QĐND Online – Nhà báo - Đại tá Trần Hồng đã có 37 năm làm phóng viên ảnh của báo Quân đội nhân dân. Cái duyên của người lính cầm máy, cầm bút đã cho ông cơ hội được nhiều lần tiếp kiến và ghi lại những khoảnh khắc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phóng viên QĐND Online đã có cuộc trò chuyện với ông nhân dịp triển lãm ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp – Những khoảnh khắc” được tổ chức ở Hà Nội.

Phóng viên (PV): Là một phóng viên ảnh của báo Quân đội nhân dân, vì sao ông lại chuyên sâu về sáng tác ảnh chân dung?

Nhà báo – Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Trần Hồng(NB- NSNA TH): Tôi có 37 năm làm phóng viên ảnh ở báo Quân đội nhân dân, chụp rất nhiều thể loại ảnh báo chí. Nhưng có lẽ chụp chân dung hợp nhất, là “cái tạng” của con người tôi. Bởi vì mỗi khi cầm máy, tôi luôn tự ý thức nhiệm vụ của người phóng viên ảnh là phải tiếp cận và khám phá nội tâm con người. Tôi luôn muốn hiểu nhân vật của mình là ai để làm quen kết bạn và học hỏi ở họ.

Tâm hồn, tính cách, số phận của mỗi con người phong phú và phức tạp vô cùng, vì thế cho nên chụp ảnh chân dung là phải làm sao phác họa được những biến thái phức tạp ấy thông qua những đường nét, có khi là những chi tiết nhỏ trên từng bức ảnh. Chỉ cần một ánh mắt, một góc nhìn của nhân vật là phải hiểu được nội tâm con người, thấy được sự lúng túng hay bình tĩnh trong tâm trạng. Làm được như thế khó vô cùng. Có lẽ vì ước muốn hiểu và giao cảm với con người, vì sự lôi cuốn của thế giới nội tâm nhân vật mà tôi đam mê sáng tác ảnh chân dung!

PV: Ông đã chụp hơn hai nghìn bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mối lương duyên nào giúp ông có được vinh dự đó?

NB-NSNA TH: Là phóng viên báo Quân đội nhân dân, đó là điệu kiện thuận lợi nhất, cho tôi có được độ tin cậy cao, có cơ hội được nhiều lần và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chụp ảnh còn là sự giao cảm, có một ngôn ngữ chung giữa người nghệ sỹ và nhân vật. Có thể tôi may mắn có được sự tin cậy của Đại tướng.

Đồng nghiệp Báo Quân đội nhân dân chúc mừng NB- NSNA Trần Hồng tại lễ khai mạc triển lãm.

Tháng 10 năm 1994, Đại tướng đã nói với thư ký của mình về tôi: “Cho cậu này vào gặp tôi bất kỳ lúc nào”. Đó là vinh dự thật lớn lao mà Đại tướng dành cho tôi. Những giây phút gặp gỡ Đại tướng có khi rất ngắn ngủi, nhưng tôi ý thức được mình đang tiếp cận một một cốt cách lớn đại diện cho cả dân tộc, một tâm hồn lớn vắt qua hai thế kỷ. Và tôi tự ý thức phải ghi lại những khoảnh khắc quý báu đó.

PV: Mỗi lần được tiếp kiến Đại tướng, cảm xúc của ông thường như thế nào?

NB-NSNA TH: Mỗi lần Đại tướng tiếp khách, tôi thường được tham gia. Trước khi kết thúc bao giờ Đại tướng cũng hỏi: “Trần Hồng đã chụp chưa?”. Với tôi đó là một mệnh lệnh. Sau mỗi lần bấm máy, tôi sung sướng hồi hộp, chỉ muốn về tráng phim ngay để xem ảnh có được như ý tưởng của mình không thôi.

PV: Ông có nhiều lần được gặp và ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống của Đại tướng, Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình?

NB-NSNA TH: Mỗi lần Đại tướng tiếp khách quốc tế hay phát biểu trước các hội nghị, diễn đàn… đều có những sắc thái, tâm trạng riêng. Tôi luôn có gắng để nắm bắt và ghi lại được những khoảnh khắc quý giá đó.

Còn mỗi lần được cận kề Đại tướng trong cuôc sống đời thường, tôi muốn đi sâu vào khai thác những hoạt động đời thường bình dị nhất. Nhưng Đại tướng là người khiêm tốn, kín đáo nên không muốn tôi chụp. Mỗi lúc ấy ông thường “mắng” tôi. Đó là những cảm xúc ngọt ngào vì tôi thấy mình may mắn.

Có lần Đại tướng đứng trước tượng Bác Hồ suy tư và khóc rưng rưng. Tôi cũng đã khóc theo, nhưng bản năng nghề nghiệp đã giúp tôi ý thức phải ghi lại giây phút đó. Và bức “Nhớ Bác”, tác phẩm mà tôi ưng ý nhất được ra đời.

Sau khi xem xong bức ảnh tôi chụp, dù đã quá trưa, Đại tướng vẫn vào phòng chơi một bản nhạc với cây đàn Piano. Và tôi lại có được dịp may hiếm thấy, ghi lại khoảnh khắc thăng hoa của một nhân cách lớn.

Biết tin tôi mở triển lãm lần này, Đại tướng đã gửi lời chào ra ban tổ chức. Tôi biết ơn Đại tướng vô cùng!

PV: Triển lãm lần này như là một sự tổng kết một chặng đường dài ông sáng tác các tác phẩm chân dung về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vậy thông điệp chính của ông là gì?

NB-NSNA TH: Tôi không tự phủ nhận tư duy của mình, nhưng với đồng nghiệp, ai cũng có thể chụp như tôi nếu được cận kề bên Đại tướng.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi có cơ hội cùng Đại tướng trở lại khu rừng Trần Hưng Đạo. Tại đây tôi gặp một phóng viên nước ngoài. Người đồng nghiệp nước ngoài đã chụp hơn 100 cuộn phim dù chỉ được gặp Đại tướng chừng nửa tiếng. Người phóng viên đã cho biết: “Đại tướng là một thiên tài, góc độ nào cũng toát lên chất thiên tài. Không chụp thì thật là lãng phí cơ hội.” Từ đó tôi ý thức được trách nhiệm của mình quá lớn. Tôi có nhiều cơ hội cận kề Đại tướng, trách nhiệm công dân và ý thức của người nghệ sỹ buộc tôi phải ghi lại những khoảnh khắc quý giá đó.

PV: Ông đã sáng tác hơn 2000 tác phẩm về Đại tướng, theo ông thì đã có bao nhiêu “khoảnh khắc cảm xúc” được ghi nhận?

NB-NSNA TH: Ở Đại tướng bất cứ góc độ nào, khoảnh khắc nào cũng toát lên tâm hồn, cốt cách của một vị anh hùng dân tộc. Tôi cũng không thể nào khẳng định mình ghi lại được bao nhiêu phần trăm những hình ảnh ấy nữa. Những bức ảnh của tôi, cái nào có giá trị thì sẽ đọng lại trong lòng người, còn lại với thời gian. Một ít thôi cũng đã quý lắm rồi?

PV: Người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, nhiều người có ước nguyện được diện kiến Đại tướng một lần, ông được cận kề Đại tướng ở nhiều thời điểm quan trọng, ông có điều gì nhắn gửi tới công chúng qua những bức ảnh của mình, đặc biệt là giới trẻ?

NB-NSNA TH: Tôi không dám khuyên hay nhắn nhủ gì. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi sáng tạo những tác phẩm của mình với tất cả sự thành kính ngưỡng mộ, với ý thức trách nhiệm của một công dân, một người lính cầm máy, cầm bút. Tôi sáng tạo và tư duy nghiêm túc.

PV: Xin cảm ơn ông!

Triển lãm ảnh “Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp- Những khoảnh khắc” được tổ chức từ ngày 5 đến 10-5- 2009 tại Trung Tâm Triển lãm Hà Nội, số 54 phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Bài, ảnh: Kim Giang (Thực hiện)