Đại tá Đào Chính Nam (1908-1987)-một trong 20 học viên Hoàng Phố (1926-1927). Như Lê Hồng Phong, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lý Ban... ông là một chiến sĩ quốc tế. Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, xin có bài viết như một nén tâm nhang tưởng nhớ!

Đào Chính Nam, người chiến sĩ quốc tế

Từ lâu lắm, dòng họ Đào ra lập nghiệp ở vùng địa đầu Móng Cái. Đầu tiên là cụ Đào Đình Yết, hậu duệ của cụ Đào Duy Từ. Gắn liền với lịch sử giữ nước, dòng họ Đào có nhiều người được triều đình phong làm quan trấn ải nơi địa đầu. Gần nhất là cụ Đào Quang Thể (Cai Thể) từng tham gia Quang Phục hội của cụ Phan Bội Châu. Tháng 1-1918, Cai Thể lãnh đạo anh em binh lính yêu nước làm binh biến ở đồn Móng Cái. Binh biến bất thành, ông bị xử bắn cùng 11 đồng đội tại sân vận động Đông Trì. Trước khi hy sinh, ông dõng dạc hô: “Việt Nam đời đời độc lập!”. Dân Móng Cái đã lập miếu thờ “Thập nhị Anh linh” để tôn vinh.

Năm 1925-1926, cả nước sục sôi phong trào yêu nước ủng hộ hai cụ Phan. Trong dòng họ do chịu ảnh hưởng của ông chú Đào Quang Thể mà đầu 1927, Đào Chính Nam vận động một số thanh niên tâm huyết sang Trung Quốc tìm đường cứu nước. Qua giới thiệu của các bậc tiền bối, ông Nam được về học ở Quân sĩ Giáo đạo đoàn, sau 5 tháng thì được tuyển về trường Quân sự Hoàng Phố. Trường do cụ Tôn Trung Sơn sáng lập, có cả cố vấn Liên Xô và nhiều giáo viên là đảng viên cộng sản Trung Quốc. Đồng chí Chu Ân Lai từng là Chính ủy. Tại đây, Đào Chính Nam được gặp cụ Hồ Tùng Mậu, rồi tham gia “Quảng Châu công xã” cùng các thành viên trong “Đảng Thanh niên” như Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Trương Văn Lĩnh... Một lần, cụ Mậu bị chính quyền Tưởng bắt giam ở Quảng Đông pháp viện. Ông Nam cùng ông Mạc Trường Vạn không sợ nguy hiểm, lấy danh nghĩa đồng hương, vào thăm nuôi.

Hết 3 năm học, vì muốn mở rộng kiến thức, ông Nam cùng ông Trần Văn Phát, Hoàng Nam Thịnh nhờ bậc tiền bối Đặng Tư Mạc (một nhà Nho, bạn cụ Phan) giới thiệu với Kỳ ngoại hầu Cường Để cho qua Nhật học tiếp. Chuyện không thành, ông Nam lại nhờ cụ Đặng giới thiệu với cụ Hồ Học Lãm cho đi học Nam Kinh. Tới Thượng Hải được vài ngày, gặp lúc quân Nhật nổ súng, ông liền tham gia đánh Nhật trong “Cảm tử đội” của các trường đại học. Sau đó gia nhập Quân đoàn thứ 19 của Sái Đình Nhai và được giao làm đội trưởng với cái tên Đào Bá Long. Tháng 2-1932, Hiệp định đình chiến Trung-Nhật được ký kết, ông lưu lại nhà một người bạn cùng học ở Hoàng Phố, chờ thời cơ đi Nam Kinh. Không may bị lộ, cả hai bị mật thám bắt. Biết ông là người Việt, sau 4 tháng tạm giam, chúng tống xuống tàu đưa về Sài Gòn rồi đưa ra Hải Phòng, cuối cùng giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Mật thám Pháp cố tra hỏi xem ông đã làm gì, quan hệ với ai ở Trung Quốc, ai giới thiệu đi học Hoàng Phố... nhưng không được. Chúng đưa ông về giam ở Hải Phòng, Kiến An và cuối cùng là Hải Ninh với án tù 3 năm. Đến tháng 2-1934 mới được tha và bị quản thúc ở Hải Phòng.

Không chịu khuất phục, tháng 4-1934, Đào Chính Nam bí mật xuống tàu đi Hương Cảng rồi vòng về Quảng Đông. Ông đã viết thư cho Cường Để nhờ giúp đỡ. Rồi qua hai người bạn từng học Hoàng Phố đang là cán bộ Quân Giải phóng, ông được giới thiệu đi dự lớp huấn luyện cán bộ chỉ huy rồi về đơn vị kháng Nhật ở thành phố Sán Đầu. Đầu năm 1939, ông gặp lại đồng chí Phùng Chí Kiên và được giới thiệu vào tổ chức “Thanh niên kháng Nhật hội” cùng các ông Nguyễn Sơn, Lý Ban… Phùng Chí Kiên giao cho ông việc giảng dạy quân sự. Tháng 6 năm đó, các hội viên tham gia đơn vị do ông chỉ huy khi quân Nhật tấn công vào Sán Đầu.

Ở Triều An, trong một trận đánh không cân sức, quân Nhật bao vây đơn vị tới nửa tháng, ông đã bị thương do mảnh pháo găm vào đầu. Chúng bắt ông. Sau 8 tháng giam và cho đi điều trị, chúng cho đi học sĩ quan rồi giao ông chỉ huy một đơn vị liên quân. Để giấu tung tích, ông khai tên mình là Đào Nhất Dân. Viên sĩ quan họ Đào chấp hành mệnh lệnh nhưng trong lòng nung nấu cơ hội chạy về căn cứ hồng quân Công nông. Nhờ anh em hội viên kháng Nhật mà ông liên lạc được với đồng chí Phùng Chí Kiên. Đồng chí Kiên chỉ thị: tiếp tục hoạt động nội gián! Ông nhiều lần cung cấp thông tin của địch hay bí mật chuyển vũ khí cho phía cách mạng. Có lần lực lượng cách mạng phá kho vũ khí bị bọn Nhật phát hiện, bao vây, anh em chạy vào đơn vị. Ông cho thay quần áo, cải trang thành lính đơn vị rồi tạo điều kiện trốn thoát. Lần khác, quân Nhật tổ chức vây ráp quy mô lớn vào chiến khu nhưng thất bại, chúng đã nghi ngờ ông. Vì thế tháng 2-1943, ông bí mật đưa đơn vị chạy về chiến khu. Thời gian này, Đảng Cộng sản vẫn hợp tác với Quốc dân Đảng chống Nhật, đơn vị ông nằm trong địa bàn của quân Tưởng nên ông được điều lên Hưng Ninh, biên chế vào Ban Tác chiến Bộ Tham mưu Khu. Cuối năm 1944, một bạn học Hoàng Phố nhận nhiệm vụ thành lập quân khu mới có mời ông cùng về; nhưng nhận thấy thời kỳ “Quốc-Cộng hợp tác” sắp kết thúc, chuẩn bị nội chiến, nên ông kiên quyết giải ngũ, tìm đường hồi quốc. Vì giao thông ách tắc mà chưa về được, ông nằm chờ thời cơ…

Tham gia đưa 2.000 Việt kiều về nước

Ngày 15-8-1945, Trung Quốc và Nhật ký hiệp định đình chiến. Qua báo chí, biết tin Pháp đang tạo sức ép buộc 2.000 Việt kiều ở Thượng Hải trả cho chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch ở miền Nam Việt Nam, trong khi bà con kiên quyết đấu tranh để được hồi hương về miền Bắc. Ông vội viết thư ủng hộ và vạch trần âm mưu của thực dân Pháp bắt đồng bào về Nam làm bia đỡ đạn. Bà con có thư trả lời và mời ông lên Thượng Hải. Lúc này Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thắng lợi nên việc đấu tranh để bà con Việt kiều về miền Bắc cũng là ủng hộ tích cực cho công cuộc cách mạng. Tổ chức của bà con Việt kiều được củng cố thành một khối, kẻ địch phải nhượng bộ, không thực hiện được âm mưu đã vạch. Bà con thêm tin tưởng vào cách mạng.

Tháng 6-1946, Chính phủ cử đại diện Bộ Ngoại giao (ông Nguyễn Sĩ Túc và ông Thế) sang cùng ông Nam làm việc với Chính phủ Thượng Hải. Tháng 7-1946, họ phải cho tàu đưa 2.000 bà con về Đồ Sơn. Tại đây, giặc Pháp cho tàu chiến ra uy hiếp, ngăn cản không cho cập bến. Ông cùng đại diện của ta hội ý rồi cho tàu vào sát chân núi thả neo; mặt khác điện cho Chính phủ. Sau cuộc điều đình suốt từ sáng cho tới 4 giờ chiều, chúng mới cho tàu vào cảng Hải Phòng. Số Việt kiều lên tàu hỏa về Hà Nội và được đón về trường Trưng Vương. Ông Võ Nguyên Giáp cử đặc phái viên Phan Tử Lăng ra đón gần 1000 lính khố xanh, khố đỏ, cảnh sát trong số hồi hương bổ sung ngay cho các đơn vị chiến đấu.

Góp sức cho công cuộc cách mạng

Tại Hà Nội, ông Nam gặp lại người cháu ruột là Đào Phúc Lộc (Trưởng phòng Tình báo Quân ủy Hội) và Hồ Ngọc Lan (con gái nhân sĩ cách mạng Hồ Học Lãm). Ông Nguyễn Sơn-Khu trưởng Khu V ra họp, được chị Lan báo tin, đã lại thăm và mời bạn cũ về Khu V làm việc. Đã nhận lời nhưng khi đến Bộ Tư lệnh Tiếp phòng Quân thì gặp cụ Hồ Tùng Mậu (Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ) và Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, cụ Mậu giữ lại, giao nhiệm vụ mở lớp Sơ cấp quân sự ở Quần Ngựa cùng Chính ủy Trần Văn Quang.

Tới tháng 11-1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lại giao nhiệm vụ vào Khu IV làm Chủ nhiệm Tham mưu cùng Khu trưởng Lê Thiết Hùng và Chính ủy Trần Văn Quang. Khi đi thị sát chiến trường, phát hiện trình độ tác chiến của bộ đội còn thấp, ông đề nghị mở gấp lớp Bổ túc quân sự Đoàn Kỳ và thành lập Trung đoàn chủ lực. Trung đoàn do ông chỉ huy đã phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp ở Hồi Xuân, La Hán và Bắc Mọt.

Năm 1948, ông nhận nhiệm vụ Khu trưởng Phân khu Bình-Trị-Thiên kiêm Phó tư lệnh Khu IV (khi Nguyễn Sơn về làm Khu trưởng). Năm 1949, ông được điều ra Bắc làm Phó giám đốc trường Trung, cao quân sự Soi Mít (Thái Nguyên) với quân hàm đại tá. Từ 1950-1960, ông là Hiệu phó trường Lục quân Việt Nam tại Vân Nam, Quế Lâm (Trung Quốc) rồi Quần Ngựa, Sơn Tây, kiêm Cục phó Cục Quân huấn cùng Thiếu tướng Giám đốc Lê Thiết Hùng (từ 1954 là Lê Trọng Tấn) và Thiếu tướng Chính ủy Trần Tử Bình. Sau đó, ông về Tổng cục Chính trị công tác, đến 1969 thì nghỉ hưu tại Sơn Tây.

Suốt 80 năm cuộc đời với gần 20 năm là chiến sĩ cộng sản quốc tế và hơn 20 năm là cán bộ cao cấp trong quân đội, tên tuổi ông đã làm rạng danh cho lớp người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người cùng nhiều huân, huy chương cao quý. Năm 2002, Đào Chính Nam được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng II.

Đến thăm gia đình ông, tôi được đọc cặp câu đối liễn do cụ Phan Bội Châu viết tặng treo bên ban thờ họ tộc “Thánh thừa ngọc thị ứng thỉnh trung/ Phật ngự kim liên phù gia nội”, (ý: Lòng yêu nước thương dân của họ Đào như viên ngọc quý giữa đời thường/ Phật ngồi trên tòa sen sẽ phù hộ cho cả gia tộc) mà thêm cảm phục một dòng họ yêu nước!

TRẦN KIẾN QUỐC