Tây Nguyên! Cái vùng đất hoang sơ và dữ dội bởi những đèo cao hút gió: “Nhìn trên bản đồ, vùng Tây Nguyên nổi lên như một hình chóp nón...”.

Tây Nguyên! Một thời của những chiến công hiển hách nhưng cũng đầy những mất mát hy sinh…

Tây Nguyên! Binh đoàn 15 đã ra đời ở đó, trong muôn vàn gian khó bởi dấu tích của chiến tranh. Sau chiến tranh, Tây Nguyên là vùng đất bị tổn thất nặng nề bởi chất độc hóa học, sốt rét, bệnh tật và muôn vàn thiếu thốn về vật chất. Đây đó vẫn còn nhiều bom đạn vùi sâu trong lòng đất. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy-Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng nhân dân địa phương... Binh đoàn 15 đã gồng mình vượt qua những khó khăn chất chồng để biến vùng đất cỗi cằn, vẫn khét mùi súng đạn thành một vùng đất của cao su, cà phê bạt ngàn, chạy xa tắp đến tận chân trời.

Lịch sử của Binh đoàn 15 là lịch sử của sự vượt qua gian khó. 20 năm xây dựng và trưởng thành là 20 năm đầy những gian lao thử thách. Không ít người lính đã ngã xuống ngay từ những ngày đầu thành lập, bởi tàn dư bom mìn. Nói về vấn đề này, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp đã có lần tâm sự:

“Với tôi, sau chiến dịch mùa Xuân năm 1975, khi hoàn thành tâm nguyện của mình, từ Tây Nguyên về giải phóng đồng bằng, từ núi rừng về thành phố, một đời trận mạc, có được những ngày tháng đó thật may mắn và hạnh phúc. Và, chính trong những giây phút ấy, khi ở cuối chặng đường đuổi giặc, chúng tôi lại rưng rưng nhớ những đồng chí, đồng đội đã nằm lại khắp các cánh rừng, góc núi xa xôi chưa kịp nhìn thấy biển...” (Ký ức Tây Nguyên. NXB Quân đội nhân dân-2000).

Thấu hiểu những khó khăn nhưng cũng tin tưởng ở ý chí, tài năng cùng nghị lực của những người lính Binh đoàn 15, nhiều lần các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng... đã về thăm, động viên và làm việc tại đây. Năm 1987, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về thăm và làm việc với Binh đoàn từ những ngày đầu thành lập. Năm 1998, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã lặn lội đến với những người lính làm kinh tế-quốc phòng trên vùng đất này. Suốt từ những năm đó đến nay, năm nào các đồng chí lãnh đạo cũng đến Binh đoàn trồng cây lưu niệm và động viên thăm hỏi.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Binh đoàn đã có chính sách thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Đó chính là một trong những nhân tố quan trọng để xây dựng bản làng văn hóa, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Có được kết quả ấy là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của những người lính, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy-Bộ tư lệnh Binh đoàn, sự nhạy bén, sáng tạo của cả tập thể lao động. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 13 tháng 1 năm 2003, Binh đoàn 15 đã vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới.

Phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn 15 kiên quyết không để Tây Nguyên trở thành vùng đất chết. Nơi đây, giờ đã là một vùng kinh tế trọng điểm và đang trở thành một tiềm năng du lịch lớn của cả nước. Cảm phục, kính trọng cùng với lòng biết ơn những thế hệ cha anh, Binh đoàn 15 đã, đang và sẽ kế tục truyền thống của lớp người đi trước, quyết tâm làm tròn sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao phó. Cuốn “Lịch sử Binh đoàn 15” là công sức, trách nhiệm và cũng là lòng nhiệt huyết của Thường vụ Đảng ủy, Bộ tư lệnh và biết bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người lao động… trong suốt hai mươi năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành. Sách do NXB Quân đội nhân dân ấn hành tháng 8-2008, Đại tá Lê Hải Triều chắp bút thực hiện. Anh là một chiến sĩ đã nhiều năm tháng chiến đấu và gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, là tác giả chắp bút nhiều cuốn hồi ký nổi tiếng như: Thời sôi động của Đại tướng Chu Huy Mân; Ký ức Tây Nguyên của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp; Một thời Quảng Trị của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu…

LÂM HOÀN