Đúng dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm nay, tôi về thăm lại tòa soạn Báo Quân đội nhân dân ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Cơ quan đã chuyển vào làm việc ở khu nhà mới cao sang, hiện đại. Vào phòng thư viện, lật các trang trong tập báo quý 2-1975, mở các trang báo ra ngày 1-5, thấy diện mạo tờ báo mừng ngày Đại thắng thật rực rỡ, ấn tượng. Tôi ngắm lại bài xã luận “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng”, nét chữ đã nhạt màu trên nền giấy úa vàng, nhưng từng hàng chữ trong bài cứ thu hút tôi. Quên sao được cái không khí, nhịp độ làm việc của tòa soạn vào ngày 30 tháng 4 năm ấy.
Sáng sớm ngày 30-4-1975, tôi cùng các anh Mạnh Tiễn, Đỗ Thân, Văn Uyển và Nguyễn Thập trong tổ bình luận chiến sự chia nhau đi dự giao ban, nắm thông tin ở Văn phòng Bộ Tổng tham mưu và văn phòng Tổng cục Chính trị, rồi thay nhau túc trực nghe các đài quốc tế. Các cánh quân của ta có xe tăng dẫn đầu đang đột phá để nhanh chóng chiếm lĩnh các cửa ngõ phía đông, phía tây bắc và phía tây nam Sài Gòn. Đến 9 giờ 30 phút, tôi được tách đội hình của tổ đi gặp Tổng biên tập. Cuộc gặp chỉ diễn ra 3 phút. Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước nói rất ngắn gọn: “Tình hình rất khẩn trương, cậu chuẩn bị sớm ý tứ cho bài xã luận giải phóng Sài Gòn. Cục diện chiến trường đang tiến triển từng giờ, từng phút, rất thuận lợi cho ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh có thể kết thúc toàn thắng sớm hơn dự định rất nhiều”.
 |
Nhà báo Hồng Phương trên đường vào Mặt trận B2, năm 1970 |
Trở về phòng, tôi bắt tay vào công việc. Mắt nhìn vào các tài liệu ghi chép, nhưng thật lạ, các dòng chữ cứ nhòe đi. Những hình ảnh chiến tranh suốt mười mấy năm như hiện ra trong một cuốn phim dài, rồi dừng lại rất lâu trong những ngày tổng tiến công Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968. Từ cuộc chiến khốc liệt và thắng lợi chưa trọn vẹn ấy, cả nước phải trải qua 7 năm ròng chiến đấu thử thách với biết bao tình huống hiểm nghèo. Cuộc tiến công mùa xuân năm 1972 rồi trận Điên Biên Phủ trên không... nay ta mới mở được trận đánh lịch sử giải phóng Sài Gòn.
Giờ này các phóng viên chiến trường Nguyễn Trần Thiết, Tư Đương, Cao Tiến Lê, Anh Ngọc, Hà Đình Cẩn, Mạnh Hùng, Tô Vân, Tô Phương, Trọng Lượng, Thiều Quang Biên... đang bám theo các cánh quân để tiến về Sài Gòn. Còn tôi, trận địa lúc này là ở ngay tòa soạn, với cây bút tác chiến trên các trang giấy cho bài xã luận lịch sử. Trong 20 năm cầm bút viết báo, chưa bao giờ tôi thấy rạo rực trong lòng như giờ phút này. Vinh dự thật lớn lao, nhưng trách nhiệm cũng nặng nề biết chừng nào. Phải chắt lọc từng ý, từng câu, từng chữ có tính tổng kết sâu sắc nhất, phải có giọng điệu hùng khí trong bài xã luận...
Đang suy nghĩ miên man thì chuông điện thoại lại réo vang. Giọng Tổng biên tập rất vui: “Hồng Phương sang ngay, rất gấp, tôi chờ...”.
Lúc đó là 11 giờ 50 phút. Anh Ước đang chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong phòng làm việc. Thấy tôi anh báo ngay: “Quân ta đã cắm cờ chiến thắng trên Dinh Độc Lập. Thật thần tốc, không thể tưởng tượng được! Cậu viết ngay bài xã luận giải phóng Sài Gòn. Ta đang nhanh chóng giải phóng toàn miền Nam. 4 giờ chiều nay cậu phải nộp bài”.
Thật mừng không kể xiết! Tôi bỏ cơm trưa, đi ăn một bát phở trên đường Quán Thánh. Tôi là khách quen, bà bán phở tươi cười cho tôi một bát đầy thịt thơm phức và bảo: “Khao chú mừng chiến thắng đấy!”. Dọc phố phường cờ đỏ sao vàng đã bắt đầu xuất hiện. Tôi đi nhanh về bàn làm việc, ngồi suy nghĩ ít phút rồi “cày” một mạch bài xã luận. Có lẽ đã chín trong đầu, tôi viết không vất vả lắm. Ba giờ rưỡi chiều bản thảo đánh máy đã đặt lên bàn Tổng biên tập.
Không thấy anh Ước, tôi ngồi đọc bản tin nhanh và chờ. Phải khoảng 4 giờ anh mới bước vào phòng và nói ngay: “Tớ mới vào hội ý trong Tổng cục Chính trị. Không chỉ Sài Gòn, khắp các tỉnh Nam Bộ, đồng bào đã nổi dậy cùng bộ đội giải phóng. Ta có thể viết toàn thắng”. Tôi vội lấy bản thảo, thay tít mới bằng hai chữ “toàn thắng”, rồi trao cho Tổng biên tập. Anh Ước xem nhanh bản thảo, gạch đi nhiều dòng, đánh dấu nhiều chỗ, ghi thêm một số ý bên cạnh. Anh bảo tôi: “Chỉ mới được mấy đoạn tốt. Còn thời gian, cậu mang bài về bổ sung và nâng cao thêm tầm vóc của chiến thắng. Nhớ phân tích tầm cao và ý nghĩa quốc tế đặc biệt của thắng lợi vĩ đại này”.
Nhận xét của Tổng biên tập về bản thảo thứ nhất không làm tôi buồn mà cảm thấy rất phấn chấn. Tôi chạy nhanh về phòng biên tập quân sự. Gặp ngay các em bán báo mời chào xôn xao ở đầu phố Lý Nam Đế:
“Mua báo Nhân Dân số đặc biệt vừa ra buổi chiều đây! Sài Gòn giải phóng, Sài Gòn giải phóng đây!”... Nhiều người cùng đổ xô tới mua báo. Tôi mua một tờ mà không kịp lấy tiền phụ lại. Về bàn làm việc, tôi đọc rất nhanh cả 2 trang báo. Đây là lần đầu tiên báo Nhân Dân ra phụ trương đặc biệt vào buổi chiều, chỉ 2 trang, đăng toàn bộ tin, bài, ảnh về Sài Gòn giải phóng. Không khí chiến thắng như rạo rực cả người mình. Như có một dòng nhạc đặc biệt tràn vào câu văn. Tôi viết lại đoạn mở đầu:
“Cuộc cách mạng thần kỳ của dân tộc ta đã đi tới thời điểm lịch sử trọng đại. Ngày 30-4-1975, đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ đại thắng của đồng bào và chiến sĩ ta đã tung bay trên phủ tổng thống ngụy quyền, báo hiệu Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng, đã hoàn toàn giải phóng. Kẻ địch đã đầu hàng không điều kiện. Những tên xâm lược Mỹ cuối cùng đã cút khỏi nước ta. Ngụy quân, ngụy quyền sụp đổ tan tành. Các binh đoàn hùng mạnh của Quân giải phóng sau khi phá vỡ hoàn toàn các vành đai phòng thủ của Mỹ-ngụy ở xung quanh, đã rầm rập tiến vào trung tâm Sài Gòn, chiếm lĩnh tất cả các công sở, các vị trí quân sự trên toàn thành phố, trong tiếng hoan hô dậy đất của hàng triệu đồng bào nổi dậy giành quyền làm chủ và đón mừng đoàn quân giải phóng bách chiến, bách thắng.
Mỹ đã cút, ngụy đã nhào.
Chiến dịch mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn toàn thắng”...
Cứ thế mạch viết của toàn bài hiện ra. Hơn 9 giờ tối bản thảo hoàn thành. Chị Phán, chị Mậu, chị Hồi, cô Nhung-những người đánh máy giỏi nhất-chia nhau mỗi người đánh một trang, ai cũng gõ chữ dồn dập. Bản thảo thứ hai của bài xã luận được đặt lên bàn Tổng biên tập lúc 10 giờ tối. Nhưng không thấy bóng dáng anh Ước đâu cả, có lẽ anh đang vào các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh. Phải tới gần 11 giờ đêm anh Ước mới trở về tòa soạn. Ngồi vào bàn anh xem ngay bản thảo. Anh sửa mấy chữ ở phần đầu. Còn các phần sau anh bảo: “Văn phòng Bộ tổng tư lệnh vừa điện sang Tổng cục Chính trị. Anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) nhắc: Kẻ địch đã đầu hàng, nhưng cuộc chiến đấu giải phóng các đảo mới bắt đầu. Chưa thể lường hết giá trị của các mũi tiến quân ra các đảo xa lúc này. Phải viết thế nào để bộ đội ta giữ chắc tay súng. Còn nhiều thử thách mới”.
Lúc đó gần 11 giờ đêm.
Anh Ước bỏ 2 chữ “toàn thắng” trên tít và thay vào dòng chữ mới “Đỉnh cao thắng lợi huy hoàng”. Cả bài viết anh chỉ lấy lại phần đầu còn các phần sau phải dàn ý lại, viết lại hoàn toàn. Thời gian quá gấp. Tôi ngồi một đầu bàn, Tổng biên tập ngồi một đầu bàn, cùng bắt tay vào viết bản thảo thứ ba của bài xã luận. Nhờ được cùng anh Ước dàn ý rõ hơn, tôi viết khá nhanh. Xong trang nào chuyển cho tổng biên tập sửa trang ấy. Sửa xong từng trang, cậu liên lạc ngồi ở góc phòng tới lấy, chạy đưa ngay xuống tổ đánh máy. Trên ma-két trình bày báo ở trang nhất và trang 4 đưa xuống nhà in đã dành sẵn hai ô trắng, khoảng 1.800 chữ cho bài xã luận lịch sử đó. Bản thảo có chữ ký duyệt của Tổng biên tập hoàn thành đúng 1 giờ sáng ngày 1-5. Cả kíp thư ký tòa soạn chỉ còn lại một người và cô Nhung đánh máy. Tôi đạp xe mang bài xã luận tới tổ sắp chữ của nhà in báo Quân đội nhân dân ở 21 Lý Nam Đế. Cả tổ đang sốt ruột chờ, thấy có bài, mừng quá, chia nhau sắp chữ. Tôi ngồi chờ đọc bản dập và cùng sửa lỗi mo-rát. Xong việc là 1 giờ rưỡi sáng. Đầu tôi căng ra và nóng như một cục lửa. Một ngày viết bản thảo liên tiếp ba lần của bài xã luận lịch sử. Mệt bã người nhưng chưa chịu về nhà, tôi đạp xe ra hồ Hoàn Kiếm. Hòa vào dòng người của Thủ đô anh hùng trong giờ phút lịch sử. Khắp phố phường đỏ rực màu cờ. Hầu như nhà nào cũng sáng đèn suốt đêm. Người Hà Nội không ngủ, đang thức cùng với Sài Gòn, với miền Nam và cả nước.
HỒNG PHƯƠNG (Nguyên Trưởng phòng Quân sự Báo Quân đội nhân dân)