Đồng chí Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch Quốc hội tặng bằng khen các nhà hảo tâm đã tài trợ tỉnh Điện Biên trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: Hùng Tráng

Điện Biên những ngày này ngập tràn không khí lễ hội. Chương trình “Điện Biên cất cánh” (Báo Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty Cổ phần quốc tế truyền thông Sao Việt phối hợp tổ chức) góp thêm một hoạt động nữa đánh dấu mốc son đáng nhớ: 55 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư chúc mừng Chương trình này. Tới dự với chương trình cóPhó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đại diện nhiều nhà quản lý, nhà hảo tâm... Tất cả cùng bàn giải pháp đưa những huyện còn khó khăn nhất của Điện Biên thoát nghèo và từng bước cất cánh...

Đi lên từ mốc son lịch sử

Từ chiều 7-5, Quảng trường trung tâm thành phố Điện Biên Phủ đã tập trung rất đông người dân về tham gia chương trình. Trong đoàn người đó có những bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Đêm giao lưu ca nhạc tổng hợp “Điện Biên cất cánh” được dàn dựng công phu với các màn trình diễn chính: Điện Biên tưng bừng trong chiến thắng; Bản sắc văn hóa Thái - Điện Biên; Nét đẹp người Khơ Mú; Cất cánh cùng Điện Biên... Đây chính là bức thông điệp nhiều màu sắc về một vùng đất anh hùng-nơi diễn ra chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, một Điện Biên với những giá trị văn hóa truyền thống phong phú, độc đáo, đậm đà và giàu bản sắc. Con người Điện Biên cần cù trong lao động, anh hùng trong chiến đấu...

Tham gia giao lưu tại Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết: Tỉnh đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt chú trọng xây dựng bệnh viện, trường học, hạ tầng giao thông, năm 2008 đã mở đường đến A Pa Chải là nơi xa nhất của tỉnh và đấu nối tuyến đường này với huyện Giang Thành, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Mặc dù vậy xét trên bình diện chung cả nước Điện Biên vẫn là một tỉnh nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá, nhưng do điểm xuất phát thấp nên quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa vững chắc; thu ngân sách trên địa bàn mới bảo đảm gần 10% chi; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn hơn 30%, còn 4 huyện có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Hiện còn 4 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, 33 xã có đường nhưng đi lại hết sức khó khăn; còn 24 xã chưa có điện lưới, 33,2% hộ dân chưa được cấp điện…

Sự có mặt và gợi ý của các nhà quản lý, sự tài trợ của các nhà hảo tâm sẽ là nguồn lực quan trọng để Điện Biên thoát nghèo bền vững và từng bước cất cánh.

Lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tới Chương trình như lời động viên đồng bào cả nước tích cực chung tay tham gia giúp đỡ những gia đình thương binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, gia đình khó khăn, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc ta...

Đời sống người dân là quan tâm hàng đầu

Tham gia giao lưu trong chương trình “Điện Biên cất cánh”, ông Ngô Trường Thi, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) cho biết: Đối với tỉnh Điện Biên, trồng cây công nghiệp là một hướng thoát nghèo cho vùng khó khăn, người nông dân sẽ góp vốn bằng đất, như trồng cây cao su mỗi héc-ta được tính bằng 10 triệu đồng và đưa số tiền này vào cổ phần lâu dài cho người nông dân. Đồng thời trồng cây công nghiệp cũng giúp tổ chức sắp xếp lại dân cư, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, chuyển người nông dân từ lao động thuần nông sang sản xuất có tính chất công nghiệp.

Để bảo đảm thoát nghèo lâu dài, các nhóm chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao dân trí, chính sách về cán bộ sẽ đóng vai trò quan trọng, trong đó tạo nguồn lực lao động có tay nghề luôn được ưu tiên. Ông Ngô Trường Thi cho biết: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó sẽ đầu tư cho mỗi huyện trong 61 huyện nghèo một trung tâm dạy nghề để đào tạo lao động tại chỗ, cộng với chính sách ưu đãi xuất khẩu lao động, đào tạo văn hóa, đào tạo nghề, miễn phí chi phí đi xuất khẩu lao động cho lao động ở các địa phương này. “Chất lượng lao động là hết sức quan trọng. Để chuyển đổi được cơ cấu kinh tế phải quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề”, ông Thi nhấn mạnh. Chia sẻ với quan điểm đó, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng: “Thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết 30a sẽ là cơ hội để Điện Biên đẩy nhanh tốc độ xóa đói, giảm nghèo”.

Để Điện Biên thực sự cất cánh cần tập trung một nguồn lực tương xứng, trong đó có việc huy động nguồn đóng góp giúp đỡ xã hội. Trong đêm giao lưu ca nhạc tổng hợp “Điện Biên cất cánh” đã có nhiều doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ hàng chục tỉ đồng cho “Quỹ vì người nghèo tỉnh Điện Biên”; Tổng công ty Sông Đà và Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Việt Nam đã nhận giúp 3 huyện nghèo ở tỉnh Điện Biên. Hy vọng lời kêu gọi từ chương trình “Điện Biên cất cánh” sẽ nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các doanh nghiệp và các địa phương bạn, nhằm đưa Điện Biên sớm trở thành một tỉnh phát triển, theo kịp đà tiến của các địa phương bạn, đáp ứng nguyện vọng và mong ước của đồng bào các dân tộc Điện Biên và cả nước, tất cả những ai đã đổ máu, hy sinh trên mảnh đất này.

MẠNH HƯNG – HOÀNG GIANG