Gieo nụ cười, ươm mầm hy vọng

Chiều cuối tuần, từ lầu 2, khu B (Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh) vang lên tiếng hát: Có khi nào bé có những ước mơ/ Có khi nào bé mơ làm cô giáo/ Mơ được làm bác sĩ, hay được lái phi cơ, bay khắp những miền trời xa… Lời hát bay bổng tràn đầy hy vọng nhưng lại khiến không ít người rơi nước mắt, bởi nó được cất lên từ những đứa trẻ đang ngày ngày bị căn bệnh ung thư quái ác hành hạ. Hơn 8 năm qua, các thầy thuốc, tình nguyện viên (TNV) và cả người nhà bệnh nhân đã chứng kiến bao cuộc hội ngộ, ly tan; bao nụ cười, lời hát và tiếng nấc nghẹn tiễn đưa những thiên thần bé nhỏ vội vã bỏ quên cuộc đời. Người “giữ lửa” cho lớp học đặc biệt ấy là cô Đinh Thị Kim Phấn, 61 tuổi, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Nói là lớp học đặc biệt, bởi đó là lớp học tự nguyện; học trò là những bệnh nhi ở nhiều độ tuổi khác nhau, đa phần đều trọc đầu do xạ trị hóa chất. Nhiều em đến lớp vẫn phải lỉnh kỉnh mang theo bộ dụng cụ truyền nước, truyền dịch. Bên ngoài lớp học là những phụ huynh lặng lẽ dõi theo từng cử chỉ của con, thỉnh thoảng lại mỉm cười khi con được cô giáo khen viết đẹp… Bác sĩ Ngô Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Nhi, cho biết:

leftcenterrightdel
Cô Phấn (ngoài cùng, bên trái) cùng các TNV và học trò tham gia Ngày hội Hoa hướng dương 2017.

- Lớp học được thành lập từ năm 2009, do cô Phấn phụ trách, cùng với các TNV là những cô giáo và sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố duy trì đều đặn vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần. Đây là việc làm vô cùng bổ ích, nhân văn, là chỗ dựa tinh thần cho các bậc phụ huynh và gieo niềm tin, hy vọng cho những đứa trẻ không may bị căn bệnh quái ác cướp mất tuổi thơ.

Đến với lớp học chữ của cô Phấn, các bệnh nhi như quên đi bệnh tật, đớn đau để đua nhau viết văn, làm toán, tập đọc, tập tô và hòa mình vào một môi trường sư phạm nặng tình nghĩa cô trò. Bên mỗi chiếc bàn nhỏ là một học sinh và một TNV ân cần hướng dẫn, cầm tay các em đưa từng nét chữ. Thỉnh thoảng có tiếng rên khe khẽ và những cái nhíu mày nhăn nhó khi cơn đau chợt đến, chợt đi. Bỗng, ở phía góc lớp học, một cô bé reo lên: “Má Phấn ơi, con viết được tên mình rồi. Vậy là mấy đứa bạn ở nhà không chê con được nữa”. Dòng chữ run run nhưng rất nắn nót: “Con tên là Tống Mỹ Anh”. Nhìn gương mặt em rạng rỡ niềm vui, cô giáo Phấn và các TNV tươi cười, khích lệ.

- Mấy ngày nay bé sốt hầm hập, người rộc rạc, héo quắt. Thế nhưng, trong cơn đau vật vã bé vẫn mơ gọi: “Cô ơi, cho con xin cây viết”. Sáng nay, Mỹ Anh đã xin bác sĩ truyền dịch ở chân để bé có thể dùng tay tập viết - Người mẹ trẻ xót lòng tâm sự.

Cũng như Mỹ Anh, hai bé bên cạnh đang hăng say đọc bài, quên đi sự đau đớn của bệnh tật. Chân sưng to, băng kín, phải duỗi thẳng ngồi tựa vào tường, nhưng tiếng cười của các em vẫn hồn nhiên trong trẻo. Khi nghe những câu chuyện cổ tích do cô Phấn kể, cả lớp vẫn tíu tít ước mơ mình là hoàng tử và nàng Bạch Tuyết… Niềm vui và nụ cười con trẻ như tiếp thêm sức mạnh để những bậc phụ huynh phấn chấn tinh thần, nuôi niềm hy vọng ở một phép nhiệm màu sẽ đến… Anh Trần Tấn Quốc, ngụ tại huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), có con trai 11 tuổi, thành viên lớp học tình thương, bộc bạch:

- Phải đưa con tới Bệnh viện Ung bướu, đa phần các ông bố, bà mẹ đều tỏ ra tuyệt vọng. Có người đã bất lực buông xuôi, phó mặc cho định mệnh. Thế nhưng, cô Phấn đã kịp có mặt động viên, an ủi, làm trỗi dậy tia hy vọng trong cõi lòng tuyệt vọng của nhiều bậc phụ huynh, xua đi những ngày tháng nặng nề lê thê trên giường bệnh, thôi thúc chúng tôi chiến thắng mọi nhọc nhằn trên hành trình giành giật sự sống cho con.

Cho em chút tuổi thơ trong trẻo

Hơn 8 năm qua, cứ đều đặn vào chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hằng tuần, trong căn phòng rộng chừng 20m2, kê gần 20 bộ bàn học nhỏ, cô và trò lớp học chữ lại miệt mài trau dồi kiến thức, vui chơi, múa hát. Các em nhỏ háo hức mong chờ ngày cuối tuần đến lớp để được thả hồn trong thế giới tuổi thơ vô tư. Và cũng chừng ấy năm, phụ huynh cùng các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu đã quen với hình ảnh cô Phấn tận tình chỉ dạy cho học trò đọc, viết, vui chơi, rồi đến từng giường bệnh vỗ về, động viên các em, an ủi phụ huynh vượt qua khó khăn, vất vả để tiếp tục vui sống. Cô Phấn chia sẻ:

- Bệnh nhi ung thư, hầu như không được đi học, hoặc phải bỏ học dở chừng để “thường trú” trong bệnh viện. Bởi vậy, con chữ cứ dần dần rời xa tụi nhỏ. Ngoài một số trường hợp khỏi bệnh, còn lại cháu nào theo học lâu nhất cũng chỉ vài năm. Các cháu rất thích đến lớp, vừa được học chữ, vừa được vui chơi với bạn bè. Thế nên, chỉ cần cháu nào vắng mặt một, hai buổi là tôi biết chuyện gì đã xảy ra.

leftcenterrightdel
Cô Phấn và học trò trong lớp học tình thương.

Với tâm niệm giúp các bé ung thư vui sống trọn vẹn, có một phần tuổi thơ trong trẻo, cô Đinh Thị Kim Phấn đã dành hết tình cảm, tâm huyết để duy trì lớp học; kết nối các nhóm sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố tự nguyện tham gia dạy học và tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho các bệnh nhi. Những ngày đầu khi ý tưởng mới manh nha, cô vào tận giường bệnh để dạy các em đánh vần, viết chữ. Sau đó, cô được lãnh đạo bệnh viện sắp xếp cho một căn phòng để tiện việc dạy học. Ban đầu, lớp học chỉ có khoảng chục em, học từ lớp 1 đến lớp 5; sau đó tăng dần và nâng lên dạy kèm cả chương trình trung học cơ sở. Các TNV lúc đầu cũng ít người tham gia, nhưng thông qua trang facebook cá nhân, những hình ảnh của lớp học và việc làm tình nghĩa của cô Phấn đã thu hút ngày càng nhiều sinh viên tự nguyện trở thành TNV sát cánh cùng cô duy trì lớp học. Em Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên năm thứ nhất (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) tâm sự:

- Được bạn bè giới thiệu, em đã vào trang cá nhân của cô Phấn tìm hiểu thêm về lớp học. Trước những việc làm nhân văn, cao thượng của cô và các TNV dành cho những em nhỏ không may bị mắc căn bệnh nan y, em vô cùng cảm phục. Ngay hôm sau em đăng ký tham gia TNV với tâm niệm được góp sức làm vơi đi những nỗi bất hạnh mà các thiên thần bé nhỏ phải gánh chịu.

Đến nay, đã có hàng trăm bệnh nhi từng là học trò của cô giáo Phấn trong lớp học tình thương. Số học sinh luôn biến động, bởi nhiều em đến rồi “đi”, để lại khoảng lặng vô thường trong trái tim những TNV lớp học. Cô Phấn giãi bày:

- Có người hỏi tôi: “Chị tìm kiếm điều gì ở những đứa trẻ ung thư chẳng có tương lai?”. Tôi trả lời: “Cái mà tôi tìm chỉ những đứa trẻ ung thư, phụ huynh của chúng và những người thầy thuốc hiểu được. Đó đơn giản là tình thương, niềm hy vọng và sự hồn nhiên, vui tươi cho chúng.

Nhiều bệnh nhi đã vĩnh viễn ra đi khi mới tươi cười khoe biết đọc, biết viết tên mình. Có cháu trong cơn mê sảng vẫn xin “cô ơi, cho con lên lớp với”; hay những câu nói đượm buồn: “Đầu con rụng hết tóc rồi”, “Con thèm múa lắm, cô ơi”… Rồi những câu hỏi nhói lòng của các cháu: “Khi nào con hết bệnh?”, “Ngày mai con có còn đến lớp được nữa không?”… cứ canh cánh trong tâm trí cô giáo Phấn. “Ngày mai” ấy là hy vọng, là mong mỏi, là ước mơ của các em. Nó hiển nhiên sẽ đến với bao người, nhưng với những đứa trẻ ung thư, “ngày mai” ấy thật mong manh, xa tít… Bởi vậy, việc làm của cô Phấn và các TNV lớp học tình thương với phương châm “cho em nụ cười hôm nay” càng đáng tôn vinh, trân quý!

Hơn 8 năm qua, cô Phấn đã bao lần rơi nước mắt tiễn biệt học sinh. Sau mỗi lần ấy, cô Phấn lặng thầm lưu giữ kỷ vật của các em như một cách để ghi nhận sự tồn tại của những thiên thần bé nhỏ trên đời. Những kỷ vật ấy đơn giản chỉ là cuốn vở, cây viết các em đã từng sử dụng, được xếp ngay ngắn trên kệ sách đặt tại phòng học. “Hơn 300 cuốn vở lưu trữ, nghĩa là đã có hơn 300 em một đi không trở lại. Có cuốn vở mới chỉ viết được mấy chữ “Con mơ làm cô giáo”… Trong không khí lặng buồn ấy, tôi chợt nhớ đến những chuyến đi của cô ra tận Bình Định, Quảng Ngãi… chỉ để thực hiện lời hứa đến thăm gia đình của học trò, trao tận tay thân nhân những tấm hình và kỷ vật cuối cùng mà em để lại…

Đang mải hồi tưởng, bỗng ở phía cuối lớp có tiếng một bệnh nhi reo lên vui sướng: “Cô ơi, con vẽ được bông hoa hướng dương rồi”. Cô Phấn tất tả bước lại gần ngắm nghía bông hoa: “Con vẽ đẹp lắm!” rồi nhẹ nhàng chấm điểm 10 đỏ chót. Cậu bé nhoẻn miệng cười, gương mặt rạng ngời như chưa hề biết đến những cơn đau…

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH