Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn

Đã bước sang tuổi 92, ở tuổi cụ là được nghỉ ngơi và dưỡng sức, nhưng cụ vẫn dành thời gian ngồi viết hồi ký, để lại giáo dục con cháu.

Cụ là Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn

Cụ cựu chiến binh-Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn sinh năm 1916, cụ nguyên là Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương. Cụ Thìn quê ở xã Yên Trì (nay là xã Hiệp Hòa), huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Hiện nay cụ sống cùng gia đình tại đường Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Cụ Thìn tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930, cụ đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: Cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Yên và Chiến khu Đông Triều, Chính ủy Trường sĩ quan Lục quân và Cục Quân y, Cục trưởng Cục quân hàm Tổng cục Cán bộ, Chính ủy Học viện Quân sự, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương…

Cụ Thìn viết hồi ký từ năm 1965 và còn tham gia viết lịch sử địa phương, lịch sử ngành Công đoàn và lịch sử Thừa Thiên-Huế… Năm 2006, cụ viết hồi ký quyển 1 đặt tên là “Tìm lẽ sống”. Năm 2007, cụ đã viết tập hồi ký “Những ngày học làm lính” và tập “Kỷ niệm 117 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu”… Cụ viết tổng cộng 12 tập hồi ký, với nhiều tên đặt: Giải phóng các huyện miền Đông Quảng Ninh, Chiến đấu trên mặt trận đường 5 và đường chiến lược số 18, Nhớ mãi nhớ lại (hồi ký về Trường Lục quân), Trung đoàn 98 Quảng Yên, Tiễu phỉ vùng Đông Bắc… Mỗi tập hồi ký được cụ ghi và kể chuyện lại tỉ mỉ từ ngày cụ còn bé, lớn lên cụ tham gia hoạt động cách mạng, quãng thời gian cụ bị thực dân cầm tù, được tôi luyện và thử thách, khí phách cách mạng trong nhà tù thực dân Pháp ở Huế… Ra tù trở về quê hương, cụ trở thành một người chỉ huy du kích. Cụ tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Yên, chiến đấu tại chiến khu Đông Triều và đảm nhận nhiều trọng trách lãnh đạo và chỉ huy trong quân đội.

Cụ Thìn bộc bạch trong trang mở đầu tập hồi ký “Kỷ niệm 117 năm ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu”: “Tôi vẫn nhớ lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn-Viết là trách nhiệm của mỗi đảng viên đã kinh qua chiến tranh, cần báo cáo với Đảng và với nhân dân về việc mình đã tham gia, trải qua trong cuộc kháng chiến. Viết không cần văn vẻ hay thể loại, miễn là viết chân thật. Người làm ra lịch sử là người đi trước, người viết lịch sử là người đi sau, làm sao viết phải hiểu, phải đúng lịch sử. Viết sử thì phải viết đi viết lại nhiều lần như người lọc bột sắn, hiểu rõ lịch sử lại là điều khó hơn. Tôi học viết hồi ký từ một số bạn cùng chiến đấu, tôi cảm thấy viết hồi ký quả là khó khăn, phải moi óc hồi tưởng lại, nghiên cứu tìm hiểu mọi sự kiện diễn ra qua biên niên sử. Tôi đã trên 90 tuổi và 70 tuổi Đảng, lúc này chân chậm và mắt mờ, tôi nhận thấy viết hồi ký để lại cho thế hệ con cháu sau này hiểu rõ về ông cha chúng, cũng để nói lên tấm lòng của tôi nhớ đến công ơn Đảng quang vinh và Bác Hồ kính yêu…”.

Đọc tập hồi ký “Tìm lẽ sống”, người đọc cảm nhận được cụ Thìn đã kể rất xúc động về gia đình và quê hương cụ. Từ những năm tháng đầu tiên cụ đi hoạt động thoát ly cách mạng, cụ được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công vào hoạt động tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đến năm 1939, cụ bị đế quốc bắt giam tại nhà lao Huế. Cụ viết lại những ngày cụ sống trong nhà tù: “Tôi rơi vào tay giặc vừa có cơm ăn, vừa có thày dạy học, tại nhà tù tôi miệt mài học ngày học đêm để kiếm thêm vốn kiến thức nâng thêm trình độ, để còn tiếp tục hoạt động cách mạng. Trong tù có đủ thày dạy các môn chính trị, quân sự, văn hóa và nghệ thuật như một trường “đại học bách khoa”. Thầy dạy và trò đều là đồng chí của nhau nên họ tiếc gì nhau, có kiến thức gì là nhiệt tình giảng hết cho nhau…”. Trong tập hồi ký cụ ghi rõ từng chương nhỏ: Vài nét về quê hương, Bừng tỉnh, Mưu sinh lập nghiệp, Tình sâu nghĩa nặng, Nhớ Huế nhớ lao Thừa phủ nhớ cả cuộc đời nô lệ, Trở về ngày Cách mạng tháng 8, Phá vây và khởi nghĩa… Cụ Thìn kể lại rất chi tiết, tỉ mỉ thời gian cụ tham gia hoạt động thoát ly, hoàn thành mọi nhiệm vụ được Xứ ủy phân công, cụ vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thành công ở tỉnh Quảng Yên.

Tập hồi ký “Những ngày học làm lính” được cụ viết và kể lại rất chân thật những ngày đầu tiên cụ trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Cụ chỉ huy du kích và bộ đội đánh Nhật, Pháp, đánh quân Quốc dân Đảng và thổ phỉ ở khắp vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Cụ tổ chức các đội du kích mua sắm vũ khí, nắm bắt thời cơ, thành lập căn cứ địa chuẩn bị khởi nghĩa… Đọc các chương trong tập hồi ký: Thắng trận đầu, Việt Minh đi bán thuốc lào, Chiến khu Đông Triều khuếch trương thắng lợi, Việt Minh như thần thánh, Cầm súng không được đùa với súng, Nhật-Pháp đánh nhau, thời cơ khởi nghĩa, Chiến khu Đông Triều, trường võ bị của tôi, Một chiến khu kỳ lạ, một đội quân lạ mắt, Cả cuộc đời tập làm lính Cụ Hồ… ta thấy những kỷ niệm, những câu chuyện, những sự kiện sinh động, những tình huống bất ngờ xảy ra trong chiến đấu của một đội quân du kích, được tập hợp từ những người nông dân và trí thức yêu nước, đã chiến đấu đánh giặc bằng tinh thần yêu nước. Cụ Thìn kể lại: “… Vợ tôi sắm cho tôi một bộ quần áo màu nâu kiểu du kích, một khẩu súng lục và một chiếc ba lô, đến lúc tôi lên đường thì nét mặt vợ tôi tái mét, run run và hỏi tôi: “Anh đi bao giờ về?”. Tôi trả lời: “Bao giờ thắng lợi thì anh về…”.

Đọc tập hồi ký “Kỷ niệm 117 năm ngày sinh nhật Bác Hồ”, cụ Thìn kể lại những ngày đầu tiên cụ được gặp Bác: “… Hình ảnh Bác Hồ vẫn in đậm trong tâm trí tôi, những lần tôi gặp Bác ở Bắc Bộ Phủ, Hà Nội. Tuy lần đầu gặp Bác nhưng tôi không hề bỡ ngỡ, vì hình ảnh Bác, tôi nhìn thấy rõ Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập ở quảng trường Ba Đình. Bác hỏi tôi tình hình ở Quảng Yên thế nào? Bác hỏi tôi chỉ huy đánh bao nhiêu trận rồi? Tôi trả lời Bác: “Thưa Bác, cháu đánh 100 trận ạ”. Bác cười và hỏi tiếp tôi: “Chú đã đọc sách Tôn Tử chưa?”. Tôi thưa: “Cháu đọc rồi ạ…”. Cụ Thìn đã đọc những cuốn sách cẩm nang của Bác viết về chiến tranh du kích, binh pháp Tôn Tử. Người đã khẳng định: chính trị viên là linh hồn của bộ đội, là tấm gương sáng cho bộ đội noi theo… Những cuốn cẩm nang của Bác đã được cụ vận dụng trên khắp chiến trường Đông Bắc Quảng Ninh.

Cả cuộc đời cụ làm lính Cụ Hồ, cụ đã được phân công, chỉ huy chiến đấu ở các Trung đoàn Tiên Yên, 98, 64… Cụ bộc bạch: “… Tôi có báo cáo với Đảng, vốn văn hóa của tôi có bao nhiêu mà giao cho tôi lãnh đạo cả khoa học kỹ thuật hiện đại? Đồng chí Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói hồi đó với tôi: “Là đảng viên thì Đảng giao nhiệm vụ, nếu không biết thì phải học mà làm. Tôi nhớ mãi lời dạy của Anh ngày ấy…”.

Bài và ảnh: HOÀNG NAM