Bán đất mua xe cấp cứu giúp người nghèo
Gõ cửa căn nhà nhỏ, chúng tôi khá bất ngờ khi được đón tiếp bởi bà Nguyễn Thị Giàu. Như đoán được những thắc mắc của chúng tôi, bà rót chén nước rồi từ tốn tâm sự: “Các chú đợi thêm ít phút nữa, bà Bính đang đắp thuốc trong phòng. Nhìn vậy thôi, bà ấy cũng nhiều bệnh lắm, hết tổn thương cột sống đến hẹp động mạch vành rồi lại mắc phải căn bệnh ung thư quái ác nữa. Người đâu mà tâm đức đến thế, sức khỏe đỡ một chút là nghĩ ngay đến việc giúp đỡ người nghèo khó. Từ Nam ra Bắc nơi đâu cũng có dấu chân của bà Bính…”.
Bà Giàu, quê ở An Giang. Cũng vì cảm mến tấm lòng thiện nguyện của bà Bính, bà Giàu động viên con cháu để mình ra giúp đỡ công việc cho bà Bính. Đang trò chuyện vui vẻ, bà Giàu dừng lại và hướng mắt về phía cửa căn phòng nhỏ: “Kìa, bà Bính ra rồi đấy”. Theo hướng chỉ của bà Giàu, chúng tôi thấy một người phụ nữ đứng tuổi, người nhỏ nhắn, dáng đi còn lộ rõ vẻ khó khăn.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về những chuyến xe nghĩa tình, bà Phan Thị Bính kể: “Thật ra cũng không có gì to tát đâu. Lần đó, tôi có đọc được trên báo câu chuyện về một trường hợp vì hoàn cảnh quá nghèo, không có đủ tiền để thuê xe cấp cứu đưa bệnh nhân đã mất về nhà. Người anh đành phải bó chiếu thi thể của em rồi chở về bằng xe máy. Câu chuyện khiến tôi không cầm được nước mắt. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ phải mua xe để giúp đỡ người nghèo có phương tiện di chuyển lúc ốm đau, bệnh tật”. Câu nói ấy cứ trăn trở với bà mãi không thôi.
 |
Bà Phan Thị Bính bên chiếc xe cấp cứu miễn phí. |
Nghĩ là làm, bà Bính đã lên đường đến những địa phương có mô hình xe cấp cứu từ thiện hoạt động như ở Cần Thơ, An Giang. Sau khi đã nắm vững các bước tổ chức, vận hành, bà quyết định bán mảnh đất của mình với giá trị hơn 1 tỷ đồng để có tiền mua xe cứu thương giúp đỡ những bệnh nhân nghèo. Nhưng để xe cấp cứu hoạt động được không phải chuyện dễ dàng, bà Bính tâm sự: “Một chiếc xe cấp cứu phải đăng ký các quyền ưu tiên như: Sử dụng đèn, còi tín hiệu, đi vào đường cấm, vượt đèn đỏ… Quá trình vận hành phức tạp, có đơn vị ngỏ ý muốn để họ giúp. Nhưng tôi nghĩ việc thiện đã làm phải làm đến cùng. Biết đâu nếu giao cho đơn vị khác, chỉ một vài tháng họ miễn phí, sau đó lại thu tiền thì tôi không thể kiểm soát được”.
Vậy là, bà Bính “ôm” hết việc vào mình. Từ việc dùng số điện thoại cá nhân làm số điện thoại đường dây nóng, liên hệ với Phòng Công tác Xã hội của các bệnh viện, cho đến thuê lái xe. Cảm thông với tấm lòng thiện nguyện của bà Bính, ông Mai Văn Toàn cùng vợ ở An Giang đã lặn lội ra Hà Nội tự nguyện làm lái xe cấp cứu. Tiếng lành đồn xa, đến nay đã có 10 lái xe đăng ký lái xe miễn phí giúp bà Bính. Người lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Đức Chuyên đã 64 tuổi, ít tuổi nhất là anh Đào Chính Vũ mới chỉ 30 tuổi. Những lái xe đến với bà đều làm việc với tấm lòng chia sẻ, không có thù lao.
Những câu chuyện ân tình
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang vì chiếc điện thoại của bà Bính đổ chuông liên tục. Bà nghe máy rồi vội vàng bước vào phòng làm việc. Vừa nói chuyện, bà Bính vừa lấy giấy bút ra ghi chép thông tin. Chúng tôi kịp nhìn những dòng chữ viết vội: “Khoa Gây mê Hồi sức, Bạch Mai, số điện thoại…”. Bà Bính nói với chúng tôi: “Có bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, bệnh viện trả về. Hoàn cảnh khó khăn quá, cô cũng đã nhờ bệnh viện xác minh lại thông tin”. Nói rồi bà Bính quay lại chiếc điện thoại cá nhân, gõ những thông tin lên nhóm liên lạc trên zalo. Những tin nhắn gần như phản hồi ngay lập tức, bà Bính thốt lên: “May quá! Có em Nguyễn Công Huân đang rảnh, có thể đi được ngay”.
 |
Bà Bính dặn dò anh Nguyễn Công Huân trước khi xe lăn bánh |
Chỉ 10 phút sau, anh Huân đã có mặt để nhận thông tin và chìa khóa xe để đi đón bệnh nhân. Chiếc xe bật còi ưu tiên, lăn bánh giữa con đường đông đúc. Khi chiếc xe đã khuất xa, chúng tôi hỏi bà Bính, trong những lần vận chuyển bệnh nhân hoàn cảnh khó khăn, có câu chuyện nào thật sự xúc động làm bà nhớ mãi? Bà Bính trầm ngâm rồi chia sẻ: “Thực ra, khi mọi người đã liên lạc đến nhờ giúp đỡ, trường hợp nào cũng thật sự khó khăn và xúc động. Đa phần đều là những bệnh nhân nặng, bệnh viện phải trả về, họ đều có gia cảnh nghèo khó và đáng thương”.
Bà Bính kể cho chúng tôi chuyến xe khó khăn mà anh Nguyễn Công Huân thực hiện cách đây nửa năm. Đó là trường hợp em Lò Thị Vân người dân tộc Tày ở Đà Bắc, Hòa Bình đã điều trị 1 tháng tại ở Bệnh viện Phổi Trung ương nhưng không thể cứu chữa. Trên đường về quê, em Vân nghĩ mình đã khỏi bệnh nên “hồn nhiên” ca hát, kể với anh Huân mình đã đỗ đại học điểm cao, kể về những dự định tương lai của mình khi ra Hà Nội học. Anh Huân vừa lái xe vừa lấy tay gạt nước mắt, giấu đi nỗi buồn để động viên Vân và gia đình.
Trong những chuyến xe vận chuyển bệnh nhân 0 đồng ấy, nhiều lúc lái xe phải xử lý nhiều tình huống ngoài nhiệm vụ. Theo như bà Bính kể, có trường hợp lái xe đưa bệnh nhân về nhà lại tiếp tục đưa người nhà của bệnh nhân đó đi cấp cứu. Hay như ngày mồng 6 Tết năm 2019, sau khi đưa một bệnh nhân từ Bệnh viện Nhi Trung ương về Tuyên Quang, anh Chuyên và anh Tuấn lái xe trở về đến đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì gặp một vụ tai nạn bên kia đường. Trong khi nhiều xe cá nhân khác không dám dừng lại thì hai anh ngay lập tức bật còi xe, quay đầu, đưa người tai nạn đi cấp cứu.
Ngoài vận hành xe cấp cứu miễn phí, bà Phan Thị Bính và nhóm Thiện nguyện Từ Tâm còn tham gia nấu và phát cơm, cháo miễn phí tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Từ tháng 7-2019 đến nay, bà Bính cũng đã tham gia hỗ trợ 1 phần kinh phí để mổ mắt từ thiện cho gần 400 ca miễn phí tại Bệnh viện Mắt Hà Nội. Hơn 20 năm làm công tác thiện nguyện, bà Phan Thị Bính vẫn đang ấp ủ nhiều dự định mới. Bà Bính mong muốn trong thời gian tới sẽ mở một nhà thuốc đông y khám để chữa bệnh miễn phí và mở quán cơm Tùy Hỷ (cơm chay) ở Hà Nội, mang đến cơ hội điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho biết: “Bà Bính là tấm gương sáng về tấm lòng thiện nguyện. Thời gian qua, nhờ những chuyến xe cấp cứu 0 đồng của bà và các cộng sự đã giúp đỡ rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh nghèo khó, cơ cực; kịp thời đem đến sự sống cho rất nhiều người. Bà là gương điển hình tiêu biểu của quận Hoàng Mai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong những năm qua”.
Những chuyến xe thiện nguyện của bà Phan Thị Bính bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12-2018. Qua hơn 1 năm hoạt động, những chuyến xe đã vận chuyển hơn 200 lượt bệnh nhân miễn phí về nhiều tỉnh khó khăn của miền Bắc. Ghi nhận những đóng góp thiện nguyện, năm 2019, UBND TP Hà Nội đã trao Bằng khen và Huy hiệu “Người tốt-Việc tốt” tặng bà Phan Thị Bính.
|
Bài, ảnh: ĐỨC HÀ - ĐÀO HIỆP