Ngã rẽ khởi nghiệp trên ruộng đồng
Tôi tìm về vùng chuyên canh lúa Hồng Ngự, lần đầu gặp chàng trai có dáng người mảnh khảnh, nước da đen ánh lên nỗi vất vả ruộng đồng. Võ Văn Tiếng trong bộ quần áo lấm lem bùn đất, khó ai biết được đó là người đoạt giải nhất Cuộc thi khởi nghiệp ngành nông nghiệp, là chủ nông trại Tâm Việt có sản phẩm sạch phân phối khắp cả nước.
Câu chuyện của Tiếng dẫn chúng tôi trở về hành trình hơn 2 năm vất vả, đầy suy tư khi khởi nghiệp trên ruộng đồng của anh. Thời gian này, nhiều người chọn những lĩnh vực mới mẻ, áp dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới thì Tiếng lại chọn sản xuất nông nghiệp truyền thống của người Việt: Trồng lúa kết hợp nuôi cá, vịt để khởi nghiệp.
Anh Võ Văn Tiếng đào kênh dẫn nước trên cánh đồng lúa sạch của Nông trại Tâm Việt.
Vùng lúa Hồng Ngự nằm bên dòng sông Tiền hiền hòa ăm ắp nước với những cánh đồng lúa trải dài ngút mắt. Cha mẹ của Tiếng vất vả sớm hôm với 2ha đất trồng lúa nuôi cả gia đình. Tiếng không biết mình sẽ làm gì để ổn định cuộc sống và phụ giúp gia đình sau này. Khi nghe thông tin tuyển nghĩa vụ quân sự, Tiếng tình nguyện đăng ký và trúng tuyển. “Em nhập ngũ vào Trung đoàn 3, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4. Những năm tháng được học tập, huấn luyện trong môi trường quân đội đã cho em sự hiểu biết, ý chí, nghị lực để phấn đấu thực hiện những mục tiêu, ước mơ mình tin là đúng hướng” - Tiếng chia sẻ.
Vốn xuất thân từ nhà nông, những ngày nghỉ, giờ nghỉ, Tiếng hướng dẫn đồng đội lao động, chăm sóc vườn rau, ao cá, cây cảnh. Chàng thanh niên rụt rè ngày nào đã dần tự tin, chín chắn trong lời ăn tiếng nói, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cuối năm 2010, Tiếng hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê nhà. Nhìn những cánh đồng lúa mênh mông, đẹp bình dị nhưng đời sống của nông dân còn nghèo, nhiều đêm Tiếng trằn trọc suy nghĩ làm cách nào để mình có việc làm và giúp đỡ gia đình. Tiếng quyết định đi học ngành du lịch với ý muốn có cơ hội được đi nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn. Hơn một năm học nghiệp vụ du lịch ở TP Hồ Chí Minh, Tiếng được tham gia nhiều chuyến đi thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
“Những chuyến đi đã giúp em tìm hiểu được nhiều phương thức trồng lúa của đồng bào dân tộc vốn không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu nhưng vẫn cho hạt chắc mẩy, thơm ngon. Em luôn tranh thủ ghi chép cẩn thận cách làm, thời gian gieo trồng, chăm sóc, kinh nghiệm…” - Tiếng kể.
Khi những cuốn sổ ghi chép dày lên, Tiếng dần có những câu trả lời cho các câu hỏi của mình. Tại sao trồng lúa quê mình mãi quẩn quanh được mùa, mất giá, giá trị không cao, không có thương hiệu? Tại sao nông dân biết phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu có hại cho môi trường nông nghiệp, môi trường sống nhưng vẫn sử dụng? Tại sao năng suất lúa cao nhưng nông dân mãi nghèo? Câu trả lời là do sản xuất nông nghiệp hiện tại đã lãng quên cách thức trồng lúa truyền thống, do chạy theo năng suất nên lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu. Đầu ra của sản phẩm chỉ dựa vào thương lái. Nông dân không chủ động trên ruộng đồng... Từ suy nghĩ đó, Tiếng nảy ra sáng kiến tự mình khởi nghiệp bằng mô hình trồng lúa sạch, áp dụng các kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác truyền thống. Nghĩ là làm, Tiếng nghỉ học du lịch và trở về quê nhà. Khi chia sẻ ý tưởng trồng lúa sạch, ông Võ Văn Hạo, cha của Tiếng vội khoát tay, nói: "Nhà mình chỉ có 2ha lúa. Năng suất mỗi vụ được 7-8 tấn/ha cũng chỉ vừa đủ sống. Giờ con trồng lúa sạch thì năng suất thấp, lấy gì mà nuôi sống cả gia đình mình!".
Cha không đồng tình, còn mẹ của Tiếng vì thương con, thấy con quyết tâm nên ủng hộ. Tiếng vẫn bền bỉ thuyết phục cha bằng sự quyết tâm cao và được cha đồng ý. Nhiều người dân trong vùng tỏ vẻ nghi ngại với ý tưởng trồng lúa của Tiếng, thậm chí còn nói Tiếng “gàn, điên” khi lấy phần đất ít ỏi của gia đình để trồng lúa, thả vịt chạy tràn trên ruộng. Bỏ qua những dị nghị, chê bai, Tiếng bắt tay vào sản xuất vụ “lúa-cá-vịt” đầu tiên năm 2015. Thời gian ấy, lúc thì Tiếng cần mẫn suốt ngày ngoài ruộng để đào mương dẫn nước tưới tiêu, thả cá, chăm sóc vịt; lúc thì tranh thủ đi gặp các kỹ sư nông nghiệp, các nông dân cao tuổi để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Với sự cần mẫn, bền bỉ, quyết tâm dấn thân, 2ha lúa sạch trồng giống lúa Nàng Hoa 9 đã thành công. Dù năng suất đạt hơn 4 tấn lúa/ha, chỉ bằng ½ so với năng suất thông thường là 7,5-8 tấn lúa/ha, nhưng đã cho những hạt gạo thơm, dẻo.
Nâng giá trị để đưa “hạt ngọc trời” vươn xa
Với quyết tâm tự tìm đường đi riêng cho hạt gạo của mình, Tiếng nghĩ cách xây dựng thương hiệu gạo để giải bài toán đầu ra cho sản phẩm. Không chỉ bán sản phẩm ở tỉnh Đồng Tháp, Tiếng đưa gạo đến TP Hồ Chí Minh tiếp thị bạn bè, người quen và được nhiều người ủng hộ và ngợi khen. Như được tiếp thêm quyết tâm, Tiếng lập facebook giới thiệu sản phẩm, mở rộng các đại lý phân phối ở nhiều tỉnh, thành phố. Gạo được đóng bao bì thương hiệu, hút chân không, bảo quản theo tiêu chuẩn HACCP, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận. Nhờ đó, lượng gạo sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường, nhiều đơn hàng gửi về đặt mua sản phẩm ở mùa vụ sau. Thành công bước đầu giúp Tiếng có thêm nhiều niềm tin, mạnh dạn thành lập nông trại mang tên Tâm Việt với thông điệp sản xuất nông nghiệp bằng cái tâm của người Việt. Tiếng thuê đất để mở rộng diện tích mô hình sản xuất "lúa-cá-vịt sạch" lên 40ha, thuê 10 lao động. Tiếng làm báo cáo mô hình khởi nghiệp sản xuất “lúa-cá-vịt sạch” và dự thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp năm 2016 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (BSA) tổ chức. Mô hình sau đó đã xuất sắc giành được giải nhất cuộc thi.
Trước thành công của Tiếng, nhiều cơ quan khuyến nông, doanh nghiệp đã góp tay hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giúp Tiếng phát triển mô hình. Nhiều nông dân, cơ quan khuyến nông, nhà khoa học, các đoàn thanh niên khởi nghiệp của các quốc gia Nhật Bản, Mi-an-ma, Cam-pu-chia đã đến tìm hiểu, tham quan mô hình của Tiếng. Cạnh Nông trại Tâm Việt giờ đây đã hình thành một “Hội quán nông dân” để nông dân trong vùng đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa, chăn nuôi sạch… Khâm phục trước tinh thần khởi nghiệp, ý chí nghị lực dấn thân của Tiếng, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp sau nhiều lần thực tế mô hình của Võ Văn Tiếng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh nhân rộng mô hình của Tiếng, đồng thời viết thư khen ngợi, trong đó có đoạn: “Đổi mới đôi khi đơn giản chỉ là quay về cái cũ, nhưng phải là cái hợp lý, cái đi đúng xu hướng của thời đại. Hãy nhìn cả một cánh đồng mênh mông sản xuất theo cách cũ, lọt thỏm trong đó là cánh đồng nhỏ nhoi của Tâm Việt, mới thấy hết cái đáng quý của một mô hình, một cách làm, một hướng đi…”.
Tôi cùng Tiếng đi dọc theo bờ kênh dẫn nước giữa cánh đồng xanh rì trải dài ngút mắt của mạ non. Cá đua nhau quẫy mặt nước dưới kênh. Tiếng chia sẻ với tôi: “Mô hình được tổ chức canh tác khép kín, theo tiêu chí sạch 100% không phân bón vô cơ, không thuốc trừ sâu. Em đắp bờ bao lửng xung quanh, cho nước vào ruộng và thả cá, vịt để tiêu diệt các loại sâu bệnh, rầy. Cá sạch vì chỉ ăn thức ăn hữu cơ. Vịt vừa đẻ trứng vừa tạo phân hữu cơ cho cây lúa. Trứng vịt đều được chứng nhận là trứng sạch. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch vụ lúa này đã được khách hàng, đại lý đặt mua rồi anh ạ! Mức giá gạo bán cho khách hàng là 32.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá gạo thông thường. Riêng cá cho thu hoạch đạt giá trị 100 triệu đồng/ha”.
Chúng tôi chia tay Võ Văn Tiếng trên cánh đồng Nông trại Tâm Việt trong ráng chiều. Tiếng nói thêm về định hướng và ước mơ: “Em sẽ mở rộng diện tích, chuyển giao kỹ thuật, mô hình cho bà con nông dân trong vùng, xây dựng những cánh đồng lúa sạch vệ tinh và Nông trại Tâm Việt sẽ đảm nhiệm “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp sạch, hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Như thế mới giúp bà con thay đổi cách sản xuất nông nghiệp, khá lên từ ruộng đồng...”. Tôi nhìn vào ánh mắt đầy tự tin của Tiếng và tin rằng sẽ đạt được mong ước trong tương lai. Một người trẻ đã có những năm tháng trưởng thành trong quân ngũ, đầy tâm huyết, giàu nghị lực, luôn sáng tạo, tìm tòi và quyết tâm khởi nghiệp trên chính ruộng đồng quê hương mình, tạo nên mô hình sản xuất mới, xây dựng thương hiệu, giá trị cho gạo Việt theo tiêu chí "sạch" khác biệt ở ngành sản xuất lúa truyền thống từ nghìn đời nay của dân tộc Việt, thế nào cũng thành công.
Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN