Cái duyên với giống cỏ lạ
Cảm nhận đầu tiên của tôi về Ngô Đức Thọ là vẻ thư sinh, lịch lãm. Vì thế, khi anh say sưa nói về nông nghiệp hữu cơ, về cỏ vetiver, tôi khá ngạc nhiên. Theo lời kể của anh, năm 2005, tốt nghiệp ngành thủy lợi, Trường Đại học Xây dựng, anh về công tác tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Thọ. Ngô Đức Thọ được giao tham gia nghiên cứu tìm giải pháp chống sạt lở bờ hồ, đập cho một đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở. Quá trình nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, anh bắt gặp những thông tin về giống cỏ vetiver, một loại cỏ có nguồn gốc từ Ấn Độ, mới được nhập về Việt Nam gần 20 năm nay, chủ yếu được trồng ở khu vực phía Nam. Càng nghiên cứu, Thọ càng nhận thấy nhiều ưu điểm, tác dụng của giống cỏ này đối với điều kiện tự nhiên tại Việt Nam. Do đó, anh nung nấu quyết tâm tìm cách nhân rộng giống cỏ này.
 |
Ngô Đức Thọ và giống cỏ Vetiver mà anh say mê nghiên cứu, phát triển. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Biết chúng tôi còn lạ lẫm về loài cỏ vetiver, anh Thọ chia sẻ: “Giống cỏ này có đặc điểm nổi bật là bộ rễ dài, sống lâu năm bộ rễ có thể ăn sâu tới 10-12m. Vì vậy nó có thể bám chặt và giữ cho đất được chắc. Với đặc tính đó, loài cỏ vetiver được ví như một loại “bê tông sinh học”, được khuyến cáo sử dụng để gia cố các công trình giao thông, giúp chống sạt lở, xói mòn. Năm 2001, Bộ NN&PTNT đã cho phép trồng vetiver và ứng dụng trong các công trình chống sạt lở ở một số đoạn trên tuyến đường Hồ Chí Minh”.
Một ưu điểm nữa ở cỏ vetiver khiến anh Thọ bị “mê hoặc”, là giống cỏ này rất dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, giá thành không quá cao. “Cỏ vetiver có thể sinh trưởng rất tốt ngay trong những điều kiện khắc nghiệt như vùng khô hạn hoặc những vùng khí hậu lạnh. Khi mùa đông đến, cỏ bị chững lại hoặc có thể khô héo, nhưng khi mùa xuân về, nó tiếp tục sinh trưởng. Suốt quá trình đó, hệ thống rễ vẫn phát triển bình thường. Chỉ với khoảng một triệu đồng là có thể mua được 270 gốc cỏ. Từ các gốc này bắt đầu phân tách dần, trong vòng hai năm có thể nhân ra được 3ha. Giống cỏ này sống cộng sinh nên giảm được chi phí tưới”, anh Thọ cho biết thêm.
Giấc mơ mang cỏ ra trồng ở Trường Sa
Mặc dù “bén duyên” với vetiver đã khá lâu nhưng quá trình thuyết phục người dân nhân rộng giống cỏ này không hề đơn giản. Nhắc đến hành trình gian nan của mình, Thọ chia sẻ: “Ban đầu, nhiều người sợ giống cỏ có bộ rễ vững chãi như thế sẽ “cạnh tranh”, lấy hết chất dinh dưỡng của các giống cây trồng khác, sau thời gian ngắn sẽ khiến đất cằn cỗi. Thực tế thì ngoài tác dụng chống xói mòn, sạt lở, rễ của cỏ vetiver cấu tạo như bấc đèn dầu nên có tác dụng hút nước ngược trở lại. Giống cỏ này có thể cộng sinh nên đưa nước thấm vào đất rất nhanh và nếu cắt cỏ phủ lên bề mặt đất thì chúng còn có tác dụng che phủ rất tốt. Không những không “cướp” chất dinh dưỡng mà nó còn giúp cây trồng bên cạnh sinh trưởng tốt hơn”.
Mặc dù có nhiều ý kiến phản biện, ngăn cản, nhưng điều đó không làm Ngô Đức Thọ chùn bước. Vừa kiên nhẫn giải thích bằng kiến thức khoa học, anh vừa quyết tâm bắt tay vào việc thử nghiệm, nhân giống. Anh nghĩ, chỉ có kết quả cụ thể mới thuyết phục được người khác. Việc đầu tiên là anh liên hệ với Công ty Xây dựng công nghệ mới ở Đà Nẵng mua 1.500 tép cỏ đầu tiên, với giá gần 3 triệu đồng. Số tiền này anh trích từ lương tháng của mình và phải nói dối bố mẹ đó là cỏ mua giúp nhà thầu. Từ số cỏ ban đầu đó, anh chọn thuê khu đất ở tỉnh Tiền Giang, nơi có điều kiện khí hậu nắng nóng quanh năm để nhân rộng giống cỏ, cung cấp cho khách hàng.
Trồng cỏ là một sự lạ, nên việc phát triển nó cũng được anh thực hiện theo cách “lạ” không kém: “Mình lựa chọn cách thức xây dựng cộng đồng vetiver trong nông nghiệp, nghĩa là hỗ trợ cộng đồng dùng giống cỏ này để cộng sinh, che phủ và bảo vệ đất. Hiện nay, số người dùng vetiver trong nông nghiệp hữu cơ đã lên tới hàng nghìn người. Ban đầu là nông dân ở miền Trung, Tây Nguyên, nơi thiếu thốn về nước tưới, sau đó nhiều hộ ở miền Tây, nơi bị xâm nhập mặn và sạt lở cũng tìm đến giống cỏ này. Khu trồng cỏ của mình hiện có 6 công nhân làm việc. Số tiền thu được từ khu này không nhiều nhưng điều khiến mình vui là giúp người nông dân hiểu và áp dụng thành công việc sử dụng cỏ vetiver vào nông nghiệp hữu cơ”-Ngô Đức Thọ tiết lộ.
Sau khi thuyết phục được nhiều hộ dân tin trồng giống cỏ vetiver, Thọ “gàn” tiếp tục ấp ủ ý định mang giống cỏ vetiver ra trồng tại quần đảo Trường Sa. Chưa được ra Trường Sa bao giờ, nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu, anh biết, nếu trồng được cỏ vetiver ngoài đó, sẽ giúp bộ đội và nhân dân trên đảo thuận lợi hơn trong canh tác, trồng rau màu, đồng thời, tạo thêm khối “bê tông sinh học” để bảo vệ bờ đảo, tránh sạt lở. Có ý tưởng rồi, nhưng phải đợi đến tháng 5-2018, Thọ mới biến nó thành hiện thực khi được tham gia chuyến đi cùng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp hữu cơ. Hành lý mang theo của anh là hơn 1.000 gốc cỏ vetiver để tặng cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn. Anh hào hứng: “Ngoài đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng chủ yếu là đất đá san hô kém dinh dưỡng, nên rau xanh, cây cối rất khó phát triển. Song, với giống vetiver thì lại khác. Với lợi thế có bộ rễ cứng, thân mềm, vetiver thích nghi rất tốt ở môi trường đất khô cằn, nhiễm mặn. Vì vậy, việc trồng cỏ để ngọt hóa nước mặn trên đảo đem lại hiệu quả rất lớn. Để mang được giống cỏ này ra Trường Sa, mình phải gửi cỏ theo xe khách từ Phú Thọ vào Nha Trang, rồi nhờ một nông dân trong cộng đồng trồng cỏ vetiver nhận, chăm sóc giúp. Nửa tháng sau, vợ chồng người nông dân ấy mới chở 1.000 bầu cỏ ra khách sạn để mình làm thủ tục chuyển lên tàu, mang ra Trường Sa. Chi phí tiền cỏ chỉ vài triệu đồng nhưng việc vận chuyển, chăm sóc nó khá kỳ công”.
Vừa kể về chuyến đi, Ngô Đức Thọ vừa cho chúng tôi xem những bức ảnh mà cán bộ, chiến sĩ trên đảo chụp quá trình sinh trưởng của giống cỏ vetiver gửi về. Nhìn gương mặt rạng rỡ của anh có thể cảm nhận được niềm vui vì những đam mê đã mang lại hiệu quả bước đầu. “Nếu phát triển theo đúng kế hoạch, các khóm cỏ này ngoài việc làm hàng rào, chắn xói mòn đất, còn là nguồn thức ăn cho gia súc trên đảo. Chưa kể, nếu phơi khô, lá cỏ còn có tác dụng che chắn mưa, nắng, gió. Khi cỏ chết, nó vẫn có tác dụng tạo chất mùn để nuôi dưỡng đất. Mong muốn của mình là sau khi mô hình trồng cỏ vetiver trên đảo Sinh Tồn thành công, các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện, cho phép nhân rộng giống cỏ này ra các đảo, điểm đảo khác có điều kiện phù hợp”, Ngô Đức Thọ phấn khởi chia sẻ.
Sau chuyến mang cỏ ra Trường Sa, Ngô Đức Thọ quyết định về “đầu quân” cho một công ty nông nghiệp hữu cơ để có nhiều thời gian phát triển giống cỏ này. Bận nhiều việc, nhưng hằng ngày, người ta vẫn thấy anh chăm chỉ lên trang fanpage cộng đồng nông dân vetiver Việt Nam để trao đổi, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cỏ và ứng dụng vào nông nghiệp hữu cơ. Lượng người quan tâm, theo dõi, đăng ký làm thành viên cũng lên tới hàng chục nghìn người. Mới đây, tại lễ tổng kết trao giải Cuộc thi ảnh “Tuổi trẻ cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu”, Ngô Đức Thọ đoạt giải với bức ảnh chụp bộ rễ cỏ Vetiver ăn sâu vào lòng đất, giúp chống chọi với khô hạn, duy trì nguồn thức ăn cho gia súc và che phủ đất nông nghiệp. Điều khiến anh xúc động hơn là trong buổi lễ trao giải, sân khấu được trang trí bằng cỏ vetiver. Khi ngắm hình ảnh ấy, Ngô Đức Thọ nảy ra ý tưởng sẽ dùng lá cỏ vetiver làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và trang trí nghệ thuật. Như vậy, anh sẽ khai thác được nhiều hơn tiện ích của cỏ vetiver.
VĂN CHIỂN