QĐND Online –  Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm”, khai thác “chất Văn” trong con người Võ là điều mà đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cảm thấy tâm đắc khi xây dựng hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim “Sống cùng lịch sử”. Đây là bộ phim do nhà nước đầu tư 22 tỷ đồng, dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2014). Phóng viên Báo QĐND Online đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân về bộ phim này.

Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử". Ảnh: Lý Thái Dũng

Phóng viên (PV): Làm phim về đề tài lịch sử không đơn giản, anh cảm thấy thế nào khi đảm nhận vai trò đạo diễn bộ phim này?

 “Sống cùng lịch sử” là phim kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; đương nhiên, ê kíp làm phim cũng phải chịu áp lực tiến độ để hoàn thành đúng thời hạn. Tôi muốn “Sống cùng lịch sử” cuốn hút khán giả trẻ bởi họ chính là đối tượng mà bộ phim hướng đến.

Làm phim lịch sử đã khó mà làm hay lại càng khó hơn. Ở nước ta hiện nay, hầu như các phim về đề tài lịch sử do Nhà nước đầu tư kinh phí đều “khởi động” từ rất sớm nhưng trong quá trình vận hành phải trải qua nhiều khâu từ duyệt kịch bản đến giai đoạn sản xuất, đặc biệt là giai đoạn cuối luôn xẩy ra tình trạng vội vã, chạy đua với thời gian để kịp trình chiếu đúng thời điểm.

PV: Đã có nhiều bộ phim về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh làm thế nào để “Sống cùng lịch sử” vượt qua rào cản khô cứng vốn có của phim về đề tài lịch sử?

 “Đi phượt” đang trở thành trào lưu của một số bạn trẻ hiện nay. Những chuyến du lịch tự phát để khám phá các vùng miền là dịp để thế hệ ngày nay hiểu hơn về đất nước. Trong những chuyến hành trình đó có khám phá lịch sử mà cụ thể là Điện Biên Phủ sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho nhiều bạn sinh viên. Nội dung của phim “Sống cùng lịch sử” khắc họa trận Điện Biên Phủ trấn động địa cầu thông qua hình ảnh của một nhóm bạn trẻ trong hành trình du lịch trên mảnh đất Điện Biên. Thông qua bộ phim, tôi muốn nhắc thế hệ ngày nay không được quên các sự kiện lịch sử của dân tộc.

Cách thể hiện trên phim không mới nhưng bộ phim khiến người xem dễ hiểu, dễ cảm nhận. Các bạn trẻ không chỉ quan sát mà còn tự đặt mình trong vai trò của những người dân công, người lính trong cuộc chiến chống lại kẻ thù.

Diễn viên Lâm Tùng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Lý Thái Dũng

PV: Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp được anh khắc họa ra sao trong bộ phim này?

Tôi muốn khai thác hình ảnh Đại tướng ở khía cạnh của một nhà văn hóa lớn, bình dị, khiêm nhường nhưng nhân cách và tâm hồn vô cùng lớn lao. Diễn viên Lâm Tùng đóng vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thể hiện vai diễn về lãnh tụ rất khó nhưng lần đầu nhập vai Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi thấy Lâm Tùng “sống hết mình” cho nhân vật, anh đã thể hiện khá thành công vai diễn này.

Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ thì không thể tách rời vai trò rất quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng Đại tướng qua đời khi bộ phim đang thực hiện đã tác động phần nào đến hướng đi của bộ phim. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng tác phẩm. 

PV: Cái khó nhất của những người làm phim lịch sử là phải làm sao tạo dựng bối cảnh, tìm hiện vật, đạo cụ…của thời điểm đó để đưa vào phim. Anh có gặp khó khăn trong việc lựa chọn khí tài cho bộ phim?  

Chúng tôi cố gắng dựng lại phim gần với sự thật, toàn bộ lát cắt quan trọng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã ghi lại trong lịch sử đều được dựng lại, dự kiến phim dài khoảng 100 phút. Trong phim, các bạn trẻ được tiếp cận với những điểm sáng nhất của những con người trong chiến dịch.

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thanh Vân đang chỉ đạo trên phim trường. Ảnh: Lý Thái Dũng

Chúng tôi phối hợp với nhiều đơn vị trong Quân đội để thực hiện bộ phim. Tuy nhiên, các khí tài quân sự thời Pháp hiện còn lại rất ít; khán giả không nên quá chú tâm vào việc phát hiện những “lỗi” về đạo cụ như: Xích xe tăng, nòng súng…mà quên đi điều cốt lõi của phim muốn hướng đến. Hiện nay, chúng ta chỉ có khoảng 2 chiếc xe tăng đã sử dụng trong phim “Hoa Ban Đỏ”, “Ký ức Điện Biên”.

Hiện nay, việc làm phim ở Việt Nam chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên làm phim bình thường đã khó, huống chi là những phim về lịch sử. Ở nước ngoài, kỹ sảo, công nghệ hiện đại nên mang lại hiệu quả hình ảnh lớn nhưng độ sát thương rất nhỏ. Còn phim của chúng ta làm hiện nay rất chân phương, nổ là nổ và có thể văng một cái gì đó vào người diễn viên.

Tôi nghĩ, khán giả xem phim sẽ tập trung vào hình ảnh con người và tinh thần thời đại là chính còn việc mô phỏng lịch sử thì ê kíp làm phim cố gắng mô tả chân thật nhất.

PV: Phim chỉ chờ ngày ra mắt khán giả, anh có hy vọng “đứa con tinh thần” của mình sẽ được đông đảo người xem đón nhận?

Những người đồng hành cùng tôi trong bộ phim này là nhà biên kịch Đoàn Tuấn, quay phim Lý Thái Dũng và các diễn viên có khả năng diễn xuất tốt, sống hết mình cho nhân vật. Chúng tôi đã có những ngày “Sống cùng lịch sử” thật ý nghĩa và mong muốn bộ phim sẽ mang lại cho thế hệ ngày nay sự cảm nhận sâu sắc về lịch sử và những người chiến sĩ đã hy sinh biết bao xương máu để giành độc lập cho dân tộc.

KHÁNH HUYỀN