Những ngày cả nước hừng hực khí thế chào đón kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi tìm gặp Trung tướng Hồng Cư thật chẳng dễ. Lịch công tác của ông dày đặc với nội dung chủ yếu: Kể chuyện về chiến thắng làm “chấn động địa cầu” năm xưa. Tối muộn, tôi mới gặp được ông. Giọng nói không hề pha chút mệt mỏi, ông bảo tôi:

- Chiến thắng Điện Biên Phủ là câu chuyện không bao giờ cũ. Tôi còn sống, còn khỏe, còn kể để thế hệ hôm nay tự hào và phát huy tinh thần đó.

Tôi từng được gặp Trung tướng Hồng Cư, đã nghe nhiều người nói về ông. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận tai nghe ông kể chuyện. Những điều ông nói với tôi hôm nay, có thể nhiều người đã biết. Còn với người chưa từng nghe như tôi, đó lại là sự kiện hoàn toàn tươi mới. Tôi càng hiểu hơn ngụ ý sâu xa trong câu nói của vị tướng già - “chuyện không bao giờ cũ”.

Chuyện hớp hồn tôi ngay từ những phút đầu là chiến lược “điệu hổ ly sơn” mà Đại đoàn 308 đã thực hiện rất thành công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Lúc đầu, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ đánh vào trung tâm Mường Thanh. Nhưng đến ngày 26-1-1954, đơn vị nhận được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay đổi phương châm tác chiến, cấp tốc tiến quân hướng về Luông-phra-băng (kinh đô của nước Lào). Đó là chiến lược “điệu hổ ly sơn” nhằm đánh lạc hướng phán đoán, thu hút không quân của địch, tạo điều kiện cho quân ta kéo pháo ra để thực hiện phương thức đánh chắc tiến chắc. Đây là nhiệm vụ bất ngờ và vô cùng khó khăn bởi chiến trường chưa được chuẩn bị, chưa nắm cụ thể tình hình quân địch. Khó nhất là không có bảo đảm hậu cần. Nhận lệnh, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ không ngần ngại, chỉ xin chỉ thị về quy mô sử dụng lực lượng. Đại tướng lệnh: “Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến cả đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết…”.

Đúng 15 giờ cùng ngày, toàn Đại đoàn chia làm hai cánh quân lập tức lên đường với phương án: Tiến quân thần tốc, gặp địch là đánh, tự giải quyết hậu cần, sau hơn 10 ngày phải giải phóng hoàn toàn lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát Luông-phra-băng; nếu được lệnh trở về phải thần tốc quay lại để kịp tham gia đợt đầu cuộc đại tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trung tướng Hồng Cư lúc ấy là Phó chính ủy Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308). Ông cùng với Trung đoàn phó Ngô Ngọc Dương chỉ huy Tiểu đoàn 89 đi đầu tiến về phía Mường Ngòi. Trung đoàn trưởng Hồng Sơn và Chính ủy Chu Thanh Hương dẫn hai tiểu đoàn đi tiếp theo. Trung đoàn 88 do Trung đoàn trưởng Nam Hà chỉ huy sẽ tiến theo sau. Riêng Trung đoàn 102 do Trung đoàn trưởng Hùng Sinh chỉ huy, được tăng cường hỏa lực phòng không và cối 120mm, hình thành một cánh quân tiến về hướng Mường Khoa…

Các đơn vị đều giành thắng lợi trên mọi hướng tiến công: Chiều 30-1-1954, Tiểu đoàn 89 đến bản Huổi Sen, tiêu diệt một số và bắt sống 20 tên địch. Suốt ngày 1-2-1954, Đại đội 395 đánh liên tục mười trận, diệt và bắt hơn một trăm quân địch…

Đúng như mục tiêu đặt ra, sau hơn 10 ngày hành quân và tác chiến, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận được điện khen của Bộ chỉ huy Mặt trận. Sau đó có lệnh ngừng tiến công, cấp tốc quay trở về ngay Điện Biên Phủ.

Trung tướng Hồng Cư kết lại câu chuyện bằng những lời thật hóm hỉnh mà sâu sắc:

- Tôi hy vọng, thế hệ trẻ như các cháu hôm nay sẽ có những cuộc “lật cánh” ngoạn mục như Đại đoàn 308 năm xưa, cùng tiến bước vì tương lai đất nước với phương châm: Không chậm mà… vẫn chắc.

Bài và ảnh: HỒNG THẠNH