leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba hằng ngày vẫn tích cực lao động sản xuất, làm giàu trên quê hương.

Ký ức một thời “hoa lửa”

 

Những ngày cuối tháng Ba, từ thành phố Vinh, chúng tôi theo Quốc lộ 7 đến với xã Văn Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Hai bên đường dẫn vào khu trang trại của CCB Nguyễn Văn Ba là bạt ngàn màu xanh của keo lá tràm và các loại cây ăn quả. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang là một người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, rắn rỏi, dáng đứng “xiêu vẹo” vì phải dùng nạng gỗ. Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng đôi mắt của ông vẫn tinh anh, trí nhớ minh mẫn. Tâm sự với chúng tôi, ông như được trải lòng mình…

Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ba lên đường nhập ngũ, rồi huấn luyện ở Đoàn 22, tỉnh Thanh Hóa. Nhờ tích cực luyện rèn và có lý lịch tốt, lại có trình độ văn hóa nên ông được cử đi học lớp trinh sát đặc công (18 tháng) tại Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội). Mới học được 8 tháng, nhận lệnh của cấp trên biệt phái vào chiến trường miền Nam, Nguyễn Văn Ba nhanh chóng lên đường và được điều động về Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 246 thuộc Mặt trận B5. Tại đây, ông được giao làm tổ trưởng trinh sát, có nhiệm vụ đi trinh sát thực địa, thám thính tình hình địch về báo cáo đơn vị để xây dựng các phương án tác chiến. Nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhưng Nguyễn Văn Ba luôn hoàn thành xuất sắc. Với những thành tích trong chiến đấu, đầu năm 1969, chiến sĩ trẻ Nguyễn Văn Ba vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong cuộc đời binh nghiệp, nhiều lần đơn vị của Nguyễn Văn Ba lọt vào ổ phục kích của địch, nhưng nhờ sự mưu trí, dũng cảm, ông và đồng đội đều an toàn. Trong đó, trận đánh ở đồi Động Tri trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh để lại trong ông nhiều kỷ niệm nhất. Ông kể: “Trước trận đánh này, các đơn vị phải chuẩn bị nhiều tháng trời. Riêng toán trinh sát của tôi phải nằm ngoài rừng hàng tuần để trinh sát địa hình. Mặc dù bị vắt, rận, sốt rét bủa vây nhưng tinh thần anh em vẫn kiên cường; nhờ đó đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng để chỉ huy đơn vị có kế hoạch tác chiến kịp thời, chính xác, góp phần làm nên chiến thắng Động Tri”.

Sau khi giải phóng Quảng Trị, Nguyễn Văn Ba cùng đồng đội tiếp tục tham gia chiến dịch giải phóng Huế. Đầu năm 1972, khi đi nắm tình hình địa bàn, lúc quay trở ra, toán trinh sát của ông lọt vào ổ phục kích của địch, hai đồng đội trúng đạn hy sinh tại chỗ, chiến sĩ Ba nhanh như sóc lao xuống hào. Vừa nằm xuống, ông thấy một chân tê buốt, quay lại nhìn thì thấy chân phải bị trúng đạn, giập nát. Bình tĩnh lấy dao găm cắt dây giày ga-rô lại, Nguyễn Văn Ba lấy hết sức trườn sang hố bom bên cạnh, rồi lịm đi. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang điều trị trong quân y viện. Sau này ông mới biết, du kích Thừa Thiên-Huế đi tải lương thực đã phát hiện và đưa ông vào đây. Do vết thương quá nặng và bị nhiễm trùng nên các bác sĩ phải cắt chân phải của Nguyễn Văn Ba sát đầu gối. Tiếp đó, ông được đưa ra Bắc an điều dưỡng.

Không cam chịu đói nghèo

Rời quân ngũ trở về địa phương, hành trang mà thương binh Nguyễn Văn Ba mang về là một chiếc ba lô và thân thể không còn nguyên vẹn. Nhưng với ông, được sống và trở về vẫn là cả một sự may mắn và hạnh phúc so với nhiều đồng đội khác. Ông bảo: “Mình còn sống trở về, lại có được người vợ hiền, chịu thương chịu khó thì còn gì bằng”.

Ngồi bên chồng, bà Tư miệng bỏm bẻm nhai trầu, nói với chúng tôi: “Lúc ông nhà tôi mới về, người nhỏ thó, da dẻ xanh xao. Khi đến hỏi tôi làm vợ, gia đình tôi ai cũng ngăn cản. Bạn bè tôi còn bảo: “Lấy người bình thường còn chưa biết thế nào, đằng này… Rồi sẽ khổ cả đời thôi!”. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ, vì sự nghiệp giải phóng đất nước, vì độc lập, tự do cho Tổ quốc mà ông ấy đã phải hy sinh một phần thân thể, vì vậy tôi càng cảm mến và thương ông ấy hơn. Thế là chúng tôi nên duyên vợ chồng”.

Ông Ba nhớ lại: “Thời điểm ấy, hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn, vì bố mẹ già và các con còn nhỏ dại. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, tôi quyết tâm phải làm gì đó cho vợ con đỡ khổ. Mặc dù biết con đường vượt khó của mình sẽ rất gian nan, nhưng tôi luôn tâm niệm, trong chiến tranh trước nòng súng của địch, mình không nản chí, không lẽ lại khuất phục trước đói nghèo?”.

Nghĩ là làm, sau khi tìm hiểu về một số khu đồi còn để hoang hóa tại xã, ông Ba làm đơn xin nhận 3ha đồi rừng để lập nghiệp. Khởi nghiệp từ “đôi bàn tay trắng”, trên mảnh đất vốn toàn đá sỏi, khô cằn, mọi người ai cũng nghĩ ông bị “gàn”. Nhưng bỏ ngoài tai tất cả, ông vẫn quyết tâm làm. Không có vốn để thuê nhân công, ông Ba cùng vợ ngày ngày lên đồi phát quang, đào mương, đào hố trồng cây. Mọi người vẫn thấy một người thương binh dáng người nhỏ thó, chống nạng gỗ, hằng ngày cần mẫn từng nhát cuốc, nhát thuổng để “chinh phục” vùng đất cằn. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương tái phát khiến ông đau nhức nhưng cũng không ngăn được quyết tâm của người chiến sĩ-Bộ đội Cụ Hồ trên “mặt trận” chống đói nghèo. Phát quang cỏ dại và đào hố, đào mương xong, ông Ba lặn lội đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đô Lương để học tập kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Khi đã có những hiểu biết và kiến thức nhất định về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ông Ba quyết định vay mượn tiền của người thân và ngân hàng mua giống cây keo, tràm, cây bạch đàn giống về trồng. “Đất không phụ công người”, nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên 3ha đồi rừng trồng cây keo, tràm, bạch đàn của ông sớm cho thu hoạch, mỗi năm thu về cho gia đình hơn 150 triệu đồng. Không dừng ở đó, năm 2006, ông nhận thêm 2,5ha đất khe suối để đào ao thả cá, chăn nuôi gà, vịt. Tận dụng diện tích xung quanh, ông còn trồng các loại cây ăn quả như chuối, cam, chanh… Hiệu quả từ mô hình kinh tế trang trại, vườn rừng đã mang lại cho gia đình ông thu nhập mỗi năm từ 200-300 triệu đồng. Ông đã có tiền xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đồ dùng tiện nghi sinh hoạt, con cái được ăn học chu đáo.

Một điều đáng quý ở CCB, thương binh Nguyễn Văn Ba là với những kết quả đạt được, ông không giữ “bí quyết” làm ăn cho riêng mình mà thường xuyên tiếp đón và hướng dẫn tận tình, chu đáo người dân trong vùng tới tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây keo, kỹ thuật chăn nuôi… Nhờ vậy, đã có nhiều gia đình tại địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu với mô hình kinh tế trang trại và vườn rừng.

Không chỉ giỏi làm kinh tế, CCB Nguyễn Văn Ba luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động con cháu và người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Ông cũng là hạt nhân tích cực trong việc vận động bà con thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bản thân ông và gia đình đã tự nguyện hiến đất và góp công, góp của xây dựng đường giao thông nông thôn… Hằng năm, ông đều trích một phần kinh phí thu được trong sản xuất để ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ khuyến học, khuyến tài của dòng họ; giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn… với tổng số tiền hàng chục triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đăng Vinh, Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm 9, xã Văn Sơn, cho biết: “Thương binh Nguyễn Văn Ba là một tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó. Những thành công của ông hôm nay, người bình thường đạt được đã khó, vậy mà ông làm được. Không chỉ tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ông Ba còn nhiệt tình tham gia các hoạt động ở địa phương, giúp đỡ nhiều đồng đội và nhân dân. Sống gần gũi, nghĩa tình với bà con, ông Ba thực sự là tấm gương sáng để mọi người học tập, noi theo”.

Chia tay CCB, thương binh, đảng viên Nguyễn Văn Ba, hình ảnh một người lính mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Những suy nghĩ và việc làm của ông là minh chứng cụ thể, rõ nét nhất cho ý chí, nghị lực của Bộ đội Cụ Hồ và càng khẳng định sâu sắc câu nói của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Bài và ảnh: THANH THANH - THẠCH TRUNG