Nỗ lực học từng ngày
Mai Đình Phúc sinh năm 1993, là con thứ hai trong gia đình có 4 chị em ở ấp Thuận Hòa 2, xã Thuận Lợi (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước). Gia đình làm nông nghiệp, mẹ bị bệnh thần kinh nhiều năm nên mọi việc trong nhà bố Phúc gánh vác. Năm lên 6 tuổi, Phúc thấy đôi mắt có biểu hiện mờ dần, nhưng thương bố mẹ và các chị vất vả, em lặng lẽ chịu đựng, không nói với ai. Đến lúc gia đình phát hiện ra thì không còn cứu chữa được nữa. Hai năm sau, đôi mắt Phúc mù hẳn. Cậu bé mù bắt đầu phải làm quen với cuộc sống hoàn toàn khác và cố gắng tỏ ra bình thường để bố mẹ, chị và các em không phải bận lòng...
Đến năm 2005, niềm vui đến với gia đình khi Tỉnh hội Người mù Bình Phước cho biết, chùa Kỳ Quan (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) nhận nuôi dạy trẻ khuyết tật. “Được đi học, em vui lắm! Nhất là việc học không ảnh hưởng tới gia đình, không làm cho ba, cho chị thêm nặng gánh”, Phúc chia sẻ.
Lần đầu xa nhà, ở môi trường mới, nhiều lúc nhớ bố mẹ, Phúc khóc. Dần rồi quen, các thầy cô ở chùa quan tâm, chăm sóc và chỉ dạy tận tình, tỉ mỉ, giúp em vơi nỗi nhớ nhà và có thêm nhiều bạn tốt. Phúc nghĩ, ngoài xã hội còn nhiều bạn khiếm thị kém may mắn hơn (không được đi học) nên cần nỗ lực học tập tốt để không phụ lòng gia đình. Lên cấp hai, Phúc được chuyển sang học tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu dành cho trẻ em khiếm thị ở quận 10. Có nền tảng từ khi còn học tại chùa Kỳ Quan, lại vốn thông minh, Phúc nhanh chóng làm quen với trường, lớp và bạn mới.
Lên trung học phổ thông, thấy khả năng học hòa nhập (với người sáng mắt) của Phúc, nhà trường chuyển em sang học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5, TP Hồ Chí Minh. “Gian nan bắt đầu, em không nhìn thấy thầy cô viết gì trên bảng, nhưng em cũng sớm làm quen và thân thiện với các bạn sáng mắt, nhờ các bạn đọc bài cho chép (bằng chữ Braille). Vừa vui vừa lo lắng, Phúc không biết chọn ngành gì, trường nào cho phù hợp. Tham khảo ý kiến rất nhiều người, cuối cùng em chọn ngành Công tác xã hội, ngành khoa học chuyên nghiệp giúp đỡ người yếu thế khôi phục năng lực hòa nhập cộng đồng, khôi phục chức năng xã hội. Quan trọng nhất là ngành học này phù hợp với sức khỏe, mong muốn giúp đỡ được nhiều người tàn tật. Năm 2017, Mai Đình Phúc trở thành sinh viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Vào đại học, khó khăn tiếp tục tăng theo cấp số nhân khi Phúc phải ở trọ, đi xe buýt tới trường (trường học có 3-4 cơ sở, khi học ở quận 5, khi thì quận 3, khi qua quận 11). Đa số tài liệu tìm học trên máy vi tính kết nối internet, lúc này, chiếc máy vi tính trở thành “người bạn” thân nhất giúp Phúc học tập và tra cứu tài liệu. Ông Nguyễn Lương Bằng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bình Phước khẳng định: “Nỗ lực học tập, không quản gian khổ, Phúc luôn có cách khắc phục tốt nhất, sớm nhất mọi khó khăn. Chúng tôi tin em còn làm được nhiều điều hơn nữa cho bản thân, cho bao bạn đồng tật trong tương lai không xa”.
Không ngừng vượt lên số phận
Được học hòa nhập trong môi trường của người sáng mắt, Phúc có nhiều cơ hội, điều kiện tham gia các chương trình vì cộng đồng, như: Chương trình sáng tạo UPSHIFT tìm kiếm tài năng; những dự án có ích cho cộng đồng do UNICEF tổ chức. Và năm 2019, em được UNICEF trao học bổng tại Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh. “Công nghệ thông tin rất cần thiết đối với người khiếm thị nên em theo học. Nhưng 6 tháng sau em phải bảo lưu vì không đủ sức khỏe, bởi cùng lúc phải bảo đảm chất lượng học tập ở cả hai trường”, Phúc cho biết. Sau này, Phúc tốt nghiệp cả hai trường với tấm bằng giỏi.
Biết tiếng Anh ngày càng cần thiết trong cuộc sống, Phúc đã nỗ lực học với mục đích “sau này phục vụ cho cuộc sống và công việc”. Không có điều kiện tới trung tâm, cậu sinh viên mù tự học bằng cách ghi nhớ tên gọi mọi vật, mọi việc khi bắt gặp; tham gia các nhóm tự học trên internet để nhờ các thành viên trong nhóm chỉ dẫn và giao tiếp bằng tiếng Anh; nghe hướng dẫn trên YouTube; ra công viên tìm người nước ngoài làm quen để luyện nói. Trong sinh hoạt, học tập, em cũng cố gắng suy nghĩ bằng tiếng Anh, dùng ngôn ngữ trên điện thoại và máy tính bằng tiếng Anh.
Tại Đại hội đại biểu Hội Người mù tỉnh Bình Phước lần thứ V (nhiệm kỳ 2019-2024), nói về hội viên mù Mai Đình Phúc, ông Nguyễn Lương Bằng mong em sẽ về hội cống hiến, làm việc, giúp đỡ nhiều cho người mù trong tỉnh. Bà Lê Thị Xuân Trang, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Phước cũng khẳng định: “Đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng nên nhiều trẻ em không đủ sức khỏe theo đuổi đến cùng việc học. Một số chỉ xóa mù chữ Braille. Tuy nhiên, với em Phúc, cách học cho từng ngày rất đặc biệt. Nhận thấy bản thân thiếu kiến thức gì, thiếu điều gì Phúc liền học và bổ sung ngay (nhất là ngoại ngữ). Qua đó, giúp Phúc lần lượt vượt qua các chương trình tiểu học, trung học, rồi trở thành sinh viên của hai trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, Phúc nói tiếng Anh khá trôi chảy. Đây thực sự là một tấm gương tiêu biểu cho nhiều bạn trẻ học tập...”.
Bài và ảnh: TRẦN THỊ CẨM THƠ