 |
Phút nghỉ giải lao giữa hai trận đánh của bộ đội ta tại mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Hơn 40 bản tham luận gửi về tham gia Hội thảo khoa học: “Chiến thắng Điện Biên Phủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc-Bài học và giá trị lịch sử” do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên-Bộ tư lệnh Quân khu 2 và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp tổ chức. Cuộc hội thảo đã nhìn nhận từ nhiều góc độ, đề cập đến nhiều nội dung của chiến thắng Điện Biên Phủ-cây cột mốc bằng vàng trong lịch sử dân tộc.
Các tham luận tại hội thảo có sự kế thừa và phát triển kết quả nghiên cứu khoa học đã thu được từ hơn nửa thế kỷ qua, làm rõ thêm những nội dung lịch sử đặc sắc, những đóng góp to lớn của quân và dân cả nước mà trực tiếp là quân và dân các tỉnh Tây Bắc, những bài học lịch sử và giá trị to lớn của chiến thắng, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong giai đoạn mới.
Vai trò lãnh đạo của Đảng tiếp tục được khẳng định
Một nội dung lớn được đề cập tại hội thảo là khẳng định và làm rõ vai trò lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với chiến thắng Điện Biên Phủ. Tham luận của Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “Chọn Tây Bắc làm hướng hoạt động chính trong Đông Xuân 1953-1954, điểm đúng huyệt hiểm yếu nhất của đối phương; chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến và kiên quyết chỉ đạo, lãnh đạo toàn quân, toàn dân ta tập trung sức mạnh đánh sập hoàn toàn cứ điểm này… là nhân tố quyết định thể hiện bản lĩnh và tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đó là một nhân tố cơ bản đưa tới thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược”.
Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên cao độ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, cả ở tiền tuyến lẫn hậu phương, trên khắp mọi miền đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy cao độ ý chí quyết tâm tiêu diệt địch, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chiến đấu rất dũng cảm và mưu trí của bộ đội ta trên các chiến trường, đặc biệt là chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời đã huy động được tối đa sức người, sức của của cả nước để đảm bảo cho tiền tuyến đánh thắng. Sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ giúp đỡ, chi viện quan trọng của quốc tế, nhất là của nhân dân Trung Quốc, cùng sự phối hợp chiến đấu của nhân dân các nước bạn Lào và Cam-pu-chia anh em, để đánh bại kẻ thù chung là thực dân Pháp.
Một số tham luận đã điểm lại những quyết định quan trọng, đầy trách nhiệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ, từ đó khái quát nên những điểm nổi bật về phẩm chất cách mạng của người chỉ huy quân sự như: Trách nhiệm chính trị của người cầm quân; tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cách xử lý đúng đắn trong quan hệ giữa cá nhân với tập thể lãnh đạo; là tác phong thực sự cầu thị, sâu sát, bám chắc thực tế.
Thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết
Một số lớn tham luận tập trung làm rõ tinh thần đoàn kết chiến đấu anh dũng kiên cường, sáng tạo của quân và dân cả nước cùng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là cuộc chiến tranh yêu nước và cách mạng. Mục đích của nó là giải phóng dân tộc thoát khỏi chế độ thực dân, giải phóng con người, đưa đất nước tiến lên con đường XHCN. Chính vì vậy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng được nhân lên gấp bội. Với sức mạnh vật chất và tinh thần, trí tuệ và lòng dũng cảm vô song, cả dân tộc Việt Nam đều ra trận, trở thành một sức mạnh to lớn, đè bẹp những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù.
 |
Lực lượng dân công các tỉnh Tây Bắc thồ vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Với tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, cộng đồng các dân tộc Tây Bắc đã có những hy sinh, đóng góp trực tiếp vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Quân và dân các dân tộc Tây Bắc đã làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân Pháp hòng chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết giữa các dân tộc. Âm mưu của địch càng thâm độc, hành động của địch càng dã man thì lòng căm thù của nhân dân các dân tộc càng sục sôi, ý chí chiến đấu vì độc lập càng nhân lên gấp bội.
Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của quân và dân ta không chỉ thể hiện ở sự đoàn kết giữa các dân tộc mà còn thể hiện ở sự đoàn kết, chi viện giữa các vùng, miền, các địa phương trong cả nước; sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, các tôn giáo, các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích; là sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam chiến đấu theo mục tiêu lý tưởng của Đảng dưới ngọn cờ mặt trận đoàn kết.
Sự hy sinh to lớn của quân và dân Tây Bắc
Những đóng góp to lớn của quân và dân các dân tộc Tây Bắc và việc phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là nội dung được nhiều tham luận đề cập. Tham luận của các đồng chí: Lò Mai Trinh-Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên; Thào Xuân Sùng-Bí thư Tỉnh ủy Sơn La; Đinh Tiến Dũng-Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên; Hoàng Minh Nhất-Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang… đã cung cấp nhiều tư liệu xác thực, nêu bật những đóng góp to lớn của quân và dân các địa phương đối với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhân dân Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương tại chỗ của mặt trận Điện Biên Phủ. Cuộc chiến đấu đã diễn ra vô cùng gay go và quyết liệt. Bộ đội địa phương, dân quân du kích và đồng bào các dân tộc Tây Bắc, không chỉ tích cực phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, mà còn huy động tối đa sức người, sức của phục vụ cho chiến dịch. Nhiều con số thống kê được các tham luận dẫn ra để minh chứng cho sự đóng góp của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Nhưng điều đó cũng chỉ nói lên phần nào, không thể diễn tả hết những hy sinh, công lao to lớn của quân và dân nơi đây. Trong điều kiện bị địch đánh phá ác liệt và trong hoàn cảnh khó khăn nhiều mặt lúc đó, sự tham gia chủ động, tích cực, toàn diện cho mặt trận Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời tinh thần yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Với niềm tự hào chính đáng đó, quân và dân các dân tộc Tây Bắc sẽ phát huy truyền thống Điện Biên Phủ trong sự nghiệp CNH-HĐH quê hương đất nước ngày hôm nay.
Từ những nội dung nêu trên, các đại biểu tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm những giá trị và bài học lịch sử, đề xuất các nội dung, hình thức, biện pháp nhằm tăng cường và phát huy hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trực tiếp là đẩy nhanh sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Tây Bắc.
Thạc sĩ PHAN SỸ PHÚC