 |
Đồng chí Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã đi kiểm tra rừng trên địa bàn. Ảnh do UBND xã cung cấp. |
Tham gia công tác từ năm 2001 làm cán bộ dân số (hợp đồng), rồi đến năm 2004 đảm nhiệm chức danh Phó chủ tịch HĐND được một thời gian ngắn chị được bầu là Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã. Từ năm 2010, chị giữ chức Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Năm 2017, chị được bổ sung vào Ban chấp hành Huyện ủy.
Trưởng thành từ nông dân, gia đình đông anh chị em, nên chị Lê Thị Lụa luôn thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người dân vùng cao. Ngày chị Lê Thị Lụa mới nhận nhiệm vụ, đời sống bà con nghèo khó, sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đường sá khó khăn, cản trở phát triển kinh tế. Làm thế nào để địa phương phát triển kinh tế, văn hóa xã hội? Làm thế nào để đời sống người dân được nâng cao? Mọi việc phải bắt đầu từ đâu? Những suy nghĩ ấy cứ lởn vởn trong đầu chị làm nhiều đêm chị ngủ không trọn giấc. Bản thân chị Lê Thị Lụa luôn cùng người dân nghĩ xem nuôi con gì, trồng cây gì để phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng của vùng quê chị?
Theo chị Lê Thị Lụa, muốn làm được mọi việc phải được dân ủng hộ. Nhưng muốn được người dân ủng hộ, trước hết cán bộ phải gương mẫu, miệng nói tay làm, xử lý mọi việc phải công khai, minh bạch và dân chủ trước người dân. Nghĩ là làm, chị vận động gia đình đồng ý để chị hiến đất. Chị Lê Thị Lụa là người tiên phong hiến hơn 900m2 đất để làm công trình văn hóa tâm linh. Chị Lê Thị Lụa chia sẻ: “Lúc đấy tôi nghĩ, muốn dân hiến đất, tại sao mình không hiến trước, trong khi mình là cán bộ, mình còn có đồng lương của Nhà nước, còn người nông dân thì không có gì ngoài mảnh ruộng”. Từ việc làm của chị cùng với sự thuyết phục, vận động của các cán bộ, nhiều gia đình đã tham gia hiến đất để phát triển hạ tầng của xã. “Tôi làm, cán bộ xã cũng làm, bởi thế nhân dân địa phương coi việc hiến đất phát triển kinh tế-xã hội là việc bình thường”.
 |
Đồng chí Lê Thị Lụa (áo tím) làm đồng cùng bà con. Ảnh do UBND xã cung cấp. |
“Để đạt được điều đó, mồ hôi, nước mắt đã đổ rất nhiều. Dẫu vậy, hạnh phúc nhất của người cán bộ, đảng viên không gì hơn là giúp đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Nhìn lại năm tháng qua, cùng dân giải phóng mặt bằng hàng nghìn mét vuông đồng lúa chín trong một tuần, mở đường, đổ đường bê tông nối làng, đóng góp hỗ trợ những gia đình nghèo hiến đất… Việc nào tôi cũng tự nhủ: Là người lãnh đạo, gian khổ đến mấy cũng xung phong đi trước, làm trước”, chị Lê Thị Lụa nhấn mạnh.
Trong nhiều năm công tác ở địa phương, chị có nhiều kỷ niệm không quên với người dân. Đó là, qua việc làm hiến hơn 900m2 đất của chị, có một phụ nữ đơn thân là chị Nguyễn Thị Vân, tuổi đã ngoài 60. Gia cảnh chị Vân khá khó khăn, chị ở một mình nhưng phải lo cho mẹ già đã hơn 80 tuổi, một em gái lâm bệnh. Không một chút băn khoăn, chị Vân tự hiến gần 1.000m2 đất cho xã làm nhà văn hóa. Thấy vậy, chị hỏi: “Tại sao em mới đặt vấn đề mà chị đã ủng hộ địa phương nhiều vậy? Không ngờ chị Vân bảo: Chị thấy em hiến đất cho xã nên chị cũng làm theo em, tất cả vì cái chung của xã mình nên chị cố gắng!”. Thông cảm với hoàn cảnh của chị Vân, chị Lụa băn khoăn và đã phát động toàn thể cán bộ từ xã xuống thôn đóng góp được gần 20 triệu đồng để hỗ trợ gia đình chị Vân. Chị Lụa kể: “Hôm chúng tôi tổ chức trao quà tặng cho chị ấy ở xã, chị Vân cầm tiền và ôm tôi khóc. Chị bảo, chị rất xúc động khi biết lãnh đạo địa phương không chỉ quan tâm tới việc chung của xã, mà còn để ý tới cả đời sống của người dân như chị nữa!”.
Trong xã Việt Thành, thôn Đồng Phú và Đồng Phúc là hai thôn mà cơ sở vật chất còn nghèo nàn, phần vì hai thôn này phải đi qua tuyến đường sắt, đường thì dài, số nhà dân thưa hơn các thôn bạn, nhiều chủ trương, chính sách đến nhân dân còn chưa thông tỏ. Đồng Phú là thôn mà trước đây chị Lụa đã từng phải kiêm nhiệm trực tiếp làm trưởng thôn hơn 2 tháng. Những năm gần đây, khi các thôn trong xã đã hoàn thành đường bê tông ngõ xóm, Đồng Phú và Đồng Phúc vẫn gần như “án binh bất động” hoặc cầm chừng. Vậy là, chị lại mất thời gian nhiều lần xuống với bà con trong thôn bày lời hay lẽ phải, động viên người dân hiến đất làm nhà văn hóa, mở đường. Khi những hộ dân đã đồng ý hiến đất, chị cho họp toàn thể bà con trong thôn, công khai việc người dân ủng hộ đất. Sau đó, chị họp Hội đồng khen thưởng, tặng giấy khen những hộ tự nguyện hiến nhiều đất. Thấy vậy, bà con trong thôn hào hứng, đua nhau ủng hộ đất làm đường, xây nhà văn hóa thôn. Những ngày nắng thu vừa qua, bà con thôn Đồng Phú đang tấp nập làm đường, xây nhà văn hóa trong niềm vui mà họ thấy chị Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy xã lúc nào cũng có mặt bên cạnh họ.
Năm 2015, xã Việt Thành đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay xã đã vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tự nguyện hiến hơn 57.000m2 đất để làm sân thể thao, nhà văn hóa thôn; đóng góp nâng cấp điện chiếu sáng ở 7/8 thôn, làm mới 12km đường bê tông liên thôn; mở mới 9,3km đường ra khu sản xuất; gần 23km đường bê tông ngõ xóm được hoàn thành, nhiều thôn đạt 100% đường bê tông ngõ xóm...
Khi những con đường bê tông hoàn thành, chị Lụa bàn với lãnh đạo xã phát động nhân dân trồng hoa ven đường, làm như vậy chẳng những đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, hạn chế rác thải mà còn làm cho bức tranh làng quê rực rỡ, muôn màu sắc. Ban đầu, cũng có ý kiến ngại sợ không thành công vì nhiều xe cộ qua lại hoặc trẻ em sẽ bẻ hoa, nhổ cây. Chị quyết định làm điểm, rồi tổ chức làm nơi nào dứt nơi đó. Giờ đây, đi trên tuyến đường Lam Đình dài hơn 6km, hai bên đường những thảm hoa muôn màu sặc sỡ thật bắt mắt, từ đó mở ra một phong trào xóm thôn trồng hoa, nhà nhà trồng hoa trên các tuyến đường đã được bê tông kiên cố.
Chị bàn với cấp ủy, cùng UBND mạnh dạn quy hoạch xã thành 3 vùng phát triển kinh tế tập trung dựa trên thế mạnh của từng vùng. Nhờ vậy, xã đã quy hoạch được 3 vùng kinh tế: Đó là, vùng Đồng Phúc trồng rừng kinh tế, trong đó, quế là cây chủ lực; vùng Phú Thọ phát triển tiểu thủ công nghiệp, mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh, sản xuất thương mại, dịch vụ, sản xuất lúa chất lượng cao và chăn nuôi; vùng Lam Đình phát triển trồng dâu. Đến nay, diện tích cây dâu toàn xã là 138ha, các tổ hợp tác được quan tâm vay vốn ưu đãi, đất sản xuất đã phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, hàng năm thu hơn 25 tỷ đồng từ việc bán tơ tằm. Chị cùng các cán bộ không quản ngại khó khăn sẵn sàng xắn quần xuống ruộng, cuốc đất, ra đồng trồng dâu với bà con.
Chị Lụa chia sẻ, trong công việc, nhiều lúc cảm thấy áp lực, muốn buông xuôi. Nhưng nghĩ đến tình cảm người dân dành cho mình, đặc biệt là sự quan tâm chia sẻ, động viên kịp thời của cấp trên và chồng, con khiến chị tiếp tục phấn đấu, dành tất cả thời gian và nhiệt huyết cho việc tập thể mà không nghĩ gì đến bản thân.
Tâm sự với chúng tôi, chị Lụa trải lòng: Tôi phải cảm ơn bà con nhiều lắm, không có dân giúp đỡ, ủng hộ thì tôi không hoàn thành được nhiệm vụ! Muốn được dân ủng hộ, phải xây dựng đội ngũ cán bộ “công bộc” ở địa phương. Cán bộ phải làm gương trước dân, gần gũi, hết lòng vì dân. Chỉ cần người nào đó quan liêu, hách dịch, xa dân thì người dân không những oán ghét mà còn truyền tai nhau, làm cán bộ mất uy tín, bị dân coi thường.
Chia tay chúng tôi, chị Lụa tâm sự: “Hạnh phúc nhất của tôi là đời sống nhân dân địa phương ngày một nâng cao, bộ mặt của xã từng bước được khởi sắc. Nhờ sự đồng lòng từ cán bộ đến người dân mà Đảng bộ xã Việt Thành nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh, địa phương ngày một giàu mạnh”. Với chị, chồng và hai con đều là cán bộ, đảng viên, lúc nào họ cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chị. Từ năm 2010 đến nay, được UBND tỉnh Yên Bái tặng 9 bằng khen cùng nhiều phần thưởng khác. Năm 2019, chị được Quân khu II tặng bằng khen; Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Giấy chứng nhận điển hình tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
LÊ QUÝ HOÀNG