Sinh ra và lớn lên tại vùng biển Quảng Ninh, năm 2000 chị Minh khi tốt nghiệp Trường Trung học Lâm nghiệp I Trung ương đóng tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh (nay là Trường Cao đẳng Nông Lâm Đông Bắc) và theo tiếng gọi của tình yêu, chị đã lên thôn Tân Thành lập gia đình. Ban đầu chưa xin được việc, chị xin dạy tại điểm trường mầm non của thôn nhưng sau một năm chị nghỉ vì bằng cấp không phù hợp. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn do công việc không ổn định nên năm 2001 hai vợ chồng chị quyết định vào Tây Nguyên lập nghiệp. Cả 2 cùng phụ trách kỹ thuật tại Dự án trồng rừng hơn 400ha tại Đắk Lắk, Đắk Nông.

Nhớ lại những ngày đó, chị Minh chia sẻ: “Lúc đó còn trẻ nên nhiệt huyết, hai vợ chồng ở lán trong rừng, không điện, không sóng điện thoại”. Đến năm 2005, dự án của anh chị phụ trách thành công, uy tín được nâng lên, kinh nghiệm được trau dồi, bản thân chị được cử đi học kế toán, chồng được đề bạt giữ chức vụ Giám đốc dự án và anh chị lại tiếp tục hành trình đến các tỉnh lân cận triển khai dự án trồng rừng. Đứa con 2 tuổi được gửi về ông bà ngoại trông, hai vợ chồng mỗi người lại một nơi.

 Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Minh (đội mũ xanh) đóng gói sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ.

Khi công việc đã vào guồng, thu nhập ổn định thì năm 2008 bố chồng chị ốm. Hai vợ chồng quyết định bỏ việc để về giữ trọn chữ hiếu. Về quê, hai vợ chồng lại bắt đầu bằng con số “không”, từ dịch vụ làm tóc, mở cửa hàng tạp hóa… rồi làm kế toán cho hàng chục công ty để đảm bảo cuộc sống. Năm 2010, chị Minh sinh bé thứ hai, gầy yếu còn 38kg, da mặt nám đen. Mẹ chị lên chăm trong tháng ở cữ thấy xung quanh có nhiều nghệ nếp nên cứ bữa ăn đều cho nghệ, xay nghệ để con gái đắp mặt… Sau hơn một tháng chị Minh thấy sức khỏe phục hồi tốt, da dẻ hồng hào. Cũng từ đó đã giúp chị có ý tưởng làm ra các sản phẩm từ cây nghệ nếp. Trong hai năm 2011-2012, lúc con còn nhỏ chị tranh thủ làm các sản phẩm từ nghệ bằng máy say sinh tố và bán cho anh em ở quê, bạn bè dùng.

Phản hồi về sản phẩm tốt, đến năm 2015 cơ duyên cho chị gặp đối tác chuyên sản xuất các sản phẩm về nghệ ngỏ ý muốn hợp tác. Chị Minh nắm bắt cơ hội, thành lập Tổ hợp tác với 3 thành viên, máy móc thủ công nhưng sản phẩm bột nghệ và tinh bột nghệ của Tổ hợp tác được đánh giá cao vì làm từ nghệ nếp địa phương. Doanh thu thu về 300 triệu đồng. Sang năm 2016 chị kết nạp thêm thành viên, mở rộng diện tích trồng nghệ khoảng 10ha, doanh thu đạt 500 triệu đồng.

Năm 2017, khi đối tác chuyển nhượng cho chị toàn quyền quyết định, chị Minh đứng ra thành lập Hợp tác xã Tân Thành, mở rộng quy mô nhà xưởng. Huy động vốn từ các thành viên, quỹ tích góp từ Tổ hợp tác nâng cấp máy móc từng bước xây dựng thương hiệu một các chuyên nghiệp. Trong quá trình gắn bó với sản phẩm từ nghệ, chị Minh đã đi thăm, học tập nhiều mô hình sản xuất nghệ trong nước. Chị luôn tìm hiểu những hạn chế, những điểm chưa được của các cơ sở sản xuất để khi đầu tư dây chuyền hiện đại đã khắc phục được cho dù mức đầu tư gấp 3-4 lần bình thường. Hệ thống máy móc được làm hoàn toàn bằng inox, bảo đảm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Quy mô sản xuất được mở rộng, Hợp tác xã Tân Thành đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương từ 4,7 triệu đồng - 6 triệu đồng/người/tháng; lao động mùa vụ cho 30 người (thường làm từ 6 đến 7 tháng trong năm,) lương được trả theo sản phẩm, bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, với việc mở rộng vùng trồng nghệ từ 30ha năm 2017 lên 90ha năm 2019, Hợp tác xã đã tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hơn 300 hộ dân.

Hiện nay, Hợp tác xã Tân Thành sản xuất các sản phẩm từ nghệ nếp đỏ và nghệ nếp đen gồm bột nghệ, tinh bột nghệ nguyên chất, tinh bột nghệ cao cấp, nghệ sấy lát, viên nghệ mật ong rừng, bột riềng, riềng sấy lát và một số sản phẩm nông sản địa phương khác. Sự đa dạng các sản phẩm từ nghệ đã giúp Hợp tác xã nâng uy tín, phù hợp với thị yếu người tiêu dùng. Sản phẩm nghệ của Hợp tác xã đã có mặt tại 14 địa phương trong nước, thị trường Nhật Bản và tinh bột nghệ nếp đen được xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Nhờ vậy, doanh thu năm 2018 đạt trên 5 tỷ đồng.

Uy tín sản phẩm khẳng định trên thị trường nên việc giữ gìn thương hiệu được Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Minh đặt lên hàng đầu. Người dân tham gia trồng nghệ được Hợp tác xã cung ứng giống trả chậm, hỗ trợ về kỹ thuật và ký cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng, chăm sóc. Khi đến vụ thu hoạch, Hợp tác xã lấy mẫu kiểm tra phát hiện tàn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ không thu mua tại vùng đó, phải là nghệ nếp Hợp tác xã cung cấp không lẫn với nghệ lai. Giá Hợp tác xã ký bao tiêu là 5.000 đồng/kg; thu mua quay vòng bởi công suất máy chỉ đạt 5 tấn nghệ tươi/ngày.

 Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Minh giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ cho khách hàng.

Những nỗ lực của Giám đốc Nguyễn Thị Hồng Minh đã được đền đáp không chỉ bởi sự tin tưởng của khách hàng mà năm 2019, sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ của Hợp tác xã được công nhận tại Lễ tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019 - Doanh nhân, Doanh nghiệp vì sự phát triển nông nghiệp, nông thôn”; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND tỉnh… là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn.

Dự kiến trong năm 2020, Hợp tác xã Tân Thành sẽ đầu tư, mở rộng nhà xưởng để tăng công suất, đáp ứng một số tiêu chí của đối tác nước ngoài. Đối với vùng nguyên liệu tăng thêm 30ha. Qua đó, tạo thêm việc làm, thu nhập cho thành viên Hợp tác xã, người dân trồng nghệ.

Từ hai bàn tay trắng chị Minh đã tạo dựng một thương hiệu nghệ nếp địa phương. Đối với chị, thành công không chỉ dành riêng cho bản thân mà chị vẫn miệt mài mở rộng thị trường, gìn giữ thương hiệu để người dân trồng nghệ có thu nhập, đời sống thành viên Hợp tác xã ngày càng được nâng lên. Những đóng góp của chị cũng đã góp phần vào sự thành công của công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh miền núi Bắc Kạn.

Bài, ảnh: LINH HÀ