 |
Ông Bóng (bên phải) hào hứng kể những kỷ niệm trong thời gian bảo vệ “Rừng Đại tướng” |
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, bệnh tuổi già không cho phép ông đi lại hoạt bát, nhưng khi chúng tôi đề đạt nguyện vọng muốn biết về những kỷ niệm trong suốt 50 năm (1954 - 2004) tham gia bảo vệ “Rừng Đại tướng” ở Mường Phăng, ông Lò Văn Bóng hào hứng kể: Ngày đó (năm 1952), tôi là công an xã Mường Phăng, tham gia giải phóng Điện Biên lần thứ nhất. Chưa đầy một năm sau, khi các đơn vị bộ đội chủ lực rút về xuôi, giặc Pháp nhảy dù chiếm lại Điện Biên. Mọi hành động, việc làm, lời ăn tiếng nói của đồng bào các dân tộc đều bị quân thù giám sát, thám thính, cuộc sống khổ cực...
Uống chén chè xanh, ông Bóng tiếp tục câu chuyện: Một hôm, thấy có nhiều Bộ đội Việt Minh về xã, hành động, việc làm của họ rất khác thường. Nhận biết đây là bí mật quân sự nên tôi ra sức bảo vệ bộ đội. Trong khu rừng bản Phăng có đỉnh núi Pú Huốt (núi Sừng Trời) trông giống chiếc sừng, nhọn và cao nhất Mường Phăng. Thế rồi, chỉ trong một đêm, trên đỉnh núi Pú Huốt mọc lên một “cây” to lừng lững. Cái “cây” ấy ban ngày hòa lẫn màu xanh của rừng, còn khi ánh mặt trời khuất sau đỉnh núi thì úa vàng.
Sau giải phóng Điện Biên, ông Bóng leo dốc 3 giờ đồng hồ lên đỉnh núi mới biết đấy là Đài quan sát của chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ độ cao này, cán bộ trực Đài có thể nhìn rõ các cứ điểm, cách bài binh bố trận của quân Pháp ở lòng chảo Mường Thanh, từ đó kịp thời báo cáo với chỉ huy mặt trận đề ra chiến thuật quân sự hợp lý.
Tại lễ duyệt binh mừng chiến thắng Điện Biên Phủ (1954), nơi cách Sở chỉ huy chiến dịch không xa, ông Lò Văn Hặc, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu (cũ) vỗ vai ông Bóng và nói: “Anh ở lại cố giữ nguyên mọi thứ cho nhân dân, cho Nhà nước...”. Vậy là ông Bóng tuân lệnh. Suốt 50 năm tham gia bảo vệ rừng, ông gặp không ít khó khăn, do nhu cầu khai thác gỗ làm nhà của người dân lớn, “lâm tặc” thuê bà con khai thác gỗ bán cho chúng... Bên cạnh đó, ngay tổ bảo vệ “Rừng Đại tướng” cũng phải chịu cảnh thiếu thốn, tiền thù lao thấp. Tuy vậy, ông Bóng luôn lạc quan rằng: “Thù lao bảo vệ rừng di tích chính là trách nhiệm đảng viên của tôi”. Là người dân tộc thiểu số, nhưng ông Bóng sớm nhận thức rõ vấn đề: Sở chỉ huy chiến dịch là ở Mường Phăng. Chỉ duy nhất ở Mường Phăng mới có “Rừng Đại tướng”. Tiền thù lao thấp, hoặc không có thì ông vẫn làm. Làm để sau này gặp lại Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ông đỡ xấu hổ...
Những gì ông Bóng nghĩ và làm trong suốt thời gian qua tại “Rừng Đại tướng” thật đáng trân trọng. Khu rừng rộng hàng trăm héc-ta, với nhiều loại gỗ quý hiếm, thân đại thụ đang ngày ngày tỏa bóng mát, giữ cho môi trường trong lành, làm nức lòng du khách gần xa khi đến tham quan, du lịch. Dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1994), Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm Mường Phăng. Cảm kích trước tấm lòng ông Bóng, đích thân Đại tướng mời ông về Hà Nội an dưỡng nửa tháng tại nhà nghỉ Bộ Quốc phòng. Ông Bóng kể: Về Hà Nội, Đại tướng cho người dẫn đi thăm Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Gươm… Toàn là những nơi ông chưa bao giờ đặt chân đến, tuy vui nhưng trong người vẫn cảm thấy nhớ rừng Mường Phăng. Trong những năm tham gia bảo vệ rừng di tích, ông Bóng vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp mời về thăm nhà riêng bốn lần. Những ngày ở Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn đồng chí nhân viên phục vụ đưa ông Bóng đi nhiều nơi, mua nhiều thứ mà ông thích, nhưng ông Bóng chỉ xin cái xoong quân dụng dùng nấu rượu và chiếc xe đạp để đi 1,5km từ nhà vào khu rừng di tích.
Năm 1984, Đại tướng Hoàng Văn Thái lên thăm Mường Phăng, biết chuyện ông Lò Văn Bóng - Tổ trưởng tổ bảo vệ rừng di tích nhiều năm mà không đòi hỏi Nhà nước phải trả công, Đại tướng ôm chầm người đồng đội từng bảo vệ mình, bảo vệ Sở chỉ huy chiến dịch mà giờ mới gặp mặt. Đại tướng Hoàng Văn Thái nói: “Anh Bóng ơi, anh đúng rồi. Mường Phăng là của cả nước đấy, anh cố giữ lấy nhé”... Hôm ấy, UBND xã Mường Phăng mổ một con lợn to tại nhà ông Bóng để tiếp đón, nhưng Đại tướng Hoàng Văn Thái không ăn mà chỉ xin ông Bóng một bát cháo hoa nấu từ gạo tẻ nương của người Thái.
Bước sang tuổi 87, ông Lò Văn Bóng được du khách gần xa, trong nước, quốc tế biết đến với chiến công 50 năm bảo vệ “Rừng Đại tướng”. Năm 2004, do tuổi già, sức yếu, không thể ngày ngày quét dọn lá rụng, sửa sang mái gianh lán làm việc Sở chỉ huy, ông Bóng xin thôi giữ chức tổ trưởng tổ bảo vệ rừng. Tuy vậy, mỗi khi cảm thấy nhớ rừng di tích, ông lại lọc cọc đạp chiếc xe đạp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ngày nào để vào thăm rừng. Được biết, trong thời gian “thức cho rừng ngủ”, kẻ xấu đã tìm cách hãm hại, lấy trộm của gia đình ông Bóng 3 con trâu... Nhưng ông không buồn. Ông bảo, làm cách mạng thì phải đấu tranh, còn kẻ xấu thì phải “chiến đấu” vì một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Bài, ảnh:
TRẦN TOẠI