Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, anh là tác giả, đồng tác giả của gần 20 công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phần lớn đều đạt giải cao từ cấp cơ sở đến cấp bộ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị. Anh là Trung tá, thạc sĩ, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Sơn, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật chuyên ngành, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp (TCKT TTG), Binh chủng TTG.

Những ngày tháng 11, trong không khí hanh hao của miền đất đá vôi Ninh Bình, chúng tôi có dịp đến thăm Cơ sở 2, Trường TCKT TTG, được Đại tá Vũ Đức Hạnh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy nhà trường đưa đến tham quan khu vực huấn luyện của học viên hệ trung cấp, chuyên ngành cơ tăng, khóa 17, do Trung tá, thạc sĩ, NGƯT Nguyễn Sơn đảm nhiệm lên lớp. Quả thực, nếu không được Đại tá Vũ Đức Hạnh giới thiệu, chúng tôi khó có thể phân biệt được đâu là thầy, đâu là trò, bởi họ đều mang trên mình bộ quân phục dã ngoại lấm lem dầu mỡ, ướt sũng mồ hôi và cùng “chui” ra từ chiếc xe tăng T54 đang phì phò hơi nóng chẳng khác nào cái lò sưởi. Được biết, giờ thực hành nào cũng vậy, không kể điều kiện thời tiết, thầy Sơn đều trực tiếp vào xe cùng học viên, vừa làm mẫu, vừa hướng dẫn bộ đội cách khắc phục, sửa chữa những hỏng hóc. Chỉ đến khi nào học viên thực sự hiểu bài, tiến hành các thao tác một cách nhuần nhuyễn, anh mới chịu ra khỏi cái “lò bát quái” ấy.

Trung tá Nguyễn Sơn trong một buổi lên lớp.

Tranh thủ giờ giải lao, ngay tại khu nhà xưởng ngổn ngang trang bị kỹ thuật, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Sơn kể cho nghe cái duyên đến với nghề thầy giáo của mình. Theo đó, năm 1996, anh tốt nghiệp xuất sắc hệ trung cấp sửa chữa TTG tại chính ngôi trường này và được giữ lại làm giáo viên. Sau 3 năm làm công tác giảng dạy, đạt nhiều thành tích cao, Nguyễn Sơn được cử đi học chuyển cấp đại học. Năm 2007, anh tiếp tục bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ và được phân công giảng dạy tại Cơ sở 2, Trường TCKT TTG cho đến nay.

Vốn trưởng thành từ người lính thợ, là giáo viên chuyên ngành kỹ thuật TTG nhiều năm trong nghề, Trung tá Nguyễn Sơn thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của các đơn vị TTG khi hệ thống trang bị kỹ thuật, xe máy bị hỏng hóc, chậm được sửa chữa, khắc phục, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác huấn luyện, SSCĐ của đơn vị. Chính vì vậy, mỗi giờ lên lớp, anh đều dồn hết tâm huyết, trách nhiệm và kiến thức của mình cho học viên, mong muốn đào tạo cho các cơ quan, đơn vị trong toàn quân những người lính thợ giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đó cũng là lý do các bài giảng của thầy Sơn luôn có tính thực tiễn, dễ hiểu, dễ nhớ, lấy thực hành là chính, tạo sự hứng thú cho người học.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, Trung tá Nguyễn Sơn không khỏi trăn trở về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giáo dục, đào tạo tại đơn vị, nhất là tình trạng hệ thống trang bị huấn luyện còn thiếu thốn, đa phần đã xuống cấp. Từ đó, anh cùng tập thể giáo viên trong khoa tích cực nghiên cứu, cải tiến nhiều mô hình, đồ dùng huấn luyện, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo. Anh nghiệm ra rằng, để truyền đạt kiến thức cho học viên một cách hiệu quả, ngoài nội dung về lý thuyết cơ bản, cách tốt nhất là cho học viên tiếp cận, nghiên cứu và thực hành ngay trên các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật, được sáng tạo từ chính thực tiễn nhiệm vụ. Một trong số các sáng kiến tiêu biểu của anh phải kể đến là: “Mô hình thiết bị điện-TBĐB xe T55”, được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen.

 Nói về sáng kiến này, Trung tá Nguyễn Sơn cho biết, kỹ thuật sửa chữa điện-ổn định trên xe tăng khá trừu tượng, ngay cả đối với giáo viên. Trong khi, hệ thống trang bị, mô hình huấn luyện của nhà trường còn khó khăn, thiếu thốn, xe phục vụ huấn luyện ngày càng xuống cấp. Đặc biệt, do điều kiện về không gian cùng các yếu tố chi phối khác, như: Nổ máy xe, người phục vụ, nên không thể một lúc đưa các nội dung huấn luyện lên xe, làm giảm đáng kể tư duy và tính sáng tạo của người học. Trước tình hình đó, sau thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, sáng kiến của Trung tá Nguyễn Sơn đã ra đời, dựa trên hình dáng, kích thước thật của xe. Phần khung làm bằng sắt, được hàn với nhau một cách chắc chắn. Mô hình được đỡ trên 4 bánh xe, trong đó có hai bánh dẫn hướng, giúp mô hình có thể di chuyển ở mọi vị trí. Các cụm máy được lắp đặt trên khung xe, liên kết với nhau bằng hệ thống dây dẫn theo đúng nguyên lý mạch điện trên xe, sử dụng nguồn điện một chiều là bộ bình điện 6CT-140M và nguồn xoay chiều một pha thông qua động cơ điện dẫn động cho máy phát. Mô hình này giới thiệu được phần cấu tạo, bố trí lắp đặt các thiết bị điện, thiết bị đặc biệt, ổn định trên xe; kiểm tra và sửa chữa được các mạch thiết bị điện, hệ thống hồng ngoại, chiếu sáng, hệ thống chữa cháy; giúp sửa chữa được mạch bắn pháo trên xe, đồng thời kiểm tra, lắp đặt và sử dụng hệ thống ổn định trên xe… Tác dụng mà sáng kiến mang lại là tăng khả năng quan sát, giúp giảm thời gian, công sức cho học viên trong thực hành huấn luyện và có thể sử dụng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Sáng kiến nữa phải kể đến của anh và tập thể Khoa Kỹ thuật chuyên ngành là “Giá tháo lắp, hộp giảm tốc bánh xe BTP-60IIB”. Trước đó, quá trình huấn luyện của nhà trường và các đơn vị sửa chữa TTG trong toàn quân khi tiến hành tháo lắp bánh và hộp giảm tốc bánh xe đều mang tính thủ công (dùng sức người, dây thừng và đòn), tốn công sức, dễ xảy ra mất an toàn. Trước thực trạng đó, sáng kiến của Trung tá Nguyễn Sơn ra đời được bố trí với kích thước 950x800x850mm, chia làm 3 phần: Chân giá, giá di động và tay điều khiển cùng hệ thống phụ kiện khác. Sáng kiến giải quyết được bài toán về nhân công, giúp thời gian tháo lắp, sửa chữa hệ thống bánh xe tăng giảm chỉ còn 1/5 thời gian so với trước đây. “Trung tá Nguyễn Sơn là một giáo viên tận tụy, yêu nghề, luôn hết lòng vì học viên. Anh thường xuyên có sự đổi mới về phương pháp huấn luyện, phù hợp với từng môn học, từng đối tượng, lấy học viên làm trung tâm. Đặc biệt, các công trình nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh luôn có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường”, Đại tá Phạm Xuân Lực, Hiệu trưởng Trường TCKT TTG nhận xét về Trung tá Nguyễn Sơn.

Không chỉ dừng lại ở những công trình nghiên cứu có tính khả thi, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều năm trở lại đây, Trung tá Nguyễn Sơn còn tổ chức chỉ đạo, biên soạn không ít tài liệu, bài giảng cho các đối tượng học viên, ở chuyên ngành khác nhau, như: Điện-thiết bị đặc biệt, tăng xích, thiết giáp lốp... Anh cũng chủ trì biên soạn 8 tập bài giảng, 4 tập tài liệu: “Cấu tạo, sử dụng xe TTG”; “Lý thuyết sửa chữa”,“Cấu tạo động cơ xe thiết giáp bánh lốp”; “Sửa chữa bộ phận truyền động xe thiết giáp lốp” phục vụ nhiệm vụ giảng dạy cho các đối tượng trung, sơ cấp, đồng thời trực tiếp tham gia giảng dạy hơn 275 tiết/năm. Để có được kết quả đó, anh luôn xây dựng cho mình phương pháp công tác khoa học, có kế hoạch làm việc tỉ mỉ, cụ thể, sát yêu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn. Đặc biệt, anh luôn xác định việc nghiên cứu, thi công sáng kiến là nhiệm vụ quan trọng. Chính vì vậy, mỗi khi có ý tưởng mới, Trung tá Nguyễn Sơn đều mạnh dạn trình bày trước tập thể, trước cấp trên và đề nghị triển khai. Quá trình thực hiện, anh ứng dụng tối đa thành tựu của công nghệ vào từng công đoạn cụ thể, thử nghiệm nhiều lần, bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất trước khi đưa vào ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Đó cũng là lý do tất cả ý tưởng, công trình nghiên cứu cũng như các sáng kiến của anh đều có tính khả thi cao, góp phần không nhỏ vào hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị.

Trung sĩ Hồ Trung Hiếu, học viên lớp trung cấp cơ tăng khóa 17, bộc bạch: “Quá trình lên lớp, thầy Sơn không những tận tâm, trách nhiệm trong truyền thụ kiến thức cho học viên, mà luôn khơi dậy tinh thần say mê nghề nghiệp, khiến chúng tôi càng thêm yêu trường, yêu lớp, cảm thấy hứng thú hơn trong mỗi giờ học”.

Với tâm huyết, trách nhiệm, niềm say mê nghề nghiệp và những đóng góp tích cực trong công tác quản lý, giảng dạy, 20 năm qua, Trung tá Nguyễn Sơn có 11 năm được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 2 năm là Chiến sĩ thi đua toàn quân; 2 lần được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, nhiều năm liền anh được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở và toàn quân. Đặc biệt, năm 2017, Trung tá Nguyễn Sơn vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG