Trò chuyện với tôi, anh Nguyên chia sẻ: “Một người bạn đã giới thiệu tôi đến với xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình của bác Đô. Bác đã thăm khám và làm chân cho tôi miễn phí. Những đôi chân bác Đô làm cho tôi đã giúp tôi sự tự tin, yêu đời, yêu cuộc sống; tinh thần tương thân tương ái, sự thấu hiểu đối với những người tàn tật, sự giúp đỡ, chia sẻ của bác Đô cũng như các đồng nghiệp khiến tôi rất cảm động và rất biết ơn”.
Từ một người lành lặn nhưng trong một vụ tai nạn đường tàu hỏa, anh Nguyên đã mất đi đôi chân của mình. Đó là cú sốc rất lớn đối với anh. Anh được người bạn giới thiệu đến với xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình của bác sĩ Lê Thành Đô. Ngoài việc được khám, tư vấn, lắp chân giả miễn phí, anh còn được động viên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ Đô, giờ đây anh đã lấy lại được sự ổn định tâm lý, thắp lên tia hy vọng, tin tưởng vào cuộc sống. Đây chỉ là một trong số hơn 600 trường hợp được bác sĩ Lê Thành Đô giúp đỡ tận tình trong những năm qua, với cương vị Giám đốc Trung tâm Tư vấn Trợ giúp Dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật. Những người được ông giúp đỡ hầu hết là trẻ em và những người có hoàn cảnh khó khăn.
Bác sĩ Lê Thành Đô (bên trái) đang khám chân cho anh Nguyễn Đình Nguyên.
Căn nhà nhỏ ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội là nơi ở của hai vợ chồng bác sĩ Lê Thành Đô cùng 2 người con. Đây chính là nơi làm việc, đồng thời là xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình giúp đỡ cho người khuyết tật. Bác sĩ Đô đã kể cho tôi “cái duyên” đến với công việc đầy tính nhân đạo này. Là thương binh chống Mỹ hạng 2/4, ra quân năm 1969, về trại an dưỡng ít lâu, ông quyết tâm theo học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Sáu năm miệt mài đèn sách, cầm tấm bằng Cử nhân Y khoa, ông về nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông vô cùng phấn khởi đem những kiến thức chuyên môn học được để chăm sóc cho những thương binh nặng- phần lớn là những người bị liệt cột sống. Bác sĩ Lê Thành Đô đã gắn bó 10 năm tại đây với cương vị Trưởng phòng Y tế, sau đó được cử về Hà Nội tham gia thực hiện Dự án sản xuất chân giả cho thương binh, người tàn tật (do Hoa Kỳ tài trợ cho Viện Chỉnh hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); rồi làm giảng viên y khoa của Dự án đào tạo kỹ thuật viện chỉnh hình (do Đức tài trợ cho Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội). Từ những kiến thức tích lũy ngày càng chuyên sâu ấy, ông đã nuôi một ước mơ thành lập cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.
Kinh tế gia đình eo hẹp, song được sự động viên, hỗ trợ về phương tiện máy móc, vật tư của các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia nước ngoài quen biết trong quá trình thực hiện dự án, sau gần 40 năm trau dồi, rèn luyện, học tập, làm việc, bác sĩ Lê Thành Đô dồn hết tâm huyết của mình và chính thức thành lập Trung tâm Tư vấn Trợ giúp Dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật vào năm 2004.
Mười ba năm nay được hưởng chế độ hưu trí, song bác sĩ Lê Thành Đô lại tất bật hơn với việc từ thiện. Vừa đi vận động các tổ chức nhân đạo, các đại sứ quán, mạnh thường quân ủng hộ chi phí làm dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam, do tai nạn, bệnh tật, ông lại cùng 5 cộng tác viên khác tiến hành bó bột, lấy cốt và làm nẹp chỉnh hình, làm chân tay giả, áo chỉnh hình các loại. Những khi có được sự giúp đỡ của mọi người về mặt tài chính, ông càng trăn trở về việc sử dụng chúng sao cho hiệu quả. Ngoài công việc ấy, ông còn làm tốt vai trò một cán bộ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, chuyên chăm sóc sức khỏe, vận động xóa nhà dột nát cho người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, tàn tật nặng theo chính sách của Nhà nước. Các cháu nhỏ ở Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ bại liệt, bại não là những bệnh nhân thường xuyên được bác sĩ Đô thăm khám miễn phí, tham gia phẫu thuật để khắc phục biến dạng. Sau đó, ông mới làm dụng cụ chỉnh hình phù hợp với đặc thù khuyết tật của từng cháu.
Bác sĩ Lê Thành Đô trong xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình.
Khi có mặt ở xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình, mới cảm nhận được sự vất vả của bác sĩ Lê Thành Đô và những người đồng nghiệp của ông. Quá trình làm được một chiếc chân giả mất rất nhiều thời gian, từ việc thử chân, đổ bột, mài giũa sao cho phù hợp với từng người… Ngoài việc thăm khám cho các bệnh nhân, làm dụng cụ chỉnh hình miễn phí, ông còn động viên và tư vấn cho bệnh nhân cách tập, vận động để phục hồi khả năng đi lại, sinh hoạt.
Cựu chiến binh Lê Thành Đô năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục đóng góp công sức của mình giúp đỡ cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hiện nay, mỗi thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình của bác sĩ, thương binh Lê Thành Đô lại tập trung đông người khuyết tật. Họ đến từ nhiều nơi, với nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Nhưng tất cả đều có chung một mong muốn, đó là có bộ phận cơ thể mới để cuộc sống được thuận tiện hơn. Đã có gần 50 năm kinh nghiệm làm dụng cụ chỉnh hình, nhưng bác sĩ Lê Thành Đô chưa bao giờ tự mãn. Ông luôn tìm tòi, học hỏi thêm để đưa những kĩ thuật tiên tiến, hiệu quả áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. Không ngừng nghiên cứu, lao động để giúp đỡ người khuyết tật có được cuộc sống tốt hơn, cách an hưởng tuổi già của ông thật đặc biệt và ý nghĩa. Cho đi không phải để nhận lại, với bác sĩ Lê Thành Đô, niềm vui lớn nhất của tuổi già chỉ đơn giản là giúp được nhiều người khuyết tật hơn.
Những dụng cụ chỉnh hình của người bác sĩ giàu lòng nhân ái Lê Thành Đô chính là niềm động viên vô giá cho người khuyết tật và gia đình của họ, giúp cho họ có sức khỏe tốt hơn, tự tin và lạc quan hơn trong cuộc sống. Những người khuyết tật được bác sĩ Đô giúp đỡ đã ví việc làm của ông như “phép màu tái sinh” cho mình.
Bài, ảnh: ĐỖ MINH ANH