Một thời xông pha trận mạc
Nhiều người dân ở địa phương và đồng đội biết đến tấm gương người CCB Nguyễn Quốc Hoàn không tham của rơi khi ông xuất hiện trên chuyên mục “Người tốt-việc tốt” của Báo Quân đội nhân dân. Nhưng ít ai biết, người CCB có trái tim và tấm lòng nhân hậu ấy từng một thời xông pha nơi lửa đạn, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu.
Năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Quốc Hoàn, quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở Mặt trận Quảng Trị. Với sự mưu trí và dũng cảm, anh nhanh chóng được đề bạt làm trung đội phó. Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, Nguyễn Quốc Hoàn nhận được nhiều phần thưởng và được đề bạt vượt cấp từ trung đội phó lên đại đội phó. Sau đó, Nguyễn Quốc Hoàn được ra Hà Nội học khóa đào tạo cán bộ chính trị, rồi về công tác tại Binh chủng Đặc công.
Cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (tháng 5-2016). Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ năm 1969 đến 1973, Nguyễn Quốc Hoàn được cử tăng cường chiến đấu tại Mặt trận Thượng Lào. Trong chiến dịch tiến công tập đoàn cứ điểm Buôm Lọng, Đại đội 2, Tiểu đoàn Đặc công 41 được giao nhiệm vụ đánh vào mục tiêu then chốt của địch tại Cao điểm Cột Cờ. Trận đánh này có ý nghĩa làm hiệu lệnh mở màn cho toàn chiến dịch. Ở Cao điểm Cột Cờ, địch bố trí một đại đội chiếm giữ với hệ thống công sự kiên cố, nhiều tầng bảo vệ, hỏa lực mạnh, có pháo binh, máy bay và bộ binh chi viện. Trong khi đó, phía ta chỉ có hai mũi, với quân số ít. Quá trình tiếp cận mục tiêu, một mũi vì đi vòng quá xa nên không kịp đến địa điểm tác chiến đúng thời gian quy định, chỉ còn một mũi do Nguyễn Quốc Hoàn chỉ huy đến kịp. Trước tình huống đó, Nguyễn Quốc Hoàn nhanh chóng chỉ huy anh em tiêu diệt địch ngay trong các hầm hào, khiến chúng hết sức bất ngờ, không kịp trở tay, tạo thuận lợi cho các hướng, các mũi bạn tiến công. Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao... Với những thành tích đạt được, Nguyễn Quốc Hoàn được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Sau này, ông vinh dự đón nhận Huân chương Ít-xa-la, do Nhà nước Lào trao tặng.
“Thắp lửa” nghĩa tình
20 năm trong quân ngũ cũng là từng ấy năm biền biệt xa nhà, dẫu rằng chẳng ngại khó, ngại khổ, nhưng người chiến sĩ ấy còn nhiều lắm những trăn trở. Một mình vợ ông tần tảo vừa lo toan việc đồng áng, chăm sóc hai mẹ già cùng 5 đứa con thơ, trong đó đứa út bị di chứng chất độc da cam… Do hoàn cảnh gia đình, năm 1985, Nguyễn Quốc Hoàn xin chuyển công tác về tỉnh Đồng Nai để có điều kiện gần gũi, đỡ đần vợ con.
Tuy không còn phục vụ trong quân ngũ nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn đậm nét trong ông. Đến nay, ngôi nhà nhỏ của ông bà đã nâng đỡ hàng chục người, với những số phận, hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Hàng xóm láng giềng rất nể phục gia đình ông, họ bảo nhà ông Hoàn như “chiếc nôi” nghĩa tình.
Cái “nhân duyên” thiện nghĩa ấy bắt đầu từ một lần ông Hoàn về thăm quê ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ghé thăm nhà người bạn là Nguyễn Tiến Lan (sinh năm 1960, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia) nhưng không gặp, chỉ thấy 3 đứa con nhỏ nheo nhóc trong ngôi nhà lụp xụp, một cháu bị khuyết tật (không có mắt bẩm sinh). Thương hoàn cảnh gia đình bạn quá khó khăn, ông Hoàn viết vài dòng gửi lại: “Nếu tin tưởng tôi, anh cứ đưa vợ con vào Biên Hòa. Tôi sẽ cố gắng giúp đỡ”. Nhận được thư, ông Lan mừng vui khôn tả và nhanh chóng bàn bạc, thống nhất, quyết định đưa cả nhà vào TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai sinh sống, lập nghiệp.
Khi ấy, gia đình ông Hoàn còn nghèo, 5 đứa con vẫn đang tuổi ăn, tuổi lớn, lại phải chạy vạy ngược xuôi chữa bệnh cho cậu con trai nhỏ bị di chứng chất độc da cam. Nhưng vợ chồng ông vẫn gắng động viên nhau: “Gia đình mình còn nghèo về vật chất, nhưng luôn giàu về tình cảm”. Ông bà giao lại cho gia đình ông Lan mảnh đất canh tác vợ chồng dành dụm mua được, rồi dặn dò: “Chúng mình đều là nông dân từ “bờ tre gốc gạo” mà ra, cứ cần cù chịu khó bới đất nhặt cỏ sẽ nuôi được vợ con…”. Ông Hoàn còn ngược xuôi làm chế độ người khuyết tật để cháu bị mù con của ông Lan được học tập tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai), rồi tiếp tục giúp xin học cho các cháu khác. Chứng kiến cảnh ấy, thầy Ngô Công Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Cảng Dài (TP Biên Hòa) khi đó phải thốt lên rằng: “Tôi chưa thấy ai như ông Hoàn này, đi xin học cho con người khác đến “mòn đôi bàn chân”. Thương cảm với hoàn cảnh gia đình đồng đội, ông Hoàn còn luôn gần gũi, động viên cháu bé bị mù bước ra khỏi mặc cảm tự ti, lạc quan hơn vào cuộc sống. Nhờ đó, lúc cháu theo học THPT, tại tỉnh Đồng Nai có duy nhất Nguyễn Tiến Thông bị khiếm thị, nhưng có thể học tập cùng các bạn sáng mắt. Bây giờ, Thông đã trở thành Phó chủ tịch Hội Người mù TP Biên Hòa, rất giỏi giang, năng động. Các chị gái của Thông cũng đã trưởng thành, ổn định cuộc sống. Còn bố mẹ Thông, nhờ cần cù, chịu khó canh tác từ mảnh đất ông Hoàn giúp, cũng có thêm đồng ra đồng vào, cất được ngôi nhà khá khang trang.
Tiếng lành đồn xa, nghe nói “ông Hoàn tốt lắm, hay giúp đỡ người khó khăn”, nhiều thanh niên trẻ bà con quê hương cũng từ Hà Tĩnh vào Biên Hòa tìm ông mong giúp đỡ việc học hành, làm ăn. Với tấm lòng nhiệt huyết, mong giúp đỡ được nhiều người trong công việc cũng như cuộc sống, ông Hoàn được bạn bè, đồng nghiệp quý mến, tạo dựng được nhiều mối quan hệ thân tình. Nhờ đó, ông liên hệ xin việc làm cho các cháu, động viên các cháu luôn cầu tiến, không ngừng vươn lên. Nhiều người được ông giúp đỡ nay đã trưởng thành, có của ăn của để, xây dựng được nhà cửa khang trang, như các anh: Doãn Đức Long, công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai; Đoàn Minh Trí, kỹ sư giỏi của một nhà máy ở tỉnh Đồng Nai; Nguyễn Tiến Lực, làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương khá cao…
Nặng lòng với đồng đội
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng CCB Nguyễn Quốc Hoàn luôn khắc khoải về các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Trăn trở khi biết nhiều đồng chí có thành tích xuất sắc nhưng chưa được tuyên dương công trạng xứng đáng, ông thay mặt Ban liên lạc truyền thống Đoàn Đặc công 113 xây dựng bản thành tích của Tổ Đặc công cảm tử đánh cầu Hóa An (nay là Cầu Mới trên địa bàn TP Biên Hòa). Tổ gồm 4 đồng chí, trong đó 3 đồng chí đã hy sinh. Sau khi hoàn tất hồ sơ, ông gửi hội đồng thi đua-khen thưởng các cấp đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể và các cá nhân tham gia trận đánh. Ông còn lặn lội từ Đồng Nai ra Hà Nội, đề nghị đơn vị cũ và Bộ tư lệnh Đặc công tìm gặp đồng chí còn sống trong trận đánh đó. Năm 2015, Tổ Đặc công cảm tử đánh cầu Hóa An được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Hiện ông Hoàn đang tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho tập thể Tiểu đoàn 23, Đoàn Đặc công 113.
Hàng chục năm qua, ông Hoàn vẫn vượt hàng nghìn cây số từ TP Biên Hòa về thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phùng Thị Khay, ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Mẹ Khay có hai người con trai đều hy sinh anh dũng trong chiến đấu. Chuyện là, năm 1972, khi đại đội của ông từ chiến trường miền Nam về đóng quân tại Ba Vì. Một lần tình cờ, ông vào chơi nhà mẹ Khay. Thấy trên tường nhà treo tấm Bằng Tổ quốc ghi công có ảnh và tên Phùng Văn Dậu, ông Hoàn hết sức ngỡ ngàng: “Đúng là chiến sĩ của mình đây rồi!”. Ngược dòng thời gian, năm 1968, Nguyễn Quốc Hoàn trực tiếp huấn luyện chiến sĩ Phùng Văn Dậu. Vậy là từ đó, ông nhận mẹ Khay là mẹ nuôi.
Hiện CCB Nguyễn Quốc Hoàn là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức sự kiện, Phó bí thư Chi bộ Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai. Ông là một trong những người đi đầu thành lập hội. Tuy hội thành lập chưa lâu, nhưng đã có nhiều hoạt động tích cực và ý nghĩa, như: Vận động kinh phí xây tặng nhiều căn nhà tình nghĩa; trao hàng trăm suất quà có giá trị tặng gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; vận động chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng… Các hoạt động do hội tổ chức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, người dân cùng tham gia, đồng hành. Nhiều năm liền, CCB Nguyễn Quốc Hoàn vinh dự được UBND tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam… tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác.
PHAN THU SA