Tấm lòng của Bộ đội Biên phòng

Đồn Biên phòng 721 được giao nhiệm vụ quản lý 21km đường biên và phụ trách địa bàn xã IaDom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) với 1.299 hộ, 5.386 nhân khẩu, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở 6 thôn, làng. Vượt qua khó khăn, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xây dựng cơ sở chính trị và biên cương vững mạnh. 

Dù phải bận rộn với nhiều công việc, nhưng 5 năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 vẫn tranh thủ thời gian chăm sóc, dạy bảo và dành dụm những đồng lương eo hẹp của mình để nuôi dưỡng 16 cháu học sinh người dân tộc Gia Rai ở xã biên giới Ia Dom, huyện Đức Cơ. Các anh như những người cha luôn tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng và mang cái chữ về cho các cháu.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Chính trị viên Đồn Biên phòng 721 cho biết: Đóng quân trên vùng biên giới Gia Lai, hằng ngày tiếp xúc với cuộc sống của bà con DTTS địa phương, chúng tôi cảm nhận dù vẫn còn khổ cực nhưng lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước thì rất lớn, như “lá cây hướng về ánh nắng mặt trời” vậy. 

leftcenterrightdel
Lớp học của thầy giáo quân hàm xanh.

Câu chuyện nhân văn về “bếp ăn tình thương” và mô hình khuyến học “Cùng tiếp bước em đến trường” đã được cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ từ hơn 5 năm về trước.

Ngày ấy, con em bà con DTTS ở những bản làng sát biên giới muốn đến trường học ở trung tâm xã, phải đi bộ từ 5 đến 7km đường đất, lội qua nhiều cái ngầm, con suối. Đường sá xa xôi cách trở là nguyên nhân khiến cho không ít trẻ em ở đây tỏ ra nản chí không muốn đến trường, nhiều cháu ham học nhưng nhà nghèo nên cũng không theo được. Với mong muốn không để đường xa, núi sông cách trở và cái nghèo cản bước việc học của các cháu học sinh DTTS, từ đầu năm 2013, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng 721 đã thống nhất hỗ trợ bữa ăn để tiếp sức cho các cháu đến trường. Những hôm trời mưa to, đội công tác cơ sở cử cán bộ, chiến sĩ thay nhau đưa đón các cháu vượt sông suối đến trường học, chiều về lại bồi dưỡng, hướng dẫn thêm kiến thức... 

Tiếng lành đồn xa, câu chuyện các cháu học sinh nghèo được các chú bộ đội biên phòng nuôi ăn học được người dân trong vùng, nhất là các cháu học sinh DTTS vô cùng cảm kích. Đại diện nhà trường, cha mẹ, rồi đến rất nhiều các em tự nguyện đến xin nhập lớp, tham gia “bếp ăn tình thương”. Thương các cháu nhiều lắm, nhưng “lực bất tòng tâm”, đơn vị chỉ tiếp nhận được 16 cháu học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ mỗi tháng 500 ngàn đồng theo chương trình “Nâng bước đến trường” cho 9 cháu. Các cháu thực sự là những đứa con nuôi của Đồn Biên phòng 721.

Chỉ thoạt nghe cái tên “Bếp ăn tình thương”, tôi cũng đã hình dung phần nào ý nghĩa nhân văn của bếp ăn này. Nhưng khi tìm hiểu, chứng kiến những việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 dành cho các học trò nghèo mới cảm nhận hết ý nghĩa nhân văn của hai chữ tình thương nơi núi rừng biên giới. “Bếp ăn tình thương” được bố trí trong căn phòng khá rộng rãi, thông thoáng ngay bên cạnh Đội công tác địa bàn. Các anh đã tận dụng tối đa không gian của phòng để chia thành hai khu vực. Khu vực nấu ăn có bếp ga, giá đựng bát đũa, nồi cơm điện, tủ thuốc gia đình, bàn ghế ăn, đồ nào thức ấy được xếp đặt gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ. Cạnh đó là khu vực học tập của các em với bàn ghế đầy đủ, phía trên tường là giá đựng sách của từng em. Phía sau bếp ăn là khu tăng gia, sản xuất để cải thiện đời sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ Đội công tác địa bàn và các cháu học sinh.

leftcenterrightdel
Bữa cơm của các cháu tại Đồn Biên phòng 721.

Thượng úy Đỗ Quang Cường, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng 721 chia sẻ: Để duy trì “bếp ăn tình thương”, hằng tháng mỗi đồng chí chỉ huy đồn tự nguyện đóng góp 200.000 đồng, còn các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đóng góp 100.000 đồng. Số tiền có được anh em dành để mua lương thực, thực phẩm cho các cháu có thêm bữa ăn no đủ. Hằng ngày đơn vị phân công luân phiên mỗi cán bộ, chiến sĩ phục vụ nấu nướng và giúp đỡ các cháu ôn bài. Hôm nào thời tiết khô ráo thì không sao. Nhưng nhiều hôm trời mưa to, nước các đập tràn, nước suối lên cao, thì chúng tôi phải đi xe gắn máy đến tận nhà để đưa đón các em đến lớp học. Anh em trong đội phải tranh thủ thời gian buổi tối để nghiên cứu, củng cố thêm kiến thức phổ thông để dạy cho các em… Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tuy vất vả, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy rất vui, hạnh phúc vì đã giúp đỡ các em trong cuộc sống và học tập”.

leftcenterrightdel
Niềm vui của các cháu học sinh được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 giúp đỡ.

Người lớn tuổi nhất trong lớp là Rơ Ma Khanh. Mới 14 tuổi, nhưng trông Khanh khá già dặn. Đôi mắt buồn nổi bật trên khuôn mặt lam lũ của em. Sinh ra trong một gia đình nghèo có bốn anh em ở làng Mook Đen. Mẹ bị bệnh liệt người, ba quanh năm đi nương rẫy. Bốn anh em Khanh phải sống trầy trật và lớn lên như củ khoai, củ sắn nơi núi rừng. Quá trình đi làm công tác dân vận, Đội công tác nắm bắt được hoàn cảnh gia đình và đưa em vào diện học sinh tham gia “Bếp ăn tình thương”. Trò chuyện với tôi, em tâm sự: “Nhờ có các chú ở Đồn Biên phòng 721 giúp đỡ, cháu và các em đã bớt cơ cực hơn. Cháu sẽ cố gắng học tập để khỏi phụ công nuôi dạy của các chú bộ đội và mong ước sau này sẽ trở thành một cán bộ Biên phòng để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nhìn Rơ Ma Khanh và các cháu ở “Bếp ăn tình thương”, càng thương cảm các học trò nơi vùng biên bao nhiêu, lại càng quý trọng những nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 bấy nhiêu. Không chỉ như những người cha tận tụy, người mẹ tảo tần, các anh còn như những người thầy luôn hết lòng vì sự no ấm, tiến bộ của các em học trò nghèo người dân tộc thiểu số ở xã Ia Dom. Trên khuôn mặt hồn nhiên, thơ ngây của các em dù còn phảng phất những nỗi niềm gian khó nhưng vẫn ánh lên niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Bởi bên cạnh các em, ngoài sự quan tâm dạy dỗ của các thầy cô giáo, còn có sự động viên, góp sức của những người lính mang quân hàm xanh đóng quân trên địa bàn. 

leftcenterrightdel
Thầy giáo quân hàm xanh đón các cháu đi học về.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt sạm đen, ông Siu Diên, cha của cháu Khanh tâm sự: “Đã hơn 10 năm rồi, mẹ cháu ốm đau nằm một chỗ nên cuộc sống gia đình quá khó khăn. Đồn Biên phòng nấu cơm cho bọn nhỏ ăn để đi học, tôi cảm động lắm, sướng cái bụng quá…”.

H’Win và câu chuyện cổ tích ở vùng biên

Lúc chúng tôi vừa đến Đồn Biên phòng 721, thì cũng là lúc Thượng úy Đỗ Quang Cường và cháu Rơ Ma H’Win (dân tộc Giơ Rai) vừa xuống xe trở về sau khi ra Hà Nội tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức. Chương trình đã tuyên dương 60 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và 30 học sinh tiêu biểu. Đây là những thầy giáo mang quân hàm xanh có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" và những học sinh tiêu biểu vượt khó vươn lên trong học tập.

leftcenterrightdel
H’Win (ngồi giữa) học bài cùng bạn.

Không giấu được niềm vui trên khuôn mặt rạng ngời, H’Win chạy đến ôm chặt các chú bộ đội biên phòng và các bạn cùng lớp, cùng trường. H’Win kể: “Lần đầu tiên cháu được ra Hà Hội, thấy Thủ đô đẹp và hiện đại hơn cả trong mơ! Cháu vinh dự được thay mặt các bạn tặng hoa cho bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Phủ Chủ tịch. Bác Chủ tịch nước đã ân cần tiếp đón, hỏi thăm chuyện học tập, cuộc sống của gia đình và bà con bản làng. Bác đã căn dặn, khen ngợi cháu và các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên học tập, rèn luyện. Đặc biệt cháu được bác Chủ tịch nước tặng bức chân dung Bác Hồ kính yêu. Lời căn dặn của bác Chủ tịch nước trước lúc chúng cháu trở về với vùng đất Tây Nguyên là động lực để cháu quyết tâm vươn lên trong học tập và cuộc sống sau này".

leftcenterrightdel
Niềm vui của học sinh và các chú Bộ đội Biên phòng khi đón nhận chân dung Bác Hồ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Rơ Ma H’Win sinh ra ở làng Móc Den 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), được 8 tháng tuổi thì mẹ mất, ba cháu đi thêm bước nữa, H’Win sống cùng chị Rơ Ma H’Sương (21 tuổi) trong một ngôi nhà tạm. Năm 2013, biết được hoàn cảnh khó khăn của cháu, Đồn Biên phòng 721 đã đến nhà động viên cháu tới trường học tập và nhận nuôi dưỡng cháu. Chuyện H’Win ngày trước không chịu xa chân chị để về làm con nuôi của Bộ đội Biên phòng và trở thành học sinh giỏi của lớp 6B Trường THCS Nguyễn Trãi là niềm hạnh phúc không chỉ của riêng cháu, mà còn là của thầy cô, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721. Những thành tích mà Rơ Ma H’Win đạt được, em thực sự là một bông hoa tươi đẹp của núi rừng Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
Niềm vui của thầy trò Đồn Biên phòng 721 khi nhận phần quà Chủ tịch nước trao tặng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thỏa, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, xã Ia Dom, cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 không những hoàn thành tốt làm nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên vùng biên cương của Tổ quốc, các anh còn được xem như những người cha luôn tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721, các em học sinh nơi đây đã có được cuộc sống tươi đẹp hơn và thỏa ước mơ được cắp sách đến trường..."

Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI