7-11-1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 203 cử ông Hoàng Hữu Nam làm Trưởng đoàn, cùng các thành viên khác tham gia Uỷ ban Liên kiểm Việt-Pháp để thi hành bản Tạm ước 14-9.

13-11-1946

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam Định, hơn 3.000 công nhân Nhà máy sợi đã nhất loạt bãi công. Cuộc đấu tranh này được đông đảo đồng bào trong cả nước ủng hộ, đã có tiếng vang rất lớn và gây nhiều thiệt hại nặng nề cho bọn chủ tư bản Pháp.

14-11-1946

Chính phủ phát hành “Công phiếu kháng chiến”, thu được 283 triệu đồng, phần lớn số tiền này được dành cho ngân sách quốc phòng.

17-11-1946

Tại Trung Hưng (Nam Bộ), quân ta chiến đấu tiêu diệt, phá huỷ 7 xe vận tải khi địch đánh tới.

20-11-1946

- Valluy ra lệnh cho Morlière, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ, thiết lập quyền kiểm soát thuế quan ở cảng Hải Phòng. Được lệnh, quân Pháp khám xét trái phép một ca-nô của người Trung Hoa đã được Sở thuế quan Hải Phòng cho vào bến Cấm. Ta phản đối hành động vi phạm chủ quyền đó. Lính Pháp xả súng vào công an và nhân viên hải quan của ta, rồi đánh chiếm một số nơi trong thành phố. Quân ta buộc phải đánh trả.

- Cùng ngày, quân Pháp nổ súng tiến công chiếm thị xã Lạng Sơn.

21-11-1946

- Buổi sáng, phái đoàn Liên kiểm Trung ương Việt-Pháp tới Hải Phòng. Chiều hôm đó, hai bên ký bản thoả ước “Hen-ken – Hoàng Hữu Nam” với nội dung: ngừng bắn.

- Quân y cục mở hệ Đại học quân y tại Trường Đại học Y dược Hà Nội. Tới dự lễ khai giảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, học viên: “Hăng hái, hy sinh, bác ái, đoàn kết và kỷ luật”.

22-11-1946

- Valluy trực tiếp ra lệnh cho Debès, chỉ huy quân Pháp ở Hải Phòng, bằng mọi lực lượng có trong tay phải nhanh chóng làm chủ Hải Phòng, dù thế nào cũng phải buộc Việt Nam rút quân khỏi thành phố. Được lệnh, quân Pháp mở rộng khu vực đánh chiếm, tàn sát dã man, giết hại hàng nghìn đồng bào ta, ngang ngược đòi ta phải bỏ chướng ngại vật để quân Pháp đi lại tự do trên đường Hải Phòng-Đồ Sơn.

- Trung đoàn 41 (sau đổi là Trung đoàn 42) cùng Tự vệ Thành, Công an xung phong và nhân dân Hải Phòng chiến đấu anh dũng, gây nhiều thiệt hại nặng cho quân Pháp.

23-11-1946

Uỷ ban liên bộ về Đông Dương-một tổ chức của những người Pháp có quyền lợi liên quan ở Đông Dương, làm cố vấn cho chính phủ Pháp trong hoạch định đường lối với 3 nước Đông Dương, do Messmer làm Tổng thư ký, ra quyết định: “Dùng biện pháp quân sự giải quyết mối quan hệ Việt-Pháp”.

24-11-1946

Hội nghị văn nghệ cứu quốc và Đại hội văn hoá toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ở Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu phương châm của công tác văn hoá Việt Nam là: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

25-11-1946

- Binh lính Pháp đồng loạt nổ súng tiến công các vị trí, khu vực chốt giữ của bộ đội và tự vệ Lạng Sơn

- Ta tiến công sân bay Cát Bi, phá huỷ kho đạn, kho xăng, lấy được bản kế hoạch đánh chiếm Hải Phòng của Bộ chỉ huy quân Pháp.

26-11-1946

- Đồng chí Vương Thừa Vũ được cử làm Khu trưởng Khu XI. Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Chiến khu XI được kiện toàn.

- Tại Hải Phòng, quân Pháp tập trung lực lượng tiến công đánh phá các khu phố Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Cầu Đất. Từ Trại Bảo an binh, chúng tổ chức tiến công Trại Cau-một vị trí quan trọng nối Hải Phòng với Kiến An-hành lang tiếp tế, di chuyển lực lượng và liên lạc giữa cơ quan Bộ chỉ huy Chiến khu 3 với các đơn vị trong nội thành. Dựa vào công sự, các lực lượng vũ trang ở Trại Cau kiên cường bám trụ, đánh lui nhiều cuộc tiến công của địch, giữ vững Trại Cau.

27-11-1946

Sau 1 tuần cùng tự vệ và nhân dân chiến đấu, gây cho địch nhiều tổn thất, Trung đoàn 125 (Lạng Sơn) rút ra ngoài thị xã, lập phòng tuyến trên Đường số 1 và Đường số 4.

28-11-1946

ở Hải Phòng, bộ đội ta rút khỏi thành phố lập phòng tuyến Cầu Niệm, Cầu Rào, An Dương bao vây địch.

29-11-1946

Đảng ta, với danh nghĩa Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, đã ra lời kêu gọi toàn dân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu để tự vệ.

Tháng 11-1946

- Cả nước được chia thành 12 khu hành chính và quân sự. Mỗi khu có Uỷ ban kháng chiến khu phụ trách hành chính và Khu trưởng phụ trách quân đội.

- Thành lập Uỷ ban bảo vệ, Ban chỉ huy và Đảng uỷ Mặt trận Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Văn Trân-Bí thư Đảng uỷ Mặt trận kiêm Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ thành phố; Trần Quốc Hoàn-Phó Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, chỉ đạo chung.

Cuối tháng 11-1946

Tổng di chuyển cơ sở vật chất, chủ yếu là quân giới, ở Hà Nội, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ về các căn cứ ở nông thôn và rừng núi. Các cơ sở Nam Bộ tiếp tục chuyển vào vùng căn cứ.

Đầu tháng 12-1946

- Trong suốt một tuần, Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã tổ chức một cuộc nghi binh lớn, huy động hàng nghìn dân quân tự vệ ở ngoại thành và một số huyện thuộc Hà Đông, Sơn Tây mặc quân phục và trang bị đầy đủ, cứ gần tối tổ chức hành quân từ ngoại ô vào thành phố, nửa đêm về sáng lại bí mật rút ra ngoại thành.

- Bộ chỉ huy quân Pháp cho Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 (13e DBLE), Trung đoàn bộ binh Lê dương số 3 (3e REI), cùng nhiều xe tăng, đại bác đổ bộ lên Đà Nẵng.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt cho việc di chuyển cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước khi cần thiết.

2 và 3-12-1946

Lính Pháp kéo đến phá Phòng Thông tin ở phố Tràng Tiền, xé các bản tin tức, xé Quốc kỳ Việt Nam.

3-12-1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc ở làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông.

4-12-1946

Quân Pháp ra lệnh cấm trại, đặt quân đội trong tình trạng báo động

6-12-1946

- Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Quốc hội và Chính phủ Pháp ra lệnh cho quân viễn chinh rút về vị trí trước ngày 20-11. Nhà cầm quyền Pháp không trả lời.

- Cùng ngày, quân Pháp chiếm Đồ Sơn.

7-12-1946

- Sainteny tuyên bố: Đã đến lúc giải quyết thời cuộc bằng quân sự, quân đội Pháp sẵn sàng hành động.

- Quân Pháp tự tiện kéo đến chiếm đóng Nhà băng Pháp-Hoa.

8-12-1946

Thành bộ Việt Minh Hà Nội chính thức kêu gọi nhân dân Thủ đô giữ thái độ bình tĩnh, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.

12-12-1946

Tại Tiên Yên, quân Pháp theo Đường số 4 đánh chiếm Đình Lập.

Từ ngày 17-5 đến ngày 12-12-1946

Báo Cứu Quốc đăng nhiều bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập những tư tưởng chỉ đạo nhằm thiết thực bồi dưỡng kiến thức quân sự cho quân và dân cả nước trong quá trình chuẩn bị bước vào kháng chiến chống xâm lược.

13-12-1946

Trung ương Quân uỷ và Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị các Khu trưởng tại Hà Đông. Hội nghị quán triệt nhận định của Đảng: “Phản động Pháp ở thuộc địa cố gắng và đẩy chúng ta vào chiến tranh, chủ trương của Đảng vẫn là tranh thủ khả năng hoà bình, nhưng phải chuẩn bị cấp tốc để tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và trường kỳ”. Hội nghị tiến hành rút kinh nghiệm chiến đấu ở Hải Phòng và Lạng Sơn, lên kế hoạch chỉ đạo chiến đấu ở các địa phương và kế hoạch làm “vườn không, nhà trống”.

14-12-1946

- Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ báo cáo Tổng chỉ huy kế hoạch chiến đấu.

- Pháp đưa thêm 400 quân tăng viện cho Hải Phòng.

15-12-1946

Sau khi Léon Blum lên làm Thủ tướng Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thông điệp yêu cầu giải quyết bế tắc trong quan hệ Việt-Pháp.

Giữa tháng 12-1946

Quân dân Thủ đô Hà Nội về cơ bản đã hoàn thành mọi mặt chuẩn bị và đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao. Tại Bắc Bộ Phủ, ta đã đào một đường ngầm xuyên đường đặt bom dưới nền nhà khách sạn Métropole, khi có lệnh sẽ cho nổ tiêu diệt bọn địch đóng ở khách sạn… Trên các đường phố chính, anh em tự vệ đã tiến hành cưa cây ở lưng chừng, khoan lỗ đặt chất nổ, chuẩn bị các dụng cụ ngả cây, đánh gẫy cột điện làm vật cản cơ giới địch.

16-12-1946

- Tại trụ sở Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội (ở gần Ngã Tư Sở), đồng chí Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp và đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã đến kiểm tra và trực tiếp nghe Bộ chỉ huy Mặt trận báo cáo toàn bộ công tác chuẩn bị tác chiến.

- Trung ương điện cho Xứ uỷ lâm thời Nam Bộ, trong đó chỉ rõ nhiệm vụ của Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tài sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc.

- Valluy từ Sài Gòn ra Hải Phòng, triệu tập Morlière, Debès phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực Bắc Vĩ tuyến 16.

- Cùng ngày, D’Argenlieu-Cao uỷ Pháp, đòi khôi phục lại các Hiệp ước 1883 và 1884 mà nhà Nguyễn đã ký với Pháp. Y láo xược tuyên bố coi “Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng là lãnh thổ của nước Pháp”.

- Trong 2 ngày 15, 16-12: Quân pháp liên tiếp khiêu khích nổ súng, ném lựu đạn nhiều nơi ở Hà Nội, làm chết nhiều thường dân, công an và bộ đội ta.

17-12-1946

- Bộ Quốc phòng thành lập Ban liên lạc đặc biệt thuộc Văn phòng Bộ.

- Tại Hà Nội, quân Pháp cho xe phá các công sở của ta ở phố Lò Đúc. 11 giờ 30 phút, chúng cho quân đến bao vây trụ sở Công an phố Hàng Đậu. 12 giờ, chúng đốt nhà dân ở phố Trúc Bạch, phá các ụ chiến đấu và nã đại bác vào hai phố Hàng Bún và Yên Ninh. Sau đó, chúng cho một tiểu đoàn càn quét vào phố Hàng Bún, thẳng tay bắn giết, đốt phá làm 43 đồng bào ta bị chết trong đó có cả các cụ già và em bé, bắt 15 người đem vào thành.

18-12-1946

- Trưa: Pháp gửi tối hậu thư đòi chiếm Sở Tài chính và nhà viên Giám đốc Sở Giao thông đường Pasquier (nay là Điện Biên Phủ), đòi ta phá bỏ công sự và chướng ngại vật trên đường phố.

- Chiều: Pháp lại gửi tối hậu thư đòi làm nhiệm vụ trị an ở Hà Nội và đe doạ: “Đến sáng 20-12, những điều đó không được chấp nhận thì quân Pháp sẽ chuyển sang hành động”.

- Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã ra mệnh lệnh chuẩn bị chiến đấu cho toàn thể lực lượng vũ trang Thủ đô.

Trong 2 ngày 18 và 19-12-1946

Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng tại làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi phân tích những hành động khiêu khích, gây chiến của Pháp, Hội nghị nhận định: âm mưu Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược của Pháp đã chuyển sang một bước mới, thời kỳ hoà hoãn đã qua, khả năng hoà bình không còn nữa. Hội nghị quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên qui mô cả nước, và vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.

Sáng 19-12-1946

- Thực dân Pháp gửi tiếp cho ta một tối hậu thư, đòi tước vũ khí tự vệ, đòi ta phải đình chỉ mọi hoạt động chuẩn bị kháng chiến để cho chúng giữ trật tự trong thành phố.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Sainteny yêu cầu ông ta gặp đại diện của Chính phủ ta để “tìm một giải pháp cải thiện bầu không khí hiện tại”.

Trưa 19-12-1946

Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các mặt trận và các chiến khu: Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư đó. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”.

Chiều 19-12-1946

- Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho lực lượng vũ trang: “Giờ chiến đấu đã đến!” và giao mệnh lệnh nổ súng đến các đơn vị.

- Nhận được lệnh nổ súng, Đảng uỷ Khu XI, Uỷ ban bảo vệ và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội triệu tập khẩn cấp chỉ huy các tiểu đoàn cùng Uỷ ban bảo vệ các khu phố về Sở chỉ huy để kiểm tra lần cuối công tác chuẩn bị, phổ biến mệnh lệnh tiến công, giao nhiệm vụ tác chiến cho các đơn vị, đồng thời quy định ám tín hiệu: “Đèn điện tắt là báo động, đại bác ở Pháo đài Láng bắn là khởi chiến”.

Đêm 19-12-1946

Bộ trưởng Quốc phòng-Tổng chỉ huy ra mệnh lệnh chiến đấu:

“Tổ quốc lâm nguy

Giờ chiến đấu đã đến!”

Đúng 20 giờ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ phá máy. 20 giờ 3 phút, đèn điện toàn thành phố phụt tắt. Nhận được ám hiệu, trung đội pháo binh của ta từ Pháo đài Láng bắn những quả đạn đầu tiên vào thành Hà Nội. Lập tức, các pháo đài ở Xuân Canh, Xuân Tảo cùng nhả đạn vào các mục tiêu đã định trước. Tiếng đại bác rền vang báo hiệu cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ. Cả dân tộc nhất tề cầm vũ khí với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

NGUYỄN HẢI HÀ

NGUYỄN ĐĂNG TIẾN