Tạo việc làm để người khuyệt tật tự tin hòa nhập cộng đồng

Hợp tác xã (HTX) Vụn Art nằm ở trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), nơi làm việc của các hội viên khuyết tật. Tại khu nhà xưởng, anh Lê Việt Cường phấn khởi giới thiệu với khách tham quan những bức tranh bằng vải lụa rực rỡ sắc màu. Nếu không nghe giới thiệu, người xem cứ ngỡ đây là phòng tranh của họa sĩ nổi tiếng nào đó, chứ không thể hình dung đó là những sản phẩm từ quá trình lao động vất vả, miệt mài của tập thể NKT HTX, đứng đầu là Giám đốc Lê Việt Cường.

Năm 1998, Lê Việt Cường tốt nghiệp hệ cao đẳng, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, về công tác tại Viện Châm cứu Trung ương. Tại đây, anh được tiếp xúc với nhiều NKT, tự kỷ đến khám bệnh, chữa bệnh. Đây cũng là môi trường ban đầu để anh nảy sinh ý tưởng tạo ra việc làm cho NKT. Bởi, ngoài điều trị bằng các biện pháp y học thì lao động sẽ giúp phục hồi các chức năng nhanh hơn, kích thích sự sáng tạo. Tuy nhiên, anh cũng là NKT, đang phải bươn trải với cuộc sống đầy khó khăn, nên ý tưởng tốt đẹp đó phải sau 15 năm mới thực hiện. Năm 2013, anh quyết định mở Công ty Kim Việt, chuyên sản xuất thú nhồi bông, tạo việc làm cho hàng chục NKT.

Anh Lê Việt Cường hướng dẫn hội viên khuyết tật làm tranh ghép vải vụn.

Sau thành công của Kim Việt, anh nhận thấy nếu không có một mô hình thực sự giúp NKT có việc làm ổn định, sản phẩm có thể cạnh tranh được thì không thể sống bền vững. Bởi, nhiều người quan niệm, sản phẩm của NKT thường kêu gọi giúp đỡ, ủng hộ, như vậy sẽ không giải quyết được tận gốc vấn đề việc làm. Do vậy, năm 2017, anh thành lập HTX Vụn Art, làm tranh bằng vải vụn. Đây là công việc phù hợp với sức khỏe NKT, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu tại các cơ sản sản xuất vải lụa, hạn chế việc thải ra môi trường các phụ phẩm. Không những vậy, sản phẩm tranh bằng vải lụa còn giúp quảng bá văn hóa truyền thống thông qua các chủ đề tranh dân gian; đồng thời giới thiệu thương hiệu lụa Vạn Phúc. Rất nhiều ý nghĩa chứa đựng trong đó, nên khi báo cáo ý tưởng, lãnh đạo quận Hà Đông, phường Vạn Phúc ủng hộ nhiệt tình, tạo thuận lợi về mặt bằng để HTX xây dựng xưởng làm tranh, khu trưng bày và hoạt động trải nghiệm sản phẩm.

Để giải quyết bài toán đào tạo nghề cho NKT, anh Cường đứng ra tổ chức lớp học làm tranh ghép vải vụn. Dạy cho NKT lao động như người bình thường đã khó, dạy để họ sáng tạo ra các giá trị thẩm mỹ lại càng khó hơn. Sau thời gian kiên trì duy trì lớp học, anh cùng các cộng sự mới yên tâm về những học viên “đặc biệt” và tự tin để họ tham gia làm sản phẩm. Từng mảnh vải vụn tưởng không còn giá trị, nhưng qua đôi bàn tay người thợ khuyết tật đã trở thành những bức tranh sinh động, đẹp mắt. Tại HTX, mọi người được phân công đảm nhiệm từng công đoạn khác nhau tùy theo khả năng và mức độ khuyết tật. Các sản phẩm của Vụn Art khai thác chủ đề tranh dân gian Việt Nam và thế giới với mong muốn quảng bá và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Tháng 3-2019, tranh ghép vải của Vụn Art trưng bày tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm. Cầm bức tranh trên tay, Thủ tướng ghi nhận công sức, sự nỗ lực của NKT, đồng thời động viên anh Cường cùng các thành viên trong HTX tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Cũng dịp này, ngài Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft khi nhận bức tranh ghép vải đã đánh giá cao chất lượng của sản phẩm cũng như cách quảng bá văn hóa sáng tạo của Vụn Art.

Cùng với sản xuất tranh ghép vải, anh Cường còn tổ chức làm đa dạng các sản phẩm, như: Túi xách thời trang, bưu thiếp... Tuy nhiên, việc tìm đầu ra là bài toán rất khó khăn đối với anh Cường và các cộng sự. Bằng sự năng động nhạy bén, anh tích cực quảng bá sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm tranh, đến các công ty du lịch, cơ quan, doanh nghiệp liên hệ giới thiệu sản phẩm làm quà tặng. Chẳng hạn, hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, anh trực tiếp đến Đại sứ quán Mỹ giới thiệu mẫu tranh “Station of America” cùng mẫu logo biểu tượng về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia để làm quà lưu niệm. Hay liên hệ với Công ty du thuyền Bahaya tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) để trưng bày tranh ghép vải vụn, tổ chức hoạt động trải nghiệm cho du khách tham quan. Thông qua những đơn hàng, hoạt động ký kết, sản phẩm được tiêu thụ, NKT có thêm nhiều việc làm. Nhờ tham gia Vụn Art của anh Cường, những mảnh đời khiếm khuyết đã có cơ hội được lao động, tích cực tạo ra những giá trị hữu ích cho xã hội.

Kiệt tác của sự yêu thương, gắn kết

Năm 2015, Hội NKT quận Hà Đông được thành lập. Anh Lê Việt Cường được bầu làm chủ tịch hội. Hơn 400 hội viên mỗi người một hoàn cảnh, bị các dạng khuyết tật khác nhau, nhưng họ có điểm chung là chịu nhiều thiệt thòi, ít có cơ hội được lao động, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Bản thân anh cũng bị khuyết tật vận động khi mới 9 tháng tuổi sau cơn sốt bại liệt. Nhờ sự nỗ lực, anh cố gắng học hết phổ thông, thi đỗ cao đẳng rồi học liên thông đại học. Ra trường anh tự xin việc làm, trải nghiệm qua nhiều vị trí. Từ quá trình lăn lộn bươn trải ngoài cuộc sống, anh thấu hiểu những khó khăn, trở ngại đối với NKT. Không phải cơ quan, doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng nhận họ vào làm việc. Bản thân NKT cũng mặc cảm tự ti, ngại va chạm, sống khép mình, nên càng khó khăn trong tìm cơ hội cải thiện cuộc sống.

Trên cương vị Chủ tịch Hội NKT quận Hà Đông, anh Cường cố gắng tạo ra môi trường thuận lợi để hội viên giao lưu bằng việc tổ chức các lớp học kỹ năng, dạy nghề và giới thiệu việc làm. Mô hình HTX Vụn Art là một điển hình thành công trong tạo việc làm cho NKT. Để xây dựng mô hình, anh mất rất nhiều công sức đi khắp 17 phường của quận vận động NKT tham gia. Có người thấy được ý nghĩa thiết thực nên nhiệt tình hưởng ứng, nhưng cũng không ít gia đình còn nghi ngờ về mô hình của anh, cho rằng NKT liệu có được việc làm thực sự hay bị lợi dụng sức lao động để kiếm lời? Anh kể về trường hợp của Nguyễn Văn Quảng bị câm điếc bẩm sinh. Khi anh đến vận động, bố mẹ Quảng không đồng ý. Anh Cường mất nhiều thời gian kiên trì thuyết phục, bố mẹ em mới chấp thuận. Được làm việc với các bạn cùng cảnh ngộ, Quảng có cơ hội giao lưu, trao đổi, học hỏi thêm về ngôn ngữ ký hiệu. Nhờ môi trường này, em phát huy được năng khiếu mỹ thuật, đảm nhận vai trò thiết kế các mẫu tranh, hướng dẫn các bạn làm việc. Từng chi tiết được Quảng vẽ, cắt chính xác, sắp đặt hài hòa tạo ra những sản phẩm đẹp mắt. Sau này, khi biết con được làm việc trong môi trường thuận lợi, bạn bè yêu thương giúp đỡ nhau, bố mẹ Quảng rất phấn khởi, mời tất cả mọi người trong HTX đến thăm nhà ở An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) như để nói lời cảm ơn với tập thể nghĩa tình, nhân ái.

Anh Lê Việt Cường tâm sự: “HTX nhỏ bé này là nơi gom lại tất cả những gì tử tế nhất của những kém may mắn trong xã hội. Tôi muốn mọi người đến đây đều cảm thấy yên tâm như ở chính ngôi nhà của mình”. Không chỉ tạo việc làm, anh còn mở lớp học văn hóa, ngôn ngữ ký hiệu mời giáo viên đến dạy cho các thành viên trong HTX. Nhiều em qua học tập ngày càng tiến bộ, thậm chí có những em, như: Nguyễn Thùy Trang, Nguyễn Thị Hằng không hề biết đọc, biết viết nhưng qua học tập đã có thể đọc thông, viết thạo, tính toán kích cỡ để làm ra sản phẩm. Thương những em có hoàn cảnh khó khăn, anh còn hỗ trợ tiền ăn, thuê nhà trọ miễn phí để sinh hoạt. Chính tình cảm và lòng nhân ái của anh trở thành sợi dây gắn kết những mảnh đời bất hạnh giúp họ có thêm hiểu biết, cùng đoàn kết gắn bó, tôn trọng và yêu thương nhau nhiều hơn.

Với NKT việc chăm sóc sức khỏe rất quan trọng. Hằng năm, vào dịp tháng 4 và tháng 12, anh liên hệ với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức các đợt khám, chữa bệnh tình nguyện cho NKT trên địa bàn quận Hà Đông. Hội viên được thăm khám tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí. Anh còn mua sữa, bánh bồi dưỡng cho hội viên khi đến làm các thủ tục xét nghiệm.  Khi được hỏi điều gì khiến anh tận tâm hết mình vì NKT trong khi bản thân cũng không phải là người lành lặn, dư dả? Lê Việt Cường mỉm cười: “Nếu mỗi NKT chỉ biết nghĩ đến mình, sống lẻ loi thì cũng giống như những mảnh vải vụn rời rạc không có giá trị. Yêu thương, gắn kết lại với nhau, họ sẽ là “những mảnh ghép” thú vị làm nên bức tranh cuộc sống đa sắc màu”.

Trực tiếp theo dõi các hoạt động và kết quả lao động của anh Lê Việt Cường, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó bí thư Quận ủy Hà Đông, khẳng định: “Nặng lòng với NKT, anh Cường có nhiều hoạt động thiết thực giúp hội viên có việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Hơn thế, lợi ích thu được từ sản xuất kinh doanh, anh còn gây quỹ để tổ chức các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Bằng những việc làm cụ thể, anh từng bước khẳng định được giá trị của NKT để cộng đồng xã hội đối xử bình đẳng hơn trong lao động. Việc làm hữu ích của anh Cường góp phần khơi dậy và lan tỏa tình yêu thương để cuộc sống ngày càng nhân ái, tốt đẹp hơn”.

Bài và ảnh: VŨ DUY