Mối duyên với Việt Nam
Rehahn Croquevielle sinh năm 1979, tại Normandie, Pháp. Anh là nhiếp ảnh gia nổi tiếng chụp ảnh chân dung, được ví như “người lưu giữ linh hồn nhân vật”. Trong sự nghiệp cầm máy, Rehahn đã có nhiều bức chân dung nổi tiếng và có giá trị cao. Trong số 35 quốc gia trên thế giới mà Rehahn đã đến, anh đặc biệt ấn tượng và có nhiều kỷ niệm đẹp với Việt Nam.
Rehahn trong sự kiện trưng bày Bộ sưu tập “Di sản vô giá”.
Đó là một ngày cuối thu năm 2007, Rehahn lần đầu tới Việt Nam. Anh đi cùng đoàn với một Tổ chức phi chính phủ Pháp giúp đỡ các em nhỏ khó khăn ở TP Hội An. Tại đây Rehahn ngỡ ngàng với vẻ đẹp thơ mộng của một thành phố cổ, sự dịu dàng, mến khách của người bản địa đã tạo cảm hứng để anh chụp được nhiều bức ảnh đẹp.
Như trúng phải “tiếng sét ái tình”, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam luôn xuất hiện trong tâm trí của Rehahn những ngày tháng sau đó. Một năm sau, Rehahn trở lại Việt Nam, lần này anh chọn thị trấn Sa Pa (Lào Cai) là điểm dừng chân. Ban đầu Rehahn say mê chụp cảnh sắc Sa Pa, cho tới khi anh bị cuốn hút bởi các bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, Dao đỏ hay người Xá Phó ở đây. Trở về Pháp, Rehahn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về văn hóa và con người Việt Nam. Anh vui mừng và thích thú khi biết rằng Việt Nam có tới 54 dân tộc anh em. Nghe lời trái tim mách bảo, Rehahn quyết định bán nhà bên Pháp, đưa gia đình sang Việt Nam năm 2011 và chọn TP Hội An (Quảng Nam) là nơi định cư lâu dài.
Những kỷ niệm khó quên
Một lần đi dạo ở TP Hội An, Rehahn chụp được hình ảnh của cụ bà Bùi Thị Xong, khi ấy đang chèo đò chở du khách trên sông Hoài. Bất chợt thấy ống kính chĩa về mình, cụ Xong dùng hai tay che miệng cười và khoảnh khắc này đã được Rehahn lưu lại rất có hồn. Bức ảnh đó được Rehahn đặt tên là “Hidden Smile” (tạm dịch: Nụ cười ẩn giấu). Bức ảnh của anh sau đó được nhiều tạp chí nổi tiếng, như: Conde Nast Traveler, The Times và National Gegraphic bầu chọn là bức ảnh chụp cụ bà đẹp nhất thế giới. Từ TP Hội An, Rehahn bắt đầu rong ruổi khắp các nẻo đường của đất nước Việt Nam. Năm 2013, anh đi xe máy lên Tây Bắc trong 15 ngày, thăm hơn 40 bản làng người dân tộc, ghi lại nhiều hình ảnh và đón nhận tấm lòng mộc mạc, chân thành của những người dân nơi đây. “Họ chào đón tôi như người làng. Họ cho tôi thức ăn, trà và cả các sản vật địa phương nữa. Trẻ em, người già và cảnh vật đều tuyệt vời”, Rehahn chia sẻ.
Nhưng không phải chuyến đi nào cũng thuận lợi như lần lên Tây Bắc. Một lần Rehahn đến làng Pà Thẻn. Đường đi khó khăn, anh phải đi bộ gần chục cây số, băng qua vài con suối. Rehahn đến một trường học, gặp một giáo viên và nhờ cô ấy dẫn đến gặp trưởng bản. Nhờ có cô giáo làm phiên dịch, Rehahn đã thuyết phục được vợ của trưởng bản làm mẫu ảnh cho mình. Lần khác, Rehahn chụp ảnh chân dung về người Rơ Măm ở Sa Thầy (Kon Tum). Lần này, Rehahn phải mất 3 năm để làm quen, thuyết phục dân bản. Anh Briu Liếc, người dân tộc Cơ Tu từng nhiều lần đồng hành trong những chuyến đi với Rehahn, tâm sự: “Quá trình sáng tạo nghệ thuật của Rehahn là một sự lao động nặng nhọc. Tôi đã từng chứng kiến anh ấy mất tới hai ngày để chụp được một kiểu chân dung. Hay có lần Rehahn bị tai nạn xe máy khá nặng trong lúc đi chụp ảnh, song anh ấy vẫn không bỏ cuộc. Anh ấy có một sự nhiệt huyết, đam mê mà không phải ai cũng có được”.
Nhìn những bức chân dung của Rehahn, tôi cảm nhận được tâm hồn và những câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của nhân vật. “Làm sao để anh chụp được những bức chân dung tự nhiên và hồn hậu thế này?”, tôi hỏi Rehahn. Không cần suy nghĩ, Rehahn tươi cười đáp: “Công việc nào cũng thế, khi ta làm bằng cái tâm thì sẽ đạt được kết quả tốt nhất. Trước khi chụp ảnh chân dung, tôi luôn cố gắng nói chuyện và tạo dựng được sự tin tưởng với nhân vật. Có lần xin chụp mà nhân vật không đồng ý, tôi đã xin ở lại và cùng họ làm nương, cuốc rẫy, nhảy múa, ca hát. Dần dần họ hiểu được tấm lòng của tôi và đồng ý để tôi chụp ảnh”.
Một lần Rehahn chụp ảnh về cô bé có đôi mắt màu xanh rất đặc biệt. Em tên là An Phước, dân tộc Chàm, sống tại TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). Lúc đầu An Phước khá rụt rè và không đồng ý để anh chụp ảnh. Rehahn phải mất tới 3 ngày để trò chuyện cho tới khi được An Phước đồng ý. Sau đó Rehahn biết được gia cảnh của An Phước rất khó khăn. Thế là anh quyết định mua tặng gia đình An Phước một con bê.
Cùng với việc chụp ảnh, Rehahn còn làm nhiều việc thiện ở những nơi khó khăn mà anh đi qua. Trước đó, hai trẻ mồ côi ở TP Hội An đã từng được anh giúp trong chuyến đi cùng Tổ chức phi chính phủ Pháp, nay đã là thành viên trong gia đình anh. Cụ Bùi Thị Xong, nhân vật trong bức ảnh “Nụ cười ẩn giấu” được anh mua tặng chiếc thuyền mới. Hay trong đợt Sa Pa rét kỷ lục năm 2016, Rehahn đã vận động bạn bè quyên tiền mua áo ấm tặng những đứa trẻ người dân tộc Mông. Với Rehahn, việc chụp ảnh chân dung ở Việt Nam không chỉ là công việc, nó còn là cơ hội để anh thấu hiểu hơn về cuộc sống khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số ở dải đất hình chữ S.
Và những ước muốn cao đẹp
Sau khi gặp gỡ và giao lưu 48/54 dân tộc ở Việt Nam, Rehahn cảm thấy lo lắng về sự mai một đáng báo động của văn hóa các dân tộc đó. Anh lo những trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ dần mất đi, khi mọi người đứng trước lựa chọn trang phục rẻ hơn, tiện dụng hơn. Rehahn cho biết: “Việt Nam có 54 dân tộc, nhưng chỉ có 10 dân tộc hằng ngày còn mặc trang phục truyền thống. Với đà này, chỉ 5-10 năm nữa, những trang phục truyền thống đẹp sẽ mất đi và người ta chỉ còn thấy chúng trong bảo tàng. Ví như dân tộc Bố Y có dân số vài trăm người hiện chỉ có một người duy nhất biết dệt trang phục truyền thống. Hay dân tộc Bru-Vân Kiều, số người mặc trang phục truyền thống hằng ngày đã ít đi rất nhiều”.
Trước thực trạng trên, Rehahn tự nhủ mình phải làm một điều gì đó để góp phần giúp các dân tộc thiểu số gìn giữ được nét văn hóa của mình. Năm 2014, Rehahn xuất bản sách ảnh “Việt Nam-Những mảnh ghép tương phản” gồm 150 bức ảnh miêu tả sự đa dạng của đất nước. Sách ảnh này hiện nay được bán ở 29 quốc gia và trở thành một trong những ấn phẩm bán chạy nhất ở Việt Nam. Cũng trong năm 2014, Rehahn cho ra đời bức ảnh “Những người bạn tốt” với khoảnh khắc của cô bé có tên Kim Luân, 6 tuổi, người dân tộc M’Nông đang cầu nguyện bên chú voi. Nhờ bài viết giới thiệu của tờ Caters, bức ảnh này trở thành trang bìa của nhiều tạp chí nổi tiếng về ảnh trên thế giới.
Tháng 1-2017, Rehahn mở Bảo tàng Nghệ thuật di sản tại TP Hội An. Bảo tàng trưng bày nhiều bức ảnh chân dung người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nó giống như món quà Rehahn tri ân các dân tộc thiểu số và là phương tiện để anh truyền tải đến đông đảo du khách trong và ngoài nước hiểu được giá trị của văn hóa truyền thống Việt Nam. Tháng 8-2017, Rehahn tổ chức trưng bày Bộ sưu tập ảnh nghệ thuật “Di sản vô giá” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Hà Nội). Bộ sưu tập với 35 bức ảnh của Rehahn tái hiện cuộc sống, sinh hoạt của 48/54 dân tộc Việt Nam. PGS, TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khẳng định: "Qua ống kính của Rehahn, các bức chân dung được tái hiện với vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc. Những bức ảnh này không chỉ khiến người xem thích thú mà còn tự hào về nét đặc sắc của các dân tộc Việt Nam”.
Với Rehahn, Việt Nam chính là nơi tuyệt vời để anh sáng tạo nghệ thuật. Chia tay Rehahn, tôi cảm nhận được tinh thần sôi sục, khát khao lưu giữ và quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam trong ánh mắt của anh. Tôi chúc Rehahn sẽ chụp được ảnh chân dung của người dân 6 dân tộc còn lại của Việt Nam. Anh đáp lại bằng cái bắt tay chặt, giọng từ tốn: “Nhiệm vụ này không hề dễ bạn à! Nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức và cần thêm thời gian. Mục tiêu lớn nhất của tôi là muốn trưng bày nhiều bộ sưu tập ảnh chân dung về các dân tộc mà tôi đã chụp để giới thiệu đến đông đảo mọi người. Từ đó truyền thông điệp tới các bạn trẻ hãy yêu quý, trân trọng và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống củađồng bào các dân tộc Việt Nam”.
Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG