QĐND - Hơn 40 năm trước, tại khu vực Vũng Chùa - Đảo La đã diễn ra một chiến dịch đặc biệt mang tên Chiến dịch Hòn La. Một đại đội cảm tử đã vượt qua mưa bom, bão đạn và thủy lôi của Hải quân Mỹ, tiếp cận tàu Hồng Kỳ để tiếp nhận gạo của nhân dân Trung Quốc hỗ trợ quân dân Việt Nam. Từ khi mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp an tọa trên khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến, câu chuyện về Đại đội cảm tử Hòn La lại được nhiều người dân địa phương kể lại với một niềm tự hào.

Những bao gạo nghĩa tình

Theo lời giới thiệu của Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi đã gặp được ông Hoàng Duy Lộc, người được Ban liên lạc Đại đội cảm tử Hòn La ủy quyền sưu tầm tài liệu và cung cấp thông tin báo chí. Ông Lộc là người tham gia chiến dịch cảm tử từ đầu đến cuối, hiện sống tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới (Quảng Bình). Ông Lộc tâm sự: “Từ năm 2000 đến nay, những người còn sống trong đại đội cảm tử ngày ấy vẫn thường tụ họp vào tháng 6 hằng năm, ra Vũng Chùa thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Lịch sử chưa ghi chép đầy đủ về chiến dịch đặc biệt ấy, nhiều người không biết hoặc đã lãng quên, nhưng đồng đội chúng tôi thì không bao giờ quên nhau”.

Theo lời kể của ông Kỳ, tháng 5-1972, quân dân ta giải phóng thị xã Quảng Trị, địch bắt đầu một chiến dịch tàn khốc hòng tái chiếm Quảng Trị, mà ngày nay chúng ta vẫn hay gọi là chiến dịch “81 ngày đêm đỏ lửa”. Trong bối cảnh đó, nhân dân Trung Quốc đã thể hiện tình đoàn kết bằng cách gửi gạo ủng hộ quân dân miền Nam. Ngày 25-5-1972, tàu Hồng Kỳ của nước bạn chở 6000 tấn gạo vào neo tại Vũng Chùa - Đảo La, cách bờ biển xã Quảng Đông (Quảng Trạch, Quảng Bình) hơn 1km. Do tàu bạn đậu trên vịnh không cập bờ được, buộc chúng ta phải dùng phương tiện ra vận chuyển gạo vào bờ. Trong tuần đầu tiên, khi tàu nước bạn neo tại biển Vũng Chùa - Đảo La, UBND tỉnh Quảng Bình huy động các đơn vị dân sự vận chuyển gạo vào bờ. Hoạt động được một tuần thì Hải quân Mỹ điều tàu chiến vào sát vùng biển huyện Quảng Trạch và cho máy bay thả thủy lôi, bom từ trường phong tỏa. Ban đêm, máy bay địch thả đèn dù, pháo sáng, đánh phá liên tục làm cho việc vận chuyển gạo của các đơn vị dân sự không thể thực hiện được. Trước tình hình đó, Tỉnh đội Quảng Bình quyết định thành lập Đại đội Hòn La để thực hiện nhiệm vụ vận chuyển gạo. Đại đội khoảng 100 đồng chí, từ các đơn vị thuộc Tỉnh đội và các huyện đội hợp thành, chủ yếu đều là con em các xã ven biển, thông thạo sóng gió.  

Ban liên lạc Đại đội cảm tử Hòn La thắp hương tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh.

Máy bay, tàu chiến Mỹ cũng… chịu thua

Ông Hoàng Duy Lộc nhớ lại: Nhiệm vụ vận chuyển gạo rất phức tạp, ban ngày tàu Hải quân Mỹ đỗ chỉ cách tàu Hồng Kỳ khoảng 10km, ban đêm chúng vào gần quan sát dưới ánh sáng của đèn dù, trên không luôn có máy bay trực thăng giám sát. Trên đất liền, từng tốp máy bay A37 liên tục ném bom vào các vị trí mà chúng nghi có gạo và thuyền bè của bộ đội ta cất giấu. Trước tình hình đó, đại đội tổ chức họp và đã tìm ra nhiều phương thức vận chuyển.

Giai đoạn đầu, được gọi là giai đoạn "lao ngang", bộ đội ta dùng thuyền đánh cá của dân, cứ sẩm tối lại xuất phát từ xã Quảng Xuân, vượt qua bom đạn, thủy lôi của địch tiếp cận tàu Hồng Kỳ để bốc gạo.  Ngày đầu tiên đi thí điểm 3 thuyền thì bị pháo địch phát hiện và đánh chìm 1 thuyền, làm 3 đồng chí hy sinh, còn 2 thuyền đưa được 6 tấn gạo cập bến an toàn. Những ngày tiếp theo, nhiều đồng chí hy sinh buộc đơn vị phải chuyển sang phương thức vận chuyển "lao dọc". "Lao dọc" là mở con đường máu gần nhất để tạo bất ngờ đối với địch bằng cách cho thuyền xuất phát từ Quảng Xuân đi dọc bờ biển đến Vũng Chùa thuộc xã Quảng Đông, bất ngờ đổi hướng đi trực diện ra tàu Hồng Kỳ, bốc gạo xong cho thuyền đi thẳng vào bờ và đến gần bờ đổi hướng đi dọc bờ biển chở gạo về Quảng Xuân.

Phương thức vận chuyển “lao dọc” được một tuần thì bị địch phát hiện. Chúng cho máy bay A37 và tàu chiến liên tục thả bom và nã pháo vào các đội thuyền “lao dọc” của Đại đội cảm tử Hòn La. Đồng thời, máy bay Mỹ ban ngày bay từng tốp quần lượn dọc bờ biển từ xã Quảng Phúc đến xã Quảng Đông, bắn rốc két phá thuyền của ta. Đến ngày 27-7-1972, quân và dân Quảng Bình đã kịp bốc được 5000 tấn gạo, còn lại 1000 tấn gạo trên tàu Hồng Kỳ nhưng để tránh tổn thất, tàu bạn về nước. Để thay đổi phương thức hoạt động, ta đề nghị phía bạn đóng gạo bốn bì chống thấm nước và chuẩn bị bọc lưới, mỗi bọc đựng được 16 bao gạo (8 tạ). Cuối tháng 7, chuyến tàu thứ 2 của bạn lại chở 6000 tấn gạo vào neo đậu tại Vũng Chùa - Đảo La. Lúc này, đơn vị Hòn La chuyển sang phương thức “tời gạo”.

Ông Lộc kể: Phải chuyển sang "tời" là vì ta không còn thuyền để tiếp tục vận chuyển. Trên tàu Hồng Kỳ, bạn dùng một máy nổ quay tời, ở trong bờ, Đại đội Hòn La lợi dụng các gốc cây to buộc ròng rọc tạo ra hệ thống tời hoàn chỉnh. Mỗi lần tời được 10 bao. Do việc tời gạo rất nguy hiểm, gần như khó tránh khỏi hy sinh nên trước mỗi lần đi “tời”, đơn vị đều tổ chức lễ truy điệu sống, thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Rất nhiều người đã hy sinh và bị thương nhưng bộ đội vẫn dùng khăn tẩm nước để tránh khói bom và tiếp tục nhiệm vụ.

Để tiêu diệt Đại đội Hòn La, giặc Mỹ đã dùng các loại vũ khí man rợ nhất mà Liên Hợp quốc cấm sử dụng như: Bom bi khoan, pháo cháy phốt pho, pháo tiêu diệt bộ binh, pháo phóng đinh… Tuy nhiên, tận dụng sơ hở của địch, bộ phận còn lại ở Quảng Xuân vẫn tiếp tục dùng thuyền chuyển gạo từ tàu vào bờ với những hình thức linh hoạt, làm cho kẻ địch phân tán lực lượng. Giai đoạn này Đại đội cảm tử Hòn La hoạt động có hiệu quả và ít tổn thất nhất.

Đến cuối tháng 8-1972, trời bắt đầu chuyển mùa, gió mùa đông bắc xuất hiện, Tỉnh đội cho biết tàu Hồng Kỳ chuẩn bị về nước, nên ra lệnh cho đại đội bằng mọi cách phải bốc được càng nhiều gạo càng tốt. Lợi dụng gió mùa đông bắc, đại đội cử người ra tàu ném gạo xuống biển để gió mùa thổi dạt vào bờ. Máy bay Mỹ liên tục bắn vào các bao gạo trôi trên biển nhưng phương thức này cũng khá thành công vì bộ đội ta ít tổn thất. Cuối tháng 9, ở Quảng Trạch có một trận lụt, cả cánh đồng Quảng Xuân nước ngập đến cổ, đại đội thu nhặt gạo trôi dạt vào bờ, mỗi người dùng một dây thừng buộc 20 bao gạo, lợi dụng nước lụt kéo gạo lên quốc lộ 1A và đưa lên xe chở vào phía nam.

25 lần truy điệu sống

Ông Lộc tự hào: “Chiến dịch Hòn La chúng tôi cùng với các đơn vị dân sự vận chuyển được 10 nghìn tấn gạo. Đây là một kỳ tích của quân và dân Quảng Bình. Kết thúc chiến dịch, 21 đồng đội của chúng tôi hy sinh. Gạo chở vào chiến trường đã thấm máu đào của các chiến sĩ đại đội cảm tử. Họ đã giản dị cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, chờ ngày chiến thắng và tin rằng lịch sử sẽ nhắc đến tên họ”.

Một điều khiến ông Lộc tiếc nuối là năm 1979, đồng chí Phạm Đức Hồi, nguyên Chính trị viên đại đội, người lưu giữ quyển sổ ghi lại những lần tổ chức lễ truy điệu sống (25 lần) cho đồng đội, có dặn: "Khi nào chú (ông Lộc) ra nhà, anh giao lại cho chú tài liệu ghi lại những ngày tháng hoạt động của đơn vị trong chiến dịch Hòn La”. Cách đây 5 năm, ông Lộc tìm về gia đình ông Hồi thì được biết ông đã mất tại Tây Nguyên. Và các tài liệu của ông Hồi cất giữ gia đình đã hỏa táng hết.

“Tuy nhiên, hoạt động của Đại đội cảm tử Hòn La còn rất đông nhân chứng là nhân dân các xã Quảng Xuân, Quảng Hưng, Cảnh Dương, Quảng Đông, những người đã bảo vệ và hỗ trợ đại đội chúng tôi thực hiện nhiệm vụ” - Ông Lộc cho hay. Hiện nay, ông Lộc và đồng đội đang tích cực tìm gặp nhân chứng, khôi phục tài liệu để đề nghị đưa Chiến dịch Hòn La vào lịch sử LLVT tỉnh Quảng Bình một cách xứng đáng với vị trí, vai trò và ý nghĩa lịch sử của nó. “Do điều kiện chiến tranh nên việc ghi chép lịch sử chưa đề cập đến Đại đội cảm tử Hòn La. Giờ chúng tôi mới có thời gian để làm việc đó. Chúng tôi tin là công việc này sẽ có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất sâu sắc”, ông Lộc khẳng định.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI - HOÀNG DUY