leftcenterrightdel
Chị Trần Phương Thùy, từng được CCB Đỗ Trắc Lộc cưu mang, cùng chồng con về thăm ông nhân dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Người thầy “truyền nghề, dạy người”

 

Bước vào căn hộ chung cư nhỏ, nơi CCB Đỗ Trắc Lộc đang thuê để ở và làm việc cùng các thành viên Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là nhiều bằng khen, giấy khen được ông Lộc xếp thành chồng ngay ngắn. Thấy tôi tò mò muốn biết vì sao chủ nhân không treo những phần thưởng này lên, ông Lộc chỉ cười hiền, giải thích:

- Mình làm nhân đạo bằng cái tâm, cốt là để giúp người chứ có phải làm để được tuyên dương, khen thưởng đâu!

CCB Đỗ Trắc Lộc quê ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai,  TP Hà Nội. Thời trai trẻ, ông hăng hái lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; nếm trải những năm tháng “cơm vắt, ngủ rừng” giữa đại ngàn Trường Sơn và bao gian khổ, ác liệt nơi chiến trường bên đất nước Triệu voi… Những năm tháng “hoa lửa” ấy đã giúp người chiến sĩ Đỗ Trắc Lộc thấu hiểu sâu sắc giá trị đích thực của cuộc sống, khơi dậy lòng nhân ái và khát khao đóng góp công sức để phần nào làm dịu bớt nỗi đau nhân thế... Bởi thế, may mắn trở về lành lặn sau chiến tranh, ông tâm niệm phải phấn đấu làm được việc gì đó cho mình, cho đời. Năm 1994, sau khi tốt nghiệp Lớp sáng tác văn học khóa IV, do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, ông Lộc chủ ý đi các nơi để viết về những mảnh đời, chuyện đời bất hạnh cần cứu giúp. Chẳng thế mà các tác phẩm của ông hầu hết thường xoay quanh chủ đề về trẻ em, những hoàn cảnh bất hạnh, tấm lòng của ông với quê hương, đất nước.

Một lần ông đến phố Cầu Đất ven sông Hồng và gặp nhiều trẻ em xin ăn bị khuyết tật, mù lòa, cơ nhỡ… Chính sự đói khát, lang thang đã khiến các cháu hình thành nên những thói hư tật xấu, sống tự do, vô tổ chức, hay gây gổ… Trở về nhà, ông đau đáu với câu chuyện đau lòng ấy và tâm niệm phải hành động ngay, phải làm một việc gì đó thiết thực để giúp đỡ các cháu. Thế rồi một lần khi đạp xe qua phố Huế (Hà Nội), ông vô tình gặp một cô bé bị mù đang hát rong trên hè phố. Cô bé nghèo khó, ngây thơ cất lời ca trong trẻo, thiết tha, làm xúc động bao khách qua đường. Bất chợt, ông Lộc nảy ý định đưa cháu về nuôi, giáo dục và dạy nghệ thuật để các cháu có cuộc sống ý nghĩa và tốt đẹp hơn. Thực hiện ý tưởng đó, ông chủ động xin ý kiến tổ chức và cấp có thẩm quyền để được “làm cha” của những đứa trẻ tật nguyền, bất hạnh. Ông chia sẻ:

- Bản thân tôi chưa từng học qua trường lớp nghệ thuật nào. Khi đón các cháu về nuôi, có cháu vốn có sẵn năng khiếu và đam mê về nghệ thuật, nên tôi thuê người về dạy thêm, trau dồi kỹ năng cho các cháu. Những cháu bị câm được dạy múa, ảo thuật; những cháu khiếm thị được dạy đàn, hát…

Kể từ đó, “người thầy bất đắc dĩ” và những đứa trẻ tật nguyền luôn bên nhau ngày đêm tập luyện, phấn đấu trở thành những “nghệ sĩ đường phố”, có thể đi biểu diễn để mưu sinh. Cũng trong quá trình đó, ông Lộc miệt mài đi trình bày ý tưởng, kêu gọi vận động thành lập Câu lạc bộ "Nghệ thuật nhân đạo" trực thuộc Hội Khoa học tâm lý-giáo dục Việt Nam. Khi nhận thấy khả năng của các cháu tiến bộ rõ rệt, ông xin giấy phép của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) thành lập Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long, thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hà Nội). Từ đó ông tổ chức cho các cháu đi biểu diễn, giao lưu tại các trường học ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Mục đích của hoạt động này trước hết là nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, sinh viên; hướng mọi người đến điều thiện, điều tốt; cũng là một cách để các cháu khuyết tật được thể hiện khả năng và ước nguyện với xã hội. Trong mỗi chuyến đi diễn như vậy, thỉnh thoảng các ông bố, bà mẹ có con bị khuyết tật hay bị di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin cũng đến xin với thầy Lộc cho cháu vào đoàn, dìu dắt, giúp đỡ các cháu.

Đoàn nghệ thuật nhân đạo của ông Lộc đi lưu diễn đều được các thầy cô, học sinh, sinh viên các nhà trường trân trọng, quý mến và tổ chức nhiều hoạt động, phần việc đồng hành, hỗ trợ.

Mang "trái ngọt" cho đời

Đến tận bây giờ, ông Lộc vẫn không quên những khó khăn chồng chất trong những ngày đầu thực hiện ý tưởng và nguyện ước được “làm cha” của những đứa trẻ cơ nhỡ, khuyết tật, bất hạnh. Giọng ông xúc động:

- Đoàn hoạt động hoàn toàn bằng kinh phí tự túc chứ không nhận bất kỳ nguồn hỗ trợ nào khác từ các cơ quan, tổ chức. Thời điểm mới thành lập, đoàn rất vất vả, có những lúc tiền không kiếm được mà “miệng ăn núi lở”. Để có tiền mua cơm cho “các con”, tôi phải “cắm” cả điện thoại, đồng hồ; riêng “cái chân chạy duy nhất”-chiếc xe gắn máy, thì đã phải “cắm” và chuộc về khá nhiều lần…

Khó khăn là vậy, nhưng bù lại là niềm hạnh phúc khi tất cả “các con” ông nhận nuôi dạy đều ngoan ngoãn, tiến bộ. Thêm nữa, vợ ông Lộc và những đứa con ruột trong gia đình ông luôn đồng hành, ủng hộ, tiếp thêm động lực để ông thực hiện tâm nguyện của mình. Chính nhờ đó mà sau gần ¼ thế kỷ miệt mài vun đắp, dạy dỗ các con, đến nay, Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long đã có những bước trưởng thành nhất định. “Các con giờ không chỉ được nuôi dưỡng, ăn, ở theo chế độ mà còn được trả công 200 nghìn đồng cho mỗi tối biểu diễn. Cứ góp đủ 10 triệu đồng, tôi lại lập cho từng cháu một sổ tiết kiệm. Nhờ đó, các con không chỉ tiết kiệm được đồng vốn cho tương lai mà còn có tiền gửi về quê phụ giúp gia đình. Mỗi năm, đoàn cũng tổ chức cho các con đi du lịch một lần…” - ông Lộc cho biết.

Nghe ông Lộc kể đến đây, em Nguyễn Xuân Phúc (sinh năm 1994) ngồi bên cạnh hồ hởi khoe: “Chị ơi, bây giờ sổ tiết kiệm của em đã có 30 triệu đồng rồi đấy ạ. Khi có “vốn liếng” kha khá, em sẽ thi vào Khoa Nhạc cụ dân tộc của Trường Đại học Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội”. Được biết, Phúc sinh ra ở một miền quê nghèo khó thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Khi vừa ra đời, em đã bị khiếm thị, gia đình khó khăn nên em từng phải đi ăn xin và hát rong ngoài đường. Cuộc sống mưu sinh khó nhọc đã khiến Phúc có lúc sa ngã, bị đưa về trại giáo dưỡng, thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội. Sau này, Phúc được ông Lộc bảo lãnh và đưa về nuôi dưỡng, dạy đàn hát. Cũng từ đó, cuộc đời em bước sang một trang mới. Từ một đứa bé lang bạt, cơ hàn, Phúc trở thành một tay sáo tài năng của đoàn nghệ thuật. Em còn ước mơ được bước chân vào cổng trường đại học, trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp.

Câu chuyện về em Bùi Hồng Điều (sinh năm 1998) cũng khiến chúng tôi không thể cầm được niềm xúc động. Điều sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn ở Hòa Bình, lại mắc căn bệnh đột biến gen bẩm sinh, nên chiều cao của em chỉ gần một mét. Cậu bé Điều theo ông Lộc từ những ngày còn “cởi truồng” và được ông đặt cho cái tên trìu mến là “Chàng lùn”, giống như trong những câu chuyện cổ tích. Dưới bàn tay uốn nắn và tình yêu thương của ông Lộc, đến nay cậu bé Điều đã trở thành “ca sĩ” sở hữu giọng hát tình cảm, lay động trái tim người nghe…

Và còn nữa những mảnh đời bất hạnh được rộng mở tương lai, nhờ công lao, tình cảm của CCB Đỗ Trắc Lộc. Đến nay, đã có khoảng 300 em được hưởng may mắn, hạnh phúc như thế. Các em không chỉ được ông Lộc dạy nghệ thuật mà còn được trang bị hành trang làm người với lòng nhân ái bao la và niềm lạc quan mạnh mẽ. Nhiều em đã vượt qua mặc cảm, rào cản của xã hội, tự vươn lên trong cuộc sống, có tương lai tốt đẹp từ sân khấu tình thương này. Như cô bé ăn xin Nguyễn Thị Hạnh ngày nào, nay đã trở thành bà chủ của hai tiệm bánh ngọt lớn tại phố Vĩnh Phúc (Ba Đình, Hà Nội). Hay chàng trai mù nghị lực Lê Quang Huy, nay đã là sinh viên năm thứ ba Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Rồi cô bé không mắt Phạm Thị Chót, nay đã lập gia đình và có cuộc sống đầm ấm bên chồng con… Nói về thành quả của mình, ông Lộc cười khà khà, nhưng đôi mắt đong đầy những giọt nước mắt hạnh phúc:

- Tôi vui lắm vì nhiều cháu đã thực sự trưởng thành và đạt nhiều thành tích, thành công trong cuộc sống. Cứ mỗi năm, nhân dịp Tết đến, Xuân về hay vào các ngày lễ, các cháu lại về thăm, quây quần bên mình, khiến niềm vui khôn xiết.

Niềm vui là vậy, nhưng ông Lộc vẫn ấp ủ nhiều trăn trở, băn khoăn, rằng thời gian gần đây, các sân khấu được cho là hoạt động biểu diễn từ thiện có sự tham gia của người khuyết tật được dựng lên ở nhiều nơi, nhưng đã xuất hiện tình trạng bóc lột sức lao động, khoác áo nhân đạo để kinh doanh, tư túi làm giàu cho một số người. Thực trạng đó khiến một bộ phận xã hội có cái nhìn tiêu cực về những đoàn nghệ thuật nhân đạo chân chính. Cũng bởi thế, ông Lộc bày tỏ sự hoan nghênh, ủng hộ chủ trương của TP Hà Nội về việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người khuyết tật, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo ông Nguyễn Thành Mậu, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hà Nội, hiện tại hội có duy nhất Đoàn Nghệ thuật nhân đạo Thăng Long với đầy đủ giấy phép hoạt động, do ông Đỗ Trắc Lộc làm trưởng đoàn. Trong nhiều năm qua, đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa, giúp đỡ hàng trăm trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ; đồng thời ủng hộ về Quỹ Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin TP Hà Nội hơn 40 triệu đồng/năm. Đoàn cũng tích cực ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam tại các phường, quận, huyện trong địa bàn thành phố với tổng giá trị gần 200 triệu đồng/năm... Từ kết quả đó, nhiều năm liền, ông Đỗ Trắc Lộc nhận được  bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hà Nội vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam”.

Với chúng tôi, sau lần được gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi càng thêm cảm phục, kính trọng CCB Đỗ Trắc Lộc-ông chủ của “sân khấu tình thương”!

PHAN THU SA