QĐND - Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Nam-mi-bi-a, Hi-phi-cơ-pu-ni-ê Pô-ham-ba thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 20-11-2013.
Đây là chuyến thăm lần thứ hai ở cấp nguyên thủ nhà nước Nam-mi-bi-a tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (21-3-1990). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đạt được những thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.
Ngay sau khi Nam-mi-bi-a giành được độc lập vào năm 1990, hai nước Việt Nam và Nam-mi-bi-a đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Thế nhưng, từ trước đó rất lâu, quan hệ giữa hai nước đã có sự gắn kết thông qua việc Tổ chức nhân dân Tây Nam Phi (SWAPO), Đảng cầm quyền hiện nay, có uy tín cao (hiện chiếm 75% ghế trong Quốc hội Nam-mi-bi-a) có quan hệ tốt đẹp với Đảng Cộng sản Việt Nam từ thập niên 1970. Hai bên đã ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập của mỗi nước. Chủ tịch đảng SWAPO đồng thời là Tổng thống đầu tiên của Nam-mi-bi-a, ông Xam Nu-giô-ma, có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, coi Chủ tịch Hồ Chí Minh là người anh hùng dân tộc của Nam-mi-bi-a, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng của quân đội Nam-mi-bi-a.
 |
Nam-mi-bi-a là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản phong phú. Hiện Nam-mi-bi-a đang tập trung triển khai chiến lược phát triển đất nước theo hướng đẩy mạnh du lịch, nông nghiệp, thủy sản, phát huy lợi thế có hơn 1.500km bờ biển nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thu từ các hoạt động khai thác tài nguyên, thu hẹp chênh lệch giàu nghèo, cải thiện điều kiện sống cho người dân.
Trong thời gian qua, quan hệ Việt Nam - Nam-mi-bi-a đã có những bước phát triển với việc hai bên thường xuyên tiến hành trao đổi đoàn các cấp. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã từng thực hiện chuyến thăm Nam-mi-bi-a vào năm 2002. Hai bên ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Nam-mi-bi-a đã ủng hộ Việt Nam vào Ban chấp hành hội đồng Kinh tế xã hội của LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 1996-1998, vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2008-2009), Hội đồng Nhân quyền LHQ (nhiệm kỳ 2014-2016). Việt Nam cũng ủng hộ Nam-mi-bi-a vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước hiện vẫn còn ở mức khiêm tốn. Trước đây, trao đổi thương mại hai nước được thực hiện chủ yếu thông qua nước thứ ba là Nam Phi, thời gian gần đây đã có giao dịch thương mại trực tiếp.
Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 1,3 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nam-mi-bi-a khoảng 842 nghìn USD, nhập khẩu từ Nam-mi-bi-a khoảng 481 nghìn USD. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hàng dệt may, cà phê, sản phẩm gỗ; nhập khẩu chủ yếu là kim loại thường, sắt thép các loại, dầu mỡ động thực vật…
Hiện nay, Việt Nam và Nam-mi-bi-a đã ký Hiệp định khung về kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật; Hiệp định thương mại; Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tạo lập nền tảng pháp lý cho quá trình thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước. Phía Nam-mi-bi-a đề xuất Việt Nam có thể nhập khẩu thịt gia súc (bò, dê, cừu) của Nam-mi-bi-a; thiết lập liên doanh dệt may để tận dụng hạn ngạch dệt may của Nam-mi-bi-a sang thị trường Mỹ…
Trong lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, hai bên đang triển khai 3 dự án về thủy sản do Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) tài trợ từ năm 2010. Hiện nay, có một số chuyên gia Việt Nam thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đang làm việc tại Nam-mi-bi-a. Phía Nam-mi-bi-a đề nghị tiếp tục xây dựng dự án hợp tác về trồng lúa theo mô hình 3 bên với sự tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tiến hành tại vùng Đông Bắc Nam-mi-bi-a, nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp của hai bên cũng đang tiến hành đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ nông nghiệp Việt Nam và Nam-mi-bi-a.
Song song với việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế thương mại, Việt Nam và Nam-mi-bi-a đang tiến hành các bước nhằm xúc tiến hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Phía Nam-mi-bi-a đang đề nghị Việt Nam giúp Nam-mi-bi-a trong việc cải thiện chất lượng giáo dục, mở rộng các lĩnh vực đào tạo, xem xét cấp học bổng cho sinh viên ngành nông nghiệp của Nam-mi-bi-a sang học tập tại Việt Nam.
Bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nam-mi-bi-a đang được hai bên quan tâm thúc đẩy. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Nam-mi-bi-a, Hi-phi-cơ-pu-ni-ê Pô-ham-ba, là một trong những cột mốc trên tiến trình phát triển quan hệ đó.
Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các khả năng và biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên, triển khai thực hiện các thỏa thuận đã ký kết và tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và Nam-mi-bi-a.
Chúng ta tin chắc rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Nam-mi-bi-a, Hi-phi-cơ-pu-ni-ê Pô-ham-ba sẽ thành công tốt đẹp, khẳng định tình hữu nghị và quan hệ hợp tác Việt Nam - Nam-mi-bi-a sẽ có những bước phát triển mới, năng động, hài hòa, vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam - Nam-mi-bi-a.
QĐND