Từ người bán kem rong... trở thành giám đốc
Đến thăm Công ty TNHH đèn lồng Việt ở xã Đại Đồng, chúng tôi thực sự choáng ngợp với màu đỏ thắm đặc trưng của đèn lồng và cờ được căng trước cổng. Bà Nguyễn Thị Phượng làm việc ở đây từ khi công ty mới thành lập, khi biết tôi muốn tìm gặp anh Nguyễn Văn Bắc, bà chia sẻ: "Anh Bắc đang bận đốc thúc công nhân dọn xưởng, các anh đợi chút. Công ty vừa chuyển về đây nên công việc bận rộn lắm. Kể chuyện về anh Bắc thì cả ngày không hết. Già đã 70 tuổi rồi, nhưng hiếm thấy người nào được như anh ấy. Thuở cơ hàn, anh Bắc làm nghề bán kem dạo khắp các xã trong huyện. Ngày nào cũng vậy, sáng đi học, trưa về ăn vội bát cơm rồi đạp xe gần chục cây số ra dốc Sặt (huyện Từ Sơn) nhận kem mang đi bán. Nhà đông anh chị em, Bắc là con út, rất hiếu thảo với bố mẹ…".
Anh Nguyễn Văn Bắc tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo của địa phương.
Đang chuyện trò vui vẻ, bà Phượng dừng lại và chỉ tay ra phía cổng: "Kìa, anh Bắc về rồi đấy". Theo hướng tay của bà Phượng, tôi thấy một người đàn ông còn trẻ, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Gặp chúng tôi, anh Bắc cho biết: "Thật ra chẳng có gì to tát cả đâu các anh. Gia đình tôi có người chị thứ ba (chị Nguyễn Thị Doanh) bị khiếm thính bẩm sinh. Từ nhỏ, tôi thấy chị gái mình chịu nhiều thiệt thòi so với anh em trong gia đình. Không chỉ có chị tôi mà những người khuyết tật khác cũng thường tự ti, mặc cảm, không dám hòa nhập với cộng đồng. Chính vì vậy, khi mở công ty, tôi chủ động mờinhững người khuyết tật về làm việc. Tôi nghĩ đơn giản, giúp những người khuyết tật có công việc phù hợp với sức khỏe, lại kiếm thêm thu nhập, tự mình trang trải cho cuộc sống là một việc nên làm".
Từ suy nghĩ đó, năm 2006 anh Bắc bàn với gia đình thành lập cơ sở sản xuất đồ trang trí tiệc cưới, giấy gói hoa, pháo giấy và nhận những người khuyết tật vào làm việc. Thời gian đầu, do không đủ vốn sản xuất, người lao động chưa có kỹ năng chuyên môn nên cơ sở sản xuất của anh Bắc chỉ hoạt động cầm chừng. Vì thế, anh Bắc buộc phải áp dụng phương thức trả lương cho người lao động theo tuần vì sợ đến cuối tháng không còn tiền. Nhiều khi, anh thức trắng đêm bên những chồng hoa giấy bị đối tác trả về để tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Chị Mến (vợ anh Bắc) lo chồng mình nghĩ quá ảnh hưởng đến sức khỏe nên quyết định tổ chức để cả nhà đi du lịch đến Hội An (Quảng Nam). Chuyến đi với mục đích để chồng thoát khỏi những áp lực của công việc. Tình cờ đến Hội An, anh Bắc bị cuốn hút bởi những chiếc lồng đèn đủ màu sắc treo dọc phố cổ. Lân la hỏi được đầu ra cho sản phẩm, anh nghĩ ngay đến những người thợ của mình ở nhà hoàn toàn có thể làm được những chiếc đèn lồng như vậy. Để chắc chắn cho lựa chọn của mình, anh vay mượn thêm tiền của bạn bè đi tham quan mô hình sản xuất lồng đèn ở Trung Quốc. Rong ruổi khắp 8 tỉnh của Trung Quốc từ Triết Giang đến Tô Châu, qua người phiên dịch, anh Bắc tích lũy được nhiều kiến thức về sản xuất đèn lồng. Năm 2012, anh quyết định thành lập Công ty TNHH Đèn lồng Việt chuyên sản xuất đèn lồng, các loại cỡ và đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất lao động. Mỗi công nhân tham gia vào một công đoạn sản xuất phù hợp với khả năng của mình. Từ cắt vải, may, dựng khung, lồng quả cho đến đóng gói sản phẩm. Người không đủ sức khỏe thì có thể nhận hàng về làm tại nhà.
Đến nay, công ty của anh Bắc duy trì việc làm ổn định cho 50 lao động, trong đó, hơn một nửa là người khuyết tật và quá độ tuổi lao động với mức lương trung bình từ 4 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm công ty xuất xưởng hơn 50 vạn chiếc đèn lồng và hàng trăm nghìn sản phẩm cờ các loại, đạt doanh thu hàng tỷ đồng.
Thơm thảo tấm lòng với người khuyết tật
Tiếng lành đồn xa, không chỉ trên địa bàn xã, nhiều người khuyết tật ở nơi khác cũng tìm về đăng ký làm việc tại công ty của anh Bắc. Đáng chú ý trong số đó là em Nguyễn Thị Nhung, 20 tuổi, người dân tộc Tày, ở tỉnh Lạng Sơn. Nhung bị di chứng chất độc da cam/dioxin nên người nhỏ thó như học sinh tiểu học và đôi chân teo tóp, đi lại khó khăn. Bù lại, Nhung có đôi tay rất khéo léo. Khi chúng tôi đến xưởng, Nhung đang lồng vải vào khung đèn lồng. Đây là công đoạn cuối cùng để hoàn thiện một chiếc đèn lồng. Nhìn những động tác Nhung lồng từng tấm vải đỏ vào khung, vuốt đều lên miếng vải sao cho căng đều... mà chúng tôi cảm phục tính tỉ mỉ của cô. Chỉ trong thời gian ngắn, những quả đèn lồng đã xếp cao quá đầu cô gái nhỏ. Trò chuyện với chúng tôi, Nhung cho biết: "Qua bạn bè giới thiệu, em tìm được công ty của anh Bắc. Thời gian đầu, em lóng ngóng lắm, quấn dây đồng còn lệch. Nhưng thật may mắn vì mọi người ở đây đều quý mến và thương yêu, giúp đỡ nên em dần quen với công việc. Giờ thì em cơ bản thành thạo các khâu rồi".
Khi chúng tôi hỏi về sự khó khăn trong quản lý những lao động "đặc biệt", anh Bắc chia sẻ: "Đối tượng lao động của công ty mang tính đặc thù nên ngoài tâm huyết, trách nhiệm với công việc rất cần phải có sự yêu thương, chia sẻ với mọi người. Chính vì vậy, tôi rèn cho mình sự cẩn thận, tỉ mỉ. Trong công việc, tôi luôn hướng dẫn thật chậm, làm đi làm lại để mọi người hiểu và làm theo. Cùng với đó, phải học thêm ngôn ngữ ký hiệu để tiện giao tiếp với người lao động".
Đánh giá cao những nỗ lực của anh Bắc trong công tác hỗ trợ người khuyết tật, ông Khương Công Tiềm, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đại Đồng cho biết: "Anh Bắc là người năng động và sáng tạo trong công việc. Những năm qua, công ty đã tạo việc làm cho hàng chục người khuyết tật và người quá tuổi lao động trên địa bàn. Không chỉ có vậy, anh Bắc còn tham gia tích cực vào hoạt động từ thiện, nhân đạo và khuyến học, khuyến tài của địa phương".
Trước khi chia tay, anh Bắc đưa chúng tôi đi thăm cơ sở mới của công ty; máy móc, hàng hóa được bố trí rất ngăn nắp và khoa học. Tầng một là khu trưng bày sản phẩm, tầng hai là khu sản xuất, tầng ba là kho chứa. Chỉ vào dãy phòng khép kín phía góc tầng hai, anh Bắc giới thiệu, đây sẽ là nơi ở của những công nhân tỉnh xa về làm việc. "Chúng tôi bố trí nơi ở để họ yên tâm làm việc và gắn bó với công ty" - anh Bắc chia sẻ.
Bài và ảnh: ĐỨC HÀ - ĐÀO HIỆP