Năm 2007, bạn bè mới đến thăm, mừng thọ anh 77 xuân. Những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) anh mới mười lăm tuổi, giữ chân trực tổng đài của quận An Hóa. Quận cù lao An Hóa bấy giờ thuộc tỉnh Mỹ Tho, ít lâu sau thuộc tỉnh Bến Tre cho đến nay.

Từ phía biển, tàu chiến của giặc Pháp chạy vào, chỉ còn cách tổng đài hơn ba ki-lô-mét. Anh bình tĩnh truyền tin cho bộ đội giữ cầu Ba Lai, rồi xin nhập đơn vị đó luôn. Như vậy mới mười lăm tuổi, Bùi Văn Lẹ đã là chiến sĩ Vệ quốc đoàn.

Đầu năm 1946, cấp trên cử đơn vị dùng ghe lườn hành quân theo đường biển ra Trung Bộ để luyện tập và nhận vũ khí, sau đó trở về chiến đấu. Tại đây, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến miền Nam Nguyễn Sơn phát hiện trong đơn vị có 4 thiếu niên Nam Bộ, bèn quyết định cho ra Hà Nội để học tập thêm. Bốn chú được ông đặt cho bốn tên mới đầy ý nghĩa: Việt, Nam, Thắng, Trận. Bùi Văn Lẹ nhiều tuổi nhất được nhận tên Việt, Nguyễn Trí Việt tức Bảy Việt.

Nguyễn Trí Việt trong chuyến về thăm chiến trường cũ (5-1994).

Đến Hà Nội, được gặp Bác Tôn Đức Thắng tại Phòng Nam Bộ, rồi cùng đoàn thiếu niên Thủ đô đến chào mừng Chính phủ mới ra mắt tại Nhà hát lớn, được Bác Hồ cầm tay. Bảy Việt coi đây là vinh dự lớn và nguồn sức mạnh để từ đây dấn bước trên đường kháng chiến.

Bảy Việt về Phòng Tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu khi cuộc kháng chiến toàn quốc (19-12-1946) sắp nổ ra. Anh làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não, đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, chiến đấu ở biên giới, rồi chuyển về với Đại đội 245, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141-sau này nằm trong đội hình Đại đoàn 312. Do những thành tích và chiến công lập được, tiểu đoàn anh được Bộ Tổng tham mưu tặng danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông, trung đoàn được tặng danh hiệu Trung đoàn Ba Vì. Cùng với năm tháng, Bảy Việt từ một thiếu niên, trở thành cán bộ trung đội rồi chính trị viên đại đội, được trực tiếp tham dự chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.

Tôi được đọc và tâm đắc một câu trong sổ tay của anh Bảy Việt: “…Điện Biên Phủ đẹp quá! Đẹp như một thời thanh xuân, một thời trai trẻ biết hiến dâng cho cuộc sống trường tồn của dân tộc…”. Anh viết câu đó đầu năm 1994 khi cùng đoàn làm phim của Thành phố Hồ Chí Minh trở lại Điện Biên Phủ. Cả nước đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 40 chiến công một thời “chấn động địa cầu” của quân đội và nhân dân ta. Với tâm trạng bồi hồi xúc động khó tả, anh Bảy Việt lần theo những nẻo đường kéo pháo, những đoạn chiến hào xuất kích, thăm lại từng trận địa cũ… Với danh nghĩa một đạo diễn điện ảnh, anh đề nghị và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm đó cùng có mặt, nhận trả lời phỏng vấn. Khi biết người cựu chiến binh nói giọng Nam Bộ này đã từng tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng rất vui: “Hồi đó đồng chí bao nhiêu tuổi?”. “Dạ, hai mươi bốn tuổi”. “Các cán bộ từ cấp trung đoàn trở xuống đều rất trẻ như đồng chí. Chiến sĩ còn trẻ hơn”. Rồi Đại tướng khái quát: “Cho nên chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là sự nghiệp của tuổi trẻ Việt Nam”. Những đoạn đường đất đỏ hai bên trắng xóa màu hoa trẩu-mà không ít người tưởng lầm là hoa ban-đưa anh và các đồng đội, bạn bè trở lại các đỉnh đồi mang tên các trận đánh A1, A2, D1, D2, E1, E2, C1, C2. Nơi anh dừng lại lâu nhất là ba nghĩa trang, nơi yên nghỉ của các liệt sĩ Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện… và rất nhiều liệt sĩ chưa xác định được tên tuổi. Anh vẫn nhớ: Dưới chân khách sạn anh đang trú mấy hôm nay, trước đêm 31-3-1954 Tiểu đoàn Phủ Thông của anh có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh…

Sau chuyến hành hương quý giá này, anh trở về ngồi lì tại nhà riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh ba tháng ròng, cặm cụi viết. Niềm hưng phấn và quyết tâm cao độ giúp anh nhanh chóng hoàn thành cuốn hồi ký “Những ngày Điện Biên Phủ”. Cầm cuốn hồi ký của Nguyễn Trí Việt trên tay, tôi vừa vui mừng, vừa cảm động. Cuốn sách của anh Bảy Việt không lặp lại những sự việc, những lời bình luận người khác đã nói. Là chiến sĩ, đúng hơn là cán bộ sơ cấp, nên mọi hồi ức, kỷ niệm của anh đều gắn liền với những chiến tích cụ thể của một đơn vị cấp chiến thuật, do đó rất sinh động và phong phú. Anh nói cho người đọc hôm nay biết thế nào là cái “rét run người” giữa mùa đông Tây Bắc, thế nào là mùi vị của món canh lá ớt hiểm vừa ngọt vừa cay cay giữa những ngày đang đói cơm, thiếu muối… Kéo pháo vượt dốc, anh có sáng kiến bày cho anh em hô: “Trời… sáng, nầy! Cơm… nóng, nầy! Mau… lên, nầy!”. Đêm 13-3-1954, tiểu đoàn anh tiến công đồn Him Lam, lửa khói của pháo binh ta chi viện trùm lên đồn giặc như một cái chảo khổng lồ; nhưng trong năm tiếng đồng hồ cầm cự quân Pháp đã bắn trả mười ngàn trái đạn pháo. Đồng đội ngã xuống bên cạnh anh, trước mặt anh, trong nhiều tư thế: Anh liên lạc đang chạy đi truyền lệnh cấp trên, anh bộc phá viên đang xông lên đánh tiếp quả bộc phá thứ hai, thứ ba…

Tôi không có ý định giới thiệu hoặc phê bình cuốn hồi ký “Những ngày Điện Biên Phủ”, mà chỉ muốn nhấn mạnh cái duyên may đã đưa tác giả đến mảnh đất Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc, để rồi cả một đời người không quên, cả một đời người được mang niềm vinh dự lớn lao là Chiến sĩ Điện Biên...

TRƯƠNG NGUYÊN TUỆ