 |
Chiếc ""đèn dầu dọc"" được Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng để đọc văn bản, tài liệu năm 1947.
|
QĐND - Một trong những tư liệu, hiện vật quý về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 2 được nhiều người quan tâm là chiếc ""đèn dầu dọc"", được làm bằng ống tre, đĩa gốm men; có quang treo bằng dây thép. Đèn đốt bằng dầu dọc, được ép từ quả dọc-một loại cây có rất nhiều ở vùng trung du.
Đại tá Lê Quang Tước, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 2 cho biết: ""Chiếc đèn dầu dọc được cụ bà Lê Thị Khai, 86 tuổi, ở xóm Mon, xã Tiên Kiên, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ hiến tặng cho bảo tàng ngày 25-3-1998. Chiếc đèn này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng để đọc văn bản, tài liệu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1947"".
Xóm Mon nằm cách trung tâm xã Tiên Kiên 1km về phía bắc, cách Quốc lộ 2 về phía đông bắc 3km, với diện tích hơn 10ha. Là vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng, nên ngay từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tỉnh và huyện đã chọn xóm Mon làm điểm để chỉ đạo rào làng kháng chiến, thực hiện ""lũy thép lòng dân"", phòng thủ kiên cố, đánh địch tại chỗ bảo vệ làng xã, hoặc cản bước của địch trên đường tiến quân.
Từ cuối tháng 2 đến tháng 5-1947, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt, xóm Mon được đón tiếp nhiều cán bộ của các cơ quan Trung ương trên đường lên Chiến khu Việt Bắc chỉ đạo cuộc kháng chiến, tạm dừng chân nơi đây.
Hai ngôi nhà liền kề nhau của anh em ông Nguyễn Văn Tâm và ông Nguyễn Văn Hậu, ở xóm Mon được chọn làm trụ sở làm việc của Bộ Tổng tư lệnh và cũng là nơi làm việc, nơi nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng được chọn là nơi họp bí mật của Bộ Tổng tư lệnh, nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh... cũng đến họp tại đây.
Năm 1952, theo chỉ điểm của bọn Việt gian, thực dân Pháp tiến công lên Phú Thọ, chúng tấn công vào xóm Mon và các xã lân cận. Các ngôi nhà trong xóm Mon đã bị chúng phá và đốt cháy. Chiếc đèn đốt bằng dầu dọc của Đại tướng làm việc trong các cuộc họp bị tường sập đổ che lấp nên không bị cháy, là hiện vật duy nhất còn lại được bà Lê Thị Khai cất giữ, rồi tặng cho bảo tàng. Đây là hiện vật quý giá góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Bài và ảnh: VĂN CHUNG