô, thuyền độc mộc hoặc kéo bè mảng chở hàng vào chiến trường. Dãy Trường Sơn đoạn từ tây nam Quảng Bình vào Quảng Trị có nguồn nước từ một cái hang sâu thẳm trào lên sông Tà Rúa, đập vào sườn đá Pha Sang, rồi tách làm hai. Một chảy xuống phía đông thành dòng Huội Hoi qua A Choóc ra Cửa Việt, một chảy lên phía tây thành dòng Sê Băng Hiên trên đất Lào. Binh trạm 27 đã sớm biết lợi dụng dòng chảy này đưa hàng đến đường số 9, góp phần chi viện cho mặt trận. Bích báo của chiến sĩ vận tải thủy hào hứng tả sự tích này như sau:
Vách đá Pha Sang leo khúc khuỷu
Tà Rúa đầu dòng sông chia đôi
Cùng bộ đội Trường Sơn đi đánh Mỹ
Sông Băng Hiên cõng hàng ta thả trôi…
Thiếu tướng nhận xét: Vận tải thủy trên các dòng sông dọc Trường Sơn trở thành một phương thức vận chuyển có hiệu quả góp phần làm nên những chiến công hiển hách.
Về thế trận đường cầu kỳ hình đa dạng, Thiếu tướng Tô Đa Mạn, nguyên Cục phó Cục Tham mưu công binh, Bộ tư lệnh Trường Sơn khẳng định đó là yếu tố then chốt giành thắng lợi của Bộ đội Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Đó là các đường, cầu đa hình, đa dạng mà như dư luận nước ngoài gọi là: Trận đồ bát quái.
Khẳng định xăng, dầu là nhân tố quan trọng thúc đẩy các binh đoàn chủ lực tác chiến lớn, Đại tá, TS Trần Quang Lên, Cục trưởng Cục Xăng dầu nêu rõ: Bộ đội xăng dầu luôn kề vai sát cánh cùng bộ đội Trường Sơn giữ vững mạch máu giao thông quan trọng. Cán bộ, chiến sĩ xăng dầu đã kịp thời xây dựng hệ thống kho xăng dầu ở hậu phương-kho trên tuyến vận tải chiến lược-kho tiêu thụ và dự trữ ở các chiến trường. Tổ chức xây dựng hệ thống tuyến đường ống xăng dầu chiến lược từ biên giới Việt Trung (Đồng Đăng-Lạng Sơn, Móng Cái-Quảng Ninh) tới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) một bước phát triển quan trọng trong phương thức vận chuyển bảo đảm xăng dầu. Chủ động nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học trong quản lý, sử dụng, thay thế, vận chuyển, chế tạo thành công bơm đẩy Trường Sơn trong điều kiện chiến tranh ác liệt.
Thắm tình đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương
Nhiều ý kiến cho rằng tình đoàn kết chiến đấu của quân và dân Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia là nét đặc sắc của chiến trường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh. Đồng chí PGS, TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam trình bày vắn tắt mối quan hệ mật thiết mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào. Lực lượng vũ trang hai nước tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau chiến đấu, giữ vững tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Còn theo Đại tá, TS Vũ Tang Bồng, công tác tại Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thì đường Trường Sơn là bức tường vĩ đại và bất tử của mối quan hệ đặc biệt Việt–Lào. Quan hệ đặc biệt Lào–Việt, Việt–Lào là một bộ phận trong quan hệ chiến lược, trong mối liên minh chiến lược giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia cùng chung sống trên bán đảo Đông Dương.
Một sự kiện được nhắc đến nhiều là cuối năm 1960, đại diện Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào gặp nhau bàn bạc, tìm cách đưa cách mạng hai nước tiến lên. Các bạn Lào hoàn toàn nhất trí và ủng hộ đề nghị của phía Việt Nam, cho phép mở đường sang Tây Trường Sơn. Các bạn phát biểu rất chí tình: “Vận mệnh hai nước chúng ta đã gắn bó mật thiết với nhau. Nhân dân Lào sẽ làm hết sức mình để góp phần vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam anh em”. Và đường Hồ Chí Minh thực sự trở thành một tuyến vận tải chi viện chiến lược, thực sự trở thành “chủ động mạch” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương, đặc biệt là của nhân dân hai nước Việt–Lào kể từ khi con đường đó được “lật cánh” sang phía Tây Trường Sơn. Đền đáp lại tấm lòng thủy chung, trong sáng của quân dân Lào anh em, các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và dân công Việt Nam trên tuyến chi viện chiến lược, dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng tích cực cùng quân và dân Lào anh em chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng. Bộ đội giúp nhân dân nông cụ, giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; cùng nhân dân sản xuất thu hoạch mùa màng. Khi nhân dân gặp thiên tai, địch họa, đời sống khó khăn, bộ đội ta cùng bộ đội giải phóng Lào thực hành tiết kiệm, bớt tiêu chuẩn ăn hằng ngày để cứu đói cho dân… Đường Hồ Chí Minh được xây dựng và phát triển cũng không phải do ý muốn chủ quan của một tổ chức hay cá nhân nào mà chính là từ yêu cầu khách quan, bức thiết, có ý nghĩa sống còn của cuộc đấu tranh của hai dân tộc để giành, giữ, bảo vệ độc lập tự do và xây dựng đất nước. Con đường huyền thoại trong mối quan hệ đặc biệt đó là kết quả của một quá trình vận động cách mạng tự giác, từ thấp đến cao, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, thực sự tin cậy, gắn bó với nhau, chân thành hợp tác giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của mỗi nước, của cả hai dân tộc. Trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay, con đường huyền thoại đó đã và đang được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa hiện đại hóa. Nó sẽ là con đường hạnh phúc của hai dân tộc Việt–Lào.
Thiếu tướng Dương Đức Hòa, Tư lệnh Binh chủng Công binh khẳng định: Tuyến đường Trường Sơn không chỉ đi qua những khu vực hiểm trở, thưa dân trên đất Việt Nam, mà còn đi cả trên đất nước bạn Lào và Cam-pu-chia, được nhân dân nước bạn, đặc biệt là nhân dân Lào hết lòng giúp đỡ mọi mặt, chia sẻ khó khăn, nhường cơm, sẻ áo cho bộ đội ta trên tuyến đường. Ngược lại, tuyến đường vươn tới đâu, bộ đội Công binh Việt Nam cũng như các đơn vị khác của đoàn 559 lại cùng nhân dân bạn đánh giặc, bảo vệ thôn xóm, khôi phục và phát triển sản xuất, xây dựng căn cứ cách mạng, vun đắp tình đoàn kết chiến đấu.
Các số liệu công bố tại Hội thảo cho thấy tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chi viện đắc lực, tạo điều kiện cho cách mạng Lào và Cam-pu-chia tiến lên giành thắng lợi quyết định vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến
Huyền thoại và biểu tượng mới của công nghiệp hóa-hiện đại hóa
Thứ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Lê Mạnh Hùng kể: Trong công cuộc "Đổi mới", Đảng ta chủ trương phải ưu tiên đầu tư phát triển giao thông-vận tải trước một bước, trước hết đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh-trục dọc “xương sống” thứ hai của đất nước-bởi đây sẽ là huyền thoại và biểu tượng mới của giai đoạn đầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa.
Theo Quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt, đường Hồ Chí Minh sẽ đi qua 30 tỉnh, thành phố trong cả nước, với tổng chiều dài toàn tuyến 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km). Điểm đầu tuyến tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Đường Hồ Chí Minh được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc và tiêu chuẩn đường ô tô thông thường. Riêng các đoạn qua thị trấn, thị tứ, thị xã và thành phố thiết kế phù hợp với quy hoạch địa phương được duyệt. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và phù hợp với thực tế cập nhật, việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Quy hoạch tổng thể được chia thành 3 giai đoạn, hoàn chỉnh vào năm 2020.
Năm 2000-năm chuyển giao thế kỷ-thực sự là một năm ghi đậm dấu ấn đối với ngành GTVT nói chung và những công nhân cầu đường Việt Nam nói riêng bởi sự kiện ngày 5-4-2000, dự án đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chính thức phát lệnh khởi công tại cầu Xuân Sơn (Quảng Bình), bắt đầu mở ra một huyền thoại mới cho đường Trường Sơn lịch sử. Và đến ngày 30-4-2008, sau gần 3.000 ngày đêm của 8 năm đằng đẵng qua, hàng ngàn, hàng vạn công nhân cầu đường không quản nắng, gió Trường Sơn, đổ biết bao mồ hôi, công sức, thậm chí cả máu của mình phá đá, mở rừng, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum) chiều dài gần 1.300km chính thức được bàn giao và đưa vào sử dụng, khai thông một trục dọc Bắc- Nam mới. Sự kiện xây dựng thành công đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 1) do người Việt Nam thiết kế, xây dựng bằng nguồn nội lực thực sự là dấu mốc quan trọng khẳng định sự lớn mạnh cả về chất và lượng của đội ngũ những công nhân cầu đường Việt Nam.
Tiếp đến, ngày 20-9-2008, diễn ra lễ khởi công điểm đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Pác Bó-Cao Bằng tại khu di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Đây là đoạn đầu tiên của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 được khởi công xây dựng cùng với nhiều đoạn khác được khởi công trong năm 2008 để hoàn thành mục tiêu năm 2010 sẽ nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau).
Thứ trưởng khẳng định:Con đường chiến lược năm xưa, giờ trở thành một huyết mạch giao thông đưa đất nước tiến lên trong công cuộc hiện đại hóa. Ngành giao thông-vận tải quyết tâm xây dựng và hoàn thiện Đường Hồ Chí Minh ngày một hiện đại và thuận lợi để con đường này luôn là mạch máu nối liền thông suốt giữa hai miền của Tổ quốc và luôn xứng đáng với tên gọi của Người.
Các đại biểu đã nghe Báo cáo với tiêu đề: Binh đoàn 12-Tổng công ty xây dựng Trường Sơn kế thừa, phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh anh hùng trên mặt trận xây dựng Kinh tế kết hợp với Quốc phòng, do Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12-Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn trình bày. Có thể nói đây là một điểm nhấn rõ nét trong quá trình phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu vào công cuộc xây dựng hòa bình. Thiếu tướng cho biết: Đầu tháng 7-1975, Quân ủy rung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm kinh tế. Kể từ đó, đơn vị trải qua nhiều giai đoạn, trước hết là tập trung xây dựng cơ bản Đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn, từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Chơn Thành (Bình Phước) có tổng chiều dài 1.920km; xây dựng tuyến Đường 279 chạy suốt vùng phụ cận biên giới Việt-Trung từ Quảng Ninh đến Lai Châu dài gần 1.000km, nối liền 7 tỉnh biên giới phía bắc; cùng với việc xây dựng cầu, đường bộ đã xây dựng 6 tuyến đường sắt và hàng loạt công trình trọng điểm của Nhà nước…
Đầu năm 1989, thực hiện sự chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế của cả nước, Binh đoàn 12 là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng, tự hạch toán, tự trang trải và trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ đây đơn vị có 2 phiên hiệu: Binh đoàn 12 và Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, là Tổng công ty 90). Tổng công ty đã thi công và bàn giao hàng ngàn công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh; ngày càng khẳng định được vị trí, uy tín của mình trên các công trình trọng điểm của Nhà nước
Thiếu tướng khẳng định: Quá trình xây dựng và trưởng thành của Binh đoàn 12-Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn luôn luôn giữ vững và phát huy truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng, trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, bất cứ trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh trên giao với quyết tâm cao nhất. Từ bám trụ trên Trường Sơn, Tây Nguyên, đến triển khai lực lượng trên vùng xa xôi hẻo lánh ở biên giới, bất cứ ở đâu, nhiệm vụ nào, Binh đoàn cũng đem hết sức mình hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đây là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định sự tồn tại và phát triển của Tổng công ty trong cơ chế thị trường, làm kinh tế có hiệu quả kết hợp tốt kinh tế với quốc phòng, giữ gìn được uy tín của đơn vị quân đội làm kinh tế, đưa Tổng công ty trở thành doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng mạnh của quân đội; góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm cầu đường chiến lược của Bộ Quốc phòng giao khi chuyển trạng thái, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước giữ vững vai trò chủ đạo và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế quốc dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Binh đoàn 12 đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ cầu đường chiến lược của Bộ Quốc phòng và Nhà nước giao khi chuyển trạng thái.
VIỆT ÂN