Còn hiện nay, ông là tỷ phú tích cực góp phần xây dựng quê vững mạnh toàn diện, là chuyên gia hiến kế giúp thanh niên địa phương làm giàu, là tấm gương mẫu mực về mọi mặt cho quần chúng noi theo. Ông là Nguyễn Văn Chô, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Hồng Quang (Nam Trực, Nam Định).

Người đảng viên trẻ năng động trước kia

Vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước, luồng gió đổi mới của Đảng được cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hồng Quang hào hứng đón nhận. Trâu bò, lợn gà, cày bừa, cuốc xẻng, cây cối... đang thuộc diện quản lý công bỗng chuyển hẳn về cho các gia đình sở hữu. Vì thế, đa phần cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây đều phấn khởi, tích cực bám ruộng, bám đồng, tích cực lao động sản xuất. Riêng ông Nguyễn Văn Chô thì khi ấy tỏ rõ là một đảng viên năng động nên nhanh chóng mở hướng làm giàu bằng nghề nuôi, ấp vịt giống sinh sản; khai hóa đất hoang trồng ngô, cấy lúa… để quần chúng noi theo. Cụ Nguyễn Xuân Bội, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang, nhớ lại:

- Thời kỳ đầu đất nước đổi mới, thấy người dân ở một số đội sản xuất đã nhận ruộng khoán rồi nhưng vẫn quen cái tính ỷ lại như thời bao cấp… nên anh Chô đứng ra vay tiền họ hàng sắm máy nông cụ về thuê số lao động dôi dư trong xã cải tạo nhiều khu đất hoang ven sông sản xuất. Anh ấy cũng mua 9.000 con vịt mái về "khoán" cho đảng viên trong Chi bộ Đội sản xuất số 1 nuôi lấy trứng bán. Anh ấy mua lại toàn bộ số trứng vịt cho ấp thành vịt giống. Vì vậy, vào tháng 3-1987, anh Chô đã có mấy chục tấn lương thực dự trữ và gần ba vạn con vịt thịt, vịt giống các loại nên anh ấy mới giúp được cả làng ổn định chăn nuôi, sản xuất, chống chọi lại cái đói khủng khiếp. Bởi thế mà chúng tôi lúc đó đã suy tôn anh Chô như là vị “thần nông” của quê nhà.   

leftcenterrightdel
Ông Chô trên ruộng lúa.

Ông Chô được ví như vị “thần nông” lúc bấy giờ, người dân Hồng Quang đều khẳng định vai trò đầu tàu gương mẫu, năng động của người đảng viên trẻ tiên phong trong sự nghiệp đổi mới. Năm 1987, ông Chô đã đầu tư xây dựng hệ thống lò ấp trứng gia cầm, thủy cầm theo phương thức bán công nghiệp, tạo việc làm cho hơn 50 lao động đang thuộc diện chạy ăn từng bữa có thu nhập cao gấp 10 lần so với thời là xã viên hợp tác xã. Chưa hết, ông còn đầu tư vốn mở cửa hàng cung ứng phân đạm, mua máy nghiền ngô hạt bán không tính lãi cho các hộ gia đình chính sách, có người thân là đảng viên để sớm nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi tự chủ khép kín ra khắp các thôn, xóm. Cụ Nguyễn Thế Phạt, nguyên Chủ nhiệm hợp tác xã Hồng Quang kể:

- Thật vinh dự và tự hào khi anh Chô là đảng viên duy nhất, trên cương vị là Đội trưởng Đội sản xuất số 1 được đón Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn về tận nhà thăm mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình vào sáng ngày 22-12-1973. Từ năm 1974 đến năm 1985, anh ấy đều được tỉnh lựa chọn cử đi dự hội nghị tổng kết công tác thi đua lao động giỏi toàn miền Bắc. Đến khi đất nước đổi mới, cũng bởi sẵn có cái tâm vì cuộc sống ấm no của gia đình, quê hương và cái tài làm giàu mà anh Chô trở thành tấm gương sáng về mọi mặt cho cán bộ, đảng viên và người dân địa phương soi vào tự giác xóa bỏ tư tưởng trì trệ, bảo thủ, trông chờ, ỷ lại… tập thể,  Nhà nước như thời bao cấp.  

Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi hôm nay  

Từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo cả nước chung sức thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Chô càng bộc lộ cái đức, cái tài làm giàu và tích cực hiến kế, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người trẻ tuổi ở địa phương có khát vọng vươn lên làm giàu. Sáu vạn vịt mái của gia đình hằng ngày đẻ trứng đến đâu, ông thuê nhân công đem vào lò ấp nở thành con bán cho thương lái tới đó. Ba khu ruộng trũng canh tác lúa nếp lai kết hợp với nuôi cá đều đặn mang lại cho ông Chô một khoản tiền không nhỏ. Vì thế, bình quân mỗi tháng ông Chô thu về ngót trăm triệu đồng lợi nhuận.

Điều đáng nói nhất là ông Chô không chỉ giỏi làm giàu cho bản thân và tận tâm giúp các hộ gia đình trẻ phát triển kinh tế; hăng hái tham gia các hoạt động ở địa phương. Đợt này, để động viên sức người, sức của dồn cho nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, ông Chô không chỉ trực tiếp lao động làm đường với bà con, mà còn tự nguyện đóng góp hai vạn con vịt thịt quy ra tiền để ủng hộ quỹ kiến thiết quê hương. Ông Nguyễn Xuân Ban, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang, nói:

- Hồng Quang nằm sát Quốc lộ 21 nên đất đai rất đắt. Vì thế, việc giải phóng mặt bằng 5ha thổ canh và nhiều diện tích ruộng để xây dựng các công trình phúc lợi liên quan đến nhiều hộ dân nếu không thận trọng sẽ khó tránh khỏi những vấn đề khiếu kiện. Biết rõ điều đó, ông Chô đã tự nguyện giúp tập thể Đảng ủy và chính quyền địa phương tích cực vận động nhân dân. Bằng trách nhiệm và uy tín của mình, ông Chô đã góp sức cùng cấp ủy, chính quyền xã Hồng Quang thực hiện tốt chủ trương xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, Hồng Quang đã có trường học, sân thể thao, nhà văn hóa,  trạm y tế, hệ thống kênh mương nội đồng kiên cố, khang trang... 

leftcenterrightdel
Vợ chồng ông Chô đứng trước trại nuôi vịt của mình.     

Không chỉ tận tâm giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những việc khó trong xây dựng nông thôn mới bằng cả vật chất và tinh thần, ông Chô còn luôn hết lòng với người dân quê trong những lúc làm ăn thất bát. Cách đây chưa lâu, biết Đảng ủy, chính quyền xã đang loay hoay tìm cách giúp 15 chủ trang trại nuôi lợn tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Chô bàn với vợ “mở két” gia đình rút ra hơn một tỷ đồng giúp những ai thiếu vốn muốn tái đàn gia súc với số tiền 100 triệu đồng trong vòng 6 tháng không lấy lãi. Ông Nguyễn Thế Tuyến, Bí thư chi bộ thôn Trại Xám, thổ lộ:

- Ông Chô làm được nhiều việc tốt cho cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, nhưng nhiều lần cấp ủy, chính quyền địa phương đề nghị trên khen thưởng là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ, thì ông Chô lại từ chối. Ông ấy cho rằng: Còn những việc mà nhân dân chưa thực hiện tốt, như việc cưới hỏi, ma chay... nên thấy mình chưa xứng đáng...

Câu chuyện của vợ chồng ông Chô chắc sẽ còn thú vị hơn, nếu không có mấy người dân vào hỏi ông về cách tránh rét cho cây ngô vụ đông và mua thức ăn chăn nuôi gia súc... Nhưng cũng nhờ họ mà tôi mới biết sự thành công của những thanh niên trẻ ở xã Hồng Quang, như gia đình anh Dương Văn Tú với thương hiệu vịt siêu trứng mỗi tháng thu lãi gần 20 triệu đồng; hay Nguyễn Thái Bình, nổi tiếng với nghề nuôi nhốt vịt trời sinh sản... Tất cả đều nhờ sự giúp đỡ của ông Chô. Anh Hoàng Văn Đức, người cách đây 2 năm được ông Chô giúp thoát khỏi cơn bĩ cực do hơn 5.000 con gà thịt của gia đình mắc bệnh H5N1 bị tiêu hủy kể với tôi:

- Ông Chô không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn sống rất có nghĩa, có tình với mọi người. Các cháu: Đặng Viết Khiêm, Đặng Công Hoàn, Vũ Xuân Thưởng, Dương Thị My mồ côi cha mẹ từ nhỏ được ông đón về nuôi, tạo điều kiện cho học hành, đến nay đã khôn lớn, trưởng thành. Hộ gia đình nào muốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi, có thể tới ông vay vốn không lãi đến khi thu hoạch mới phải trả. Vịt giống, bà con có thể qua xưởng bắt về nuôi với giá ưu đãi, khi xuất chuồng mới thanh toán... Quả đúng ông là vị “thần nông” đôn hậu, là tấm gương sáng về mọi mặt để chúng tôi học theo...

Bài và ảnh: TÔ VĂN BINH