 |
Những giá trị văn hóa của đồng bào Tây Bắc luôn được bảo tồn và phát huy. Ảnh: TRỌNG ĐỨC |
Nhiều khi tôi tự đặt câu hỏi cho mình: Phải chăng vì tôi là người lính nên âm vang Điện Biên cứ vọng mãi trong tôi? Ngay khi cùng đồng đội chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, trong giây phút yên ắng hiếm hoi ở chiến trường báo hiệu trận đánh sau còn ác liệt hơn nhiều, âm vang Điện Biên vẫn vọng về trong tôi, nhắc nhở chúng tôi, thôi thúc chúng tôi phải sống, quyết đánh và quyết thắng bằng trí thông minh và lòng dũng cảm. Lớp cha anh ở Điện Biên gian khổ hơn nhiều, khó khăn, thiếu thốn hơn nhiều vẫn làm nên một “Điện Biên chấn động địa cầu” thì không có lý do gì những người lính như chúng tôi lại không vượt qua gian khổ, hy sinh để đánh thắng quân thù, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, như Bác Hồ hằng mong ước.
Giấc mơ ấy nay đã thành hiện thực. Chiến tranh đã lùi xa. Tôi đã phải vĩnh biệt bao nhiêu đồng đội thân yêu của mình, và cũng được gặp biết bao đồng đội, bạn bè gần xa trong đó có cả bạn bè quốc tế, có cả những người trước kia vốn là đối địch của mình trong chiến tranh. Tôi nhận ra rằng âm vang Điện Biên không chỉ vọng mãi với thời gian, với không gian mà còn tạo nên những điều tưởng như nằm ngoài sức suy tưởng của mỗi con người. Hôm nay, giữa đất trời Thủ đô lộng gió mùa thu Cách mạng Tháng Tám, đất nước hòa bình, người dân được sống trong độc lập tự do, chúng tôi vẫn nghe âm vang Điện Biên, nhưng dường như âm vang ấy sâu lắng hơn, vang vọng hơn, giàu âm điệu hơn. Điều quan trọng là chúng tôi hiểu ra rằng, không chỉ những người lính mới nghe được âm vang Điện Biên mà còn nhiều người, cả người Việt Nam, người nước ngoài cũng đều nghe rõ âm vang Điện Biên. Chẳng những họ nghe rõ mà còn thấu hiểu từ nhiều cung bậc khác nhau. Bởi thế âm vang Điện Biên không chỉ là bài ca chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, của nhân dân Việt Nam anh hùng, mà còn là bài ca chiến thắng của đạo lý làm người, bài ca chiến thắng của sự hiểu biết, lòng yêu thương con người và tinh thần nghĩa hiệp vì độc lập tự do, công bằng, bác ái. Chiến thắng không phải của riêng ai, không phải của riêng dân tộc Việt Nam mà là của cả loài người tiến bộ, của các dân tộc khát vọng được giải phóng. Trên tinh thần ấy, ta nghe trong âm vang Điện Biên âm thanh chủ đạo chính là hòa Bình. Tôi nghĩ, âm vang Điện Biên đã thức tỉnh trái tim nhân loại bằng lời kêu gọi: Hãy gần gũi nhau hơn, hiểu biết và tôn trọng nhau hơn. Nó cũng nhắc nhở những kẻ hiếu chiến phải khôn ngoan trong ứng xử đối với một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có truyền thống đấu tranh giữ nước, đặc biệt là một dân tộc yêu Hòa bình và có quyền tự vệ, một dân tộc trọng danh dự như Việt Nam. Người Việt Nam truyền đời dạy cho nhau rằng: “đánh nhau, kẻ vỡ đầu, người vỡ trán”. Điều đó khẳng định rằng người Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh, càng không bao giờ muốn đánh ai cả, người Việt Nam chỉ phải đứng lên tự vệ chiến đấu, bảo vệ nền độc lập. Du lịch hoài niệm phải góp phần làm sáng tỏ truyền thống này, làm cho cả thế giới hiểu rõ về truyền thống ngàn đời quý báu đó của dân tộc ta. Tuy nhiên, cũng cần làm cho thế giới hiểu rằng, chính những con người Việt Nam hiền hòa ấy, lại là những con người yêu độc lập tự do của dân tộc hơn chính bản thân mình, trọng danh dự và nhân phẩm hơn cả tính mạng mình. Bởi thế bất kỳ kẻ nào định cướp đi những thứ quý giá đó thì người Việt Nam, triệu người như một, đồng lòng quyết đánh và quyết thắng. Lịch sử ngàn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc ta đã chứng minh điều đó. Du lịch hoài niệm phải góp phần làm cho bạn bè khắp năm châu hiểu về một Việt Nam như thế-Việt Nam yêu chuộng hòa bình-Việt Nam người bạn đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế. Như vậy phát triển du lịch hoài niệm chính là góp phần thực hiện đường lối ngoại giao nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng và Nhà nước. Quốc phòng mạnh bởi nhân dân và quân đội Anh hùng, có hệ thống chính trị vững mạnh, có chiến tranh nhân dân, có sự hiểu biết, đoàn kết của nhân dân và bạn bè quốc tế. Du lịch nói chung và Du lịch hoài niệm nói riêng có thế mạnh để góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Bảo vệ Tổ quốc tốt nhất trong điều kiện hòa bình, nền quốc phòng mạnh nhất là nền quốc phòng ngăn chặn, đẩy lùi được chiến tranh, bảo đảm được sự ổn định chính trị và cuộc sống yên bình của nhân dân.
Nói đến âm vang Điện Biên mà không nói tới âm vang của núi rừng Tây Bắc-Việt Bắc có lẽ là khiếm khuyết, bởi vì cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc-Việt Bắc, núi rừng Việt Bắc-Tây Bắc đã chở che, nuôi dưỡng cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ Bộ đội Cụ Hồ. Có câu “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” là thế đó. Núi rừng là thế đó! Làm sao mà Bộ đội Cụ Hồ không yêu rừng núi. Ngay trên chiến trường Quảng Trị ác liệt năm xưa, chúng tôi vẫn nâng niu từng gốc cây, ngọn cỏ, từng nhành hoa. Điều đó tưởng như kỳ quặc giữa chiến trường ác liệt nhưng lại rất tự nhiên, thuận lẽ với mỗi người lính chúng tôi. Khi ở Quảng Trị, những cây đa ở Gio Bình, Gio An, Gio Linh là đài quan sát của ta, nhưng cũng là mục tiêu đánh phá của địch. Cây cỏ, hoa lá… hay là lẽ sinh tồn cũng là thành tố văn hóa đã ăn sâu vào máu mỗi người Việt Nam, cái văn hóa hòa đồng với thiên nhiên, sống giữa thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm nơi nương tựa cho sự sống của mình, là điểm tựa cho tâm hồn mình, và cho cả linh hồn của những đồng đội đã hy sinh. Cái triết lý thiên-địa-nhân hợp nhất ấy càng ngày càng sâu sắc biết chừng nào! Núi rừng Việt Bắc-Tây Bắc bạt ngàn xanh. Phải chăng màu xanh kỳ diệu ấy đã nhen nhóm ước mơ xa, đã giúp cho cách mạng từ ngày đầu trứng nước đến thắng lợi hoàn toàn. Nói về núi rừng Việt Bắc-Tây Bắc với tình cảm và nhận thức như vậy, tôi muốn Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội ở Việt Bắc-Tây Bắc bạt ngàn hơn, xanh tốt hơn và thật sự là sự sống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Việt Bắc-Tây Bắc. Nhân đây tôi muốn bày tỏ lòng mong muốn với tư cách là một người lính Bộ đội Cụ Hồ: Hãy chung sức cùng nhau làm cho Việt Bắc-Tây Bắc giàu đẹp hơn, đời sống của đồng bào các dân tộc Việt Bắc ấm no, hạnh phúc hơn như lòng mong mỏi của Bác Hồ. Du lịch hoài niệm phải góp phần hiện thực hóa niềm mong ước có ý nghĩa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đó.
Tôi còn nhớ có lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói: Hãy làm một Điện Biên trong lĩnh vực kinh tế. Hôm nay hội thảo về Du lịch hoài niệm, một công việc cụ thể, tôi vẫn nghe đâu đây náo nức âm vang Điện Biên: Hãy làm một Điện Biên trong lĩnh vực du lịch, hãy bắt đầu từ cái có thể để vượt qua gian khó, làm được cái tưởng chừng như không thể. Tuy nhiên làm cụ thể ra sao, tôi xin đặt niềm tin vào các nhà hoạt động du lịch chuyên nghiệp năng động và sáng tạo…
(*) Bài tham luận tại Hội thảo “Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội Việt Bắc, Tây Bắc”.
Thượng tướng NGUYỄN HUY HIỆU