Chuyện "nhiều không" ở Pê Ta Pooc

Đêm ấy, dưới nếp nhà gỗ nép dưới tán cổ thụ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắc Pring, ông Kring Giúp, người sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên cương này kể cho chúng tôi nghe những chuyện “ít ai biết và không nhiều người nhớ”. Ông nói: Người dân 4 thôn của xã Đắc Pring ngày nay trước đây đều sinh sống ở khu vực sát đường biên, từ mốc 733 đến mốc 735 với những cái tên: Đắc Prao, Đắc Ploong, Coong Giang. Hồi đó, người dân phải mất 14 ngày đi bộ xuống Đại Lộc để đổi hàng hóa. Năm 1967, bản Đắc Prao về đây lập làng mới (nay được gọi là thôn 47) và chục năm sau đó, người Đắc Ploong, Coong Giang cũng theo về lập bản 48, 49A, 49B. Chỉ còn Pê Ta Pooc ở lại với đường biên.

Trước năm 1995, Pê Ta Pooc là đơn vị hành chính thuộc xã Đắc Blô, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Minh chứng vẫn còn rõ trong những tờ giấy khen của phòng Giáo dục huyện Ngọc Hồi cấp cho một số học sinh nơi đây. Đến một ngày, người ta phát hiện ra: Mặc dù là đơn vị hành chính của tỉnh Kon Tum nhưng những nóc nhà này lại nằm trên đất của tỉnh Quảng Nam. Gần 200 nhân khẩu đã dỡ nhà, dắt theo cả trâu bò, lợn gà hành hương về Kon Tum. Những năm sau đó, phần vì thiếu đất sản xuất, phần vì nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, một số hộ đã tự ý trở về Pê Ta Pooc (Đắc Pring) và chấp nhận cuộc sống "không thuộc chính quyền nào". Sau vài lần “đi lại” như thế, Pê Ta Pooc tạm ổn định với 9 hộ/ 34 khẩu với những mái nhà thưng gỗ, nứa lá tranh tre lụp xụp. Pê Ta Pooc không phải là “3, 4 không” như nhiều nơi khác mà là “nhiều không”: Không điện, không đường, không trường, không trạm, không nhà sinh hoạt văn hóa, không có hộ khá… Bữa cơm thường niên chỉ có lá sắn và măng rừng.

leftcenterrightdel
 Khiêng xe qua sông Rinh để đến với Pê Ta Pooc. Ảnh: Trần Hồng Anh.

Từ trung tâm xã Đắc Pring đến Pê Ta Pooc chưa đến 20 cây số nhưng cũng phải mất tới 3 giờ đồng hồ mới đến được đây. Đến với Pê Ta Pooc khổ nhất vẫn là vượt sông Ring, vì khi ấy người phải “cõng” xe. Vào mùa khô, "chỉ cần" lấy cây xỏ qua bánh trước để hai người khênh, một người đi sau bê đuôi xe khi qua đoạn nước sâu. Đến mùa mưa thì chỉ có cách đứng bên này sông nhìn sang. Gần chục năm trước, Bí thư Kring Giúp đã vận động nhân dân Thôn 48 cùng với Pê Ta Pooc chặt lồ ô làm “bè đoàn kết” qua sông. Nhưng chiếc bè đoàn kết cũng chỉ trụ được với mùa nước cạn vì mùa mưa nước xiết cứ đập ầm ầm vào hộc đá tảng không ai ngồi trên chiếc bè mỏng manh ấy. Bí thư Kring Giúp cũng là người đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng thôn Pê Ta Pooc. Cuộc họp công khai đã bầu ra được trưởng thôn Kring Thôi; phụ trách Mặt trận Kring Vây; công an thôn Kring Hội, Thôn đội trưởng Un Diêm. Tháng 8-2012, nguồn phụ cấp ít ỏi từ việc cân đối ngân sách của xã dành cho “chính quyền thôn” cũng bị cắt bởi cấp trên “phát hiện” ra Pê Ta Pooc không phải là đơn vị hành chính. Không có phụ cấp, mọi người vẫn tiếp tục công việc của mình. Năm 2012, trưởng thôn Kring Thôi chết, bà Y Kiêng tiếp quản công việc của chồng.


Biên giới không thể trắng dân

Người Pê Ta Pooc cứ chịu cảnh dở dang, cứ quanh năm với những thiếu trước hụt sau như thế để rồi cứ chìm sâu vào góc khuất của đại ngàn Trường Sơn. Cho tới khi, những người lính Đồn BP Đắc Pring quyết tâm xây dựng cụm dân cư Pê Ta Pooc thành “điểm sáng văn hóa vùng biên”. Tâm đã sẵn, lực đã đủ, từ tháng 3-2013, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Đắc Pring tổ chức những đợt hành quân về Pê Ta Pooc. Trên "công trường" nhộn nhịp ấy, từ Đồn trưởng, Thượng tá Nguyễn Minh Chánh đến Binh nhì A Lăng Bu đều mình trần xẻ gỗ, đục đẽo, vác xi măng… bởi các anh tâm niệm: “Công việc của địa phương cũng là nhiệm vụ của đồn”. Trung úy Coor Trung kể lại những ngày một mình anh bám trụ tại Pê Ta Pooc hoàn thiện nhà cho anh Kring Gian: “Kế hoạch là ngày 28-7 trao nhà nhưng đột nhiên Tỉnh đoàn Quảng Nam yêu cầu trao vào ngày 21-7. Không có điện thoại, lại ở xa đơn vị, vậy nên, cứ ngày làm, đêm đến tôi lại kê ghế bên bếp lửa tổng hợp công việc để có ai xuống xã thì nhờ gửi về đồn. Thế nên, có lần Thiếu tá Đào Duy Hòa nhận tờ báo cáo loang mực không thể đọc được vì người chuyển thư bơi qua sông mà quên cất vào túi bóng”.

 

leftcenterrightdel
BĐBP giúp người dân Pê Ta Pooc làm lúa nước. Ảnh: Trần Hồng Anh.
Ba tháng dầm mình trong mưa nắng, gió lạnh, ruồi vàng để bạt núi, xẻ cây, bằng đôi bàn tay khéo léo, 7 ngôi nhà thơm mùi gỗ mới, ấm tình quân dân đã được dựng lên. Và, lần đầu tiên người dân Pê Ta Pooc biết đến nhiều thứ: Chiếc máy thủy điện đủ để chiếu sáng 9 nóc nhà trong những đêm dài mênh mang rừng thẳm; từ đập thủy điện, mọi người cùng làm đường nước dẫn về tận bản, làm đường mương cho ruộng lúa; trẻ con nhún nhảy, hát theo những bài hát trong chiếc ti vi mà chúng gọi là "chiếc hộp diệu kỳ". Sau khi lo nhà, đường, điện, những người lính biên phòng bắt tay vào làm "trường, trạm". Đó là thành lập tổ công tác, có "trụ sở" riêng thay vì ở tại nhà trưởng thôn Y Kiêng như trước đây.

 

Đặt xong "trụ sở", Trung úy Coor Trung, Bling Hoài "yêu cầu" tất cả những người dân ở Pê Ta Pooc mỗi tối phải đến lớp xóa mù do đích thân các anh đứng lớp với lý do: “Biết đọc để khi đồn chuyển thư lên còn biết trong đó nói gì". Còn trẻ con đến tuổi đi học phải xuống trung tâm xã vào trường lớp. Cậu bé Kring Dưỡng mừng lắm vì mỗi tháng đồn hỗ trợ 500 nghìn đồng để thêm tiền mua bút vở, quần áo. Tổ công tác được trang bị máy thông tin 15w nên mỗi khi cán bộ hay người dân đau ốm, thông tin điện về, đồn sẽ cử quân y lên khám chữa bệnh. Mỗi lúc rảnh rỗi, các anh lại cùng bà con vác cuốc ra bìa rừng khai hoang thêm ruộng để mùa mưa không còn lo thiếu gạo. Rồi tổ công tác cũng "làm mẫu" việc nuôi gà, lợn trong chuồng để có thể trồng rau quanh nhà. "Cơn mưa dầm" này đã và đang tiếp tục "thấm" vào những suy nghĩ của những con người bao đời nay chỉ biết duy nhất một khái niệm - dựa vào thiên nhiên…

 

leftcenterrightdel
Công dân mới của Pê Ta Pooc. Ảnh: Trần Hồng Anh. 
Sau này, Pê Ta Pooc được công nhận là cụm dân cư thuộc Thôn 48 (vì dân số ít) nhưng mọi người vẫn mừng lắm, vì như vậy, từ nay mọi người đã là thành viên chính thức của mảnh đất này- có hộ khẩu, có chứng minh thư, có quyền lợi như bao công dân khác. Gia đình Un Phúc rất tự hào khi cậu con trai đầu lòng của anh là công dân đầu tiên của Pê Ta Pooc được khai sinh tại Đắc Pring. Thiếu tá Nguyễn Văn Tài, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắc Pring chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng lựa chọn, bồi dưỡng để kết nạp đảng viên mới, thêm hai cán bộ biên phòng cắm bản nữa là đủ tổ Đảng ở Pê Ta Pooc. Và, việc quan trọng là vận động nhân dân ở Đắc Pring lên Pê Ta Pooc làm nhà. Đã có vài người đến hỏi chính quyền về chuyện này. Trên đó, đất rộng, màu mỡ nên chúng tôi rất hy vọng sẽ có thêm dân. Kể từ khi Đắc Prao, Đắc Ploong, Coong Giang về Đắc Pring lập làng mới, Pê Ta Pooc là những người gần với biên giới nhất, những “người gác biên giới” này luôn là “cánh tay nối dài” trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của những người lính biên phòng. Có Pê Ta Pooc, khúc đoạn biên giới Đắc Pring sẽ không bao giờ trắng dân.

 

TRÚC HÀ