Không chỉ là người chỉ huy có nhiều đột phá, sáng tạo trong công tác giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học, ông còn được gọi là “thi tướng” với những tác phẩm thơ trân quý xuất phát từ tấm lòng của ông dành cho người thân và đồng đội...
Người thích “cựa quậy”
Lần nào cũng vậy, trong câu chuyện mà Trung tướng Phạm Quốc Trung chia sẻ với chúng tôi luôn hiển hiện những “đau đáu” về một ý tưởng đang ấp ủ và khát khao biến thành hiện thực của người “đứng mũi chịu sào” đầy tâm huyết. Khi một ý tưởng đang trong quá trình triển khai thì ngay lập tức trong đầu ông lại bắt đầu định hình một ý tưởng mới. Chẳng thế mà có người dành tặng biệt danh cho ông là người thích “cựa quậy”. Tìm hiểu thêm chúng tôi càng có cơ sở khẳng định nhận xét ấy về ông quả không sai.
Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung.
Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung tham gia giao lưu trong Gala Happy new year của Câu lạc bộ tiếng Anh nhà trường.
Với tác phong và phương pháp chỉ huy hết sức linh hoạt, cùng với các cộng sự, ông đã làm thay đổi diện mạo cũng như cách nhìn nhận về ngôi trường quan trọng này. Có thể thấy rõ nhất là những chuyển biến trong việc dạy và học ngoại ngữ. Đi qua cổng Thành cổ, bước vào trong khuôn viên nhà trường đã thấy những khẩu hiệu, tấm pa-nô song ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) khắp nơi; trên giảng đường thầy và trò chào nhau bằng tiếng Anh; giờ nghỉ hay rèn luyện thể lực, các đơn vị trong trường phát các bản tin song ngữ Việt-Anh... “Không chỉ tôi, mà nhiều lãnh đạo chỉ huy đều nhận thấy tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong điều kiện hội nhập hiện nay. Nhưng làm thế nào để tạo được môi trường và động lực học cho cả thầy và trò thì không hề đơn giản đâu nhé. Phải là quyết tâm của cả hệ thống đấy”-ông tâm sự.
Chính từ quyết tâm của tập thể, với sự khởi xướng, chủ động chỉ đạo của Hiệu trưởng Phạm Quốc Trung cùng sự kết hợp đa dạng các hình thức học tập và rèn luyện (câu lạc bộ, học tập và làm việc song ngữ, đưa kết quả vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng giảng viên, giảng viên giỏi, giảng viên chính…) mà hiện nay, phong trào học và thực hành ngoại ngữ ở Trường Sĩ quan Chính trị đạt hiệu quả rõ rệt, trở thành mô hình điểm được nhiều trường đại học trong và ngoài quân đội đến tham quan, học tập. Thầy Phạm Quốc Trung cũng là một điển hình trong việc học và tự học ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Nga là ngoại ngữ chính khi còn học tập tại Liên Xô (trước đây) và nhờ tự học nên Trung tướng Phạm Quốc Trung cũng rất thành thạo tiếng Anh. Trên bàn làm việc của ông, lịch công tác, kế hoạch tuần đều được viết bằng tiếng Anh. Những chuyến công tác nước ngoài, có tài liệu hay ấy phẩm chuyên ngành nào bằng tiếng Anh, ông đều mang về nghiên cứu, tự học rồi phổ biến trong trường. Bên cạnh đó, với đề tài “Nâng cao chất lượng tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) cấp phân đội hiện nay” do PGS, TS Phạm Quốc Trung làm chủ nhiệm, hoàn thành năm 2016 cũng là một điểm nhấn ghi nhận sự đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức GD-ĐT của ông. Sau gần hai năm nghiên cứu, khảo sát thực tế, ông cùng các thành viên tham gia đề tài đã phát hiện những bất cập, hạn chế trong tiến hành CTĐ, CTCT cấp phân đội và đề xuất nhiều giải pháp để cấp trên nghiên cứu, có chủ trương điều chỉnh hợp lý. “Chỉ khảo sát ngay trong trường, chúng tôi đã thấy số lượng sổ sách của cán bộ đại đội phải hoàn thiện mỗi tháng lên đến ngót 20 cuốn. Nếu tích cực dành thời gian hoàn thành số lượng sổ sách này thì cán bộ rất khó có thể làm được việc khác. Còn không sẽ phát sinh tình trạng đối phó, sao chép, làm hình thức cho xong nên cuốn sổ nào cũng trơn tru, không gạch xóa... và na ná nhau”-ông chia sẻ.
Vậy là, trong lúc chờ kết luận về những đề xuất của trên, ông chủ động chỉ đạo đổi mới, tích hợp nội dung, giảm tải hệ thống sổ sách, nhất là sổ sách CTĐ, CTCT làm trước tại trường để rút kinh nghiệm; đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính với 70% văn bản được sử dụng qua mạng nội bộ; xây dựng, chuẩn hóa kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết các môn học của các khoa, các chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT; chỉ đạo tích hợp các nội dung dạy học, nhất là CTĐ, CTCT và chiến thuật, các môn quân sự... Trung tướng Phạm Quốc Trung nêu quan điểm: "GD-ĐT phải hướng tới cái “cần” chứ không phải cái “có”. Trăn trở và hiểu rằng, trên thực tế để hiện thực hóa điều này còn nhiều gian nan nên ông luôn chú trọng chỉ đạo các khoa chuyên ngành, trong từng khâu chủ động khắc phục một cách tối đa những tồn tại. Chính vì vậy, “Bộ tiêu chí đánh giá năng lực thực hành của học viên các đối tượng theo từng năm” và “Chủ trương đưa học viên đi thực tập trung đội trưởng để nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng quân sự, chỉ huy” được ông chỉ đạo triển khai thực hiện ngay từ những năm đầu trên cương vị hiệu trưởng nhà trường. “Về mặt lý thuyết, chúng tôi hoàn toàn tôn trọng việc cho điểm của giáo viên, nhưng bằng bộ tiêu chí đánh giá năng lực thực hành, chúng tôi có thêm thước đo để kiểm tra xem học viên của mình thay vì nhận thức được cái gì bằng việc có thể làm được gì khi cọ sát với thực tế”-ông nói.
Vị tướng và những vần thơ lay động
Say sưa với những ý tưởng đổi mới là thế, nhưng Trung tướng, PGS, TS Phạm Quốc Trung vẫn dành khoảng riêng trong đời sống tâm hồn để ứng tác những vần thơ dành tặng người thân và đồng đội, để Những mơ ước tuổi xanh/ Theo nhịp chân hành khúc/ Học và làm theo Bác/ Bao đổi mới mỗi ngày. Thơ ông sử dụng những ngôn từ nồng ấm, dung dị mà chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc của một vị tướng giàu tình cảm. Ông làm thơ chưa nhiều và không nhận mình là nhà thơ, mà chỉ là người yêu thơ. Thơ ông đến rất tự nhiên, từ những lúc lắng lòng nhất, xúc động nhất nên rất dễ “neo” vào tâm hồn người đọc, khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ học viên, cán bộ, công nhân viên, giáo viên đang học tập, công tác tại trường.
Còn nhớ, ngày mới về Trường Sĩ quan Chính trị nhận công tác, điều đầu tiên ông làm là đến Phòng Tưởng niệm 22 liệt sĩ của nhà trường. Thắp nén hương thơm trước anh linh đồng đội hy sinh khi hầu hết tuổi đời còn rất trẻ, khi biết bao mơ ước còn dang dở, ông đã cảm tác bài thơ “Những giáo án vàng” với những câu thơ đầy xúc cảm: ...Tên các Anh lấp lánh giữa bảng vàng/ Là hiện thân của bài ca giữ nước/ Thay các Anh, chúng tôi đang giảng tiếp/ Bài học cha ông đã viết tự bao đời. Bài thơ sau đó được Đại tá Trần Văn Trình phổ nhạc. Lời thơ cất lên thành tiếng hát như thúc giục từng con tim của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Sĩ quan Chính trị luôn cố gắng tận tâm, tận lực để cống hiến cho Tổ quốc, để xứng đáng với những người đã khuất.
Mang theo hoài bão xây dựng Trường Sĩ quan Chính trị 40 mùa chim xây tổ, xứng đáng là ngôi trường trọng điểm của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Phạm Quốc Trung hẳn đã dành nhiều đêm suy nghĩ để có được những chủ trương, biện pháp đúng đắn, phù hợp đưa nhà trường phát triển với diện mạo mới. Là người đứng đầu, ông trực tiếp lắng nghe tâm sự của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ một cách thân mật. Bằng tình cảm của một người đồng chí, đồng đội, của người đi trước, ông chia sẻ những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ và giải quyết. Chính vì vậy, mọi chủ trương, biện pháp xây dựng nhà trường được Đảng ủy, Ban giám hiệu đưa ra kịp thời và phù hợp, làm thay đổi căn bản và toàn diện chất lượng GD-ĐT của nhà trường.
Là vị tướng quân sự, song sâu thẳm trong con người thầy giáo Phạm Quốc Trung lại là một tâm hồn đầy chất thi sĩ. Những tình cảm, suy tư về học viên, đồng đội, về công việc và nhân tình, thế thái đã hòa vào trong thơ của ông. Không mang hàm ý sâu xa, khó hiểu, thơ của “thi tướng” Phạm Quốc Trung là những Lời tri ân từ các học viên với Hương ngọc lan Thành cổ, là Nỗi nhớ mang theo hay Những ngày hè không quên cùng Thư Tết gửi mẹ... để chia sẻ, động viên, giáo dục và cũng là những bài giảng về cách thức, tổ chức quản lý con người cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ mộc mạc mà dễ hiểu. “Thơ đến với tôi trong dạt dào cảm xúc, rồi lại bị cuốn vào những bộn bề của công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, điều hành, nghiên cứu khoa học nên dù lưu giữ khá cẩn thận, nhưng cho đến tận bây giờ vẫn chưa có thời gian lắng lại để kiểm đếm. Tới đây, khi tạm gác công tác quản lý, lúc tĩnh tại, mình sẽ tập hợp lại, biết đâu sẽ có tuyển tập thơ làm kỷ niệm nhỉ”-ông cười nói vui.
BÍCH TRANG - HÀ TIẾN