Do đó, tôi quyết định vượt hơn 1.500 cây số vào Đồng Nai gặp ông để tận mắt kiểm chứng câu chuyện làm giàu như cổ tích ấy.

Người lao động tự trả lương cho mình

 Tới xã Xuân Phú (Xuân Lộc, Đồng Nai), tôi tìm đến nhà của ông Bùi Đình Anh được người dân mệnh danh là "vua thanh long miền Đông". Căn nhà nằm lọt thỏm giữa cánh đồng thanh long tươi ngút tầm mắt. Rót trà mời tôi, ông Bùi Đình Anh cho hay tổng diện tích trang trại thanh long của gia đình là 43ha, với khoảng 55.000 trụ. 29.300 trụ thanh long hiện đang cho thu hoạch, sản lượng 1.300 tấn, tổng doanh thu 32 tỷ đồng. "Với diện tích trồng thanh long lớn như vậy, chắc ông phải thuê nhiều người làm?", tôi hỏi.

Ông trả lời ngay: "Khoảng gần 100 người, anh à".

"Vậy ông trả lương cho họ bao nhiêu mỗi ngày?", tôi tò mò.

Không chút đắn đo, ông nói: "Tôi không trả lương cho họ. Lương họ cao hay thấp tùy ở khả năng lao động của chính họ. Họ muốn thu nhập 500.000 đồng hay 1.000.000 đồng/ngày là họ tự trả cho chính công sức của họ đấy chứ".

Rồi ông Bùi Đức Anh giải thích thêm: "Người lao động nhận khoán trồng thanh long. Họ mới là chủ còn tôi chỉ là người hướng dẫn, điều hành thôi (cười). Thu nhập của họ tùy thuộc vào số trụ, sản lượng và giá bán thanh long mỗi vụ. Ngoài ra, tất cả vật tư nông nghiệp: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, điện... đều được trang trại chúng tôi cung cấp bảo đảm chất lượng, giá cả công khai, minh bạch. Người nhận khoán chịu mức 25% giá mua vật tư nông nghiệp. Cách làm này để bảo đảm người nhận khoán nâng cao ý thức tiết kiệm, không sử dụng lãng phí vật tư nông nghiệp. Vì nếu họ lạm dụng, sử dụng lãng phí sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của chính họ. Vì họ là người nhận khoán".

Chị Lê Thị Sâm đang chăm sóc vườn thanh long nhận khoán.

"Bà con nhận khoán trồng thanh long ở trang trại của tôi đều được học kỹ năng lao động, phương pháp lao động. Vì vậy, không nhất thiết phải làm 8 tiếng mỗi ngày mà tùy theo thời điểm phát triển, sinh trưởng của cây thanh long. Khi thu hoạch phải bảo đảm yêu cầu trái đẹp riêng, trái xấu riêng. Cách làm này để tạo uy tín và thuận lợi cho người thu mua", ông Bùi Đình Anh nói. Do trang trại lớn nên vào đợt thu hoạch, mỗi ngày trang trại của ông có thể cung cấp ra thị trường vài chục tấn thanh long. Thu mua tập trung giá vận chuyển giảm, thanh long trái to, bảo đảm chất lượng nên thường bán giá cao hơn thị trường 3.000-5.000 đồng/kg. Trong khi đó nếu mua vườn khác, nơi khác phải 2-3 vườn, thậm chí 3-4 vườn mới đủ hàng cho chuyến xe, đủ số lượng cần thu mua.

Thanh long ở trang trại có chất lượng cao. Lẽ thường người nhận khoán hay bà con nông dân mình thường có suy nghĩ cây thanh long ra càng nhiều trái là được nhiều, nhưng ông Bùi Đình Anh thì nghĩ khác. Mỗi trụ thanh long ra 30-40 trái/trụ/vụ nhưng ông đề nghị bà con chỉ cần lấy 12-15 trái/trụ, phải bỏ bớt để cây thanh long có sức, không bị suy kiệt cây, vừa đỡ tốn vật tư nông nghiệp vừa được trái to, bán lúc nào cũng được giá. Kết quả, mỗi trái thanh long của trang trại ông Anh có trọng lượng trung bình 600 gram/trái (10 trái được 6kg), giá bán 40.000 đồng/kg. Theo cách tính của ông Anh, mỗi trụ trị giá khoảng 240.000 đồng/vụ. Cây thanh long mỗi năm cho trái 17 lần (vụ) (nếu chăm sóc đúng kỹ thuật trung bình mỗi trụ thanh long cho doanh thu từ 1.000.000 đồng/trụ/năm trở lên. "Ở đây có nhà nhận khoán của tôi 1.000 trụ thanh long, doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 1,4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí sản xuất, người nhận khoán sẽ nhận được 280 triệu đồng/năm. 1.000 trụ với hai lao động như vậy thì anh có thể tính ra thu nhập của họ mỗi tháng là được bao nhiêu rồi", ông Bùi Đình Anh nói.

Kể về hoàn cảnh của mình, ông nói trước đây làm nghề thu mua, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thuốc lá. Nhưng rồi việc thu mua nguyên liệu thuốc lá ngày càng gặp khó khăn. Thế rồi một ngày ông quyết định chuyển hướng sang đầu tư làm nông nghiệp. Ban đầu, ông định trồng cam nhưng sau thời gian đi tìm hiểu về cây thanh long, nghiên cứu, học hỏi ông quyết định trồng thanh long ruột đỏ. Ông thấy rằng cây thanh long phù hợp với vùng đất này. Bởi vùng đất này sỏi đá nhiều, nhưng đất lại rất tơi xốp, cộng thêm chỉ khoan giếng 40 mét là có nước. Trong khi đó, cây thanh long không cần nhiều nước như những loại cây trồng khác. Và ông cũng cho rằng chỉ chọn trồng một loại cây nhằm mục tiêu hướng tới chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Mua đất xong ông đem cầm cố ở ngân hàng để lấy vốn sản xuất. Giá đất lúc đó là 350 triệu đồng/ha nhưng để có diện tích trồng thanh long như bây giờ ông phải mua tới 370 triệu đồng/ha.

Nhấp chén trà nóng, ông Bùi Đình Anh trải lòng: "Trước hết, phải dựa vào người lao động mới thành công. Họ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì họ phải được hưởng thành quả xứng đáng với công sức lao động thì họ mới gắn bó với mình. Trang trại này thành công chính là thành công của những người nhận khoán, chứ tôi chỉ giữ vai trò điều hành để họ làm đúng thôi. Tôi luôn tâm niệm rằng nếu nói dối, làm dối, thực hiện dối thì tất cả đổ bể hết. Làm ăn thật, có uy tín mới có thể thành công. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở người nhận khoán như vậy. Tất cả các loại vật tư nông nghiệp đều được trang trại của chúng tôi cùng người nhận khoán lựa chọn, bàn bạc kỹ càng với một yêu cầu sao cho trái thanh long tốt nhất, chất lượng cao nhất". 

Người nhận khoán - “ông, bà chủ nhỏ” của vườn thanh long

Cây thanh long có đặc tính khi tới thời điểm thu hoạch thì phải thu hoạch trong vòng 3 ngày là phải xong. Do đó, những người nhận khoán (hay có cách gọi vui chính các “ông, bà chủ nhỏ” sẽ phải thuê thêm lao động để thu hoạch. Ước tính với 1.000 trụ thanh long trung bình mỗi năm phải bỏ ra 300 công lao động/năm. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Sâm (Xuân Bắc, Xuân Lộc, Đồng Nai) cho hay: "Gia đình tôi (3 người) nhận khoán 2.100 trụ thanh long. Năm 2018, tổng doanh thu được hơn 2 tỷ đồng. Tính bình mỗi người trong gia đình tôi thu nhập khoảng 13 triệu đồng/tháng. Nhận công việc trồng thanh long này nó vừa với sức của mình, mà thu nhập ổn định, không bấp bênh. Tính ra thu nhập từ nhận khoán trồng thanh long cao hơn gấp 2-3 lần so với trước đây tôi đi làm thuê (phụ hồ, làm cỏ)". "Vậy nếu thất thu xảy ra thì sao, bởi làm nông nghiệp luôn rủi ro?", tôi hỏi.

Không chút đắn đo, chị Sâm bảo: "Nếu giá cả bấp bênh, thất thu thì trang trại sẽ hỗ trợ thêm cho người nhận khoán. Tất cả khâu kỹ thuật đều được người của trang trại hướng dẫn, hỗ trợ chu đáo, vật tư nông nghiệp cũng của trang trại ứng trước, chúng tôi chỉ việc làm. Thú thực, ban đầu tôi có biết gì đâu. Nhưng sau khi được hướng dẫn cách làm của cán bộ kỹ thuật trang trại, tôi đã quen công việc. Hằng tháng, bác Anh-chủ trang trại còn cho ứng 8.000 đồng/trụ để chi tiêu cho gia đình. Mình không lo bị kẹt tiền, không phải vay tín dụng đen với lãi cao. Sau 6 tháng thì mình sẽ lấy nốt phần tiền còn lại trên cơ sở hạch toán ăn chia với chủ trang trại và số tiền đã nhận tạm ứng".

Anh Phạm Văn, 50 tuổi, nhận khoán 1.000 trụ thanh long, được hưởng mức ăn chia hiện khoảng 27%/năm, thu nhập từ 14-18 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ốm đau anh còn được trang trại hỗ trợ, thăm hỏi. Anh Phạm Văn kể, trước đây làm thợ xây và chính là người nhận đổ trụ thanh long (bằng bê tông) cho trang trại này. Nhưng rồi nghề thợ xây rất bấp bênh, anh quay lại trang trại xin nhận khoán trồng thanh long và được chấp thuận. Anh tâm sự: "Mình đi làm các nơi không có gì qua được cái này, kể cả thợ xây, thợ hồ. Thợ xây ngày mưa phải nghỉ làm thì không có tiền, còn làm công việc này ngày mưa mình ở nhà vẫn có tiền".

Rời trang trại thanh long của “ông vua thanh long miền Đông” Bùi Đình Anh, tôi lại nhớ tới những tâm sự của ông rằng: "Làm thật sẽ nhận được thật, trồng thanh long phải là thanh long chất lượng cao mới bán được giá và giành được chiến thắng trên thị trường". Và vì tất cả mọi thành viên trong trang trại thanh long của ông đều là làm chủ, đều hết lòng hết sức về công việc nên dễ hiểu vì sao thanh long từ trang trại của ông luôn có chất lượng và bán với giá cao xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản. Ông dự định sẽ hướng đến việc trồng thanh long hữu cơ để nâng tầm giá trị của trái thanh long trên thị trường và mong muốn tiếp tục truyền ngọn lửa khát vọng cho những người nông dân trong trang trại để làm giàu từ cây thanh long.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM